“Này Bà La Môn, xưa kia khi Ta chưa chứng ngộ chánh đẳng giác, khi còn là Bồ Tát, Ta nghĩ như sau: “Thật khó kham nhẫn những trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng: Rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỳ Kheo chưa chứng thiền định!
Này Bà La Môn, rồi Ta suy nghĩ: “Những Sa môn hay Bà La Môn nào, thân nghiệp không thanh tịnh, sống trong các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước, thân nghiệp không thanh tịnh, những tôn giả Sa Môn hay Bà La Môn ấy làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có thân nghiệp không thanh tịnh, sống tại các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Thân nghiệp Ta thanh tịnh. Ta là một trong những bậc Thánh.
Này Sa Môn hay Bà La Môn nào có khẩu nghiệp không thanh tịnh... Có ý nghiệp không thanh tịnh... Có mạng sống không thanh tịnh, sống trong các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước, mạng sống không thanh tịnh, những tôn giả Sa Môn hay Bà La Môn ấy làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên...
Này Bà La Môn, Ta tự quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi”.
CHÚ GIẢI:
Đoạn kinh trên đây vừa trả lời và vừa xác chứng về câu hỏi thứ nhất của các bạn: “Thưa Thầy chúng con có tu chứng quả A La Hán trong đời này không?”
Thường đặt ra câu hỏi là có câu trả lời, nhưng câu hỏi này đã có câu trả lời rồi, các bạn không chú ý mà thôi. Câu hỏi này có bốn điều nghi ngờ và một điều thiếu lòng tin:
1. Một là nghi mình không đủ khả năng tu tập.
2. Hai là nghi Thầy tu tập chưa tới nơi tới chốn.
3. Ba là không tin pháp mình đang tu tập.
4. Bốn là thiếu lòng tin nơi mình, nơi Thầy.
Phần đông những tu sĩ hay cư sĩ về tu tập tại tu viện Chơn Như, hay hỏi Thầy trong đời này mình có tu chứng quả A La Hán hay không?
Nếu thẳng thắn trả lời câu hỏi này có hai điều bất lợi cho người hỏi:
1. Nếu nói rằng được thì người này sinh ra ngã mạn, cống cao, tham vọng tu tập quá sức khiến cho cơ thể thành bệnh, v.v..
2. Còn bảo rằng tu không được thì lại sinh ra lười biếng, tu lấy có hình thức chứ tâm ý không còn nhiệt tâm, nhiệt huyết tu tập.
Còn riêng chúng tôi tu hành là để tìm sự giải thoát cho cuộc đời đầy đau khổ của mình chứ đâu phải để làm ông thầy bói mà nói chuyện vị lai cho mọi người. Thế mà mọi người không tự tin nơi mình, không lấy mình làm chỗ nương tựa vững chắc cho mình; không lấy mình làm hòn đảo cho chính mình, mới có những câu hỏi như vậy. Vì pháp Phật không có thời gian, đến để mà thấy… Không tu tập thì thôi mà đã tu tập thì có kết quả giải thoát ngay liền. Như vậy các bạn không đủ lòng tin hay sao?
Đã không tin nơi mình thì làm sao tu chứng quả A La Hán được. Phải không các bạn?
Để thay câu trả lời của chúng tôi bằng lời dạy của đức Phật trong đoạn kinh dưới đây: “Ở nơi trú xứ xa vắng, trong rừng rú hoang vu mà chúng ta không sợ hãi, khiếp đảm. Đó là vì thân nghiệp của chúng ta thanh tịnh. Thân nghiệp của chúng ta thanh tịnh thì chúng ta là một bậc Thánh”. Đây lời xác chứng của đức Phật, xin các bạn đọc lại trọn đoạn kinh trên thì sẽ biết rõ ràng, các bạn tu chứng hay không tu chứng quả A La Hán đều biết không cần phải hỏi Thầy.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sưu tập (tạm thời) sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã download từ các trang web trên, bạn có thể tải về: Click tại đây