Trong toàn bộ giáo trình về pháp môn tu tập thực hành của đạo phật thì pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý là một pháp môn độc đáo, tuyệt vời nhất, cũng là một pháp môn nòng cốt nhất của đạo Phật. Bắt đầu từ tu tập giới luật xả tâm đến tu tập Thiền định và Tam Minh đều dùng nó. Duy chỉ có pháp môn nầy mới có đủ đạo lực, đủ khả năng làm chủ sanh, lão, bệnh, tử.
Vậy, Như Lý tác Ý là gì? Như Lý Tác Ý (còn gọi là Pháp Hướng Tâm, Pháp Dẫn Tâm) là phương pháp dẫn tâm vào lý chân chính giải thoát của đạo. Đây là phương pháp giống như “tự kỷ ám thị” (auto suggestion), dùng một câu nói tác ý (khởi ý) để gom tâm lại, tập trung thành một khối nội lực, không để tâm phân tán. Thí dụ: Khi tâm đang suy nghĩ miên man, thì dùng pháp hướng tâm mà nhắc tâm như sau: “Tâm hãy quay vào, định trên thân, không được phóng dật quay ra ngoài”. Khi ngồi thiền mà ngủ gục, muốn cho tỉnh thức thì dùng câu tác ý: “Tâm phải tỉnh thức, không được ngủ và nằm chiêm bao”.
Chỉ có tu tập pháp môn nầy mới trở thành một đạo lực siêu việt không thể nghĩ lường được.
Muốn xa lià và đoạn dứt tâm tham, sân, si, mạn nghi, thì duy nhất chỉ có pháp môn nầy mới ly và đoạn dứt các dục và ác pháp, ngoài ra không còn có pháp môn nào khác nữa.
Muốn nhập các định Như Y Túc thì pháp môn này đủ nghị lực để giúp cho hành giả muốn nhập loại định nào thì tuỳ ý nhập được liền.
Muốn nhập được Tam Minh và Thần Túc Thông thì ngoài pháp môn nầy ra không có pháp môn nào thực hiện được.
Tóm lại, pháp Như Lý tác Ý là một pháp môn độc nhất của đạo Phật để đưa con người thoát ra cảnh khổ của kiếp người, và biến hành giả thành một siêu nhân, một thánh nhân. (V/184-185) * Người tu thiền định mà không biết sử dụng Như Lý tác Ý thì không thể nào nhập các định được.
Đại Thừa và Thiền Đông độ nhắm diệt trừ vọng tưởng (Không niệm thiện, không niệm ác), tìm cái tĩnh lặng của Niết Bàn (bốn tánh của Niết Bàn là: thường, lạc, ngã, tịnh).
Phật dạy tu Thiền không phải ở chỗ nhiếp tâm, hết vọng tưởng để nhập định và nhất tâm định tĩnh. Ngược lại, Phật dùng pháp Như Lý tác Ý để trừ diệt, đi đến diệt vọng tâm, tham, sân, si, mạn nghi. Chính nhờ diệt trừ chúng, mới đạt được nhất tâm, nhập được tứ thánh định.
Dùng Như Lý tác Ý để ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm, quét sạch ngũ triền cái, đoạn dứt thất kiết sử, tâm vô lậu thanh tịnh, không còn đắm nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của thế gian, tâm được thanh tịnh, gọi nó là Định. ( V/198) Với Thiền Nguyên Thuỷ, vọng tưởng không thành vấn đề. Đối tượng tu tập là diệt tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử. (V/199-200) Trong Sơ Thiền có Tầm, có Tứ. Tầm không phải là định tướng (như một bài đăng trên báo Giác Ngộ) mà là hướng về thiện pháp. Tứ không phải là bám sát vào định tướng, mà Tứ là Như Lý Tác Ý để diệt ác pháp. Như trong bài Kinh Xuất Tức, Nhập Tức, Phật đã dạy về Định Niệm Hơi Thở, Như Lý Tác Ý rất rõ ràng: “Quán ly tham, tôi biết tôi hít vô. Quán ly si, tôi biet tôi thở ra”. Đó là Tứ Như Lý Tác Ý để xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi, tức là xả ngũ triền cái. Thiền của đạo Phật không phải là Thiền ức chế tâm, mà dùng hơi thở để xả tâm. Cho nên Phật dạy: “Muốn nhập Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền thì phải Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý”.
IV/58. Muốn hướng tâm Như Lý tác Ý (ám thị) có kết quả, nghĩa là hết tham, sân, si thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, ăn ngủ độc cư, sống trầm lặng một mình, thường sống biết nhẫn nhục tùy thuận, bằng lòng, chớ không phải chờ hết vọng tưởng như nhiều người tu thiền lầm tưởng.
Đó là lấy tâm “ám thị”, vừa lấy giới phòng hộ sáu căn, vừa sống lập đức, lập hạnh. Tu đúng như vậy thì tâm lần lượt sẽ được thanh tịnh, lần lượt ly dục, ly ác pháp, cho đến thanh tịnh hoàn toàn (tham sân si quét sạch).
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây