Hỏi: Kính thưa Thầy! Thế nào là đặc tướng của thân, thọ, tâm, pháp? và pháp tu chứng như thế nào đối với thân, thọ, tâm, pháp?
Đáp: Đặc tướng là tướng riêng biệt của thân, thọ, tâm, pháp của mọi người.
Người tu theo đạo Phật phải tùy theo đặc tướng của mình, thì sự tu tập mới có kết quả nhanh chóng, không theo đặc tướng của mình tu tập thì kết quả khó thành tựu.
Đặc tướng còn gọi là khả năng riêng biệt của mọi người, không phải trời phú cho, mà do họ khéo huân tập trong nhiều kiếp.
Ví dụ: Một người nghe đức Phật thuyết pháp xong thì chứng quả Tu Đà Hoàn, có đầy đủ pháp nhãn, nhưng lại có người cũng nghe thuyết pháp xong mà tật nào vẫn còn tật nấy, không bỏ được.
Cuộc đời hành đạo của Thầy, Thầy đã đem chánh pháp của Phật ra nói khan cả cổ, chỉ có một pháp duy nhất là nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân quả để tâm ly dục ly ác pháp là đem lại sự giải thoát cho mình cho người. Một cuộc sống hạnh phúc vô cùng vô tận, thế mà mọi người ai cũng nghe và cũng thấy biết rõ ràng như vậy, nhưng bỏ ác pháp và ly dục thì chẳng ai bỏ được, cứ mãi ôm ấp trong lòng để mà khổ, mà đau, mà phiền não, mà tức giận v.v.. Nhiều khi Thầy tự đặt câu hỏi: “Tại sao vậy? Tại sao vậy???”.
Đấy cũng là đặc tướng của mỗi con người chúng ta biết làm sao hơn! Khi tu hành Thầy chỉ nhận ra ý này của Phật mà buông xả xuống hết chỉ trong vòng sáu tháng là thành tựu Tứ Thánh Định và Tam Minh một cách cụ thể và rõ ràng, thế mà chẳng ai tin.
Nếu một người không thành tựu được như vậy thì đời sống giới luật không bao giờ nghiêm túc và không bao giờ bất động tâm trước các pháp.
Người ta đánh giá trị của một tu sĩ ở đức hạnh, chứ không phải đánh giá trị ở thần thông và thiền định. Đức hạnh sanh thiền định và thần thông, chứ thiền định và thần thông không sanh đức hạnh, nói cách khác cho đúng như lời đức Phật đã dạy: “Giới sanh Định, Định sanh Tuệ”, chứ đâu có Tuệ sanh Định, Định sanh Giới.
Đặc tướng tốt hay xấu đều do nhân quả huân tập nhiều đời nhiều kiếp mà thành, chứ không phải huân tập trong một sớm một chiều mà có được. Cho nên, người có tài ba lỗi lạc là do sự huân tập nhiều đời nhiều kiếp, cũng như người tu nhanh chậm. Nếu chúng ta nói rằng mình tu chậm thì bỏ cuộc tu, tức là không huân tu nữa thì như vậy đặc tướng của chúng ta sẽ xấu và cuộc đời sẽ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ đau mãi mãi. Người ta tu nhanh là nhờ người ta tu nhiều kiếp rồi, còn mình tu chậm là do mình mới tu trong kiếp này mà thôi. Chính đó là đặc tướng của mỗi người. Vì thế càng tu chậm lại càng tu tập nhiều hơn; càng tu chậm lại càng tu tập kỹ hơn.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sưu tập (tạm thời) sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã download từ các trang web trên, bạn có thể tải về: Click tại đây