Không phải tất cả những “đại gia” Việt Nam đều sống giống như đẳng cấp mà xã hội gắn cho họ cái tên, mà phần nhiều cách sử dụng đồng tiền sẽ thể hiện giá trị thực chính con người họ.
Đẳng cấp xã hội
Khi cuộc sống được cải thiện, thì cũng là lúc xuất hiện một bộ phận không nhỏ những người được coi là “đại gia” trong xã hội. Xét về mặt chữ nghĩa thì “đại gia” khiến người ta liên tưởng đến những doanh nhân thành đạt, chi tiền như nước, xài đồ sang trọng. Nhưng có lẽ đó chỉ là một nửa của sự thực, vì phía sau sự hào nhoáng đó, không phải tất cả những “đại gia” Việt Nam đều sống giống như đẳng cấp mà xã hội gắn cho họ cái tên, mà phần nhiều cách sử dụng đồng tiền sẽ thể hiện giá trị thực chính con người họ.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt những vụ rình rang đám cưới bạc tỉ, đi xế hộp trị giá bằng tiền lương công chức cả đời gom góp cũng chẳng đủ, cho đến chuyện tặng con ngôi nhà vài chục tỉ đồng khiến báo chí phải lên tiếng. Dư luận có thể đặt ra câu hỏi tiền người ta kiếm được, người ta có quyền tiêu xài, có gì là sai trái? Rõ ràng, khi đồng tiền là của mình, mình có quyền được sử dụng, nhưng sử dụng đồng tiền đôi khi là đúng luật, song lại trái đạo.
Quan điểm ấy của chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung khiến xã hội phải đặt lại vấn đề người ta hoàn toàn có quyền được sống xa hoa giữa một ngôi làng đầy đói khổ, lúc đó không còn ranh giới giữa đúng hay không đúng mà là nên hay không nên làm, sự phân định lúc này là giữa pháp lý và đạo lý. Không những thế, ông Giản Tư Trung còn ví von một con cá ướp muối thì tươi, một người mà được ướp đậm bởi sự hiểu biết, giáo dục thì sẽ trở nên sang trọng. Bởi sang trọng không nằm ở tiền bạc, mà nằm ở bề dày văn hóa và giáo dục.
Cách đây ít lâu, khi thị trường chứng khoán thăng hoa, giá bất động sản tăng cao vùn vụt, thì cũng là lúc một bộ phận “giàu xổi” tại Việt Nam xuất hiện. Đi kèm với tầng lớp này là những cô chiêu, cậu ấm con của những cán bộ cấp cao lắm tiền nhiều của, hay chính bản thân những vị được gắn cái mác “đầy tớ của dân.” Họ sống trong một xã hội mới mở cửa, chủ nghĩa thực dụng là chất xúc tác khiến những kiểu chơi trội, cái tôi cá nhân có đất dụng võ. Từ người thường trở thành người giàu đã khó, từ người giàu trở thành đại gia xem ra còn khó hơn.
Nguyên nhân nào dẫn đến xuất hiện những con người như thế? Theo lời ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư InvestConsult Group thì những kẻ ngông nghênh có ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu là do tham nhũng và làm ăn bất chính mà ra, với tình trạng xã hội hiện nay không ai có thể làm ra quá nhiều tiền được bằng cách tương đối lương thiện. Với câu hỏi này, chúng tôi hỏi chuyên gia tư vấn tài chính cấp cao Bùi Kiến Thành, thì được ông cho biết:
“Những người tiêu xài hoang phí như thế là do họ giàu lên rất nhanh, đồng tiền đến với họ quá dễ dãi, người ta không đánh giá được giá trị của đồng tiền, người ta dễ dàng phung phí, hiện tượng này không chỉ ở Việt Nam mà các xã hội khác cũng như vậy.
Khi mình làm ra tiền thì cũng phải xem tiền mình làm từ đâu mà ra, do mình mua bán sản, mua bán đất đai, mua bán lúa gạo… có được sự chênh lệch mua bán. Không phải một mình mình làm ra tài sản đấy, có hàng vạn người tham gia vào quá trình tạo ra tài sản, nếu nói tiền tôi làm ra, muốn làm gì tôi làm là cách nói thiếu trách nhiệm.
Nếu mình xài một cách vô tội vạ thì không có ích lợi gì và cũng chẳng tạo ra một ấn tượng tốt gì cho mình cả.”
Theo ông Bùi Kiến Thành thì phong cách của một người có tiền phải là có trách nhiệm với xã hội, đồng tiền hiển nhiên không thể là thước đo tiêu chuẩn để đánh giá con người:
“Không thể dùng tiền để đánh giá con người như thế nào, tiền chỉ là một phần của cuộc đời, làm ra tiền không thể là chỉ tiêu duy nhất đánh giá con người được. Tất nhiên những người thiếu văn hóa, họ cho đồng tiền ghê gớm lắm, ngoài đồng tiền là không còn gì nữa. Những đại gia thực sự ngoài việc người ta thành đạt có tiền thì họ có trách nhiệm đối với nhân dân, đối với đất nước, đối với xã hội, người ta phải làm thế nào để tài sản của họ phục vụ cho lợi ích cộng đồng.”
Văn hóa tiêu tiền
Có thể nói, cách thức tiêu xài tiền bạc hay văn hóa tiêu tiền được xem là thước đo để nhận biết một đại gia hay trọc phú hoặc con buôn. Trong một lần phỏng vấn với báo trong nước, T.S Nguyễn Quang A cho rằng những người chân chính kiếm tiền bằng sức lực và trí tuệ thì họ rất quý trọng và biết cách tiêu tiền sao cho có ý nghĩa, chỉ những kẻ trọc phú thì mới hợm tiền, đó là một biểu hiện của sự xuống cấp hay đảo lộn thang giá trị và hệ thống đạo đức. Ông cho rằng chính phông văn hóa thấp kém, với tâm lý nhược tiểu, từ chỗ một người yếu đuối, kém cỏi tự nhiên kiếm được một đống tiền thì người ta hãnh diện.
Không ngần ngại, T.S Quang A còn kết luận đó là sự kệch cỡm, những hành động chơi trội đó không thể biến người ta thành sang trọng.
Nhìn một cách công bằng, việc làm giàu của những doanh nghiệp lớn, của các đại gia là điều hoàn toàn khuyến khích, bởi không ít trong số họ số tài sản được dựng xây dựa trên những bước đi kinh doanh táo bạo, quyết đoán với bộ óc nhạy bén, hợp thời. Tuy vậy, không phải những đồng tiền họ làm ra đều sạch sẽ, mà đâu đó vẫn bám đầy bụi bẩn của tham nhũng, của bóc lột. G.S Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhận định:
“Khi có người giàu lên do biết cách làm ăn, sản xuất, kinh doanh, phát minh, sáng chế thì đó là những sự giàu có rất đáng tự hào. Nếu trong một xã hội mà càng có nhiều người giàu có như vậy thì xã hội phát triển lành mạnh. Một số những người phất lên nhờ làm ăn bất chính, tham nhũng mà trở nên giàu có. Vì đồng tiền đó không phải là mồ hôi nước mắt, không phải do lao động ngày đêm cần cù mà có, mà đó là do sự gian manh thủ đoạn. Loại đó thường đi liền theo sự tiêu xài hoang phí, chạy theo thị hiếu, thậm chí là chớp lấy những cặn bã của nền văn minh mà ở các thế giới tiến bộ người ta đã loại bỏ, thì ở đây lớp người ấy lại hớp vào.”
Vậy hệ lụy nào sau bức tranh đối lập giữa một số nhỏ xài tiền bừa bãi, thiếu trách nhiệm, trong khi đại bộ phận người dân vẫn mới chỉ vượt qua ngưỡng đói nghèo. Phải chăng đó là sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng bị kéo rộng, tạo ra một hố sâu ngăn cách trong nhận thức của người dân về những tầng lớp thu nhập quá khác xa nhau:
“Diễn ra sự phân hóa trong xã hội, đây mới là sự phân hóa đáng sợ. Trong khi một số phất lên do làm ăn bất chính thì một số khác ngày càng nghèo khổ đi, đấy là một tình trạng cần phải báo động. Không co được khoảng cách này đi mà lại càng đẩy tới phân hai cực thì nó sẽ tạo ra sự mất ổn định xã hội.
Ở đây cần phải xác lập một sự cân bằng mới, trên cơ sở những người nào có tài năng, sáng kiến, sức lao động, người đó có quyền giàu lên. Người đó càng giàu lên bao nhiêu thì xã hội càng phát triển bấy nhiêu. Nhưng trong lúc đó, phải làm thế nào để hạn chế tối đa những người bị nghèo đi.
Phải lo lắng an sinh xã hội, tìm mọi cách nâng cuộc sống của người nghèo lên, mà đây lại là của đại đa số người dân. Vì thế cần phải làm hết sức quyết liệt, đó là cách để giảm khoảng cách phân hóa ngày càng đang giãn ra. Bên cạnh đó, phải chống tham nhũng, để những kẻ giàu lên một cách bất chính không có quyền làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác.”
Vẫn biết chuyện phân hóa các tầng lớp trong xã hội, sự mất cân bằng thu nhập là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi trong bất kỳ một xã hội nào không chỉ ở Việt Nam… Nhưng đồng tiền kiếm được đã khó, nhưng tiêu xài thế nào cho đúng cách, hợp đạo và có văn hóa có lẽ còn khó hơn nhiều.
Xin phép được trích câu nói của ông Trần Bạt làm câu kết cho bài tìm hiểu của mình: Tội ác của những thứ chơi ngông ấy kinh khủng lắm, nó không đơn giản chỉ là chúng ta cười rồi chế giễu đâu. Những người nhiều tiền không có tội mà chỉ những kẻ tiêu xài bừa bãi, xa hoa mới phá hoại các tiêu chuẩn sống, bởi những kẻ đó, có kiếm bao nhiêu tiền, đốt cháy bao nhiêu tiền thì họ cũng không có thêm giá trị đối với bất kỳ người nào có giá trị.