Bệnh sính ngoại

Có thể lý giải căn bệnh sính ngoại, sùng ngoại, nệ ngoại của người Việt ta bằng sự cắt nghĩa từ lối sống xửa xưa của văn minh nông nghiệp làng xã. Ngày trước cả làng cô kết với nhau trong vòng bao bọc của luỹ tre làng, chẳng mấy khi người ta được “lên huyện” nên nảy sinh tâm lý thèm khát cái mới.

Nhà thơ Nguyễn Bính đã rất tinh tế khi xây dựng một hình tượng cô gái đi tỉnh chỉ trong một ngày mà đã thay đổi hẳn trang phục, không còn cái yếm lụa sồi, cái quần vải đen...để mới mẻ rộn ràng với cái khăn nhung quần lĩnh...Cô gái này có đáng trách không ta chưa bàn tới, nhưng rõ ràng nhà thơ báo động cái đáng đề phòng là sự xâm lăng của văn minh đô thị đã nhanh chóng tràn ngập cái lai căng đến chốn chân quê.

Thời trước có chuyện ấy, thời nay vẫn có những chuyện ấy, thậm chí còn xảy ra đáng báo động hơn. Ấy là tình trạng lạm dụng thuật ngữ trong phê bình văn học. Không hiểu sao các nhà phê bình văn chương nghĩa lý cả ta cả tây đầy mình, mà vẫn cứ cam chịu để cho các con chữ bên Tây nó hành hạ trói buộc mình. Tôi muốn nói đến khái niệm hậu hiện đại. Bây giờ cứ mở bất cứ một bài phê bình nào nói đến văn chương đương đại là cũng bắt gặp ba chữ to đùng: hậu hiện đại.

Tôi cam đoan có nhà phê bình không hiểu thế nào là nội hàm khái niệm hậu hiện đại, chưa nói tới sự hiểu tường tận lịch sử khái niệm (người dùng đầu tiên, diễn tả trường phái, cắt nghĩa hiện tượng...) và các khái niệm gần gũi liên quan, biểu hiện ở các khu vực văn học...

Nhưng là vì mang cái tâm lý của anh nhà quê bó buộc trong cái luỹ tre bao đời nên muốn được thay đổi, thấy cái áo hậu hiện đại hào nhoáng của thiên hạ bán rẻ, thậm chí cho không bèn mang về mặc vào bất cứ hiện tượng văn học nào rồi hô to lên cho thiên hạ biết: đây là văn học hậu hiện đại. Chả thế mà có người cho thơ Hồ Xuân Hương là ...hậu hiện đại bậc nhất. Có người lại thấy Hồ Xuân Hương ở xa thời nay quá, bèn cho tất tần tật những nhà văn nào có vẻ ...hậu hiện đại, từ Lê Đạt, Trần Dần, đến Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Vi Thuỳ Linh, Đặng Thân... vào cái giỏ hậu hiện đại. Thành ra hậu hiện đại cả làng! Vậy mà hoá hay. Văn học Việt Nam đương đại là một nền văn chương hậu hiện đại!

Không biết các nhà văn được khoác cho cái danh hậu hiện đại có sung sướng gì không, nhưng chắc chắn trong số họ có người cũng không hiểu là vì sao mà mình lại được coi là hậu hiện đại!?

Cái gốc của vấn đề là không hiểu khái niệm và thống nhất được khái niệm.

Khái niệm hậu hiện đại ra đời trong lòng các nước tư bản phát triển những năm giữa thế kỷ XX, nở rộ vào những năm cuối thế kỷ. Nó có cơ sở xã hội và ý thức là khi xã hội bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, văn minh tin học bùng nổ, internet kết nối toàn cầu thành một cái làng, chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi...từ đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin, con người hoài nghi cả Thượng đế (bây giờ không cần Chúa vẫn có thể tạo ra những điều kỳ lạ). Con người không điều khiển ngôn ngữ mà ngược lại, ngôn ngữ lại điều chỉnh người. Dần dần một số nhà nghiên cứu khái quát thành lý thuyết với quan niệm về con người dị thường, ảo giác hoá, con người sống trong hoài nghi, hư vô, bi quan, phi lý...

Tương ứng với quan niệm này là cả một hệ thi pháp hậu hiện đại, như chủ đề phi trung tâm, không bản chất, sáng tác ngẫu hứng, lắp ghép, phân mảnh...Hình tượng mang tính phi lý mà nổi lên một “lục vô”: vô lý, vô bản, vô ngã, vô căn, vô hội (không khắc hoạ ngoại hình), vô dụ (không ẩn dụ). Tình tiết chồng chéo. Ngôn ngữ là một trò chơi...Có thể hình dung tác giả hậu hiện đại cầm một cái bình pha lê đập mạnh xuống sàn gạch, mảnh vỡ tung toé!!! Đấy là sáng tác hậu hiện đại.

Tuy ở ta chưa thống nhất về hậu hiện đại nhưng nhiều người thừa nhận tác giả có tác phẩm mang tính hậu hiện đại đậm đặc nhất là Đặng Thân với cuốn 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]. Xin trích ra một đoạn văn hậu hiện đại: “Úi a…sao mà nhức nhối ui… Còn mình thì đếk bít dòng rõi dòng rọc nhà lào chỉ biết nhà mình trồng thuốc lào cái rằng là quê iem ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ơi, mịa mấy lâu mọi người vẫn đố nhau xem thành phố tỉnh thành lào là mạnh về cái khoản ấy nhất cho nên chúng nó lục tìm trong các bài hát tìm hỉu thế là thằng Hà Nội thủ đô oách nhất, tự nhận là mình kinh nhất với dẫn chứng “kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao” ui chao thế cũng là oách lắm roài đủ sung sướng cho chị em lắm cơ nhưng mờ vữn đếk bằng Hải Phòng quê mình đâu nha: “Hải Phòng đó… hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu…” (tr 10).

Một đoạn văn nhại, giễu, vô nghĩa, vô hồn, vô lối, phản cú pháp, phản giao tiếp, lắp ghép, ngọng nghịu, … Không hiểu sao lại được tung hô?

Chung quy là cái bệnh sính ngoại.

Lại xin nảy một câu “chân quê” của Nguyễn Bính: Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê. Ơi các bác hậu hiện đại, quê các bác, nhà các bác ở tận bên Tây bên Mỹ, các bác ở đấy có rượu Tây mà uống. Sang đây xa xôi quá không hợp với thung thổ nhà em, em chả chơi, em về với chân quê nhà mình: Ta về ta tắm ao ta…

Previous Post
Next Post