Ở ta, việc quá nhấn mạnh đến bản sắc dân tộc dường như mang trong nó tâm lý vừa tự ti vừa tự thị. Nỗi lo sợ bị “xâm lăng văn hóa” khiến chúng ta co cụm lại, phát huy bản năng tự vệ. Về phương diện này đề cao tính dân tộc là một hình thức tự vệ.
Đối với một nước chậm phát triển như nước ta tâm lý ấy có thể coi là bình thường. Cái không bình thường là ở chỗ một mặt chúng ta tự ti nhưng mặt khác lại vẫn coi mình là nhất, theo kiểu mà những thanh thiếu niên hâm mộ bóng đá vẫn thường làm khi giăng băng rôn (banderole) “Việt Nam vô địch”, “Việt Nam chiến thắng” để cổ vũ cho đội nhà và biểu lộ tinh thần dân tộc của mình.
Thật ra tính hai mặt của tâm lý ấy xét đến cùng cũng chỉ là biểu hiện của một lối nghĩ, lối cảm nhận kiểu “ta về ta tắm ao ta...” vốn sinh ra trong một xã hội đóng cửa, lạc hậu, luôn bị ám ảnh bởi nạn xâm lược, từ đó mà đâm ra phản ứng tiêu cực với cái mới, cái khác mình, lấy lịch sử, quá khứ làm bình phong, chỗ dựa, biện hộ cho sự từ chối đổi mới, phát triển.
Lỗ Tấn đã từng diễn đạt rất hay tâm lý ấy của người Trung Hoa một trăm năm trước đây trong tác phẩm “A.Q chính truyện”. Khắc phục được cả hai cực ấy khi nhấn mạnh bản sắc dân tộc của văn hóa sẽ làm cho những cuộc thảo luận về văn hóa thẳng thắn hơn, mang nhiều tính khoa học hơn và do đó mà cũng có chiều sâu hơn, bổ ích hơn.
Văn hóa Việt Nam hay đúng hơn là văn hóa Việt cũng như văn hóa của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới đều có những nét độc đáo riêng. Nếu định nghĩa văn hóa là cái gì không phải của tự nhiên thì nhân loại sinh ra là đã có văn hóa. Đó là văn hóa tồn tại. Nó thể hiện những nỗ lực của con người trong quá trình khắc phục tự nhiên, khắc phục sự sợ hãi và tìm cách để tồn tại, sống còn. Văn hóa tồn tại có thể kéo dài rất lâu, tùy thuộc vào mức độ khắc nghiệt của tự nhiên cũng như những thành công hay thất bại của con người trong việc cải tiến công cụ sản xuất và tổ chức xã hội.
Ngày nay trên hành tinh của chúng ta vẫn còn những bộ lạc sống rất lạc hậu. Văn hóa của họ vẫn chỉ dừng lại ở mức văn hóa tồn tại. Mỗi tộc người, mỗi dân tộc tồn tại theo một kiểu riêng nên văn hóa của họ cũng có một diện mạo riêng hay như chúng ta vẫn thường nói, có bản sắc riêng. Quan sát lối sống của những người dân các cộng đồng ở một số vùng ở Châu Phi chúng ta thấy mặc dù xét trên bình diện văn minh họ còn ở mức rất thấp nhưng sinh hoạt của họ vẫn có những nét riêng, hấp dẫn du khách và các nhà dân tộc học.
Có thể nói bản sắc là bản chất của văn hóa, là tồn tại tự nhiên của văn hóa. Có văn hóa là có bản sắc. Bản sắc có thể đậm hay nhạt, độc đáo nhiều hay ít nhưng đã có văn hóa là có bản sắc vì văn hóa là cách tồn tại, cách ứng xử mà sinh vật nào, sự sống nào cũng đều tồn tại theo một cách riêng, giống như không có cây nào giống cây nào, không người nào giống người nào, không dân tộc nào giống dân tộc nào. Xét theo phương diện ấy, đề cao bản sắc chủ yếu không phải là nhu cầu tự thân của văn hóa mà là của cái ngoài văn hóa. Muốn bảo vệ và phát huy bản sắc cái chính không phải là ca ngợi và tỉa tót bản sắc mà là chăm lo cho sự tồn tại, cho cái gốc của văn hóa. Thân cây có mạnh thì hoa mới xinh tươi, rực rỡ. Đời sống cũng vậy.“Phú quí sinh lễ nghĩa”. Khi cuộc sống của người dân no đủ, xã hội lành mạnh, văn hóa cũng sẽ phát triển và bản sắc từ đó cũng sẽ tỏa sáng, lấp lánh theo một cách riêng.
Khi nhắc đến “Phú quí sinh lễ nghĩa” chúng ta đụng đến một thứ văn hóa khác văn hóa tồn tại đã nêu ở trên. “Lễ nghĩa” cũng là một hình thức của văn hóa, nhưng nó chỉ nảy sinh khi con người “phú quí”, giàu có. Xét về cách tồn tại hay về tính độc đáo, khó có thể nói văn hóa của một xã hội kinh tế nghèo nàn lạc hậu hay văn hóa của xã hội phát triển hay gọi tắt là văn hóa phát triển cái nào đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn.Nhưng xét về một phương diện khác, những thành tựu của văn hóa phát triển gần với đời sống con người hiện đại hơn, phong phú hơn, đồ sộ hơn.
Ở đây rõ ràng bản thân khái niệm văn hóa có hai mặt, chứa đựng hai phương diện khác nhau tương tự như trục tung và trục hoành trên mặt phẳng tọa độ. Một mặt, nó đánh dấu sự phát triển của con người (“Mỗi bước tiến của văn hóa là mỗi bước tiến tới tự do” – Engels), đánh dấu những thành tựu con người đạt được trên con đường khắc phục tự nhiên và tổ chức xã hội, trước là đảm bảo sự tồn tại của mình, dần dần tiến tới sự phồn vinh, hạnh phúc.
Mặt khác, văn hóa lại thể hiện cá tính, bản lĩnh, sự độc đáo, dấu ấn của sự phong phú tinh thần của con người trong việc lựa chọn cách tồn tại, cách phát triển, từ cách ăn, cách ở cho đến cách làm nghệ thuật, cách thể hiện niềm vui và nỗi buồn, đau khổ và hạnh phúc, cách sống và cả cách chết. Trong văn hóa cái mới và cái lạ đều quan trọng như nhau. Cái mới có thể không phải lạ và cái lạ có thể là cái cũ. Văn hóa chỉ chạy theo cái mới mà không có gì độc đáo thì cũng không hay, không hấp dẫn. Ngược lại chỉ khai thác cái cũ, cho dù nó có màu sắc thì văn hóa sẽ không có tính hiện đại, không theo kịp sự phát triển của cuộc sống.
Bản sắc cũng vậy. Một khi bản sắc là diện mạo riêng của tồn tại thì dù đó là văn hóa tồn tại hay văn hóa phát triển cũng đều có thể có bản sắc. Nếu chỉ tập trung khai thác bản sắc dân tộc trong nền văn hóa còn gắn liền với cuộc đấu tranh khốc liệt chống chọi với ngoại xâm và đói nghèo mà không coi trọng việc phát huy những nét độc đáo đang hình thành trong nền văn hóa của thời kỳ đất nước đang phát triển và hội nhập thì những tìm tòi về bản sắc dễ sa vào những loay hoay về hình thức và phương tiện thể hiện bề ngoài.
Năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO. Đó là bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển đất nước, kết thúc về cơ bản thời kỳ Đổi Mới. Trong bối cảnh đó, một cái nhìn bình tĩnh và khách quan về dân tộc nói chung và văn hóa dân tộc nói riêng, về cả cái hay và cái dở, cả mặt mạnh và mặt yếu trong tính cách dân tộc là hết sức cần thiết. Ý thức đầy đủ về những gì chúng ta có được trong quá trình lịch sử xét từ góc độ văn hóa tồn tại và văn hóa phát triển, nhìn nhận những nét độc đáo, bản sắc của văn hóa dân tộc một cách khoa học, tránh được tâm lý tự ti hay tự kiêu sẽ làm cho chúng ta hòa nhập dễ hơn, thực sự và mau chóng đưa nền văn hóa nghệ thuật của chúng ta đạt tới trình độ chung của văn hóa thế giới.