Tự ti và tự tôn (tự cao) là các phức cảm bộc lộ như hai thái cực ngược nhau, nhưng cùng do thiếu cảm thông, thiếu hiểu biết lẫn nhau, và đều dễ rơi vào tình huống xung đột.
Sự dữ dội của mặc cảm
Alfred Adler, người Áo, học giả đầu tiên về tâm lý cá thể (individual psychology) cho rằng cảm giác tự ti, kéo theo trầm cảm, xuất phát từ khi cá thể còn nhỏ tuổi. Các nghiên cứu tâm lý học cho biết nguyên nhân của mặc cảm (phức cảm) tự ti là do thiếu sự quan tâm của gia đình dành cho đứa trẻ, hoặc/và trách mắng, đánh đập nó thường xuyên, gây thương tổn cảm giác tự trọng của đứa trẻ ở tuổi vị thành niên.
Alfred Adler cho rằng “mặc cảm tự ti có thể dữ dội đến mức đứa trẻ nghĩ rằng nó không bao giờ được bồi thường cho chỗ yếu, chỗ thiệt thòi của nó”. Sự tuyệt vọng do mặc cảm tự ti có thể dẫn tới tìm cách áp dụng các biện pháp quyết liệt, như tự sát, hoặc ngược lại, dùng vũ lực để tìm lối thoát cho mặc cảm.
Cùng với các yếu tố tâm lý, còn có thể do các nguyên nhân khác gây mặc cảm tự ti: sức khỏe (tật tật bẩm sinh), xã hội (xuất phát điểm thấp), chính trị, sắc tộc (màu da, dân tộc thiểu số), nhân khẩu (bùng nổ dân số làm thành phần thu nhập thấp trong xã hội bị đẩy ra ngoài dịch vụ giáo dục, y tế...), ám ảnh mình sẽ không thành đạt, định hướng về tình dục (diện “thiểu số” về tình dục)...
Tự ti và tự tôn (tự cao) là các phức cảm bộc lộ như hai thái cực ngược nhau, nhưng cùng do thiếu cảm thông, thiếu hiểu biết lẫn nhau, và đều dễ rơi vào tình huống xung đột.
Bè cánh
Về tổng thể, tâm lý học giáo dục cho rằng mặc cảm tự ti là tiêu cực. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, nó là động lực thúc đẩy cá nhân thành đạt. Ngôi sao điện ảnh, truyền hình Anh Robert Pattinson từng thổ lộ, “nỗi sợ thất bại và tính tự ti” chính là động cơ cho thành công của anh.
Tuy nhiên, khi cá nhân có tính tự ti không có được các tố chất khả dĩ để vươn lên (tình trạng “tuyệt vọng”, theo Alfred Adler), người này có thể ngầm tìm cách dựa vào các bản năng, tập quán “bầy đàn” để đạt mục đích.
Giới học giả Việt Nam, đánh giá cao mặt tích cực của văn hóa thôn làng Việt như “tính cộng đồng”, còn chỉ ra mặt trái của nó, là thói bênh che vô lối cho họ hàng (và cả đồng hương), ngay cả khi “người nhà” mình sai, và những huyễn hoặc về quê mình “siêu việt”, rồi kỳ thị, “ghét” dân tỉnh này, chê vùng kia.
Do đặc tính tự quản (của thôn làng Việt ngàn đời nay, có mặt trái là cục bộ, địa phương), người Việt bước ra không gian ngoài thôn làng thường có biểu hiện, hoặc rụt rè (vì ngại “lệ làng” ở nơi khác khác quê mình), hoặc ngược lại: cư xử ngông nghênh hung hãn, rồi dựa vào “lực lượng” cùng huyết thống, bè cánh (và đồng hương) tới tiếp cứu, khi xung đột bùng phát...
Có những xung đột mà sự xuất hiện của họ hàng, bạn bè của một bên không có nghĩa là can gián, hòa giải, mà là nguy cơ cho bên kia. Kết quả là nạn nhân, bị đánh hội đồng bởi phe nhóm, đã tự vệ quá mức, đến nỗi cướp đi mạng sống đối thủ...
Sĩ diện hão
Theo các nghiên cứu tâm lý nước ngoài, những người trẻ (chịu mặc cảm tự ti), nhất là nam, có các triệu chứng: cố che đậy mặc cảm này bằng cách tỏ ra hung hãn; ưa sử dụng bia rượu; tỏ vẻ ham thích những trò chơi thời thượng (chẳng hạn, là fan cuồng môn bóng đá); đua đòi (tập quán thường xuyên “nâng đời” xe, ĐTDĐ...); “nô lệ mốt”, trang điểm, để tóc khác kiểu. Bên trong vẻ tự cao tự đại quá đáng (sành điệu) hoàn toàn có thể là cảm giác tự ái chịu tổn thương nặng nề.
Các nhà tâm lý học Nga cho rằng khi người có mặc cảm tự ti bị dồn đến chân tường, trong họ có thể xuất hiện xu hướng hành hung. Bạo lực có thể thành phương tiện, giúp người tự ti sỉ nhục những ai “bị” xem là hơn họ.
Một biểu hiện ngấm ngầm của sĩ diện hão, là tính hay ganh ghét, kèn cựa. Có những nữ sinh xinh đẹp, nữ tính hơn, hay học giỏi hơn, bị đám đông gán tội “chảnh” (tự kiêu) và bị hành hung bởi bạn gái cùng lớp; một số bà mẹ Việt kêu các “hoàng tử” của mình bị bắt nạt bởi đám trẻ trông lam lũ hơn...
Có những vụ đánh đập, thậm chí giết nhau của nam thanh niên vì “nhìn đểu” đã được các bạn nữ cùng lứa “bắt bệnh” trên báo chí, là do sĩ diện hão. Do truyền thống “trọng nam”, nhiều trai Việt hay bốc đồng, nhưng dễ chạm tự ái, hay dỗi, tưởng mình bị coi thường nên “làm dữ”...
Tính sĩ diện hão truyền đời qua những câu: “mời nhau ăn cỗ, đánh nhau chia phần”, “quan tiền công không bằng đồng tiền thưởng”, “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, “một miếng giữa làng”...
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ tiểu nông, độc canh sang chạy đua đạt “tăng trưởng cao” về số lượng, trong điều kiện năng lực tư duy không tích lũy kịp, đã biến nhiều người Việt từ chỗ rụt rè, hay cười trừ, “bình vôi” (vì không có chính kiến ngay), sang thiên về xử lý bằng “giải pháp tình thế”, chém gió, chống lưng nhau vì “lợi ích nhóm”. Nổi cộm những chây bửa, đi ẩu, làm ẩu (đi tắt đón đầu, xây nhà từ nóc), phát ngôn bừa, những vi phạm không bị xử lý thích đáng...
Một xã hội lành mạnh, có kỷ cương, kinh tế phát triển vững sẽ đề cao được lòng tự trọng, tự tin thực sự cho thế hệ mới, khi các cơ chế hòa giải và pháp luật, chứ không phải là cưỡng bách, ẩu đả, đóng vai công cụ giải quyết tranh chấp.