Này! Chẳng hiểu ai ở Bộ mình nghĩ ra việc treo khẩu hiệu "Tiên học lễ - Hậu học văn” cứ chềnh ềnh ở cổng các trường suốt mấy mươi năm. Có văn bản chính thức nào quy định bắt buộc không? Hay chỉ là các ông bà hiệu trưởng tự phát, thấy học trò thời nay láo quá rồi vơ luôn nó làm cái khiên tự vệ.
Ông bạn chuyên gia giáo dục đào tạo nước ngoài hỏi: Đó là triết lý giáo dục của Việt Nam sao? Mà nội hàm của nó quá khó hiểu.
Tra từ điển Việt-Anh (Lạc Việt trên mạng) càng phát hoảng: Lễ có bốn nghĩa chính: Kownow - quỳ lạy, khúm núm; to give money, present - cúng tiền, tặng quà; rite lễ - nghi, nghi thức, và festival, holliday - ngày hội, ngày nghỉ. Sứ mạng đầu tiên của giáo dục là dạy học trò khúm núm, hối lộ, tập nghi thức và dự lễ hội !!!
Tôi xua tay rối rít: No, no! Lễ đây là theo kinh điển Khổng giáo: như quân thần - phụ tử - phu thê (vua với quan, cha với con, vợ với chồng đối với nhau ra sao), quân tử - tiểu nhân khác nhau thế nào, quy tắc sống nhân, nghĩa, lễ trí, tín phức tạp lắm... phải tra từ điển tiếng Hán mới thấy!
Ông ta ồ à: Thế là ưu tiên môn giáo dục công dân, dạy kỹ năng sống... Cũng hay, nhưng lạc hậu quá. Sao giáo dục XHCN, hiện đại lại lấy giáo điều Khổng 2.500 năm cũ làm kim chỉ nam? Đến đó thì mình "tịt": Tôi cũng chả hiểu. Giống như các Văn Miếu thờ Khổng tử được tôn làm biểu tượng, lâu đài văn hoá quốc gia. Ở Trung Hoa ổng cũng chả được độc tôn như ở ta!
Hỏi các thầy cô giáo "Tiên học lễ" là mình dạy cái gì? Trả lời: Chả dạy gì hết. Không có môn Lễ, cũng không có nội dung chỉ thị hướng dẫn gì. Chỉ chung chung là "con ngoan trò giỏi", lễ phép với thầy cô, với người lớn, giữ vệ sinh chung, không ăn quà vặt, "cổng trường em sạch đẹp"...
Ông thầy tóc bạc sâu sắc hơn giải thích: Khẩu hiệu này ý nói học sinh đi học trước hết là học làm người có lễ nghĩa, đạo đức nhưng nếu lấy nội dung Kinh lễ ra mà dạy thì quả có hủ lậu. Nữ sinh mà phải Tại gia tòng phụ/xuất giá tòng phu/phu tử tòng tử (ở nhà tuân theo bố, lấy chồng tuân theo chồng, chồng chết tuân theo con (trai trưởng)... thì là vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền mất rồi!
Phỏng vấn phụ huynh về "Tiên học lễ". Có ba nhóm quan điểm khác nhau. Nhóm một, phần lớn là phụ huynh nghèo vùng sâu/xa: Chúng em thất học có biết Lễ là môn quái gì đâu. Các cháu được đến trường là phúc đức lắm rồi. Lễ chắc là tốt thì các thầy cô mới dạy trước chớ. Tụi em tuy nghèo nhưng vẫn lễ lạt đầy đủ. Rằm nào cũng biện đủ cái lễ trên chùa/đền cầu các vị phù hộ cho cháu nó học hành tấn tới!.
Nhóm thứ hai, phần lớn là nhà giàu: Chúng tôi không quan tâm. Các cháu nhà tôi học trường quốc tế từ mẫu giáo, đứa lớn thì du học. Tụi nó không học Lễ nhưng tiếng Anh với chuyên môn khá, đạo đức cũng đạt, biết tự chủ lắm, ra trường có việc liền, lương cao. Ta "Tiên học lễ" mấy thập niên rồi mà chất lượng vẫn đì đẹt thì nên thay đi. Vô ích, có khi còn cản trở không biết chừng.
Nhóm thứ ba, phần lớn trung lưu, có trình độ: Triết lý GDĐT hủ lậu, thậm chí phản động. Thời nay mà hòng khôi phục tư tưởng phong kiến! May mà đại bộ phận giáo viên không hiểu đạo Khổng, không học "tứ thư ngũ kinh", không áp dụng triệt để cái cùm "Lễ" chứ không thì còn khốn nữa! Các vụ giáo viên đánh phạt học sinh tàn bạo mà không hề áy náy bị báo chí lên án làm ta nhớ tới tín điều "yêu cho roi cho vọt" theo Lễ cổ xưa. Không hiểu sao Ủy ban Văn hoá Giáo dục không thấy chướng! Bộ ta nếu có chủ trương nêu triết lý này thì xin hãy chỉ đạo cụ thể, nhồi nội dung hiện đại, hợp thời vào cho chữ Lễ - và hướng dẫn công nghệ "tiên học lễ" tới các trường. Mà thế cũng chỉ thêm rắc rối. Tốt nhất là khuyến cáo các trường xóa ngay cái slogan tù mù này đi!
Hỏi trẻ con, học sinh thì phản hồi muôn hình vạn trạng nhưng tựu trung là nông cạn lơ mơ: Các bé cấp một tất nhiên không thể biết "lễ" là cái gì. Với cấp trung học Lễ là lễ phép, thêm nữa là biết chào hỏi, không nói tục chửi bậy. Cá biệt có em trả lời: Không quên ơn thầy cô, đi lễ, tặng quà thầy cô ngày nhà giáo hay ngày quốc tế phụ nữ. (Dịp này phần lớn phụ huynh đều nhớ "biện chút lễ mọn" gửi thầy cô, ghi rõ họ tên con mình kẻo thầy cô nhớ nhầm sang con người khác!)...
Nghĩa của Lễ trong phạm vi GDĐT của chị mới tù mù khó hiểu chứ ngoài đời bọn em Lễ dễ hiểu vô cùng: Trong sáng là lễ hội, vui chơi thả dàn. Thần bí là lễ bái đủ đình/chùa/đền/miếu/phủ... Đen tối là biếu xén, đút lót, phong bì, móc ngoặc, hối lộ... Chả có gì sâu xa khó hiểu cả. Những kỹ năng sống ấy ai ai cũng phải có. Không có đố mà sống nổi. Cụ Khổng thánh thật! Hai nghìn năm còn cứ thời sự rành rành!