Kể từ hồi thành lập chế độ XHCN dân ta đã mấy phen chứng kiến cảnh “khắc xuất, khắc nhập” địa lý hành chính các tỉnh, huyện. Mấy năm gần đây mốt phong trào XHCN này càng thêm phát triển. Ví dụ đặc biệt là việc sát nhập Hà Nội – Hà Tây. Ấy là “khắc nhập”, tinh thần làm ăn lớn. Còn sự “khắc xuất”, làm ăn nhỏ thì sao? Càng rầm rộ! Lý do? Một số địa phương chia lại các đơn vị hành chính tỉnh, huyện nhỏ ra, đơn giản là trở lại cách phân chia như cũ, cho rằng thích hợp hơn trong việc quản lý.
Xưa người Pháp chia nhỏ các địa bàn tỉnh, huyện ra chính là để tránh trao quyền lớn, tập trung vào tay số ít người và vì vậy, mục đích việc chia nhỏ là phân quyền, chia ghế, chia lợi lộc cho tầng lớp quan lại nhằm qua lớp người tay sai này cai trị dân chặt chẽ hơn. Nay nước ta độc lập, dân chủ, lẽ này mục đích “chia để trị, chia lợi lộc phe giáp” vẫn còn là một giải pháp quản lý chế độ đặc hiệu? Nhìn sang thiên hạ, nhiều nước lớn, diện tích và dân số ở từng địa phương có khi lớn bằng cả nước ta, các vấn đề văn hoá, tôn giáo, sắc tộc, tập quán phức tạp cũng chả kém, vậy sao họ vẫn quản lý tốt được, bằng chứng là nước họ an ninh ổn định, khoa học và kinh tế thì phát triển cao? Vì vậy, câu hỏi tất yếu phải đặt ra: Xã hội Việt Nam có gì khác?
Một điều cần ghi nhận tình hình chính trị nước ta hiện đang ổn định, kinh tế có đà đi lên. Về vấn đề địa lý hành chính, an ninh chính trị không có gì nổi cộm, sao vẫn chia tách tỉnh, huyện? Câu trả lời cụ thể và sâu sát nhất là do tập tính manh mún, cố kết, tự cô lập kiểu “tre ấm bụi” dường đã ăn sâu trong nếp nghĩ, tính cách người Việt và nó dẫn đến động cơ phân quyền bản vị, cát cứ, chia bôi lợi ích. (Có vấn đề chia để trị không?)
Một tỉnh nhỏ và nghèo như tỉnh Thái Bình chẳng hạn, hiện thời điểm tháng 4/2010 có 8 huyện, thị. Nguồn thu của tỉnh hàng năm chưa đủ để tự trang trải kinh phí cho các hoạt động từ chế độ lương tới xây dựng cơ bản, trung ương còn phải cấp kinh phí. Dự kiến sắp tới Thái Bình sẽ tách 4 huyện ra làm 8 huyện. Bộ máy hành chính vốn đã nặng nề nay lại càng thêm nặng nề gấp bội. Thêm huyện tất phải thêm tiền của để xây dựng các loại trụ sở và thêm người ăn lương.
Tham nhũng đang là một vấn nạn lớn, thêm một cơ sở hành chính là nhân thêm mối lo về vấn nạn này. Dân còn nói toạc móng heo rằng: Có chia thế mới có ghế để quan trên bán, quan dưới mua! Và nhân dân có ý kiến đánh giá, lãnh đạo các cơ quan công quyền ở ta khó tránh được cách lựa chọn nhân sự, ê kíp kiểu miền vùng, phe giáp và dường như ở cấp vĩ mô – Trung ương cũng còn nhiều vướng vấp cung cách quản lý theo tập tính “trưởng thôn, già bản” này. Qủa vậy thì đúng là căn bệnh tiểu nông - tiểu nhược - tiểu... vân vân cực nặng, khó bề cứu chữa được.
Việt Nam là một nước nhỏ. Nhiều người trong chúng ta còn nặng mang tâm lý mặc cảm “tiểu nhược” khi đối diện với người nước ngoài. Ấy thế mà trong việc quản lý đất nước, chính chúng ta lại cứ tự xé nhỏ mình ra. Xé từ hình thức địa giới đến tư tưởng, tình cảm. Có thể coi đây là một căn bệnh truyền kiếp thì gốc của bệnh không gì ngoài tập tính tiểu nông manh mún.
Chiếu giữa đình - kẻ cả trong làng vẫn còn là cơn khát của người Việt. Tập tính này, rõ ràng luôn cho người Việt phương thuốc an thần hữu hiệu mỗi khi gặp việc lớn, ngoài khả năng quản lý của mình. Và sâu rộng hơn, đây chính là lý do quan yếu gây cản trở chúng ta chưa thể xây dựng được một nền tự do – dân chủ thực sự. Bởi tập tính tiểu nông, phe giáp chính là nền tảng, là cơ sở hạ tầng cố kết của nhà nước phong kiến, quân chủ nghìn xưa.