Cái quái dị của mấy cây sanh khủng là chuyện nhỏ, nhưng sự méo mó bệnh hoạn của thị hiếu đương thời là đáng ngại. Việc các đại gia mới giàu có thẩm mỹ nông cạn không thể trách, nhưng việc bao nhiêu người đua nhau bỏ tiền tỷ để mua một món đồ chơi vô bổ như vậy là một chỉ số rõ ràng của khủng hoảng kinh tế. Nó chứng tỏ sự bế tắc trong môi trường đầu tư, khiến cho người có tiền không biết bỏ tiền vào đâu cho có ý nghĩa.
Trước kia, cứ nghĩ đến Hải Hậu là tôi hình dung ra gạo tám xoan. Cái tên gạo thật là hay, vừa dịu dàng, vừa chân quê, mà nghe qua đã thấy phảng phất hương thơm đặc biệt. Xung quanh loại gạo đặc sản tiến vua này thật nhiều giai thoại. Nghe nói phải hái lúa lúc chưa chín hẳn, phơi chưa khô hẳn, cất ủ thế nào, nấu cơm ra sao mới phát huy hết cái tinh túy của nó. Lại cũng nghe đồn tuy loại gạo này rất nhỏ hạt, mềm cơm, nhưng cây lúa thì lại vô cùng to lớn, gốc nào gốc nấy cứng như gốc sậy.
Thực ra tôi chưa được thưởng thức gạo tám xoan theo đúng quy cách của nó bao giờ. Trước đây thỉnh thoảng có người biếu, nói là gạo tám xoan Hải Hậu, nhưng ăn thì thấy không bằng gạo Thái Lan. Lại có lần được làm việc với Vinafood, đơn vị chuyên buôn gạo ở Việt Nam. Chuyên gia ở đây nói rằng thực ra gạo tám xoan chỉ có tên, nhưng thực sự không còn được thuần chủng, vì dân tự giữ giống, lại cấy cạnh các giống mới nên lai tạp cả. Kỳ này về Hải Hậu, tôi có để ý tìm lúa tám xoan, nhưng đi ba ngày không gặp, sau mới biết lúa này chỉ được trồng ở một số ruộng nhỏ trên ba xã Hải Phong, Hải Ninh, Hải Giang. Nghe đồn sản lượng lúa này rất ít, chỉ đủ để biếu quan chức, người thường ít khi được nếm, không biết thực hư thế nào.
Thay vì đồng lúa, ngày nay khắp vùng Hải Hậu đều xanh ngắt một màu cây sanh. Làng mạc nhà cửa, đâu đâu cũng âm u những rễ. Mấy năm gần đây, Hải Hậu phất lên nhờ cây sanh. Mỗi năm, Hải Hậu xuất hàng triệu cây sanh đi khắp cả nước. Đa số là cây phôi, nhưng cũng rất nhiều cây thế hoàn thiện. Ngút ngàn tầm mắt, đất trũng được đào rồi quật lên thành luống trồng sanh, xen lẫn những kênh, mương nước.
Các xã đều trồng sanh, nhà nhà trồng sanh, ai cũng làm cây thế. Hàng ngàn ha trồng sanh, hàng trăm ngàn người làm cây thế. Các đại gia Hải Hậu đều là đại gia cây. Kể cả chủ xưởng muối cũng đồng thời là chân cứng trong hội cây cảnh nghệ thuật. Hội cây cảnh họp ở ủy ban nhân dân huyện, ô tô đỗ chật bãi, rượu thịt linh đình. Hội này là đầu não kinh tế của huyện, ai ai cũng đều là tỷ phú, triệu phú, với những cây bán ít ra cũng vài trăm triệu. Từ thường dân tới quan phụ mẫu, ai ai cũng có cây thế, sập gụ, tràng kỷ, đồng hồ côn, vài món đồ cổ, vài con chim hót. Câu chuyện nếu không phải người này vừa bán cây 3 tỷ cũng là dáng cây kia độc nhất vô nhị. Thoáng qua thì là cả một miền thanh tú, cực lạc, vừa trù phú, giàu có, vừa ăn chơi sành điệu. Tuy nhiên, khi vào xem kỹ lại thấy nơm nớp lo âu.
Ngày xưa, các cụ nhà ta chơi cây thế cũng giống như người Tàu, người Nhật. Một nhóm người có cái chí muốn thu nhỏ vũ trụ trong một khoảnh sân nên làm thành cây bonsai. Cái quý của cây bonsai là phải thật già mà vẫn thật bé. Không những cây phải toát lên được thần thái tự nhiên của cây cổ thụ ngoài đời mà thực sự phải có tỷ lệ của một cây cổ thụ thu nhỏ từ thân, rễ đến hoa, lá.
Người Nhật làm bonsai còn thật hơn ngoài đời thật, tự nhiên hơn cả tự nhiên, thể hiện một sự hoàn hảo mỹ mãn, từ tổng thể tới từng chi tiết. Để làm được việc đó, người ta phải nghiên cứu hết sức tỷ mỷ hình thái của từng loài cây tự nhiên khi đến tuổi cổ thụ. Mỗi loài cây tự nhiên có một hình thái cổ thụ riêng, từ đặc điểm bộ rễ cho tới thân, lá, dáng cây. Không thể lấy cây sanh giả làm cây tùng cổ thụ. Mà rồi thì ngoài kỹ thuật ra, cũng phải cần hàng trăm năm, truyền từ đời này sang đời khác mới có được những cây bonsai quý giá. Những cây này thường ở đền chùa, tồn tại lâu dài như bản thân những di tích này, hoặc những gia đình danh gia vọng tộc lâu đời.
Kỹ hơn nữa, phải quan sát kỹ loài cây cổ thụ đó ở những địa hình, địa mạo, khí hậu, ánh sáng rất khác nhau sẽ có những đặc điểm thế nào. Muốn thể hiện đúng bản chất của một cái cây thì phải đặt nó vào trong bối cảnh đặc trưng của nó, chẳng hạn cây cổ thụ trên đỉnh núi đá vôi, cây cổ thụ bên đầm nước lớn, cây rừng trong cảnh thủy hạn v.v… Khi đó, cái cây phải ở đúng vị trí, tỷ lệ để toát lên được bản chất của cảnh quan một vùng. Thực ra đạt được đến độ đó thì mới gọi là thu nhỏ thiên nhiên.
Nhóm chơi thứ hai muốn qua cây mà bày tỏ cái chí khí hoặc bản tính của mình. Vì vậy mới có khái niệm cây thế, với những thế như quân tử, mẫu tử, huynh đệ, tung hoành, bạt phong hồi đầu v.v. Những cây này không cần giống cây tự nhiên lắm, nhưng cần thể hiện ý tưởng một cách rõ ràng. Bởi lấy cây để bày tỏ quan điểm nên mỗi người sẽ chỉ chơi một loại cây, một loại dáng, thể hiện tình cảm, chí khí của mình. Nhìn vào cây, biết chủ nhà là người thế nào.
Các loài được dùng làm cây thế do đó rất đa dạng, tuy nhiên, nhiều nhất là những loài ngoài đời vốn được tôn sùng là thanh cao, bền vững như mai, trúc, tùng, bách v.v… Khi ở dạng cây bonsai, tuy cây nhỏ nhưng tinh thần vẫn giữ được như cây tự nhiên, giống như chí khí con người có thể hòa đồng vũ trụ. Ngược lại, những tham vọng trần tục như sanh, đa, đề, lộc, sung tuy cũng được coi trọng nhưng thường ở dạng cây cổ thụ tự nhiên chứ ít khi làm thành cây thế, bởi lẽ những thứ này cần có lượng mới thành chất. Đa, đề, sung, lộc v.v… đều quý ở to, nhiều chứ ít, nhỏ thì có giá trị gì.
Ngày nay, các đại gia Việt Nam chơi cây cốt ở cái 'khủng', có nghĩa là càng to, càng kỳ hình dị dạng, quái thai quái gở càng tốt. Thay vì bỏ công thu nhỏ tự nhiên trong hàng trăm năm, người ta khai thác luôn cây cổ thụ trăm năm, chặt ngang lưng rồi đặt lên chậu, chơi bộ rễ khủng. Ai không đủ tiền mua bộ gốc khủng thật thì làm bộ gốc giả bằng cách bó một nắm cây nhỏ thành một bó lớn.
Trong các loài, có lẽ cây sanh thuộc loại thích hợp nhất cho nhu cầu điêu chát này. Cây này như những con ma, chặt đầu này mọc ra muôn vàn đầu khác, bó lại là dính liền, gặp gì quấn nấy, kỳ hình dị dạng, không cách gì chết được. Cây cổ thụ trăm năm, chặt trụi cả rễ, phát đứt ngang thân vẫn sống nhăn răng, đâm cành mọc lá tua tủa. Rễ sanh mọc túa ra khắp nơi, thoắt cái đã to như cổ tay, bắp chân. Vì vậy, cây sanh được ưa thích hàng đầu trong các loài cây làm cây thế, bonsai ở Việt Nam.
Hải Hậu đất tốt, lại ẩm trũng nên cây sanh phát triển rất nhanh. Cây trồng ở đây 1 năm lớn bằng ở nơi khác trồng 3-4 năm. Có hai loài sanh chính, một loại xuất xứ Nam Điền, lá nhỏ, chậm lớn, một loài khác từ miền nam, lớn nhanh, lá to. Chủ yếu, loại lớn nhanh được trồng nhiều. Cây được trồng thành luống ngoài ruộng, chăm bón tốt cho lớn nhanh. Khi định làm cây thế, người ta phải cắt thân, thay lá, có nghĩa là cắt bỏ hết lá của cây, rồi cấy mầm lá Nam Điền vào. Sau vài năm, cây sẽ có hệ lá nhỏ. Những cây sanh phổng phao, mỡ màng bị cắt ngang thân, bôi vôi, rạch cào chằng chịt ở vỏ để làm phôi cây thế. Cây nào cây nấy ngoe nguẩy cành cụt ra khắp phía như Medusa.
Sau một thời gian, vết thương lành dần, vỏ cây mọc phủ ra ngoài, nhưng vẫn còn những vết mím nhăn nhúm như những cái miệng móm mém. Từ những vết cắt đó mọc ra những cành con, cành nào cũng đều sẽ bị uốn thành dạng vòng vèo, tạo thành những búi quằn quại như búi thủy trần cho cá ăn. Cái thế quằn quại từ tổng thể đến chi tiết này được gọi là dáng Long, là dáng phổ biến nhất trong các dáng, cũng là cái thế phi lý nhất trong các thế, thể hiện cái hoài bão viển vông nhất của kẻ chơi.
Ngoài ra, còn một dáng rất ngớ ngẩn mà đặc biệt phổ biến là dáng trực hoành hay trực xiêu. Về bản chất, có một cành theo phương thẳng đứng, càng lên trên càng ngoằn ngoèo rồi thót lại bằng cái tăm, xung quanh tua tủa cành nhánh tạo thành một cái nón, đó là nhánh trực. Còn nhánh kia thì lượn hình sin theo chiều ngang, dài mãi ra đến vô cùng, là nhánh hoành, hoặc rũ rượi xuống, gọi là xiêu. Thực ra, chẳng có cây cổ thụ tự nhiên điển hình nào, nếu không phải bị tai nạn, lại có cái dáng phi lý như thế. Còn nếu nói là thể hiện nội tâm thì cũng không hiểu cái trực xiêu là lẽ sống thế nào.
Chúng tôi đi xem những cây được đánh giá là khủng nhất vùng, với giá hàng tỷ đến chục tỷ đồng. Cây đắt nhất là một cây long hoành, thực ra là một cây tự nhiên rất to đổ rạp xuống đất được bứng nguyên phần gốc về. Từ đó mọc lên mấy cành lún phún, được uốn thành tay tán một cách phi tỷ lệ, như những cánh tay tí hon mọc ra từ một thân người khổng lồ. Một cây nữa rao giá 7 tỷ, cũng là một dạng cây to lớn bị cắt cụt rồi uốn oéo khắp nơi gọi là dáng long. Ngoài ra, để tỏ ra là cây già, người ta còn rạch khắp vỏ cây những vết đều đặn hìn ôvan, trông như những vết loét của bệnh giang mai mà người ta vẫn gọi là săng giang mai. Ngay ở những cây đắt giá nhất này, cũng không hề có dấu vết của thời gian, của công phu, thẩm mỹ và hiểu biết nhà nghề. Nói chung, những cây sanh vốn được thúc cho lớn nhanh, rồi lại ép gấp cho quặt quẹo, vừa có cái nần nẫn, vừa có cái dúm dó, giống hệt như những thằng lùn, trông vừa thô lậu vừa đanh ác, ma quái chứ không được cân quắc thanh cao như những cây tùng, cây mai thế lâu năm.
Hỡi ôi, thời thế đảo điên, cái chơi cầu kỳ nhất của giới thượng lưu cung đình, thú tao nhã nhất của những chí sỹ bất đắc chí, những cái rách việc nhất của các hoạn quan, những cụ già về hưu ngày nay lại thành nguồn thu nhập chính, công việc lao động chính cho hàng trăm ngàn nông dân lực điền chân chất. Làm sao mà một người nông dân, ngay cả khi được phong làm nghệ nhân, lại có được sự tinh tế và rách việc cần thiết để có thể làm ra một cây thế giá trị, chưa kể khi anh ta còn muốn sản xuất đại trà?
Trớ trêu thay khi ở một đất nước nghèo nhất thế giới lại có thể chuyển đổi một vựa lúa chính thành một đồn điền trồng thứ cây vô bổ nhất, và người ta có thể bỏ hàng triệu đô la để sắm một cái cây quái thai chỉ vì một mộng tưởng bản thân là rồng. Cái quái dị của mấy cây sanh khủng là chuyện nhỏ, nhưng sự méo mó bệnh hoạn của thị hiếu đương thời là đáng ngại. Việc các đại gia mới giàu có thẩm mỹ nông cạn không thể trách, nhưng việc bao nhiêu người đua nhau bỏ tiền tỷ để mua một món đồ chơi vô bổ như vậy là một chỉ số rõ ràng của khủng hoảng kinh tế. Nó chứng tỏ sự bế tắc trong môi trường đầu tư, khiến cho người có tiền không biết bỏ tiền vào đâu cho có ý nghĩa.
Nhớ lại lịch sử Hà Lan thời kỳ khủng hoảng hoa tuy-lip. Thời đó, củ hoa được bán trên thị trường chứng khoán với giá trên trời. Một củ hoa hiếm có thể đổi cả một lâu đài. Thế nhưng chỉ trong một ngày, bong bóng nổ tung, củ hoa vứt đầy đường, giá rẻ hơn cả củ hành. Hàng vạn người phá sản, hàng ngàn đại gia tự tử. Ở Việt Nam gần đây thôi, cũng đã từng có những phong trào vô bổ như vẹt Hồng kông, chó Nhật, rồi nhím. Bao nhiêu người lao vào mua, bán lại cho nhau, đẩy giá ngày càng cao, để rồi một ngày kia vỡ mộng, cho không ai lấy. Không bao giờ một sản phẩm hoàn toàn vô dụng như vậy lại có thể trở thành một trụ cột kinh tế lâu dài. Nhưng vẹt Hồng Kông, chó Nhật chưa bao giờ ảnh hưởng tới cả huyện, chưa bao giờ chiếm hàng ngàn ha lúa, huy động hang trăm ngàn nhân công. Ngày nay, nhìn những cánh đồng cây sanh bạt ngàn ở Hải Hậu, chưa kể Nam Điền, Văn Giang và nhiều nơi khác trên toàn quốc mà càng thấy thương cho người nông dân mà ngày sập tiệm chắc chắn chẳng còn xa.
Trời cho Hải Hậu miền đất trù phú, nuôi những cây sanh lớn nhanh như thổi. Hy vọng sức sống của mảnh đất này cũng như những cây sanh, mặc dù hàng trăm ngàn người ra sức cắt, chặt, bóp méo nhưng vẫn sống, chặt chỗ nọ lại mọc chỗ kia, vớ gì bám nấy, len lỏi tìm được đường sống. Và cũng mong nghề nghiệp không vận vào số phận, rằng những người nông dân đang hàng ngày cầm cưa cầm kéo kia không phải đang cắt chặt những mầm sống, những cơ hội của chính mình.
Kiệt đi Hải Hậu, bảo đến đây mới biết cây sanh là đắt. Lại vào một vườn sanh, chạy bật ngay ra nôn thốc nôn tháo vì người ta mới bón phân gà thối um, thốt lên: nếu cả đời ngập trong cứt thế này thì tiền tỷ vẫn còn là rẻ. Bác Tùng bảo: có người Pháp giải thích tại sao con gà trống Gaulois là biểu tượng nước Pháp, đó là vì con này hai chân ngập trong cứt vẫn còn gáy. Kiệt ngẫm nghĩ: vậy thì cây cối cao đạo hơn con người, từ không khí, ánh sáng tổng hợp ra dinh dưỡng, lấy phân rác làm niềm vui. Trong con người thì nông dân Hải Hậu lại là cao đạo, ngửi phân gà mà ra tiền tỷ, cần học tập, cần học tập. Cu cậu quyết định ngồi một tiếng trong vườn sanh, và cho rằng đời sẽ không bao giờ thấy gì là thối nữa.
KTS Phó Đức Tùng