Ở trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người Việt Nam chúng ta, ngự trị khái niệm LÀNG. Làng đồng nghĩa với bản quán, với quê cha đất tổ. Mỗi người trong chúng ta đều gắn bó với một cái làng nào đó. Nếu đó không phải là nơi ta trực tiếp chôn nhau cắt rốn thì cũng là nơi cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên ta sinh thành. Đối với chúng ta, làng vừa gần gũi vừa thiêng liêng.
Văn hóa làng - cội nguồn của văn hóa dân tộc
Làng Việt Nam là một đơn vị quần cư của một cộng đồng cư dân nông nghiệp, có lãnh thổ riêng, có phong tục tập quán đặc thù. Làng bao gồm nhiều dòng họ, gia đình, tập hợp lại thành một cộng đồng cư dân gắn bó với nhau trên cơ sở nghĩa tình; ngoài tình cảm gia đình, dòng họ còn có tình hàng xóm láng giềng, tình làng nghĩa xóm. Nghĩa tình làng xóm gắn bó với nhau chặt chẽ, sâu sắc, bền chặt trong điều kiện nền nông nghiệp lúa nước, khi cộng đồng dân cư của làng phải gồng mình lên, hợp tác với nhau để chống hạn hán, bão lụt, chống những kẻ thù từ bên ngoài xâm phạm đến cuộc sống bên trong luỹ tre làng. Làng hân hoan trong những dịp lễ hội khi mọi người cùng chung vui với những sinh hoạt cộng đồng truyền lại từ bao đời. Xưa kia, người ta sinh ra ở làng, khi lớn lên, có thể học hành thành đạt, ra làm quan, suốt một đời bươn trải trong chốn quan trường, nhưng khi về già vẫn tìm về với làng, lại làm thành viên của làng, chia sẻ vui buồn với những gì diễn ra bên trong luỹ tre xanh. Cứ thế, người dân Việt ngàn đời gắn bó với làng một cách tự nhiên và máu thịt.
Văn hoá làng trùm lên, bao bọc mỗi đời người và nhiều thế hệ người. Xã hội Việt Nam xưa là xã hội nông nghiệp. Thương nghiệp và các ngành nghề khác kém phát triển, ít được coi trọng nên thành thị, kẻ chợ cũng kém phát triển. Làng là nơi sinh sống chính của cư dân, là cội nguồn xây dựng nên nền văn hoá dân tộc. Bởi vậy, văn hoá làng, cùng với văn hoá gia đình là tiêu biểu cho văn hoá dân tộc; văn hoá dân tộc, suy đến cùng, là văn hoá "siêu làng", là sự liên kết tổng hợp văn hoá của mỗi làng riêng biệt trên đất nước. Đương nhiên, cũng có thể nói đến một tầng văn hoá khác: Tầng văn hoá cung đình, quan lại. Đây là văn hoá của tầng lớp vua chúa, quan lại, mặc dù vẫn mang những đường nét bản sắc dân tộc, nhưng thường đã pha tạp nhiều chất ngoại lai, nhất là của văn hoá Hán.
Có vị trí đặc biệt trong văn hoá dân tộc nên văn hoá làng có tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt của xã hội cổ truyền Việt Nam, trong đó có rất nhiều tác động ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các truyền thống dân tộc. Ở đây chúng tôi chỉ lựa chọn để trình bày một số nét đặc trưng của văn hoá làng có tác động rõ rệt nhất đến truyền thống hiếu học.
Phân chia ngôi thứ - trục chính chi phối sinh hoạt văn hóa làng xã
Có thể coi cái trục chính chi phối các sinh hoạt văn hoá làng xã Việt Nam xưa là sự phân chia thứ bậc xã hội theo bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản và tuổi tác, thể hiện cụ thể trong việc phân chia ngôi thứ ở chốn đình trung.
Trong môi trường văn hoá làng, người Việt xưa rất thích danh, thích tiếng, và trong thực tế cũng rất cần có được danh tiếng nào đó để khẳng định vị thế và quyền lợi của mình trong cộng đồng, cho nên dân gian có câu "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp", nhất là ở các làng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, việc phân chia ngôi thứ rất cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ. Vị thứ đình trung làng Đông Ngạc chia làm 10 hàng (mỗi bên 5 hàng). Trong đó 2 hàng trên gồm quan viên, hương lão, thôn trưởng; 8 hàng còn lại là chỗ ngồi của 8 giáp. Ở đại đình làng Ngọc Than, vị thứ cũng được phân chia thành hai bên tả hữu, mỗi bên 7 chiếu theo thứ tự chức phẩm, tuổi tác; ngoài ra, chỗ ngồi còn được bố trí ở gian tế đường bên trái và bên phải của đình.
Lệ xưa ở các làng có nhiều điều cụ thể khác nhau, nhưng về cơ bản có những nét lớn tương đồng. Phan Kế Bính trong cuốn "Việt Nam phong tục" đã phản ánh một cách khái quát việc phân chia ngôi thứ trong làng Việt cổ truyền. Ngôi thứ trong làng chia làm nhiều hạng được xếp theo thang bậc từ cao xuống thấp như sau: Chức sắc; chức dịch; thí sinh khoá sinh; lão hạng; dân đinh; ti ấu. Thang bậc cao nhất là chức sắc gồm "những người khoa trường chức tước. Khoa trường như các người thi đỗ tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài và thi võ đỗ tạo sĩ, phó bảng, cử nhân. Chức tước như các người văn từ cửu phẩm, võ từ suất đội trở lên. Dưới hai hạng ấy thì là ấm tử, viên tử. Có nơi binh đinh cũng dự vào hàng chức sắc...". Các thang bậc thấp nhất là ti ấu, dân đinh, lão hạng là những thang bậc được xếp theo tuổi tác, trong đó lão hạng là thang bậc dành cho những người có độ tuổi cao nhất trong làng.
Để được dự vào hệ thống ngôi thứ của làng phải là nam giới và phải có được những điều kiện nhất định, những điều kiện này là bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản, tuổi tác và phải có lễ khao vọng…. Như thế, để có được một góc chiếu giữa đình mang lại vẻ vang cho gia đình họ tộc, người ta phải phấn đấu kiên trì, gian khổ, có khi phải chi phí rất tốn kém đến khuynh gia bại sản vì khao vọng, bởi "vô vọng bất thành quan".
Người có được vị trí trong hệ thống ngôi thứ của làng được hưởng những quyền lợi tương ứng kèm theo về cả vật chất và tinh thần như: Chỗ ngồi ở đình; khẩu phần ruộng đất công; phần chia biếu trong các kỳ lễ lạt, khao vọng; quyền hạn, vị trí trong tế lễ cũng như trong khi bàn hoặc điều hành việc làng... Nhìn chung những người ở vị trí càng cao được hưởng quyền lợi càng nhiều và thường được trọng vọng hơn những người ở vị trí thấp hơn.
Hệ thống ngôi thứ theo nguyên lý trọng học - tiền đề xã hội cơ bản của truyền thống hiếu học
Việc định chiếu trên, chiếu dưới theo hệ thống ngôi thứ chốn đình trung đã phản ánh trật tự và sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội làng xã. Tôn ti (tức thứ bậc trên dưới) tạo ra trật tự và sự ổn định nhất định ở chốn hương thôn. Nhưng hệ thống ngôi thứ như vậy cũng trở thành mục tiêu phấn đấu, nhiều khi là tranh đấu, của cư dân làng xã nhằm vươn lên những nấc thang ngôi thứ cao hơn để thay đổi thân phận của mình. Trong hệ thống ngôi thứ trên, những vị trí cao và sự ưu đãi trước hết được dành cho những người có bằng cấp cao, nhất là những người có bằng cấp cao đã được dự vào hàng ngũ quan liêu, dưới đó, các thí sinh khoá sinh bình dân cũng rất được cộng đồng trọng vọng. Điều này tất yếu tác động đến tâm lý người dân, thúc đẩy họ học tập. Hơn thế nữa, trong các điều kiện cần cho việc được dự vào hệ thống ngôi thứ của làng như bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản, tuổi tác, ngoài tuổi tác là điều kiện tự nhiên ai cũng có thì bằng cấp với việc học tập để đạt được bằng cấp là điều kiện có cơ hội đạt được đối với hầu hết nam giới, miễn là họ có ý chí, quyết tâm kiên trì vượt khó trong học tập, cộng với tư chất bản thân. Điều này là cơ sở xã hội quan trọng tạo ra phong trào học tập và khuyến học sâu rộng trong dân chúng, mà hạt nhân là những người đi học cùng với gia đình, họ tộc của những người đi học.
Xã hội phong kiến Việt Nam xưa có bao nhiêu thứ luật lệ, quy định hà khắc, cổ hủ kìm hãm con người, nhưng riêng với sự học lại có sự cởi mở, dân chủ ở mức khá cao, thể hiện ở chỗ tạo cơ hội học tập và thăng tiến xã hội bằng con đường học tập cho hầu hết người dân, không phân biệt giàu nghèo và đẳng cấp xã hội. (Trừ phụ nữ và một số ít đối tượng xã hội đặc biệt như người làm nghề hát xướng chẳng hạn không được quyền dự các kỳ thi để có được bằng cấp). Như thế, hệ thống ngôi thứ của làng được thiết kế theo nguyên lý trọng học đã tạo ra một tiền đề xã hội rất cơ bản để từ đó nẩy sinh, thôi thúc tinh thần hiếu học của người dân. Người ta sinh ra và lớn lên ở làng, những người học hành đỗ đạt ra làm quan khi già cáo lão về quê, hoặc những người học hành nhưng không đỗ đạt hay đỗ đạt nhưng không ra làm quan đều có thể tìm thấy ở làng một ngôi thứ ưu đãi khẳng định vị thế xã hội của bản thân.
Ở đây cũng cần lưu ý rằng nguyên lý trọng học không phải ngay từ đầu đã có vị trí hàng đầu trong đời sống làng xã, mà nguyên lý này đã được khẳng định, đề cao từng bước và dần dần thay thế nguyên lý "trọng xỉ" (trọng tuổi tác). Bùi Xuân Đính trong công trình nghiên cứu "Hương ước và quản lý làng xã" đã nhận xét rằng từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, những quyền lợi "ưu đãi" không còn thuộc về các cụ nữa mà thuộc về những người có phẩm hàm, bằng cấp, chức tước. Trọng tuổi tác (cũng là trọng kinh nghiệm) là một đặc trưng của công xã làng xã làm nông nghiệp lúa nước. Sự thay thế nguyên lý "trọng xỉ" bằng nguyên lý trọng học phản ánh quá trình hành chính hoá công xã làng xã của Nhà nước phong kiến, đồng thời cũng phản ánh ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo và của nền giáo dục phong kiến (chủ yếu là Nho học) vào đời sống nông thôn. Thay thế kinh nghiệm bằng học vấn, dù dưới dạng thức nào, đều phản ánh sự tiến bộ xã hội. Quá trình như vậy là tiền đề xã hội quan trọng tạo ra và thúc đẩy phong trào học tập ngày càng phát triển sâu rộng ở các làng xã Việt, làm cơ sở cho sự hình thành và bồi đắp truyền thống hiếu học.
Trọng học vấn là nét đẹp truyền thống của dân tộc. Người dày công dùi mài kinh sử, đỗ đạt cao phần nhiều thường là người có tài kinh bang tế thế, có thể giúp dân giúp nước. Những người có học vấn cao ở làng, dù không làm quan thì cũng là bậc thầy có thể làm chỗ dựa tinh thần cho người dân, chỉ dẫn, giúp hoặc cùng họ đấu tranh cho đạo lý, lẽ phải ở chốn hương thôn... Nhưng nếu chỉ coi bằng cấp là phương tiện để đạt được vị trí cao trong hệ thống ngôi thứ xã hội nhằm vinh thân phì gia thì có thể sẽ sa vào thói chuộng hư danh, tệ chạy theo khoa bảng, cố đeo đuổi đạt được bằng cấp cao bằng bất cứ giá nào, coi thường thực học, thực nghiệp, dẫn đến bao chuyện tiêu cực trong học hành, thi cử và việc xuất xử trong cuộc sống về sau.
Từ hệ thống ngôi thứ trọng bằng cấp, học vấn, tinh thần trọng học được thể hiện cụ thể, sinh động trong các sinh hoạt văn hoá của làng, nhất là trong các dịp hội hè, đình đám, tế lễ, rước sách, khao vọng..., góp phần tạo nên môi trường tâm lý chung trọng học, hiếu học của làng trong lịch sử, từ đó góp phần làm cho hiếu học trở thành truyền thống và được bồi đắp.
TS. Nguyễn Danh Bình
Xem thêm: Máu làm quan hơn máu làm ăn; Bi kịch của thói quen đọc sách thời xưa cần được hoá giải
Xem thêm: Máu làm quan hơn máu làm ăn; Bi kịch của thói quen đọc sách thời xưa cần được hoá giải