Tối nay trên Discovery Chenel - một kênh truyền hình chuyên phát những chương trình khám phá khoa học tự nhiên và xã hội của thế giới - nói về đàn bò rừng mỗi con nặng nửa tấn, có những con bò mẹ có bê con. Đàn bò hàng ngàn con, nhưng lại bị chỉ 10 con chó sói đuổi chạy không ngừng nghỉ.
Đến khi 1 con bê con kiệt sức bị 10 con sói tấn công, thì chỉ 1 con bò mẹ nặng nửa tấn ở lại để chiến đấu với bầy sói bảo vệ con mình. Trong khi, cả đàn bò hàng ngàn con, to lớn khỏe mạnh vẫn bỏ chạy bỏ lại mẹ con bê chiến đấu một mình với bầy sói.
Có 2 tình huống diễn ra, một là, bò mẹ bảo vệ được con bằng tư duy tự vệ, và thoát khỏi đàn sói để nhập đàn. Và cuộc rượt đuổi tiếp tục diễn ra đến khi một bên bỏ cuộc. Tình huống thứ hai là, bò mẹ không thể bảo vệ bê con, và bê con trở thành miếng mồi cho đàn sói đói. Và đàn sói chỉ cần có thế là đủ, không còn rượt đuổi đàn bò rừng.
Chuyển sang một bối cảnh khác, đàn bò rừng bị đàn sư tử chỉ 3 con tấn công. Khác với sự việc đối đầu với sói. Lúc này, những con bò rừng khỏe nhất cùng chụm lưng với nhau quay về 3 con sư tử để bảo vệ bê con, và bò yếu. Vì khác với sói, chỉ cần no bụng. Sư tử không chỉ no bụng, mà còn muốn bắt thêm nhiều con bê và bò khác sau khi đã no. Sư tử săn mồi là một thú tính và một sự chứng tỏ sức mạnh của mình, chứ không chỉ vì bản năng đói khát.
Bò là loài động vật tự dưỡng chỉ ăn thực vật, không có nanh vuốt để tiêu diệt động vật khác. Hơn nữa, nhu cầu của nó là thực vật chứ không phải động vật. Nên nó chỉ có tư duy tự vệ và sinh tồn, không có tư duy hủy diệt các động vật khác.
Khác với loài bò, sói và sư tử là loài động vật dị dưỡng. Chúng không thể có cái bao tử 2 ngăn để vi sinh trong bao tử như bò biến cellulose thành glucose và ATP - Adenosin triphotpahte - để có thể tổng hợp protein từ cellulose và acid amine của vi sinh như bò. Nên loài động vật dị dưỡng phải trang bị nanh vuốt để ác hơn, hủy diệt các loài động vật khác cho quá trình đấu tranh sinh tồn của mình.
Nhưng bò hiểu tự vệ với sói chỉ là bỏ chạy, vì sói chỉ cần no, không cần chứng tỏ sức mạnh với muôn loài. Còn đối với sư tử, bò biết sau khi no, sư tử còn muốn tiêu diệt thêm những con bò khác nữa.
Song dù gì, thì tư duy của bò vẫn là tư duy tự vệ để sinh tồn. Cả đàn bò sẵn sàng vì sự sống còn của bản thân từng cá thể một hơn là cùng chung sức để đánh đuổi sói. Nhưng cả đàn bò sẵn sàng chung sức để tự vệ với sư tử khi bị tấn công. Đó được gọi là tư duy tâm lý hành vi theo thói quen, hay nói đúng nghĩa là quán tính tư duy. Tại sao cả đàn bò không thể thoát ra khỏi quán tính tư duy để chung sức chống lại chỉ 10 con sói, mà sức vóc và trong lượng chỉ bằng một con bò?
Các nhà Động Vật học nghiên cứu về tâm lý động vật và người, họ thấy có sự giống nhau về mặt mặc định trong não bộ về đẳng cấp các dòng họ và loài.
Họ thấy rằng, mặc định loài trâu và bò trong não trạng của chúng luôn bỏ chạy và sợ sệt loài chó sói, và chó chăn bò, nên bò trâu nuôi để giết thịt luôn chịu đựng sự chăn dắt của chó chăn bò, mặc dù, con bò thịt chỉ cần giẫm đạp thôi con chó đã nát nhừ.
Đối với con người cũng vậy, dòng giống làm chính khách luôn chăn dắt những dòng họ bình dân vì đẳng cấp thấp hơn về tư duy thỏa hiệp và tinh thần thép. Mặc dù, cả chục triệu dân bình thường cũng không thể chọi lại chỉ 1 chính khách nhỏ bé cũng từ tâm lý và đẳng cấp là vậy. Nó cũng giống dân nô lệ da đen xưa cam chịu làm nô lệ cho chủ đồn điền da trắng vậy.
Nhìn đàn bò rừng, sói và sư tử mà nghĩ đến con người không thấy có sự khác nhau. Con người tự cho mình là loài thông minh nhất. Nhưng trong sâu thẳm của quán tính tư duy của con người không khác đàn bò rừng đang được chiếu trên Discovery Chenel.
Trong con người của một xã hội cũng có loài bò người, loài sói người, và loài sư tử người. Bò người luôn làm thân trâu ngựa, để đóng thuế nuôi loài sói người, và loài sư tử người ăn trên ngồi trốc ở từng vị trí khác nhau trong hệ thống cai quản xã hội.
Nghịch lý của loài bò người là trong tư duy của chúng tự an ủi mình là loài lương thiện nhất trong đám loài người. Chúng có thể tự tìm lấy miếng ăn, tự sinh tồn bằng sức lực và trí tuệ mình. Và chúng tự mãn, tự sướng với khả năng của mình rằng, mình là loài lương thiện, tài ba nhất trong đám loài người. Nên chúng không có nhu cầu đòi hỏi bảo vệ cộng đồng, mà chỉ khư khư lo cái an toàn của bản thân mình, khi đồng loại bị loài sư tử và sói người tấn công.
Làm sao để loài bò người hiểu được, tư duy được để biết chung sức, mà không chỉ nghĩ riêng sự sinh tồn của cá nhân mình, mà chống lại sói, cũng như chống lại sư tử người là một quá trình gian nan và không phải lúc nào cũng làm được.
Quán tính tư duy, một quá trình kéo lùi nhân loại, giúp sức muôn loài đấu tranh sinh tồn và duy trì nòi sống cũng như sự sống tiếp nối theo lịch sử. Nhưng để thoát ra khỏi quán tính tư duy của bò, thành sói hay thành sư tử là điều quá khó cho những loại động vật bậc thấp được cho là người.
Bi kịch của loài động vật thông minh người là ở chỗ, nó không thoát ra khỏi tư duy bầy đàn của loài bò, sói và sư tử. Ấy thế cho nên đã là bò người, sói người hay sư tử người thì mãi mãi là tư duy của bò, sói và sư tử theo từng cấp độ khác nhau. Không thoát ra được.
Nguồn: Blog BS. Hồ Hải