Có khá nhiều cách gọi khác nhau đối với việc “nghỉ hưu”: “hưu trí” là cách gọi thông dụng nhất, để nói về một ai đó, sau thời gian tham gia lao động (chân tay hoặc trí óc), đến tuổi được nghỉ ngơi hoàn toàn, vẫn có lương (lương hưu) để sống tiếp, mà không bận tâm lo nghĩ gì nữa tới mọi công việc (và cả mọi sự đời?). Đó là kiểu “về hưu” đúng nghĩa nhất và cũng hạnh phúc nhất!
Nhưng trong thực tế, không phải ai cũng được thanh thản như vậy! Có người chưa đến tuổi, chưa đến hạn đã phải xin nghỉ (hoặc buộc phải nghỉ!), gọi là “hưu non”. Những người như thế, dân gian gọi đùa là ... bị cho (thậm chí bị... đá) “về vườn” – ý nói: tuy còn sức khoẻ, nhưng Nhà Nước không dùng nữa, đành đem sức ấy về “đuổi gà cho vợ” (kể cả khi vợ chả có vườn)!
Lại có người về hưu mà trí chả hưu, ấy là bị nghỉ làm việc một cách tức tưởi, do bị đồng nghiệp chèn ép, vu cáo; do bị cấp trên ghét bỏ,... Nghỉ như thế không thể không bất mãn, bất mãn với đời cũng có mà bất mãn với mình, cũng có! Nghỉ như thế cũng thường không được chuẩn bị trước về mặt tư tưởng, tâm lý, nên dễ bị hẫng hụt. Đã có những trường hợp, nghỉ hàng năm rồi, mà sáng sáng vẫn quần áo chỉnh tề, cắp “ca-táp” đến cơ quan; chỉ khi gần tới nơi, mới chợt tỉnh, nhận ra mình đâu có còn được đi làm?!. Họ như những người bị bệnh “mộng du” công việc – Người như thế cũng đáng thương lắm lắm!
Lại có kẻ, khi còn đi làm, vơ vét được khá nhiều công quỹ, nhưng không bị phát hiện (hoặc có bị phát hiện, nhưng không bị “xử lý”!), được nghỉ hưu – được “hạ cánh an toàn”! Loại này thường tỏ ra hí hửng lắm; nhưng chỉ hí hửng được thời gian đầu, chứ về sau, bị bà con lối sóm khinh bỉ, bất quan hệ đi lại; bạn bè chí cốt chả có, bạn “cánh hẩu” thì đã tan tác cả. Nghỉ như thế thì trí cũng chả được hưu! Hàng ngày sống trong “lâu đài” giữa chốn đô hội, mà cô đơn như giữa đảo hoang, tội nghiệp lắm! Hưu như thế, đúng là “hưu hắt”! Tiền của chất cao như núi, cũng chả mua được tình, được nghĩa! Thường đến lúc như thế, những kẻ đó mới thấm câu “quan nhất thời, dân vạn đại”!
Đáng thương là những người đã nghỉ hưu, đã quá tuổi lao động, vẫn phải làm việc vì miếng cơm manh áo! Ấy là do phải gánh một gia cảnh nghèo khó quá mức; trách nhiệm với con cháu vẫn đè nặng đôi vai già nua! Bởi vì cuộc sống có rất nhiều việc cần đến tiền quá mà lương hưu thì lại ít ỏi quá! Cũng có trường hợp, con cháu đều đã tự lập, không cần nhờ đến, nhưng chính vì không cần nhờ đến, nên bị con cháu khinh! Bưng bát cơm đạm bạc lên miệng mà không nuốt nổi vì những tiếng trì chiết: “bôn” cho lắm vào, bây giờ mới khổ mình, khổ con!
Vâng! “Bôn” cho lắm vào – Cái từ bôn này ám chỉ sự giữ gìn liêm khiết khi còn đang chức. “Được tiếng thì mất miếng” là lẽ đương nhiên! Nhưng nếu con cháu không thông cảm, thì nỗi đau ấy dằn vặt ta suốt quãng đời còn lại! Mà đâu chỉ con cháu? Cả họ hàng làng nước nữa chứ! Người ta “một kẻ làm quan, cả họ được nhờ”, ông thì “cứ đúng tiêu chuẩn, chính sách mà làm”. Thế là nghỉ hưu, về quê không được trọng vọng như cái kẻ tham lam nhưng biết co kéo về cho họ hàng làng xóm – mà họ gọi là “ăn, nhưng còn biết nghĩ đến người khác”!...
Ở quê tôi, có một ông chức to lắm, dân làng rất được nhờ, từ con đường “bê tông hoá” đến “ngói hoá” các lớp học,... thẩy đều có công của ông. Vậy nhưng ông có phải bỏ đồng “tiền túi” nào ra đâu (mà túi ông thì quá dư thừa tiền!)? Ông chỉ dùng tới cái “uy” từ cái “ghế” của ông mà thôi! Mọi việc cụ thể, có đàn em lo tất; lo chu đáo, không hề để lại “dấu vết” gì bất lợi cho ông! Ông “vừa được tiếng, vừa được cả miếng”. Người như thế thì con cháu nào, họ hàng nào, làng xóm nào có thể “mở mồm” chê trách được?!. Ấy là những người “khôn”, những người “thức thời”, những người “biết song hành cùng thời đại”! Trong khi đó, một ông khác, đóng góp cho quê hương chỉ bằng đồng tiền lương hưu chắt bóp tiết kiệm, thì phải ngồi “chiếu dưới” trong những bữa tiệc làng, tiệc họ,... mặc dù tuổi tác cao hơn ông kia! Bởi vì ông giữ gìn quá, ông “bôn” quá ông chả giúp cho làng cho họ được bao lăm, nên bây giờ phải chịu “lép vế”!
Trong xã hội ta hiện tại, làm bất cứ cái gì cũng phải “CHẠY”: chạy việc, chạy chức, chạy tội... Tưởng “chạy” thế là quá lắm rồi! Nhưng về nghỉ hưu cũng phải chạy, như trường hợp thày giáo Vũ Cao Thăng (Nam Ninh - Nam Định), có thâm niên dạy học trên 40 năm, thì là điều không thể tưởng tượng được? (Xem trích dẫn bài đăng trên báo NTNN ở cuối bài viết này).
Nghỉ hưu rồi, thì tình nghĩa cũng ... hưu! Đó là “chuyện thường ngày ở ... mọi nơi”! Thậm chí mới chỉ phong thanh được tin anh sắp hưu, thì “tình nghĩa” đã hưu trước anh rồi! Nhưng chuyện sau đây của ông bạn tôi, mới thật đáng kể: Ông chu đáo chăm lo đào tạo “người kế cận”, chu đáo đến chỉ còn thiếu việc “bế người đó lên mâm đã dọn sẵn” mà thôi! Vậy mà chỉ một năm sau, công sức của ông đã bị người kế cận đó phủi phui hết ráo! Thế cho nên người đời mới có câu: “thằng kế thì không cận, thằng cận thì không thể kế”! May mà cuối đời, người này nhận ra và hối hận; ấy là khi anh ta bị “vấp ngã”. Anh ta tìm đến ông, tạ lỗi với ông: “đời em tuy có lên được chức này chức nọ, nhưng trừ lần được anh vô tư giúp đỡ, đào tạo, còn thẩy đều phải “mua” bằng tiền; không bằng tiền thì cũng bằng nhiều thứ quí giá khác của con người!”. Nghe vậy, ông vừa mủi thương cho số phận người đó, vừa cảm thấy trong lòng có phần được an ủi đôi chút!
Nhưng không phải ai cũng có được sự may mắn đó của ông bạn tôi. Thế mới biết sống ở đời đâu có dễ!
Sống làm việc như thế nào, để khi nghỉ hưu được thanh thản cõi lòng; thể xác được hưu mà trí não cũng được hưu? Đó quả thật là điều không dễ có – với tôi, với bạn và với cả mọi người! Bởi nó đâu chỉ phụ thuộc bản thân ta? Nó còn chịu ảnh hưởng quan niệm sống trong xã hội, của thời cuộc và thế thái nhân tình tại thời mà chúng ta đang sống!..
Nguồn: dantri.com.vn