Cao Bá Quát, một đại thi hào của nước Việt ta vào thế kỷ thứ 19, trong cuộc đời nhiều thăng trầm, hoạn nạn và gian khổ của ông, đã có lần chán chường thốt lên:
Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Hai câu đối này được treo trước căn nhà nơi mà ông từng dạy học khi giữ chức giáo thụ ở huyện Quốc Oai, thuộc thành phố Hà Nội.
Bài viết này không phải là một bài nghiên cứu về thi hào Cao Bá Quát cũng như sự nghiệp văn chương của ông mà chỉ lấy cảm hứng từ cái nhận xét đám học trò “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” này để mượn cớ tìm hiểu rộng hơn về con người, thân phận và cuộc đời.
Vậy Con Người là…con chi? Trong con người có một phần vượn, phần đười ươi? Ngợm chẳng phải là một con chi, ý muốn nói trong câu đối kia chỉ mang cái nghĩa là ngu ngốc, dại khờ, nghịch ngợm, lêu lổng, không chịu học hành, không ra gì.
Ngôn ngữ Việt ta có chữ Con và chữ Cái thật vô cùng hay!
Chữ Con vừa dùng được cho người, thí dụ như con gái, con trai, con bé, cũng như súc vật, con chó, con mèo, con heo, con dê và đồ vật, dụng cụ như con dao, con quay, con cờ, con diều, con thuyền, và cả thiên nhiên như con đường, con sông, con trăng…
Chữ Cái thì dùng cho đồ vật, cái bàn, cái ghế, nhưng cũng dùng cho súc vật như cái cò, cái vạc, cái nông (chim bồ nông)…và ở miền Bắc, chúng ta thường nghe tiếng Cái đệm trước cái tên để gọi con gái, Cái Hoa, Cái Hường, Cái Yến… mặc dù chữ Cái không phải là tiếng chỉ dùng dành riêng cho giống cái như tiếng “La” trong ngôn ngữ Pháp. Chữ Cái dùng để chỉ sự việc rất cụ thể: Cái ăn, cái mặc, cái này, cái kia, cái răng, cái tóc, cái nhà, cái chợ, cái búa, cái kềm mà cũng chỉ những gì rất trừu tượng: cái duyên, cái nợ, cái nghĩa, cái tình, cái danh, cái tiếng, cái khôn, cái khéo, cái ngu, cái dại, cái khó, cái dễ…
Vậy thì chữ Con hay Cái đều có thể dùng cho người mà cũng dùng cho đồ vật hay súc vật, sự việc và luôn cả khái niệm, ý niệm. Suy nghĩ kỹ thì đồ vật hay súc vật, dù là Con này Cái kia vẫn mãi mãi là đồ vật này hay súc vật kia nhưng với Con Người thì Cái hay Con có thể bị hạ xuống thành súc vật hay đồ vật, có khi cả quỷ sứ! Thí dụ, Cái thằng…khỉ này, Cái con quỷ kia, Cái đồ ăn bám, Cái thứ không ra gì…!
Chữ Con Người của ngôn ngữ Việt ta hẳn đã có từ lâu xa, trước khi các nhà khoa học thống nhất về định nghĩa Con Người là một động vật thông minh, Homo Sapiens, có hai chân và thuộc loài có vú. Vậy là người Việt ta đã nhận ra từ xửa từ xưa cái nửa vượn, nửa đười ươi nơi Con Người, nghĩa là cái tính chất động vật ấy, cái thú tính ấy nơi Con Người nên ngôn ngữ mới có chữ “Con” trước chữ “Người”. Dân Việt mình vốn dĩ thông minh không thua ai trên thế giới, đúng như thế?
Con người từ đâu tới và sẽ đi về đâu, chuyện này chúng ta không bàn đến vì đến thời điểm hiện tại chúng ta có rất nhiều giả thuyết, lý thuyết, học thuyết, quan điểm, dựa trên khoa học, triết học hay tôn giáo nhưng không hề có một sự thống nhất nào để đưa đến một kết luận, câu hỏi này hầu như muôn đời sẽ còn đó, bỏ ngõ, không có câu trả lời.
Chúng ta chỉ biết là chúng ta đã được sinh ra từ bụng mẹ, được cấu tạo từ tinh cha huyết mẹ và nhờ đó chúng ta có mặt trên trái đất này, cao lắm là một trăm năm rồi sau đó, thân xác sẽ rã rời, chỉ còn lại là cát bụi. Đó là điều duy nhất chắc chắn mà ta có thể xác định, chứng minh hẳn hòi và không một ai có thể phủ nhận.
Nhưng một khi đã có cái thân người, hai chân đứng thẳng trên mặt đất rồi, chúng ta sẽ làm gì, sống như thế nào và chết như thế nào?
Hiểu rõ Con Người chúng ta là ai trên cõi đời này chẳng biết có ích lợi gì không, có thay đổi được gì cho thân phận hay cuộc đời Con Người, tuy nhiên khi phanh phui tự tìm hiểu mình như triết gia Socrate đã nói: Connais toi, toi-même!
Hay như đức Phật từng dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” có thể chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi hiểu rõ bản thân hay bản chất của con người để biết định hướng cho đời mình, biết đối phó và ứng xử với các tình huống, hoàn cảnh bất như ý, bất toàn, bất an xảy đến?
Tất cả đều là những câu hỏi và chúng ta đang đi ngược dòng để tìm câu trả lời.
Vì sao lại ngược dòng? Vì chúng ta sẽ nhìn lùi lại từ cái tấm thân hài nhi bé bỏng cho đến lúc nó trưởng thành, già nua và gục chết!
Khi lọt lòng mẹ con người trần truồng, trơ trụi và chắc chắn là phải có sự hoảng sợ nên mới khóc rống lên như vậy. Có đứa bé nào ra đời mà không khóc? Không khóc thì sẽ bị bà mụ đánh cho phải khóc thét lên mới thôi. Đằng nào cũng phải khóc!
Con người òa lên khóc vì biết mình đang rơi vào bể khổ? Dường như thế! Không khổ, không đau thì sao lại khóc?
Khổ và đau vì bị một lực đẩy cực mạnh tống ra khỏi lòng mẹ ấm áp, thân thể lại trần truồng, cái cảm giác lành lạnh thật khó chịu làm sao! Lỗ mũi chưa biết thở là gì, cuống phổi chưa biết hô hấp là gì, bỗng đâu một luồng hơi, luồng khí ùa đến làm choáng ngợp, đôi khi còn làm cho ngất ngư, xay xẩm, tím mặt tím mày!
Chưa kể khi lọt lòng mà không suông sẻ, đôi lúc còn bị kềm kẹp kéo đầu, lôi ra, méo mó, mất cả thẩm mỹ. Lại cũng có khi bỏ mạng lúc chưa kịp lọt lòng vì bị dây quàng cuốn rốn siết chặt cổ. Vừa đau lại vừa khổ!
Và người mẹ cũng chẳng sung sướng gì khi đứa bé không chịu lọt lòng thuận chiều với cái đầu mà nằm ngược, nằm nghiêng, thật là đau đớn cho người mẹ và rồi có khi chính người mẹ phải bỏ cả mạng sống của mình. Cái chuyện sinh đẻ khó khăn thường được ví như một cuộc “vượt cạn”, thập tử nhất sinh của người mẹ. Nhưng hiểm nguy không chỉ đe dọa người mẹ, đứa bé cũng thế thôi. Có đứa thì may mắn sinh ra dễ dàng, nhanh chóng như ngạn ngữ Pháp có câu “Passer comme une lettre à la poste” nhưng có đứa thì bị kềm kẹp, dây quàng siết cổ, nằm ngược, hoặc sinh nở khó khăn do từ hình thể nhỏ bé, chật hẹp của người mẹ. Rất nhiều lý do làm cho giây phút chạm mặt với cõi trần thế của Con Người có thể trở thành một cơn ác mộng.
Nhiều người mẹ không dám muốn có thêm đứa con thứ hai, cũng như có những đứa bé, qua lần sinh nở mà bị một chấn thương nào đó, dù là trẻ thơ không biết, không nhớ nhưng nỗi sợ hãi dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tiềm thức và theo suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến tánh tình, nhân cách của nó. Có những đứa trẻ rụt rè, sợ hãi, thiếu tự tin, sợ bóng tối, sợ một mình, không thể ngủ một mình, phải chong đèn suốt đêm…Tất cả đều có nguyên do từ cái phút đầu tiên có mặt trên cõi đời. Tâm lý, tinh thần của người mẹ và cả người chung quanh lúc bấy giờ trong cái giây phút linh thiêng đem lại sự sống cho một sinh thể nhỏ bé, cũng rất là hệ trọng, nó có thể có những ảnh hưởng ngấm ngầm, lâu dài về sau của cuộc đời đứa bé mà không ai nghĩ tới, lường trước được. Do đó mà người mẹ cần được nhiều thương yêu và bảo bọc lúc “vượt cạn” đầy gian nguy này.
Cuộc vượt cạn đã xong xuôi, êm thấm thì đứa bé sẽ được nâng niu như trứng hay hứng như hoa mà cũng có thể là bị vất bỏ tồi tệ như một đồ vật, một của nợ mà người mẹ, hay có thể là cả người cha vô nhân tâm đã ruồng bỏ, chối từ sự hiện hữu.
Một đứa trẻ sinh ra đời, thân thể lành lặn, khôi ngô, mạnh khoẻ, đứa này có thể được chung quanh bảo bọc yêu thương, được chăm sóc, cho ăn, cho mặc đầy đủ để lớn dần với ngày tháng, được giáo dục để trở thành một Con Người đầy nhân cách, đúng với cái ý nghĩa cao quí, thăng hoa của loài động vật hai chân thông minh, trí tuệ nhất trên trái đất.
Và một đứa trẻ khác sinh ra đời có thể là tàn tật, xấu xí, thiếu thông minh, trí tuệ và cũng có thể là không nhận được tình thương yêu, chăm sóc bảo bọc của người thân, người chung quanh và không được giáo dục. Nếu không bị vứt bỏ cho chết, dù được người xa lạ chăm sóc, vẫn không thể so sánh với cái tình thương yêu đến từ người ruột thịt.
Ngay khi lọt lòng mẹ, Con Người đã mang những thân phận hoàn toàn khác nhau do bẩm sinh, do di truyền, do cha mẹ khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, khu vực, xứ sở khác nhau, trình độ văn hóa, giáo dục, tập tục khác nhau, đời sống tinh thần và vật chất khác nhau. Con Người sẽ phải chịu tất cả những ảnh hưởng bên ngoài này để tô bồi thêm vào những gì được thụ hưởng từ bẩm sinh như sắc đẹp, tài năng và cả trí thông minh để tạo thành một Cái Tôi cá biệt.
Hơn bảy tỷ Con Người trên trái đất này với ba chủng tộc khác nhau và hoàn toàn khác nhau về màu da, ngôn ngữ, tập tục nhưng thực ra bản chất cấu thành Con Người không hề khác. Cũng từ những tế bào mà thành, có đầu, óc, não, da, lông, tóc, mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng, răng…Cũng hai chân, hai tay, cũng máu đỏ chạy trong thân thể, cũng ăn, cũng uống, cũng nhai, cũng ngủ, cũng thức, cũng phế thải, cũng sinh con đẻ cái, cũng trai, cũng gái, cũng trải qua những giai đọan thiếu niên, thành niên, lão niên, cũng bệnh, và rồi cũng chết như nhau không khác.
Con Người trên quả địa cầu giống nhau về thể chất thì cũng giống nhau về tinh thần. Bởi vì ngoài lớp vỏ vật chất là cái thân thì Con Người còn có cái phần tinh thần thường được coi là cái phần bên trong, cái phần vô hình nhưng được biểu hiện ra bên ngoài bằng cử chỉ, bằng nét mặt, ánh mắt, hay ngôn ngữ tức là qua cái miệng. Từ nơi cái miệng mà Con Người đem thức ăn vào để nuôi dưỡng thân thể và cũng từ nơi cái miệng mà Con Người phát ra ngôn ngữ, tiếng nói để biểu đạt những suy nghĩ, những ước muốn từ bên trong, nơi cái phần vô hình.
Cái phần bên trong này bao gồm tư tưởng, ý tưởng, ý thức và cả vô thức, cảm nghĩ, cảm xúc, tình cảm và cả hình ảnh được tạo qua trí tưởng tượng hay trí nhớ. Tư tưởng, ý tưởng và cả ý thức, vô thức thì xem ra khó lường, khó biết vì hoàn toàn trừu tượng nếu không mượn ngôn ngữ để diễn đạt, hoặc nói hoặc viết ra, từ đó mà có chữ nghĩa, hoặc là ngôn ngữ của dấu hiệu, thì khó ai đoán được hết tư tưởng hay ý nghĩ của người đối diện. Hình ảnh có trong trí tưởng tượng cũng thế, nếu không diển tả qua những nét vẽ thì cũng không thể đoán ra.
Nhưng ngược lại, những gì thuộc về cảm xúc, tình cảm thì rất dễ nhận ra, tương tự như làn da, được sờ mó, vuốt ve thì mới nhận ra cái cảm giác khó chịu hay khoan khoái, nếu không có gì động chạm đến thì sẽ không có cảm nhận gì, cái cảm xúc hay tình cảm cũng vậy, có cái gì động chạm đến hay động chạm đến cái gì đó mới có phản ứng, có người yêu thì yêu lại, có người ghét thì cũng ghét lại, vui, buồn, giận, hờn cũng chỉ khởi lên khi có điều kiện, có đối tượng, đối tác, có lý do cho tình cảm vui buồn giận hờn đó khởi lên, nẩy sinh. Cảm xúc hay tình cảm thì có thể không cần đến ngôn ngữ để diễn đạt mà có thể dựa vào cử chỉ, thí dụ, thương ai thì hôn hít, ôm vào lòng, ghét ai thì xô đẩy, bạt tai…Sung sướng, bằng lòng thì mắt sáng lên, mặt tươi như hoa, buồn phiền, bực bội thì cau mày, ủ rũ như chiếc lá úa…
Con Người nhận cảm xúc đến từ nhiều nguồn, do tai nghe, do mắt thấy, do mũi ngửi, do lưỡi nếm hay do làn da, thân thể đụng chạm và từ tư tưởng, ý tưởng hay ý thức việc này việc nọ, phải có một sự động chạm nào đó trong tư tưởng, trong ý tưởng, trong ý thức mới có phản ứng với đối tượng đó. Sự động chạm nơi thân thể và sự động chạm nơi tư tưởng thì không có gì khác, chỉ khác một bên là vật chất, được thấy rõ và một bên là tinh thần thì không thấy, chỉ thấy được nhờ cái thân làm phương tiện chuyển tải qua nhiều cách.
Thí dụ rõ hơn, tai nghe tiếng ồn ào chát chúa thì khó chịu ngay, phản ứng là cau mày cau mặt, bịt tai, bỏ đi. Mũi ngữi mùi gì không thơm thì cũng bực bội, lằm bằm chửi rủa. Làn da bị gai nhọn đâm là biết đau và tức thì nhổ gai đi…Hoặc ngược lại được nghe tiếng êm dịu, ngửi mùi thơm tho, làn da được vuốt ve thì khoan khoái, dễ chịu. Tất cả những phản ứng của cảm xúc hay cảm giác đều được biểu hiện rõ ràng qua thân thể, ai cũng nhận ra.
Về mặt tư tưởng hay tình cảm cũng không khác, cho dù là trừu tượng, nếu tư tưởng hay tình cảm này được biểu hiện qua ngôn ngữ, hình ảnh, cử chỉ hay một phương tiện truyền thông nào khác mà con người có thể nhận và hiểu thông điệp đó, nếu không phù hợp với tư tưởng, suy nghĩ của mình thì Con Người đó sẽ có phản ứng nghịch, chống đối, hay ngược lại, nếu đồng ý, cùng tư tưởng, cùng một dạng suy nghĩ thì phản ứng sẽ thuận và không chống đối, đó gọi là đồng cảm và cũng sẽ được biểu hiện bằng những phương tiện truyền thông tương tự.
Cái phần ẩn bên trong này của Con Người lại luôn đòi hỏi sự biểu hiện ra bên ngoài. Như là một nhu cầu khẩn thiết mà một cái bình chứa quá nhiều nước sẽ phải tràn ra ngoài. Cũng thế, Con Người là một cái bình chứa đầy cảm xúc, ý tưởng và hình ảnh mà nếu không thường xuyên trút ra bên ngoài thì Con Người sẽ mất một thế quân bình nào đó. Nghệ thuật phát xuất từ đây. Âm nhạc, hội họa, điêu khắc, văn chương, nhảy múa…. đều có mục đích là diễn đạt cái âm thầm chất chứa ở bên trong. Trong nghệ thuật, càng trút bỏ, Con Người càng nhẹ nhàng và thăng hoa đến Chân Thiện Mỹ. Trong đời thường, cũng thế, càng trút bỏ những gì chất chứa trong lòng thì Con Người càng thấy thoải mái, cho nên có những người mắc cái tật nói nhiều! Đôi lúc cũng làm phiền người khác không ít và những người cô độc thì hay lẩm bẩm nói một mình!
Con Người có thể bị tù túng, cột tay bó chân nhưng trong thế giới vô hình này thì không có ai ràng buộc, bỏ tù Con Người được cả. Con Người thong dong tự tại, đi đứng, chạy nhảy trong thế giới vô hình này. Chẳng ai làm gì được Con Người nếu Con Người không cụ thể hóa thế giới vô hình bằng hình ảnh, âm thanh hay chữ nghĩa, lúc đó mới có sự trở ngại, nghĩa là có thể gây mâu thuẫn với người chung quanh.
Khi Con Người giữ im lặng thì Con Người tha hồ dạo chơi, muốn thấy, muốn nghĩ, muốn nghe gì cũng được. Yêu một người mà không được yêu lại cũng có thể tưởng tượng ra và yêu trong tâm tưởng. Ngược lại, ghét ai cũng vậy, có thể tưởng tượng ra mình đang chửi rủa, đánh đập người đó cho hả giận vì trong thực tế đã không làm được.
Căn bản, Con Người trên trái đất này không ai khác ai. Con Người nào cũng có khả năng cảm nhận, xúc động và suy nghĩ, nhớ lại, tưởng tượng, không những có thể ghi lại những gì đã xảy ra mà còn có thể phác họa tương lai, cái gì chưa có hay không có trong hiện tại mà mình muốn có, sẽ có, từ đó biết lựa chọn, cân nhắc, đong đếm thiệt hơn, tính toán lợi hại. Con người còn có đầu óc biết phê phán, chỉ trích, đánh giá, mạt sát, chê bai, hay ngợi khen, tâng bốc…Điểm đáng nhớ là nguồn cảm xúc hay sự suy nghĩ của con người luôn luôn có ba chiều. Một là thuận, hai là nghịch, ba là chẳng thuận chẳng nghịch, vô ký, vô cảm, vô tâm, vô tư…
Đứng trước một Con Người khác, một con vật, một sự việc, một sự kiện, một tình huống thì Con Người chỉ có 3 thái độ: nếu thích hợp, đồng ý, đồng lòng thì thu nhận, đem về mình, phát khởi lòng thương yêu, trìu mến, gắn bó và trao trả đúng lại như những gì đã nhận, nếu không thích hợp, không đồng ý thì phát khởi lòng chối bỏ, không ưa, không mến mà còn thù ghét, phủ nhận, xua đuổi. Hoặc, trường hợp thứ ba, không có cảm nhận, cảm xúc gì thì sẽ không phản ứng. Ở đây, cũng xin đừng nhầm lẫn với hạng người “ba phải”, hạng người này thì gió thổi chiều nào thì nghiêng theo chiều đó, có rất nhiều lý do để người này không lấy một quyết định gì rõ rệt, hoặc thương hoặc ghét, hoặc lấy hoặc bỏ, hoặc tả hoặc hữu…Thật ra sự chọn lựa của họ là chọn lựa…cả hai! Cái nào cũng được, điều gì cũng tốt, họ sẽ thích ứng, thích nghi với điều đó chứ không phải là người vô cảm, vô tâm hay vô tư.
Con Người đúng là một động vật có tình cảm và có lý trí. Có vật chất và có tinh thần. Có thân và có tâm. Con Người chỉ khác nhau vì sự tiến hóa không đồng đều. Đó là do ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài như môi trường và hoàn cảnh sống mà thôi. Con Người khác nhau, có sự chênh lệch về mức độ hiểu biết và tiến bộ nhưng Con Người với Con Người thì ngang hàng nhau, nghĩa là bình đẳng, không thể có giai cấp phân chia.
Có điều đáng chú ý là Con Người và con vật không khác nhau về khả năng nhận thức thông qua phần vật chất là cái thân, nương nhờ vào mắt, tai, mũi, lưỡi, da thịt và bộ não. Con Người và con vật nuôi dưỡng sự sống nơi thân thì hoàn toàn giống nhau. Cũng ăn, ngủ, nghỉ. Giống đực giống cái đều phải tìm đến nhau để bảo tồn nòi giống. Cái thân vật chất của Con người và con vật thì cũng không gì khác nhau, cũng tiết ra mùi hôi thối, cũng phế thải chất dơ, cũng bám đầy cấu bẩn và chứa chất vi khuẩn, chỉ khác là Con Người biết tắm gội, xức dầu thơm! Và sau khi ăn, ngủ, nghỉ, sinh con đẻ cái như con vật thì Con Người còn biết suy nghĩ!
Con Người và con vật cũng đều có những cảm xúc như nhau thông qua cả hai phần thân và tâm. Nghĩa là con vật cũng có cảm giác, cảm xúc, biết đau, biết sướng, biết sợ, biết vui, biết buồn, biết tức, biết giận, biết thương, biết ghét…y hệt Con Người. Hãy quan sát thật kỹ đời sống súc vật thì sẽ nhận rõ điều này. Súc vật không phải là một vật vô tri vô giác. Nếu ai có dịp đi quan sát các lò sát sinh, nơi giết bò, heo và chó, sẽ thấy những cặp mắt buồn bã, sợ hãi, đôi khi còn có cả những giọt nước mắt như van lơn của bầy thú này trước ngọn dao của tên đồ tể. Nếu ai có nuôi một con vật gì thì sẽ nhận rõ tình cảm mà con vật gắn bó với chủ là có thật.
Con vật cũng có ngôn ngữ của nó mà Con Người không hiểu hay chưa hiểu được mà thôi. Nhưng con vật “ngu” hơn Con Người vì trí óc của nó thu hẹp trong nhu cầu hay phản ứng của bản năng. Kiến cũng biết xây tổ, như ong, như chim…Từ con vật thật nhỏ cho đến con vật thật to lớn như voi, như cá mập, chúng nó đều có trí thông minh, thứ thông minh giúp chúng sinh tồn, không giúp chúng tiến hóa, thay đổi điều kiện sống từ bên ngoài như Con Người.
Trí thông minh của Con Người thì giúp Con Người vượt lên trên hoàn cảnh, hay thích ứng với môi trường sống. Con Nguời đã tìm ra lửa, biết sưởi ấm, biết nấu chín thức ăn, chế tạo dụng cụ, từ thô thiển đến tinh xảo. Không có nước thì Con Người biết đào giếng, không săn bắn thì Con Người trồng trọt, nuôi gia súc…Từ chui rúc trong hang động dơ dáy, Con Người đã xây nhà cửa, vệ sinh, tiện nghi vượt bực. Con vật thì hầu như ngàn năm vẫn thế, chim vẫn ở trên cây, chuột trong cầu cống, cá dưới nước, beo, sư tử trong hang, trong rừng…Con Người ở trái đất đã leo tới mặt trăng. Bước tiến hóa của Con Người dường như không có chỗ dừng lại.
Một điều rất quan trọng làm cho Con Người khác với con vật đó là ý thức về cái Tôi, cái Ngã thật rõ ràng, mạnh mẽ, chắc thật nơi Con Người và Con Người phát triển, tiến hoá, bỏ xa con vật đằng sau là nhờ cái Tôi, cái Ngã này. Nói như thế nhưng cũng chưa dám khẳng định rằng con vật không có cái Tôi. Thử chọc ghẹo hay khiêu khích con vật, nó cũng biết nổi giận và quay sang ăn tươi nuốt sống ta đó!
Từ sơ sinh, tấm bé cho đến khi trưởng thành, cái Tôi, cái Ngã nơi Con Người trưởng thành theo với thời gian, càng ngày càng rõ rệt, càng ngày càng to lớn, khổng lồ, đồ sộ. Và rồi càng ngày chỉ càng gây khó, gây khổ cho Con Người!
Như đã được bàn đến qua bài “Trong Vòng Tay Của Ngã”, cái Tôi hay cái Ngã này có thể là một động lực thúc đẩy Con Người tiến bộ, hoàn thiện mình, nhưng cũng có thể là vật cản cho sự giao tiếp hài hòa giữa Con Người với Con Người. Ý thức về cái Ngã đôi lúc không đúng đắn, sai lệch, lạc hướng hay quá đáng sẽ khiến Con Người, thay vì lạc quan thì bi quan, thay vì tự tin, thì tự ti, từ tự trọng trở nên tự tôn, quá trọng, cao ngạo, công kênh…Những chướng ngại, khổ đau bắt đầu xâm nhập vào đời sống Con Người từ đây.
Con vật thì sống hoàn toàn theo bản năng và bị bản năng bức bách làm khổ thân. Con vật buộc phải chịu trận, cúi đầu sát đất và chỉ biết nghe theo nhu cầu của bản năng.
Nhưng Con Người thì không cúi đầu tuân theo bản năng. Con người cần đáp ứng nhu cầu của bản năng đòi hỏi như con vật nhưng Con Người không nô lệ cho bản năng, chính vì Con Người tuân theo tiếng thôi thúc của Bản Ngã, của cái Tôi mà Con Người ngẩng đầu lên cao, bước thẳng tới trước. Cuộc hành trình của Con Người vào cuộc đời bắt đầu từ đây. Mang theo hành lý trên vai là cái Tôi, cái Ngã. Và cuộc hành trình sẽ không dễ dàng chút nào vì Con Người đã quàng trên vai mình một sức nặng không cân nào đo đếm cho vừa!
Từ cái thời “ăn lông ở lổ” cho đến cái thời đại văn minh tiến bộ ngày nay mà không có cái Tôi hay cái Ngã thôi thúc thì sẽ không có một sự tiến hóa nào. Nếu không có sự chú trọng vào hình ảnh của mình thì sẽ không có sự sáng chế ra quần áo, mốt này mốt kia. Và cũng không thể có một bộ môn nghệ thuật nào. Nếu không muốn cho cái Tôi được nể nang, kính trọng và hưởng thụ mọi tiện nghi tốt nhất thì sẽ không có một phát minh, một sáng chế tinh xảo nào và nhìn xa, rộng hơn nữa thì cũng sẽ không có sự tranh chấp, chiến tranh và bạo lực.
Đây chính là mặt tiêu cực của ý thức về cái Tôi, cái Ngã quá lớn, quá liều, vượt giới hạn. Mặt tích cực của cái Tôi, cái Ngã là sự sáng tạo, sự phát triển và tiến bộ đưa đến những kết quả tuyệt vời trên mọi phương diện và lãnh vực của cuộc sống Con Người. Không có Cái Tôi này, cái Ngã này thì không có văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kể cả nông nghiệp, thương mãi…Con Người vừa có nhu cầu phục vụ cái Tôi lại vừa có nhu cầu phô trương cái Tôi. Con Người vừa muốn thụ hưởng tất cả những gì hay, tốt, ngon, đẹp, sướng nhất trên đời vừa muốn được hãnh diện bởi cái Tôi. Khi hoàn thành một việc gì đó, hạnh phúc của Con Người sẽ không trọn vẹn nếu cái Tôi không được khen tặng, nhắc nhở, vinh danh.
Luôn luôn có hai mặt nơi một Con Người.
Nói về cái hai mặt nơi Con Người thì cũng rất dài dòng nhưng chung qui cũng chỉ vì muốn tự bảo vệ, bảo vệ cái Tôi, cái Ngã. Có khi vì sợ hãi, thiếu tự tin, quá nhậy cảm, sợ những con mắt soi mói, chỉ trích nên Con Người trốn tránh, che dấu bộ mặt thật của mình. Có khi là do sự thúc đẩy của bản năng sinh tồn, luôn luôn phải thủ thế, canh chừng, quan sát, xem xét để thân mạng được an toàn cũng như để củng cố cái bản ngã. Trước tiên là lý do sinh tồn, sau là củng cố địa vị và vuốt ve tự ngã, nên Con Người đôi lúc phải đeo mặt nạ, dối trá, không thành thật, ẩn núp sau cái bóng của người khác hay của mình tự tạo, một khuôn mặt thứ hai.
Các nhà chính trị gia, các vị lãnh đạo, các người đã thành danh, đã trở thành người của công chúng thường rất giỏi và tài tình trong việc tạo dựng một hình ảnh đôi lúc không thật này. Thực ra họ chỉ bị nhốt vào cái hình ảnh mà công chúng chờ đợi và muốn thấy, họ đành phải đóng trò. Những người vô danh, không được biết đến thì tìm thấy cái Tôi hay cái Ngã của mình xuyên qua hình ảnh của người nổi danh. Họ tôn thờ thần tượng mà núp sau bóng thần tượng là chính mình mà thôi. Chỉ là mượn hình ảnh thần tượng để nói đến cái Tôi mà không ai biết đến. Thần tượng của Tôi thật ra chỉ là thay thế Tôi, nói lên, đưa lên cái mà Tôi không nói được, không đưa ra được, không làm được vì không có điều kiện, đủ sức, đủ tài nhưng cái Tôi khát khao được như thế, phải như thế, làm như thế, hình ảnh của Tôi được thể hiện xuyên qua hình ảnh của thần tượng, cho nên, dù không nói ra và cũng có thể là không ý thức, thần tượng của Tôi không ai khác hơn là Tôi cả.
Con Người rất cần và thích được nhắc nhở, nhất là được khen thì phấn khởi, hăng hái, lạc quan như một chiếc xe được đổ thêm dầu xăng sẽ chạy càng nhanh càng xa. Nhưng nếu bị chê, phê bình, chỉ trích thì tưởng chừng như ai đang tát vào mặt, roi quất vào người, Con Người đau đớn và ngã quị! Nhưng chính người biết học từ sự thất bại, lời chê bai mới là người có bản lĩnh.
Cái đau đớn của tinh thần, cũng được cảm nhận như cái đau của thể xác nhưng điều khác biệt là nó có thể gặm nhắm, kéo dài, ăn sâu vào lòng, vào tâm tư, khó khăn lắm mới nguôi ngoai. Cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc, ngược lại thì ngắn ngủi và qua nhanh! Cuộc đời Con Người buồn nhiều vui ít, hầu như ai cũng nhận thấy. Đây cũng là lý do gây cho Con Ngưòi sự trầm cảm, chán chường, tiêu cực và cả tuyệt vọng.
Con Người mau chán và thường tìm những cảm xúc mới, cảm xúc khác, lạ, phải chăng là do tính chất vô thường của mọi sự, mọi việc, mọi vật. Mọi sự đều biến đổi và không thường hằng. Một cảm giác đang thoải mái, sung sướng, chỉ vài phút sau là hết. Một tô phở bốc khói thơm ngon và nóng hổi, chưa kịp nếm, chỉ vài phút sau là nguội lạnh không còn thèm thuồng nữa. Đang mạnh khỏe, chỉ cần một cơn gió độc thổi ngang qua là ngã bịnh. Một thiếu nữ dịu hiền thùy mị cũng có thể trở thành một người đàn bà đanh đá. Một chàng thanh niên thông minh đẹp trai cũng có thể trở thành một tên vũ phu bê tha rượu chè.
Con Người thất vọng nhưng không buông xuôi. Không vui được chỗ này, Con Người sẽ tìm vui chỗ khác. Không tìm được điều mình mong ước nơi đây, Con Người sẽ trông ngóng ở chỗ khác. Và như thế, Con Người sẽ đứng núi này mà trông núi nọ. Suốt đời là một cuộc truy tìm và đuổi bắt theo cái bóng hạnh phúc. Nếu may mắn, cũng có thể được điều như ý. Nhưng chờ may mắn thì chẳng khác nào xổ số, người chơi thì nhiều mà trúng số thì chẳng có mấy ai và hạnh phúc cũng không phải là một món đồ mà muốn mua là có. Con Người đành phải thở dài chấp nhận cuộc đời buồn nhiều hơn vui này mà thôi.
Một khía cạnh khác của tính hai mặt nơi Con Người là tính thiện và ác luôn luôn song hành. Con Người vừa có thể là hiền lành, dễ thương, hòa đồng, thật thà, ngay thẳng, rộng lượng, bao dung, thủy chung, vị tha, từ bi, bác ái, cứu nhân, độ thế… nhưng cũng có thể là ác độc, đáng ghét, tàn nhẫn, ích kỷ, hẹp hòi, dối trá, phản trắc, nham hiểm, tham lam, giận dữ, sát nhân, hại vật…Lượt kê các tính tốt hay xấu của Con Người thì cũng dài dòng không thể kể hết. Đặc biệt là Con Người có thể từ xấu thành tốt thì cũng có thể từ tốt thành xấu. Thật khó lường! Nên dân gian từng có câu:
Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
Và các đặc tính thiện ác, tốt xấu, hay dở nơi Con Người cũng thường do ảnh hưởng của bên ngoài đem lại mà ca dao cũng đã nói lên rất chính xác:
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
Hay:
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Đúng là có ảnh hưởng từ xã hội, môi trường sinh sống, giáo dục…v.v…nhưng trong bản thân Con Người, sự lựa chọn đôi lúc không dễ dàng. Cái nửa cầm thú vẫn hiển hiện trong Con Người và cái Tôi, cái Ngã là một cản trở khó vượt qua. Tự chủ vẫn khó hơn buông xuôi theo bản năng. Giận dữ thì la hét đánh đập dễ hơn là nuốt giận, bỏ qua. Trả thù dễ hơn là tha thứ. Nói dối dễ hơn là nhận lỗi. Lười biếng dễ hơn là siêng năng. Gian lận dễ hơn là cần cù khó nhọc. Hạ nhục người khác thì dễ hơn là để mình bị hạ nhục. Mạt sát thì dễ hơn là khen ngợi…
Một đặc tính khác đáng chú ý nữa về sự tương đồng giữa Con Người và con vật là tính xã hội, bầy đàn.
Con Người hay con vật không hề là một thực thể riêng biệt và cô lập mà phải sống theo bầy, theo đàn, theo chủng loại, theo vùng, theo miền…Với con người thì dần dần mọi sự trở nên phức tạp hơn, theo bộ lạc, theo làng, theo xóm, theo đoàn, theo nước, theo tập tục, theo quan điểm, theo tôn giáo, theo lý tưởng, theo sở thích, theo nghề nghiệp, theo nhu cầu…Nếu liệt kê hết thì sẽ rất dài. Khi đã bắt đầu tụ họp là Con Người đã biết đến việc tổ chức, sáng chế qui tắc, qui luật, thứ tự lớp lang, có thể chế, định chế, có kẻ nắm quyền, điểu khiển, kẻ tuân theo, kẻ chủ động, kẻ bị động và nhất định phải có quyền lực, quyền lợi, có đàn áp, có nô lệ, có chủ, có tớ, có kẻ trên, người dưới, có kẻ mạnh, người yếu, có đàn anh, đàn em, gà nhà, phe ta, phe kia, lập bè, kết đảng….
Tất cả dẫn Con Người đến sự phân chia, có bất công và tranh chấp lẫn nhau, có khi đưa đến sự thủ tiêu, triệt hạ hoàn toàn sự có mặt những thành phần không muốn, không thích hợp hay thành phần nổi loạn, chống đối. Đến đây thì Con Người đã hành động không khác gì con vật. Cái phần nửa đười ươi của Con Người lộ mặt ở đây. Giống con vật vì bị cái bản năng sinh tồn, tự vệ thôi thúc mà Con Người đã không hành động theo lý trí của mình. Điều đáng ngạc nhiên là khi Con Người tụ họp thì chính là lúc mâu thuẫn nảy sinh nhiều nhất!
Trên đoạn đường đời, Con Người luôn luôn phải cố gắng tự bảo vệ, và bảo vệ những gì liên can trực tiếp hay gián tiếp đến mình, điều chỉnh, hoàn thiện, gây thân thiện, làm hài hòa, giữ gìn tình cảm của các mối quan hệ, lớn hay nhỏ, riêng hay tư. Mọi chuyện này chỉ làm cho Con Người mệt thêm và …mau già! Hành lý trên đôi vai chỉ càng nặng mà không hề nhẹ bớt! Sự tự vệ hay bảo vệ những gì liên can, ở chung quanh mình không luôn dễ dàng và có thể phải dùng mưu mẹo, gian xảo, lừa đảo thậm chí cả vũ lực hay bạo lực.
Thực chất của các vấn đề hay mâu thuẫn mà Con Người gặp phải là từ cái Tôi, cái Ngã mà ra. Không có tình yêu đích thực vì tình yêu chỉ là tôi tự yêu tôi mà thôi. Yêu tôi nên chờ đợi người khác đáp ứng những gì tôi mong muốn. Muốn con cái phải như thế này, thế kia, ép buộc làm theo kỳ vọng của chính mình để cho cái tôi được tự hào. Mọi nỗ lực dẫn đến thành công trước tiên là vì cái Tôi sẽ được hưởng giàu sang phú quí…Chính cái Tôi này làm Con Người gặp đủ điều trở ngại trong cuộc sống. Không ai, không việc gì có thể đáp ứng đúng những điều mình mong muốn. Con Người sống với những điều bất như ý, bất toại nguyện và cái Tôi của Con Người đau khổ.
Nhưng làm thế nào sống mà không vì cái Tôi này? Chuyện đó không thể có vì cái Tôi và Con Người là bất khả phân ly mà! Đúng vậy!
Cái Tôi và Con Người tuy hai mà một, tuy một mà hai! Tuy nhiên, Con Người vẫn có thể tách rời ra cái Tôi cồng kềnh làm cản trở hạnh phúc của Con Người. Các Thánh nhân chỉ bảo cho Con Người phương pháp hàng phục cái Tôi bằng sự khiêm cung, vị tha, nghĩ đến hạnh phúc của người khác trước khi nghĩ tới mình. Làm việc gì cũng chẳng vì tham, vì danh, vì lợi riêng. Con Người đã được chỉ bảo như thế nhưng chuyện thực hành thì không dễ dàng gì.
Con Người nhận ra cái Tôi dính liền với cái thân. Và cái thân “hữu sanh hữu tử” này sao mà cũng lắm nhọc nhằn, long đong suốt từ khi sinh ra, và có lớn dần theo năm tháng thì cũng chỉ là xích lại gần hơn với cái chết mà thôi. Nghĩ đến điều này thì Con Người hoặc là lao mình vào sự thụ hưởng dục lạc, uống cạn ly rượu cuối cùng trước khi nhắm mắt, vui được ngày nào thì biết ngày đó hay ngược lại, Con Người bi quan yếm thế, buông xuôi, phó mặc định mệnh, tới đâu thì tới, và chết là hết.
Cho dù lạc quan hay bi quan, Con Người ai cũng phải tranh đấu, đối phó, đương đầu với nghịch cảnh, những khó khăn luôn xảy đến trong suốt cuộc đời từ cái sinh cho đến cái tử, trải qua tất cả những giai đoạn phải có. Thanh thiếu niên thì có mối lo của thanh thiếu niên, học hành, thi cử, nghề nghiệp. Tuổi trưởng thành thì có mối lo của tuồi trưởng thành, hôn nhân, sự nghiệp, gia đình, con cái. Tuổi lão thành thì lo bệnh, lo sợ cô đơn và lo…chết.
Trên các chặng đường đời, người lạc quan thì dễ vươn lên, khắc phục hoàn cảnh nhưng nếu khắc nghiệt quá cũng có thể trở thành bi quan và buông xuôi. Người bi quan mà gặp nhiều may mắn hơn, chặng đường đời không quá đỗi khắc nghiệt thì cũng có thể trở thành lạc quan và tha thiết yêu đời! Nhưng cái cánh cửa khép lại của cái chết vẫn chờ đợi mỗi Con Người như nhau.
Hãy nói đến cái chết của Con Người.
Có người mới lọt lòng đã chết, có người thọ hơn trăm tuổi. Có người chết vì bịnh tật, vì tai nạn và tai nạn thì cũng có thể là do rủi ro hay bất cẩn. Có người tự tìm đến cái chết. Có người chết vì bị ám sát, bị xử tử. Có người bị chết oan, có người vì phải đền tội. Có người chết vì hi sinh, cho tổ quốc, cho đồng bào, cho lý tưởng như các vị Thánh tử đạo. Có người chết vì ăn chơi quá độ cũng như có người chết vì đói rách thiếu thốn. Có người chết vì thờì tiết, nóng quá, lạnh quá, vì thiên tai, bão tố, hạn hán, lũ lụt. Có người chết dưới sông, dưới biển, trên núi, trên cây, trên rừng, chết trong nhà, ngoài đường, chết sum vầy, chết lẻ loi, chết bình an, chết sợ hãi, chết tức tưởi, chết nhẹ nhàng, chết quằn quại đau đớn…Có người vì quá giận dữ, oán ghét, tức tưởi mà chết. Và chắc cũng có người vì…yêu mà chết (Nếu có ai từng xem phim Docteur Jivago, dựa theo một tác phẩm của nhà văn Nga, Boris Pasternak sẽ thấy cái cảnh đứng tim chết của vị bác sĩ này khi nhận ra bóng dáng người yêu cũ mà đã từ lâu không gặp).
Không thể kể hết mọi tình huống dẫn đến cái chết của Con Người.
Cái chết luôn không hẹn mà đến. Không ai chờ ai đợi mà đến. Không ai mong ai muốn mà đến.
Thân Con Người sinh ra để làm gì mà rốt cuộc phải chấm dứt với cái chết? Cuộc đời Con Người có mục đích gì? Có ý nghĩa gì chăng?
Câu trả lời sẽ rất khó vì đã có nhiều câu trả lời xuyên qua triết học và tôn giáo nhưng không hề có một sự thống nhất nào. Mỗi người mỗi ý. Mỗi người mỗi lòng tin. Ai trúng ai sai? Nghe theo ai? Con Người vẫn mù mịt như đi trong bóng đêm. Cho dù khoa học vẫn càng ngày càng tiến bộ. Trái đất càng ngày càng chói sáng, lấp lánh, huyền ảo muôn màu sắc với các ánh đèn nhân tạo, pháo bông rực rỡ tung lên bầu trời nhưng thật sự thì Con Người vẫn sống trong bóng đêm của cái điều không biết mình từ đâu đến, sống để làm gì và sẽ đi về đâu.
Có thể một số người đã tìm ra câu trả lời cho chính mình nhưng vì sao mà câu trả lời này lại không thể áp dụng cho người khác? Làm mẫu số chung cho mọi người? Làm chuẩn mực, thước đo và là chân lý cho toàn Con Người?
Khi bàn đến mục đích của Con Người thì không chỉ có một mà là muôn một. Ai cũng có một mục đích để đeo đuổi và không ai giống ai về ước muốn, về khao khát, về lòng tin và hi vọng. Cái lòng ước muốn và khát khao một điều gì đó, một sự việc gì đó thường là cái đích cho Con Nguời hướng đến nhưng lòng tin và hi vọng mới chính là cái năng lực vô cùng mạnh mẽ tiếp sức cho Con Người hoàn thành, bất cứ là sứ mệnh, là bổn phận hay là trách nhiệm. Cái lòng tin và hi vọng đôi lúc cũng quá mức độ bình thường, trở nên mù quáng và quá khích. Cái nửa đười ươi nơi Con Người lại trồi lên khiến Con Người trở nên thô lỗ và độc ác.
Cái Tôi, cái Ngã, lòng tin và hi vọng thì không tìm thấy ở loài động vật? Làm sao biết được? Đúng vậy, vì chúng ta không hiểu được ngôn ngữ của loài vật và chỉ thấy chúng cúi đầu xuống đất dường như chỉ biết cam phận nên kết luận như thế mà thôi. Có thể nói được chăng trong Con Người có một phần con vật thì trong con vật cũng có một phần Con Người nhưng vì phần này quá ư nhỏ nhẹm và không có điều kiện cho nó được phát triển mà thôi?
Một số động vật, khi phải tìm đến “người tình, nửa kia của mình” cũng phải mất công mất sức, có khi còn phải “dãi dầu mưa nắng” chịu đói chịu khát, lang thang khắp cùng núi đồi, sa mạc, rừng hoang, sông sâu, ao cạn, không gì dễ dàng, có khi còn phải khoe sắc (như con công xoè cánh) khoe tài, khoe sức, thậm chí đến “ẩu đả” triệt hạ đối thủ cho đến chết, nếu không thì cũng thương tích đầy mình, phải bỏ chạy, bỏ cuộc lúc đó chúng mới dành được “người yêu”. Sự tranh chấp nơi loài vật thường được cho là do bản năng sinh tồn. Không ai nhận rằng chúng có cái Tôi, cái Ngã nhưng có lẽ cái Tôi, cái Ngã cũng tiềm tàng, nằm ngủ kín trong bản năng mà chỉ vì cái bộ não của động vật không được phát triển đủ để tạo điều kiện cho cái ý thức này bùng lên?
Còn Con Người thì phải làm gì để tìm ra cái nửa kia của mình? Cũng không dễ như chuyện “bỏ thư qua bưu điện” đâu! Có những người may mắn tìm được nửa kia dễ dàng không trắc trở thì cũng lắm cuộc tình éo le, ngang trái, đầy nước mắt, biết bao trái tim cô đơn lẻ bóng, biết bao tâm hồn trầm cảm vì thiếu tình yêu. Không phải cuộc gặp gỡ, hẹn hò nào cũng kết thúc tốt đẹp, đôi khi đã tốn không biết bao công sức đeo đuổi, cũng không khác gì loài vật, trèo non vượt núi, chịu nhọc chịu khó, nhịn ăn nhịn tiêu để quá cáp, làm cho vừa lòng mà cũng không “rước nàng về dinh” được.
Đó là chưa kể những người kém may mắn, ngoại hình xấu xí, có khi tàn tật, không tài giỏi, không thông minh, không địa vị, không tiền, không nghề nghiệp, không là con nhà gia giáo…Trăm ngàn vạn lý do để phải chịu cảnh cô độc và cô đơn. Do đó mà có những trường hợp đành phải chấp nhận một nửa kia do sự sắp đặt, do hoàn cảnh bắt buộc, do muốn yên bề, yên phận, thà như vậy còn hơn sống trong cảnh cô độc, nhưng rồi Con Người lại rơi vào một cảnh khác là “đồng sàng dị mộng”, không cô độc mà vô cùng cô đơn. (Xin đọc Cô Đơn, LKTH)
Ở thời buổi hiện đại Con Người có thể kết nối với nhau, tìm đến nhau dễ dàng hơn như cùng một club nhảy đầm, đánh bài, chơi games, thể thao, xem phim, du lịch…hay qua những phương tiện truyền thông như điện thoại, internet…Tuy thế mà vẫn không hiếm người vừa cô đơn vừa cô độc.
Tình yêu là gì mà Con Người phải lận đận lao đao như vậy? Con vật có tình yêu không?
Nơi loài động vật, chỉ vào “mùa ái tình” con đực con cái mới tìm đến nhau, nhưng con người thì quanh năm suốt tháng đều là mùa của ái tình kể từ độ tuổi mà tình dục được phát triển. Điều may mắn hay là tai họa? Tình yêu là gì? Tình dục luôn gắn liền với tình yêu? Có thể nào yêu mà không có tình dục? Hoặc có thể có tình dục mà không cần phải yêu?!
Con Người quả là không giản dị trong chuyện yêu đương. Nhưng hình như trong chuyện này thì chính người con gái, đàn bà mới rắc rối, lắm chuyện chớ không phải là đàn ông, con trai…?! Có câu nói thường hay được nghe: “Đàn ông yêu bằng mắt và đàn bà yêu bằng tai” Từ con mắt nhận thấy dung nhan, sắc đẹp mà xiêu lòng thì…giản dị, dễ dàng thật nhưng phải từ tai nghe những lời ngon ngọt, sâu sắc, ý nghĩa thì chuyện này quá…trừu tượng và phúc tạp hơn! Mà ở đây thì đàn bà con gái cũng dễ bị đánh lừa bởi những anh chàng khéo ăn nói, biết nịnh hót! Căn cứ theo câu nói trên mà tạm thời kết luận đàn ông thì thích sắc đẹp, sự quyến rũ của thể xác và đàn bà thì chuộng sự thông minh, tài giỏi.
Nói tạm thời vì không có gì tuyệt đối, cũng như không phải chỉ có sắc đẹp, tiền tài hay trí thông minh trên đời. Khi cưới một người vợ xinh đẹp mà ăn nói vô duyên, đầu óc cạn cợt thì người chồng cũng thất vọng và âm thầm…ngoại tình! Ngược lại, lấy làm chồng một người thông minh tài giỏi mà dung nhan xấu xí như “thằng gù nhà thờ Đức Bà” (Xin lỗi, hơi cường điệu một chút) thì người đàn bà có thể cũng âm thầm… thổn thức! May thay, điều lạc quan trong cuộc sống là còn có chữ Tình, chữ Nghĩa, chữ Trung và chữ Nhân. Con Người nhờ thông minh và được giáo dục, biết đạo lý sống và biết trong cái tiêu cực nhận ra cái tích cực để hạnh phúc. Người đẹp mà cạn cợt đầu óc nhưng lại bếp núc giỏi và sinh con đẻ cái tốt lại hiếu thảo với cha mẹ mình thì sao? Người chồng không đẹp trai mà thông minh, hiền từ, rộng lượng thì sao? Được cái này thì mất cái kia. Luật bù trừ. Con Người không ai hoàn hảo. Người khôn và đạo đức thì biết rõ điều này, chấp nhận và sống hạnh phúc. Nhưng Con Người không phải ai cũng khôn ngoan, được giáo dục và đạo đức!
Thật ra thì rất lắm khi Con Người tự gây cho mình khổ đau cũng như tự rước họa vào thân. Thí dụ có những cảnh như: tôi không yêu anh, tôi không yêu em mà tôi vẫn cưới vì anh, vì em giàu có, nổi tiếng, địa vị lớn, được nể nang, vì vâng lời cha mẹ, vì môn đăng hộ đối, vì cùng tôn giáo, cùng lý tưởng…vì…vì một trăm ngàn lẻ một lý do mà rồi cái điều chính yếu nhất là tình yêu thì lại không tìm thấy đâu cả.
Nhưng cuộc đời vốn không có một định luật bất di bất dịch. Có những cuộc hôn nhân được sắp đặt, được cân nhắc đủ điều, gọi là cuộc hôn nhân của lý trí thì lại kết thúc tốt đẹp, ngược lại những cuộc tình thật lãng mạn, những cuộc hôn nhân phát xuất từ tình yêu đôi lứa thật sự, có sự tự do lựa chọn thì lại kết thúc thật không hay ho, tình yêu trở thành hận thù, trách móc, kiện tụng nhau ra tòa…
Nhìn kỹ lại trên đời, ít có gì mà hoàn toàn trôi chảy như ý Con Người muốn cả. Tưởng như thế này mà thành thế khác. Xấu ban đầu có thể tốt về sau và ngược lại, kỳ vọng thật nhiều để rốt cuộc là chuốc lấy thất vọng nặng nề…Bài học và kinh nghiệm của người này, chưa hẳn là phù hợp cho người kia. Và cũng không thể khẳng định một điều gì nếu chỉ nương vào cái vóc dáng, tướng mạo bề ngoài. Nhìn theo tướng số, có thể thấy những tướng xấu hiện rõ trước mắt nhưng cũng có những tướng tốt ẩn mình, dấu kín bên trong. Cũng thế, có những người tốt bụng mà không may lại có ngoại hình khó nhìn, xấu xí cũng thường hay bị nghi ngờ về cái lòng tốt thật sự của họ. Như vậy, cái chuyện nhìn mặt mà bắt hình dong thật cũng không hoàn toàn đúng.
Có người thì lo trước lo sau, cưới hỏi, sinh con, xây cất nhà cửa…đều phải xem bói, xem toán, tử vi, phong thủy…nhưng rồi vẫn có cái gì không ổn, không thuận, vợ chồng ly hôn, con cái ngỗ nghịch, nhà cửa thì trộm cướp…v.v …
Nơi đời Con Người, phúc thì không dễ tìm mà họa thì dễ gặp.
Nếu định nghĩa tình yêu là sự kết nối cảm xúc giữa hai đối tượng, sự trao đổi và đồng cảm cả hai mặt sinh lý và tâm lý thì tình yêu của Con Người cũng khó tìm. Khi có sự đồng cảm về sinh lý thì chưa chắc có đồng cảm về tâm lý và khi có đồng cảm về tâm lý chưa chắc đã có đồng cảm về sinh lý. Và khi nghĩ tình yêu là sự kết nối và đồng cảm giữa hai giới tính khác nhau thì cũng không còn đúng nữa. Tình yêu vẫn có thể nẩy nở giữa hai đối tượng đồng giới tính. Có thể một ngày nào đó thì đàn ông, con trai sẽ mang thai? Con người đã thành công với việc thụ thai nhân tạo và đã tạo ra những bản sao (clone) từ các tế bào thì chuyện gì cũng có thể xảy ra…
Tạm gác tương lai qua một bên, hãy trở về với cái Tôi, cái Ngã trong Con Người. Ý thức này kéo theo ý thức về sở hữu tính, cái này là của tôi, thuộc về tôi và xác định sự tồn tại của một hữu thể hay sinh thể cá biệt, Tôi mang một cái tên, tôi là như thế này, không phải thế kia.
Con Người tự hào về cái tôi này nhưng cũng biết được giới hạn của nó. Nó không toàn hảo, toàn năng, toàn quyền, thiếu tự do và lệ thuộc vào nhiều điều kiện sống bao quanh nó. Sống trong một nhà thì phải tuân theo gia trưởng, một nước thì có quốc trưởng, sống ở đâu cũng có sự ràng buộc, luật lệ tối thiểu phải tuân theo. Sự tự do của Con Người trên trái đất chỉ là tương đối. Nhưng không được cái tự do tối thiểu thì Con Người sẽ nổi loạn. Được quá nhiều tự do thì xã hội cũng loạn!
Thánh nhân ra đời, như Phật Thích Ca hay Khổng Tử, đều dạy Trung Đạo hay Trung Dung, giúp Con Người biết xử thế, đạt được quân bình trong cuộc sống, nhưng cũng không dễ gì thực hành vì hình như trong Con Người là cả một bầu nhiệt huyết luôn sôi sục, một trăm cái thác nước muốn đổ ào, hàng ngàn con sóng biển tới tấp ùa đến, là cả tấn bom chỉ muốn nổ tung nên Con Người thiếu kiên nhẫn, Con Người nóng nảy, Con Người quay cuồng, đam mê, Con Người muốn đạt tuyệt đối, đạt cực điểm nơi mỗi hành động và thế là Con Người không tránh được cực đoan.
Từ chuyện ăn để mà sống, Con Người có thể sống để mà ăn. Văn hóa ẩm thực xuất phát từ đây. Từ chuyện mặc để che thân, Con Người tạo kiểu áo này quần nọ chỉ có thể để ngắm nghía trong tủ kính như một tác phẩm nghệ thuật. Từ đó xuất phát Haute Couture, “siêu trang phục”. Từ xe cộ là một phương tiện giao thông giúp Con Người bớt nhọc nhằn trong việc di chuyển, chuyên chở nặng nhọc, Con Người chế tạo những “siêu xe” thật cầu kỳ và đắt tiền, cũng như đùa giỡn với tử thần qua những cuộc đua xe siêu tốc độ…Tóm lại, nơi 5 giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể hay da thịt, đáng lý ra chỉ đem lại vừa đủ cho Con Người sự thoải mái, không bị khổ sở, bức bách thì Con Người lại vượt qua giới hạn “cần và đủ” để trở thành nô lệ cho 5 giác quan. Con Người sinh ghiền, nghiện, tìm đến các kích thích tố để làm tăng cực mạnh cảm xúc, hưởng thụ khoái lạc đến cực điểm. Ngược lại, cũng có thể tìm thấy những người lao mình trong khổ hạnh, tự ép xác, tự làm hao gầy, kiệt sức, không lành mạnh. Hai cực đoan này đều chẳng phải là Trung Đạo.
Con Người nhận ra là mình không thực sự làm chủ đời mình:
Đời ta vốn là hơi là bụi
Theo từng cơn gió thổi tơi bời
Đi về chẳng có định nơi
Chỉ nơi khoảng giữa đất trời mênh mang…(1)
Đôi lúc Con Người cứ ngỡ rằng chính mình quyết định đời mình nhưng không như thế, chính những điều kiện hợp lại đẩy mình đến quyết định chứ không phải tự mình định đoạt mà được, mà có, mà thành. Con Người thường quên điều này và chỉ nhớ để tôn cái Tôi của mình, chính tôi quyết định việc này, việc kia, không có quyết định của tôi thì sẽ không như thế này thế kia. Đó chỉ là một cái nhìn chưa rộng chưa sâu mà thôi. Một người muốn làm tổng thống, không phải chỉ muốn mà được nếu không có dân chúng bầu lên. Được làm vua, làm hoàng tử, công chúa là do được sinh ra trong gia đình vua chúa nhưng cái chuyện được sinh ra trong gia đình này hay gia đình nọ, Con Người thực sự chẳng có quyết định được gì trong việc này. Nhưng cái chuyện vênh váo mặt mày thì rất dễ làm. Con Người lại vấp phải cái Tôi, cái Ngã đồ sộ.
Nhà Phật nhận thấy nơi Con Người chằng chịt những mối Nhân và Duyên. Từ nơi cái này mới phát sinh ra cái kia. Và cái kia lại tiếp tục làm Nhân cho những mối Duyên khác. Vô cùng vô tận. Chỉ khi nào nhân duyên hội đủ thì mọi việc mới thành tựu, mới có kết quả.
Có câu nói của Khổng Tử: “Thời vận không thông, mưu cầu vô ích” cũng không khác xa mấy cái thuyết nhân duyên của nhà Phật. Chỉ khi nào hội đủ điều kiện, đủ nhân đủ duyên thì mọi việc tự nhiên thành. Mong thực hiện việc gì mà chẳng đúng thời điểm, thời khắc, không thuận buồm xuôi gió thì làm gì cũng không tới đâu. Có biết bao người tài giỏi mà cũng đành chịu với số phận hẩm hiu vì không gặp cơ hội tốt để tạo nên sự nghiệp.
Đường đời của Con Người không hề bằng phẳng mà đầy chông gai và bất trắc.
Nếu có cái Tôi toàn quyền, toàn năng thì Con Người đã tự quyết định cho mình được mọi chuyện, làm gì cũng thành công, muốn gì cũng được, mãi mãi xinh đẹp, mãi mãi tươi trẻ, không bịnh hoạn, mãi mãi thông minh, mãi mãi giàu có, không nghèo khổ, đi đâu cũng tới, và mãi mãi không chết.
Nhưng không có chuyện này được và Con Người hoàn toàn ý thức giới hạn của mình. Con Người vẫn bám vào cái Tôi hữu hạn này cho dù phải sống để rồi chết. Bản năng sinh tồn của Con Người không cho phép Con Người chết. Con Người phải sống, phải có lòng tin và hi vọng, mãi mãi hi vọng.
Lòng tin đẩy Con Người lên gần với Thượng Đế, Đấng Toàn Năng hơn Con Người, tạo ra Con Người. Sau cái chết, Con Người sẽ gặp lại Thượng Đế, người cha đã tạo dựng mình. Lúc Con Người còn sống thì dường như Thượng Đế ẩn mình, im lặng và quan sát đàn con của mình mà thôi. Đàn con phải biết trở về với Thượng Đế như chuyện đứa con hoang trong Kinh Thánh.
Nơi Con Người, sức mạnh của lòng tin thật là lớn lao. Nếu không tin vào Thượng Đế thì Con Người tin vào những vị khác, nhất định là toàn hảo hơn Con Người, là Phạm Thiên, là Thần linh, là Đại Ngã, là Thánh, là Tiên, là Phật, là Bồ Tát…Lòng tin này cũng vững chắc và mãnh liệt, khó lay chuyển đổi thay.
Chúng ta đang dần bước vào lãnh vực tâm linh của Con Người mà con vật không có. Con Người cao hơn con vật một bực là có lý trí hay trí tuệ, và may mắn hơn con vật là Con Người có phần tâm linh. Vì sao? Vì chỉ qua phần tâm linh Con Người mới vượt lên được thân phận khổ đau của kiếp người. Hãy từ từ tìm hiểu sau đây.
Bước vào thế giới tâm linh thì khó diễn tả, khó nói vì hình ảnh hay lời nói chỉ được tạm dùng như phương tiện để diễn đạt một cái gì không thể diễn đạt bằng lời, bằng hình ảnh và chỉ có Con Người độc nhất tự mình cảm nhận qua trực giác hay qua cái được gọi và được đa số mọi người đồng ý là linh hồn (vậy thì tạm dùng chữ linh hồn ở đây) thì cũng không thể chứng minh, nắm bắt, đưa ra cho người khác thấy cái mà mình đã cảm nhận. Người kia cũng chỉ có thể mường tượng, đoán chừng và phải tự mình trải nghiệm qua linh hồn của mình. Nhà Phật có câu: “Tự tu, tự chứng”, hay “Bất khả thuyết, Bất khả tư nghị” và Lão Tử cũng nói “Đạo khả đạo, phi thường đạo” phần tâm linh do đó mà trở nên mơ hồ, khó tin. Mơ hồ, khó tin, không phải là không có. Phần tâm linh nơi Con Người thực sự hiện hữu và có một đời sống hoàn toàn phong phú đa dạng. Nhưng Con Người lại phân chia và tranh chấp nơi lãnh vực này mà rốt cuộc trên trái đất, bóng dáng của khổ đau vẫn lan tràn, đè nặng lên thân phận Con Người.
Tuy nhiên, phần tâm linh là nơi đem lại cho Con Người hi vọng lớn nhất. Lý trí hay sự thông minh không thể giải quyết hết các mâu thuẫn hay vấn đề giữa Con Người với Con Người, Con Người với xã hội, Con Người với môi trường, Con Người với hoàn cảnh, Con Người với bệnh tật, Con Người với cái chết…
Phần tâm linh an ủi Con Người. Nếu chỉ nương vào cái thấy của mắt, cái nghe của tai, cái xúc cảm của thân thể, cái nhận biết và phân biệt của khối óc thì cuộc sống và thế giới chung quanh Con Người hiện ra quá bất toàn, quá giới hạn, quá tương đối và gây đau khổ.Tất cả những gì Con Người muốn nắm giữ đều không thể nắm giữ. Cái thân thì sẽ tan rã, cái trí óc, sự suy nghĩ, tình cảm yêu thương sẽ dựa vào đâu? Dựa vào linh hồn đó thôi.
Lý trí hay sự thông minh không dẹp bỏ hết khổ đau. Con Người vẫn bị già nua, bệnh tật và cái chết đe dọa theo từng bước chân của thời gian.
Nhưng khi hướng về cái gì thuộc tâm linh, thế giới vô hình mà mỗi Con Người phải tự trải nghiệm lấy, chỉ có mình, không ai có thể trải nghiệm thay mình, thì cái “bình chứa” đầy cảm xúc, tình cảm, tư tưởng, trí nhớ, trí tưởng tượng và hình ảnh nơi Con Người tự nhiên như được trút cạn bao ưu tư phiền muộn. Con Người bỗng dưng tìm thấy một khoảng không gian thật mênh mông dễ thở, chính khoảng trống, vô hình, vô tận này giúp Con Người vượt lên cái thân phận hạn cuộc, từ bỏ cái bị tan rã để nhập vào cái vĩnh cữu.
Có ai không từng cảm nhận một phút giây hay chỉ một thoáng khoan khoái, hạnh phúc khi bước vào một ngôi đền, ngôi chùa hay nhà thờ, khi nghe một lời tụng kinh vang lên, một bài thánh ca cao vút nhẹ nhàng, hay chỉ chắp tay nghiêng mình trước một tượng đài?
Thế giới tâm linh mở rộng cánh cửa trước mặt Con Người, đón Con Người vào một đời sống mang một chiều hướng khác tràn đầy niềm tin và hi vọng.
Phải chăng cái gì cụ thể, có thể nắm bắt được, có thể diển tả được, có thể thấy, nghe, cảm nhận, như hình tướng, như màu sắc, như âm thanh, như sự đụng chạm, như tiếng nói, như chữ nghĩa, thì quá giới hạn. Con Người cần vượt ra khỏi giới hạn đó mà chỉ có phần vô hình, phần tâm linh mới đáp ứng sự khát khao mong mỏi của Con Người?
Bởi vì cái thế giới vô hình này cũng thiên hình vạn trạng, không đồng nhất nơi mỗi Con Người mà tranh chấp, chiến tranh vẫn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Muốn diển tả cho một Con Người khác hiểu cái thế giới vô hình thì Con Người vẫn phải mượn hình ảnh và ngôn ngữ. Có thể nào giao tiếp với nhau về cái thế giới vô hình này mà không dựa vào hình ảnh, hay ngôn ngữ?
Nhà Phật, nhất là phái Thiền, có nói đến “điểm Tâm, điểm Nhãn” hay là truyền Tâm, truyền Tâm Ấn. Chỉ từ nơi Tâm mà nhận biết, mà giao tiếp với nhau, gọi là Đạo Tâm, hay Tâm Đạo. Nhãn, là con mắt mà ở đây là con mắt của Tâm. Còn gọi là Đạo nhãn, Phật nhãn hay Thiên nhãn, con mắt thấy được sự thật như là sự thật, không méo mó, thêu dệt, không phải là Nhục nhãn, hay Trần nhãn, con mắt thịt của thế gian, của Con Người. Con mắt trần này thì chỉ thấy cái gì đưa ra trước mắt, thấy xanh là xanh, thấy đỏ là đỏ, thấy cây là cây, thấy nhà là nhà…v.v…nhưng cũng chưa chắc con mắt thịt này đã thấy chính xác sự vật như nó hiện ra vì con mắt thịt này cũng có thể bị lu mờ, yếu kém, bịnh hoạn, lại thêm vào đó, cái thấy của Con Người không vô tư mà nhuốm cái suy nghĩ, phê phán, yêu ghét, thích không thích, tốt không tốt, đo lường lợi hại, đong đếm thiệt hơn, xong xuôi rồi thì lại đem cái được thấy, được nghe đó vào mình, muốn là của mình, trở thành thực sự là của mình, được bảo vệ, nuôi dưỡng…hay ngược lại, thấy không phù hợp với mình thì xua đưổi, từ bỏ. Cũng từ đây mà nảy sinh ra mâu thuẫn, tranh chấp, chiến tranh và bạo lực.
Nhãn nhục của thế gian là như thế: cái “Tôi thấy” thường đi song song với cái “Tôi muốn” thuộc về mình, tất nhiên là những gì tốt, đẹp, hay ho, và đẩy ra những gì không muốn, không tốt đẹp, hay ho.
Dân gian có câu “Thấy sang bắt quàng làm họ” cũng diễn tả được phần nào cái ý “tôi thấy và tôi muốn thuộc về tôi” này.
Không có một đứa con nít nào khi xem các đoạn phim quảng cáo về bánh kẹo hay đồ chơi mà không đòi cha mẹ mua cho mình. Người lớn thì có những món đồ khác dành cho người lớn. Quảng cáo nhằm đánh vào tâm lý Con Người là muốn sở hữu, phải làm nổi trội cái đẹp nhất, hay nhất, tốt nhất, ngon nhất…để khơi dậy sự thèm khát. Đến đây thì Con Người cũng rất dễ bị lường gạt. Chung qui cũng từ hai cái tham mà ra, cái tham của người bán và cả người mua.
Cái “bình chứa” của con người luôn luôn đầy, không hề vơi. Và Con Người rất mệt mỏi với cái bình chứa quá đầy này. Con Người đi tìm một cái bình chứa khác to lớn hơn và Con Người đã tìm ra nơi cái phần bên trong vô hình này. Cái phần vô hình và tâm linh này mênh mông bất tận, không ai kiểm soát nổi.
Có những hiện tượng gọi là “thần giao cách cảm” phát xuất từ sự nghĩ tưởng mạnh mẽ đến một ai đó mà khiến cho người kia cảm nhận được. Người kia cảm nhận được là vì cũng có cái khả năng thần giao cách cảm này. Rõ ràng khi yêu hay ghét ai, không cần phải nói ra, cho dù ở xa hàng vạn dặm, Con Người vẫn có thể nhận ra. Chỉ cần hướng tâm về nơi đó, người đó là sẽ bắt được luồng điện tâm này. Yêu hay ghét đều sẽ rõ ràng không thể chối cãi.
Người có một đời sống tâm linh mạnh mẽ, không bao giờ cần nói nhiều cho họ nghe. Họ cũng không cần phải thấy qua nhục nhãn mà thấy bằng Tâm nhãn. Nơi Tâm thì gom hết tất cả các hoạt động của giác quan: nghe, thấy, ngửi mùi, sự xúc chạm của thân, vị nếm của lưỡi và luôn cả ý nghĩ nơi đầu óc.
Đứng trước một người có tu luyện tâm linh, ta không thể giấu giếm, dối trá hay đeo mặt nạ. Tất cả đều rơi xuống và ta như thế nào thì hiện nguyện hình như thế đó mà thôi. Thế nào là tu luyện tâm linh? Có thể là yoga, thiền định, trì kinh, trì chú, đọc, tụng, niệm một cách thật chuyên cần, chuyên nhất. Khi tâm định tĩnh thì cái thấy sẽ trong suốt, rõ ràng như không có gì che đậy, ngăn ngại. Trực giác, linh tính hay linh cảm sẽ trở nên bén nhậy, đôi khi có thể đoán trước, thấy trước các sự việc sắp xảy đến.
Áp dụng trong đời thường, không có mục đích tâm linh, khi tâm định tĩnh, thì khả năng tập trung của trí óc sẽ tạo ra những kết quả vượt bực, có thể nhận thấy nơi các vô địch thể thao, các nhạc sĩ hay các nhà hát xiệc với tài nghệ xuất chúng qua những màn biểu diễn thật tài tình, ngoạn mục. Nhiều doanh nhân đã học thiền để xả bỏ căng thẳng và sáng suốt hơn trong công việc, nhưng mục đích chỉ thuần vật chất, chỉ để đạt được lợi nhuận tốt hơn, nhiều hơn, không dính líu gì đến đời sống tâm linh.
Cái hiện tượng thần giao cách cảm, có được do tu luyện và cũng có thể là do bẩm sinh, không chỉ thực hiện được giữa hai Con Người còn sống mà có thể thần giao cách cảm với những người đã chết. Thường là thông qua sự báo mộng, trong giấc ngủ được người chết hiện về giúp đỡ, dặn dò hay báo trước điều gì đó, cũng như giải mã những điều bị giấu kín, bị oan ức…v.v…
Bất kỳ tôn giáo nào cũng đều có những hiện tượng như phép lạ hiện ra để cứu Con Người khỏi bịnh tật, tai nạn hay giúp thành tựu những mong cầu.
Có một điều nên nhớ, chớ lầm lẫn một người sống nội tâm và một người sống tâm linh.
Người sống nội tâm là người không hướng ngoại, thích sự trầm tĩnh, yên lặng, không nhiều lời, nói cái gì đáng nói, làm cái gì đáng làm, không thích tụ họp chốn đông người, giao tiếp vừa đủ, giới hạn, chọn lựa, không a dua, không đua đòi, không màng vật chất, cũng không màng danh lợi, sống biết đủ và an phận, bằng lòng với những gì mình có, hướng mình theo điều thiện, nâng cao tâm hồn, nhưng người sống nội tâm chưa chắc là người sống tâm linh.
Người hướng ngoại thì không thích cô độc, thích đám đông, tụ họp, bạn bè, chén thù chén tạc, thích vui nhộn, nói nhiều, hòa đồng với chung quanh, chú tâm đến xã hội, coi trọng địa vị, danh tiếng, gia thế, sự nghiệp, tuy thế, họ cũng có thể là người tâm linh nhưng khác với người hướng nội về mức độ tập trung và chuyên nhất, vì người hướng ngoại dễ bị lôi cuốn theo sự “sa đà”, làm mất thì giờ hay “giết” thời giờ quí báu qua những chuyện không quan trọng, gọi là “chuyện bao đồng, chuyện thiên hạ, phiếm luận, tán gẫu…”
Con Người cần giải trí, thư giản, nhưng Con Người hay đi quá trớn. Giữ quân bình hay Trung Đạo trong đời sống luôn là một việc khó, cần nghị lực và tự chủ. Từ một người bạn sẽ kéo theo mười người, từ mười người sẽ kéo theo ngàn người. Thời đại @ (a còng) nay có diễn đàn, forum, Facebook…vào thì dễ mà ra thì khó. Từ một mail sẽ có vài trăm, vài ngàn, từ mười phút mỗi ngày sẽ lên vài giờ, vài chục giờ và chiếm trọn cả ngày, luôn cả giấc ngủ! Những gì đọc được, nghe được, xem được sẽ đọng lại trong đầu óc tâm tư và cả trong tiềm thức.
Con Người là một sinh thể có khả năng hấp thụ tất cả những gì đến từ bên ngoài. Thức ăn đem vào bụng, khí đem vào phổi, cho đến làn da mỏng cũng thở, cũng đem chất dinh dưỡng vào người được, thì trong khối óc, trong tâm tư cũng thế, có những “thức ăn” trừu tượng được đem vào để nuôi dưỡng cái phần tinh thần này. Với thời gian, càng ngày cái bình chứa nơi Con Người càng đầy, Con Người chỉ thêm mệt óc mệt trí. Khoa học càng tiến bộ thì các bệnh về tâm thần cũng tiến nhanh không kém. Số lượng Con Người phải dùng thuốc an thần không hề giảm! Đó là chưa nói đến những Con Người thực sự điên cuồng, loạn trí…
Con Người trong xã hội hiện đại, không những cần phải chọn lựa thức ăn để nuôi cái thân vật chất mà còn phải chọn lọc những thức ăn nuôi dưỡng cái phần tinh thần, nếu muốn có một thể chất tráng kiện và một tinh thần lành mạnh.
Thêm một điều nữa, khi nói người này “duy tâm”, chủ trương mọi sự hiện hữu căn bản là nơi linh hồn, trí óc, ý tưởng, ý niệm…ngược lại với “duy vật”, chủ trương sự hiện hữu từ nơi vật chất, mọi hiện tượng là kết quả của sự tương tác giữa các thành phần vật chất, thì ở đây, người có khuynh hướng duy tâm cũng chưa chắc là người tâm linh.
Người sống tâm linh là người kết nối với thế giới vô hình, mang tính chất thiêng liêng của tôn giáo hay của tín ngưỡng, ở nơi này có Thượng Đế, có Allah, có Chúa, có Đức Mẹ, có Thiên thần, có Thần linh, Có Khrisna, có Shiva, có Phật, có Bồ tát, có Thánh, có Tiên…có cả linh hồn của những người đã khuất, và tùy theo mỗi tôn giáo mà có sự khác biệt, có cả những người nơi cõi khác mà con mắt trần không thể nhìn thấy như địa ngục, thiên đưòng hay nơi trú ngụ của ma, quỉ... Cái tầm nhìn của người tâm linh thì rất xa, xa vời vợi. Có thể thấy quá khứ cũng như tương lai. Những người này được gọi là nhà tiên tri.
Có hiện tượng gọi là “lên đồng” hay “hầu đồng, hầu bóng” làm cầu nối cho Con Người giao tiếp với thế giới “bên kia”. Những người có khả năng đặc biệt mà có thể nghe hay thấy thế giới bên kia được gọi là nhà ngoại cảm.
Những người như tiên tri hay ngoại cảm thì thật sự không có nhiều nhưng có bằng chứng cụ thể những điều họ thấy, họ nghe, họ nói là thật.
Trên cõi đất này, có lẽ số người tin rằng có một linh hồn bất tử và có một đời sống sau cái chết là đại đa số.
Nếu không gọi là linh hồn thì cho dù được gọi dưới một danh từ khác, như là vong, vía, thần thức, thì cũng vẫn tin vào một năng lực tiếp tục duy trì sự sống sau cái chết, sau khi thân xác tan rã.
Đó là trường hợp của Phật Giáo, không tin vào linh hồn bất tử nhưng tin vào thần thức sẽ tiếp tục trở lại thế gian để sống một cuôc sống khác, cứ quay đi trở lại hằng hà sa số kiếp trong cái vòng được gọi là luân hồi, trở đi trở lại, cho đến ngày giải thoát. Giải thoát cũng có nghĩa là bứt ra khỏi cái thần thức trói buộc Con Người khao khát hiện hữu, khao khát sống và tất nhiên là phải chịu khổ vì cuộc sống trên thế gian, bản chất của nó là khổ. Đạo Phật dạy phương pháp cho Con Người buông bỏ cái thần thức dẫn Con Người vào chốn trầm luân. Buông bỏ bằng cách nào? Bằng cách chuyển hóa cái thần thức ô nhiễm, chấp Ngã, ích kỷ đầy phiền não thành cái thần thức trong sạch, Vô Ngã, vị tha. Nhưng đạo Phật chia hai ở đây, phái Nguyên Thủy chỉ nói đến Niết Bàn, Con Người không còn luân hồi sinh tử, không còn chấp Ngã, ích kỷ và phiền não thì nhập vào Niết Bàn thanh tịnh. Phật giáo Phát Triển hay Đại Thừa thì nói đến Phật tánh, bản chất thật, thanh tịnh và không đau khổ vốn có sẳn nơi Con Người và Con Người tu tập để giải thoát là tìm lại bản chất thật của mình, Phật tánh, để không còn chịu khổ nữa.
Cho dù là hai danh xưng khác nhau nhưng Niết Bàn hay Phật Tánh đều được hiểu như là bản thể, bản tánh chân thật không chịu sự khổ đau sanh diệt của mọi loài chúng sanh, trong đó có cả súc vật. Bản tánh này có thể chứng được, thực hiện ngay trong đời sống hiện tại nếu chịu tu tập đúng đường lối và tất nhiên là chỉ có Con Người mới tu tập được là vì có trí tuệ và các điều kiện giúp cho khả năng tu tập phát triển mà con vật thì không có khả năng và điều kiện.
Quan điểm Phật giáo là như thế, tin hay không là quyền của mỗi Con Người.
Con Người hẳn là có một nửa phần vượn, đười ươi nơi thân mình và khi Con Người hành động hay suy nghĩ không xứng đáng với địa vị cao quí của mình.
Cái Tôi hay cái Ngã của Con Người cũng quá lớn, làm chướng ngại cho cuộc sống của Con Người mà mục đích gần nhất là tìm cầu hạnh phúc. Nhưng Con Người hiểu rằng hạnh phúc trên thế gian thì ngắn ngủi và cũng không dễ tìm. Hướng đến tâm linh mở ra cho Con Người một chân trời mới, con đường giải thoát thực sự mọi khổ đau, nhưng con đường này cũng thênh thang lắm và rất nhiểu lối để bước vào. Chúc bạn may mắn!
Chú thích:
1. Ở Ngục Thừa Thiên. Thơ Cao Bá Quát (Vũ Mộng Hùng dịch)