Những tưởng việc bỏ tiền mua danh vọng, chức tước chỉ có ở thời phong kiến, điển hình là các lão phú ông, trọc phú dốt nát, ít học bỏ tiền ra mua danh vọng, chức tước để khoe khoang. Tuy nhiên, thời nay việc mua danh, mua tước vị, chức quyền vẫn tồn tại, thậm chí còn có phần tinh vi hơn trước!
Đơn giản như để được trao giải thưởng về lĩnh vực gì đó, dù không nằm trong hệ thống khen thưởng quốc gia, thường là do các doanh nghiệp cơ quan tự đứng ra tổ chức và trao theo kiểu “vô thưởng, vô phạt” thì người muốn nhận giải phải bỏ ra ít tiền gọi là tiền hỗ trợ Ban tổ chức, tiền phí in ấn, liên hoan, tiệc tùng, trao giải... Đối với các giải thưởng có tên gọi hoành tránh, mỹ miều thường do Ban tổ chức tự đặt ra và gắn thêm các cụm từ như “thế giới”, “quốc tế”, “quốc gia” thì phải người đạt giải mất “vài vé” hoặc “vài chục vé” là chuyện bình thường, nhất là các giải thưởng mang tính quảng bá hoặc mang tính nghệ thuật, biểu tượng. Có nhà nhiếp ảnh nổi tiếng tâm sự rằng nhiều khi nhận được giấy mời nhận giải thưởng thì lo sốt vó nào là tiền ăn uống, đi lại - tự lo, tiền hỗ trợ Ban tổ chức- phải có, nếu không thì...
Ban tổ chức sẽ trao giải cho người xứng đáng hơn! Ở thời buổi hiện nay, kẻ bỏ tiền ra mua các danh hiệu, giải thưởng để khoe khoang, vụ lợi không hiếm. Đó chỉ là khía cạnh nhỏ, phạm vi hẹp, nghiêm trọng hơn, hiện nay tình trạng mua bán chức quyền diễn ra khá phổ biến. Do một bộ phận không nhỏ những người có chức, có quyền và những người đang muốn “có chức, có quyền” có suy nghĩ: Nếu tôi đưa anh vào vị trí đó tôi phải được cái gì, nếu tôi vào chổ đó thì tôi được cái gì? Khi những “tư tưởng lớn” này gặp nhau thì nhất thiết sẽ có tiêu cực và tình trạng mua bán chức quyền nhất định sẽ xảy ra.
Việc mua bán chức quyền làm cho tình trạng tham nhũng, tiêu cực có cơ hội sinh sôi, phát triển mà chưa có biện pháp hữu hiện nào ngăn chặn hiệu quả. Suy cho cùng thì hành vi mua bán chức quyền, danh vọng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra tiêu cực trong xã hội. Nó không những làm gia tăng tình trạng tham nhũng, tiêu cực mà còn cản trở sự phát triển của xã hội.
Khi đó, những người tài giỏi nếu không có tiền để “quan hệ”, mua chức tước thì không được cân nhắc, trọng dụng, còn kẻ tiểu nhân, ngu dốt nhưng lắm tiền thì lại có địa vị mặc sức tung hoành, đục khoét tài nguyên của đất nước, của nhân dân. Và những kẻ đã đi mua chức quyền sẽ tiếp tục bán chức, bán quyền cho kẻ khác...
Bên cạnh đó, mua bán danh vọng, chức quyền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp giáo dục, khoa học và công nghệ khi đó sẽ không còn ai hứng thú với việc nghiên cứu, học tập để tìm tòi, phát minh, sáng chế ra các sản phẩm, thành tựu khoa học mới. Mua quan bán chức thời nào cũng có, xã hội nào cũng có với tính chất mức độ khác nhau nhưng đều là hành vi xấu xa đáng bị lên án và trừng phạt nghiêm minh.
Ở xã hội của chúng ta- xã hội chủ nghĩa, mọi lợi ích đều vì Nhân dân, do Nhân dân thì không có lý do gì để hiện tượng này tồn tại, mỗi một chúng ta phải có hành động, biện pháp mạnh mẽ triệt để ngăn chặn, triệt tiêu hành vi này.