Mấy năm nay, hễ ai hỏi có “chơi facebook” không là tôi lại tỏ ra ngại ngần, nếu không nói là ngượng ngùng, vì hồi blog thịnh hành tôi đã không dính dáng, đến thời facebook lên ngôi tôi cũng chẳng bận tâm. Thế nhưng nhìn những người Việt bất kể trẻ già lúc nào cũng lăm lăm điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng,… là tôi rất vì nể.
Song quả thật khi gặp mấy anh khoác cái túi đựng Iphone trông như xà-cột của sĩ quan Liên Xô trước đây, đi lại với vẻ sành điệu tôi cứ thấy buồn cười. Hình như với họ, cái túi ấy là dấu hiệu của đẳng cấp!?
Vừa rồi đi công tác tại Pháp, mấy ngày nghỉ cuối tuần lang thang ở Paris, tôi quan sát không thấy ai đeo cái túi như vậy, hầu như mọi người ai cũng đều sử dụng điện thoại, nhưng chủ yếu là điện thoại thông minh, và Iphone là của hiếm. Chỉ có một lần tôi gặp một người đeo túi đựng Iphone là khi đến sân bay làm thủ tục về nước, thấy một Giám đốc Sở ở Việt Nam đang đeo túi hiên ngang đứng giữa cửa. Như vậy, bằng vào quan sát của tôi thì sự sành điệu ở Việt Nam hình như cũng khác sự sành điệu ở Paris?!
Xét từ những đòi hỏi của sự sinh tồn con người thì nhu cầu và việc thỏa mãn nhu cầu luôn là những điều kiện tất yếu. Tuy nhiên cùng với tiến trình lịch sử, khi nhu cầu ăn - mặc - ở của con người không ngừng tăng lên thì các nhu cầu đó cũng luôn được đặt trong quan hệ chặt chẽ với quá trình “văn hóa hóa”. Như nhu cầu ăn chẳng hạn, từ khi văn hóa ra đời, việc ăn đối với con người không còn chỉ là để no bụng, mà trước và trong khi ăn, mỗi người còn phải trả lời các câu hỏi: “ăn cái gì”, “ăn như thế nào?”... Nói cách khác, cùng với sự phát triển, việc thỏa mãn nhu cầu ăn - mặc - ở của con người đã từng bước thoát khỏi tình trạng thuần túy thỏa mãn về vật chất, mà còn bị điều chỉnh, bị chi phối bởi các giá trị tinh thần.
Ở Việt Nam, sự ra đời của các chuẩn mực như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Y phục xứng kỳ đức”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Chồng em áo rách em thương - Chồng người áo gấm xông hương mặc người”,... không giữ vai trò trực tiếp quyết định các hành vi, nhưng nếu ai vi phạm sẽ dễ bị cộng đồng chê cười, đàm tiếu. Vì thế mỗi người, bất kể trong hoàn cảnh riêng như thế nào, sở thích ra sao, cũng cố gắng điều chỉnh việc thỏa mãn nhu cầu, như một sự tự ý thức, để thích ứng với tiêu chí văn hóa của cộng đồng. Tuy nhiên, nếu như văn hóa nông nghiệp lúa nước gắn với chu kỳ hầu như không đổi của tự nhiên cùng với các chế định phong kiến ngặt nghèo đã làm cho con người không có tham vọng phóng chiếu nhu cầu, sở thích của mình trước cộng đồng, thì đồng thời cũng giới hạn con người trong phạm vi nhu cầu, thỏa mãn nhu cầu nhất định.
Đó là căn nguyên làm cho hàng trăm năm trước đây, các thế hệ phụ nữ kế tiếp nhau, dù có muốn, cũng không vượt thoát khỏi áo tứ thân, nón quai thao, xà tích, nón ba tầm. Đó cũng là một căn nguyên làm cho trong hàng trăm năm ngôi nhà, dù một gian hai trái hay ba gian hai trái, thì cũng không có biến động về cấu trúc. Tương tự như thế, dù sơn hào hải vị phong phú đến thế nào thì mâm cỗ của tiền nhân cũng ít khi phá bỏ sự đồng bộ với thành phần bốn bát, sáu đĩa... Nghĩa là, nhu cầu vẫn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của con người nhưng hầu như ít biến động, vì thế việc thỏa mãn nhu cầu cũng ít biến động theo, đặc biệt là thiếu cá tính hóa.
Từ khi tiếp xúc với văn hóa - văn minh phương Tây, thì mọi sự đã thay đổi, và đối với con người, những chế định xã hội theo quan niệm của thời kỳ trước như đã dần dần lỏng lẻo. Đó là kết quả tất yếu của sự phối kết giữa các điều kiện khách quan do xã hội đem lại, với sự tự ý thức của con người về vị trí xã hội của mình và về các quyền mà mình được hưởng. Nhưng, nếu về cơ bản sự phối kết ấy đã đưa tới cho một bộ phận xã hội ý thức mới về lao động và sự hưởng thụ; thì ngược lại, với một bộ phận khác, sự phối kết ấy lại được hiểu theo nghĩa “tự do muốn làm gì thì làm, càng hơn người càng tốt”. Cách hiểu này kết hợp với thói ích kỷ, sĩ diện hão, kiểu lối trọc phú và học đòi, a dua theo đám đông, con gà tức nhau tiếng gáy,... vốn tiềm tàng trong tâm lý tiểu nông tư hữu có cơ hội trỗi dậy, nhiều người phóng chiếu các thói tật này bằng việc chạy theo, cố gắng phô phang một số kiểu lối hưởng thụ được cho là thời thượng, quyền được hưởng.
Nếu như coi việc sử dụng ngoại tệ để nhập một số mặt hàng không được Nhà nước khuyến khích nhập là một căn nguyên của tình trạng xa xỉ trong tiêu dùng, thì việc một bộ phận người Việt thả sức vung tay mua sắm hàng hiệu, chơi bời, nhậu nhẹt cũng là một căn nguyên trực tiếp ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng của xã hội. Dẫu đồng tiền chi tiêu là đồng tiền “sạch” và mọi người có quyền chi tiêu thì trước cộng đồng, sự chi tiêu ấy lại không còn mang ý nghĩa cá nhân. Nó tác động tới tâm lý tiêu dùng của người khác, và nếu không được điều chỉnh sẽ dễ dàng đẩy tới tình trạng tiêu dùng tiêu cực, lãng phí, bừa bãi, bất chấp hệ lụy, bất chấp cả sự phản cảm so với cuộc sống của số đông. Bên cạnh đó, dù thiện chí đến đâu cũng khó có thể bỏ qua vai trò của hệ thống truyền thông với tiêu dùng xã hội.
Hàng chục năm nay, trên nhiều báo in và báo điện tử, luôn nhan nhản tin ảnh quảng cáo đủ các loại hàng hóa cao cấp có nguồn gốc nước ngoài, và thường gắn liền với các tiêu chí đại loại như “hàng đầu”, “bán chạy nhất”, “thế giới ưa chuộng”. Với vô tuyến truyền hình, vài năm trở lại đây là một trong các phương tiện truyền thông hăng hái quảng bá lối sống tiêu thụ. Ở đó, dưới nhiều hình thức khác nhau, truyền hình tung ra các “pha” quảng cáo càng giật gân càng tốt để “đánh” vào sự tò mò và thị hiếu tiêu dùng của công chúng. Ở đó có thể bắt gặp hình ảnh mấy anh chàng phóng xe bạt tử lao như tên bắn trên đường chỉ nhằm giành giật một chai nước ngọt bất chấp cả luật lệ giao thông,... với mấy lời quảng cáo sáo rỗng nhưng lại có khả năng tác động đến sự nhẹ dạ, đến thói chuộng lạ của con người, tỷ như: “người đàn ông đích thực”, “cả thế giới trong ngôi nhà của bạn”...
Cùng với đó là trình chiếu một số bộ phim Việt Nam mà bối cảnh hầu như chỉ có nhà cao cửa rộng, đồ đạc đắt tiền, tiện nghi hiện đại, đèn đuốc sáng choang, trai thanh thì tóc phết “keo” dựng đứng, gái lịch thì váy áo xúng xính cố tỏ ra sành điệu, rồi lái ô tô “xịn”, nhấp nháp rượu Tây... Điển hình cho tình trạng quảng bá tiêu dùng của truyền thông là thông tin về các “người đẹp”. Thông tin, bình luận về các cuộc thi hoa hậu và người mẫu chiếm lĩnh hệ thống thông tin đại chúng đến mức ngỡ họ chỉ “ho” một tiếng là lập tức báo chí xôn xao. Ở đó, người đẹp khoe mông, ưỡn ngực và tranh cãi ỏm tỏi về việc chấm thi công minh, hay không công minh. Rồi người đẹp xông lên báo chí bới móc chuyện này chuyện khác của nhau. Rồi người đẹp “diễn” lòng từ thiện bằng cách vung tiền đóng góp. Rồi người đẹp bế em bé tật nguyền, người đẹp ôm hôn cụ già để chụp ảnh quảng bá.
Và người ta không ngần ngại gán cho họ các mỹ từ nào “sao Việt”, nào “miss teen”, nào “siêu mẫu”... không cần coi đó là các mỹ từ nếu biết định tính ý nghĩa xã hội - thẩm mỹ, người ta sẽ phải thận trọng. Rồi người đẹp yêu ai, hẹn hò với ai, nấu món ăn gì, học làm bánh pizza, dạo chơi ở đâu, mua nhẫn tiền tỷ,... cũng được báo chí đưa tin rình rang. Thậm chí tin tức đại loại như Diễm Hương khoe đường cong dưới mưa, Chung Thục Quyên biến hóa với bikini, Jennifer Phạm khoe vòng một gợi cảm, Dương Thùy Linh được khen quyến rũ khi có bầu,... cũng vinh dự nằm trên trang nhất một báo điện tử thì đúng là không biết bình luận ra sao.
Trở lại với những ai sắm Iphone để được coi là sành điệu, tôi không phản đối họ, nhưng tôi quan tâm đến khả năng kinh tế cá nhân và tính hữu dụng của nó trong tư cách là sản phẩm tiêu dùng. Và thiết nghĩ, trong tính hai mặt của một vấn đề, nếu chúng ta cố gắng vận động, tuyên truyền, xây dựng những thế hệ người tiêu dùng Việt Nam thông minh, không nhấn chìm mình vào các thú vui vật chất, biết thỏa mãn các nhu cầu trên cơ sở khả năng kinh tế riêng của bản thân và điều kiện kinh tế chung của cộng đồng; thì mặt khác, cần phải chú trọng phát triển một nền sản xuất vật chất và tinh thần tương ứng với mọi phương diện tiêu dùng của xã hội, với các kiểu loại hàng hóa luôn được nâng cao chất lượng, được sáng tạo một cách sinh động, đa dạng về hình thức.
Hơn thế nữa là điều được viết trong bài Bớt nhậu để tiết kiệm hàng tỷ đôla cho đất nước đã đăng trên Vnexpress mà tôi muốn dẫn lại ở đây: “Nếu như ngay ngày mai, hơn 3 triệu đảng viên và hơn 1 triệu doanh nhân trong nước, hãy làm gương trước tiên bằng hành động thiết thực, cắt giảm chi tiêu trong dịp Tết này và tiết kiệm trong suốt cả năm để đóng góp ngay từ 10 đến 100 đôla Mỹ hoặc nhiều hơn nữa cho quỹ Nối vòng tay lớn năm nay và những năm tới. Cùng đoàn kết một lòng, không có việc gì khó, cùng với người Việt trên toàn thế giới đoàn kết, chung tay, chung sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc mà tổ tiên đã đổ biết bao xương máu để giữ cho đến ngày nay.
Việc làm nhỏ của chúng ta sẽ được thế giới ngưỡng mộ vì đạo lý thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, là anh em trong cùng một bọc được gọi là đồng bào, cùng chia sẻ để niềm vui nhân đôi cho tất cả đồng bào còn khó khăn, các chiến sỹ, ngư dân nơi biên giới, biển đảo ngay trong những ngày Tết cuối năm đầy ý nghĩa và sẽ rất vui này...”. Thiển nghĩ, đó cần xem là việc nên làm hằng ngày, chứ không phải chỉ làm trong dịp Tết!