Trọng nam khinh nữ là một tư tưởng phân biệt đối xử theo giới tính trong đó coi nam giới quan trọng hơn phụ nữ. Đây từng là một hệ thống tư tưởng tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là dưới chế độ phong kiến. Mặc dù hiện nay quyền phụ nữ được công nhận nhưng hệ thống tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ở một số nước, đặc biệt là gắn liền với các tư tưởng tôn giáo. Ở những vùng khác, nhiều người vẫn còn mang tư tưởng này với nhiều cấp độ khác nhau.
Việt Nam là nước bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng phong kiến và Nho giáo. Nó ăn sâu bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa là "một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có", thể hiện cách đánh giá con là nam hay nữ trong Nho giáo. Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa (và thậm chí cả ngày nay) vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai. Nếu không có con cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng. Thế nên phần lớn các gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai. Bên cạnh những mặt tích cực về giáo dục đạo đức, tư tưởng trọng nam khinh nữ không còn phù hợp.
Trong xã hội xưa và cả ngày nay, số đông chị và em gái luôn chịu thiệt thòi, nhiều người nhà rất khá giả có hàng chục phòng nhưng khi lấy chồng phải sống chung với bố mẹ chồng và anh chị em trong cùng một căn phòng chật hẹp. Bố mẹ đẻ có thừa tiền cũng không cho mua nhà riêng vì đó là việc của nhà chồng, còn người anh và em trai nhà bố mẹ để lại nên chẳng phải lo nghĩ gì...
Xét về phụng dưỡng bố mẹ, chị và em gái thường dành thời gian chăm sóc hơn anh và em trai vì con gái sống bao giờ cũng tình cảm, biết hiếu thảo với cha mẹ hơn, con trai nhiều người còn phá phách bắt bố mẹ trả nợ nên mọi người mới nói: "Sinh con trai sống khổ, chết sướng; Sinh con gái sống sướng chết khổ". Các cụ ngày xưa cho rằng, sau này mất đi, linh hồn ngày rằm và mồng một, ngày Tết, ngày giỗ ... chỉ được vào nhà con trai mình, còn nhà con gái thờ cúng đằng nội muốn vào không được. Do vậy, con trai dù hư thì vẫn được coi trọng, đây chính là quan điểm tiêu cực, cần được đổi mới và xem xét lại một cách sao cho thích hợp hơn.
Bên cạnh số đông đó xuất hiện những gia đình có tư tưởng rất đổi mới: con nào cũng như nhau, cũng được yêu thương, chăm sóc giống nhau, thể hiện sự công bằng. Con gái lấy chồng nghèo sẵn sàng cho ở rể hoặc mua căn chung cư cho ra ở riêng, miễn là con gái mình được sống sung sướng. Con trai lấy vợ cũng như vậy, thừa kế bằng nhau không con nào hơn. Đấy là những người biết nhìn xa trông rộng và hiểu lẽ đời.
Nhiều nhà không có con trai người con gái yêu quý bố mẹ mình nên giữ chỗ thờ cúng bố mẹ mình 50% trên bàn thờ, hoặc làm một bàn thờ riêng bên cạnh, việc này rất nhiều người mang nặng tư tưởng phong kiến đang lên án cho rằng: trái đạo lý, chửi mắng người con trai hèn bị vợ chèn ép, sợ hàng xóm đánh giá, làm ảnh hưởng hạnh phúc nhiều gia đình, nhưng đó có gì là sai, đạo lý nào cũng dạy con người đối xử với nhau nhân văn, bố mẹ bên nào cũng ngang nhau sao cấm con gái thờ cúng được.
Chính vì nặng tư tưởng nên nhiều ông bà ép con phải đẻ cháu trai, vợ đẻ 3 - 4 đứa con gái bắt ra ngoài, nếu không sẽ cho là bất hiếu, trường hợp này không hiếm. Những tư tưởng phong kiến cổ hủ nếu không tự giải thoát khỏi nó thì sống rất gò bó, lúc nào cũng sợ bị đánh giá, gièm pha - nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình chỉ vì tự ái những chuyện không đâu vào đâu. Còn biết tự tin, vượt qua nó thì sống rất thoải mái, tất cả chỉ hướng tới một cuộc sống tốt đẹp cho chính mình và con cháu mình, con Trai hay con Gái đều là con mình và không nhất thiết cứ phải sinh con Trai. Tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ cần được thay đổi, để nam – nữ được bình đẳng trong xã hội ngày nay.