Vườn thú người

“Một trò chơi sòng phẳng của sự sinh tồn cám dỗ làm điều xấu có thể kết thúc với phí tổn hàng ngàn silinh[1], nhưng kiểu biến thể này, chỉ tốn không quá vài silinh, có thể cho phép kẻ đấu tranh để nhận kích thích được thỏa mãn các hành động dụ dỗ, hãm hiếp, ngoại tình, bỏ đói, giết người và cướp bóc, mà thậm chí không cần phải nhấc mình khỏi chiếc ghế thoải mái của mình..”

Đó là đoạn trích trong cuốn sách của tác giả Desmond Morris mà tôi lấy làm tựa đề cho bài viết của mình “Vườn Thú Người”. Có thể coi đây là cuốn sách về Nhân chủng học, tôi thích đọc sách, đủ các thể loại, trong đó có sách về khảo cổ học – Sinh và Nhân chủng học. Chính xác thì cuốn sách thực ra cũng không hoàn toàn là về Nhân chủng học, nói cho đúng thì đó là cuốn sách viết về cuộc sống của Xã hội loài người nói chung và cá nhân sống trong xã hội đó nói riêng dưới góc nhìn sinh học – coi con người như một loài động vật bậc cao (theo đúng nghĩa đen), đoạn trích trên nằm ở Chương VI “Đấu tranh nhận kích thích”.

Thực ra, cuốn sách không liên quan nhiều lắm đến vấn đề tôi viết, nhưng tôi muốn mượn cái tên cuốn sách như một thông điệp đầy đủ nhất để nói về một câu chuyện khá ồn ào gần đây – “Chuyện cướp Bia”.

Chuyện kể rằng trong một ngày đẹp trời nọ, có một chút nắng nhẹ, một chút gió nhẹ, một chút tai nạn “nhẹ” (vì may mắn không có người nào thương vong hay tử vong) và sau đó là một câu chuyện buồn không hề nhẹ: Có 2 anh chàng Tài xế lái xe tải và Lơ xe chở Bia thì bất ngờ một xe ôtô khác qua đường phía trước, anh Tài xế đã bẻ quặt tay lái, để xe đâm vào lề đường. Vì đang đi với tốc độ cao nên khi bất ngờ đổi hướng, hàng ngàn két bia Tiger trên thùng xe đã đổ xuống đường, và rồi một cảnh tượng mà mang bề dày văn hóa của dân tộc làm thước đo thì “không lấy gì là đẹp đẽ lắm” đó là hàng trăm người nhảy vào “hôi của” (đó là nói lịch sự, chứ nói thẳng ra là “một lũ ăn cướp ban ngày”), mặc cho Tài xế và Lơ xe van xin...

Sự việc cơ bản chỉ có thế, phần sau thì các bạn ai cũng biết rồi, còn nếu không biết thì có thể lên google gõ tìm kiếm từ khóa “xe chở bia đổ tranh nhau cướp”, con số hiển thị rất “khiêm tốn” thôi: Khoảng 1.020.000 kết quả (0,34 giây). Khi đọc bản tin trên một trang báo mạng mà tôi cũng hơi shock, sự việc này đã cho thấy một vấn đề tồn tại: Cái xã hội mà chúng ta đang sống đã thất bại trên một phương diện nào đó, có thể hiểu theo nghĩa hẹp là “Đạo đức của một nhóm thiểu số (mà chưa chắc đã là thiểu số) rất thấp”.

Tôi nhớ cách đây cũng gần một năm khi một chuyện ở Trung Quốc hơi tương đồng đó là một người đàn ông lao động vất vả mang được một bọc tiền về để gia đình ăn tết, nhưng trên đường đi do túi bị rách và tiền rơi ra nên rất nhiều người đã dừng xe để “nhặt” (hộ mình) số tiền đó, trong ấy có cả những người giầu đi xe rất sang, nhớ ngày đó khi nhắc đến câu chuyện một vài người đã nói với tôi rất hồn nhiên “chuyện chỉ có ở Trung Quốc”, nghe cứ như là cái quốc gia đông dân nhất thế giới ấy là nơi chứa đầy những xấu xa và ti tiện, Việt Nam mình thì không, cao sang quá, sạch sẽ quá và “miễn dịch” với những thứ ấy.

Nhưng lần này thì... thậm chí còn bết bát hơn, người ta rơi tiền bị nhặt đã đành (mà thực ra mới trước đó không lâu, nước mình cũng có trường hợp “nhặt tiền rơi” tương tự), ở mình là “tai nạn” rồi đổ Bia, vậy mà hàng trăm con người “nhảy bổ” vào tranh cướp, nghe đâu có cả anh chàng nào đó nổi hứng (mà có lẽ nghiện bia hơn cả Chí Phèo nghiện rượu) mang cả xe Ba gác ra chở Bia “về”, rồi lại có vài kẻ leo lên cả xe để “nhặt” đồ rơi vãi...đủ loại người như thế, như của nhà mình. Không hiểu họ nghĩ cái gì và được “dạy bảo” ra sao? Cứ giả thiết đó là tiền, vàng, thịt, cá....hay bất cứ cái gì có thể ăn được thì đã đành, chứ Bia thì nói thật là uống vào là lại “cho ra” hết, chỉ mất công đi vệ sinh cho lắm, ấy thế mà họ cũng đâu có tha.

Kinh tế thị trường luôn kéo theo những mặt trái của nó, tại cái bối cảnh xã hội có kinh tế thị trường thì mọi sự đều để cho thị trường quyết định thông qua trao đổi, bán chác...và thế là Tiền có thể mua được hầu hết mọi thứ, nhưng vấn đề ở đây: chúng ta là “nền kinh tế thị trường có sự định hướng của nhà nước”, và sự thực là về mặt giáo dục cho đến thời điểm này nhà nước vẫn đang thất bại và loay hoay còn dài, coi như vế sau của khái niệm trên là chưa ổn. Cái gốc duy nhất đủ mạnh là hơn 4000 năm dựng nước - giữ nước hình thành nên bề dày “văn hóa” với truyền thống “tương thân tương ái”, có vẻ trong một giới hạn hẹp đã tan theo mây khói.

“Tương thân tương ái” vốn là một truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam (nói riêng) do đặc thù canh tác Lúa nước gắn liền với việc trị thủy và để chống lại thiên tai, địch hóa, ngoại xâm mà cộng đồng gắn kết giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau. Những điều tốt đẹp đó đúng như nhận xét của một người nước ngoài “...nhưng chỉ phát huy khi đất nước có chiến tranh thôi”, còn đây – sau gần 40 năm thống nhất hòa bình, hình như người Việt Nam đã “chán” cảnh sống yên bình rồi hay sao mà “lá lành xé te tua thêm ra cho lá rách thành lá nát”. Văn hóa đâu rồi? Thuần phong mỹ tục đâu rồi?

Tôi không thể hiểu nổi những con người “cướp ngày” ấy nghĩ gì nữa? Khi có người gặp phải tai nạn khó khăn, thay vì chung tay giúp đỡ thì họ quay sang “đục nước thả câu” lương tri và thói vị kỷ của con người tồi tệ, hẹp hòi đến thế là cùng. Hẳn mấy gã này mà gặp tai nạn sắp bị chết đuối chắc không cần ai cứu giúp mà muốn người trên bờ đạp thêm cho mình mấy phát? Làm con người sống ở trên đời muốn gì thì gì ít nhất sống cũng phải có cái Đức, không giúp được người thì cũng đừng hại người, rồi sẽ có lúc chúng ta gặp khó khăn, xã hội mà cứ “quay mặt” với nhau như thế, vô tình với nhau như thế, tổn hại đến nhau như thế...rồi đến lúc mình bị tai họa ai giúp đây?

Mình sống ở trên đời này đã chẳng cho ai được cái gì thì cũng đừng lấy không của ai cái gì. Nền kinh tế thị trường có thể mua bán được mọi thứ bằng tiền đã là đau lòng lắm rồi, đã làm nhiều cái mất mát lắm rồi, đến Thiên lương và Đạo đức cũng không biết giữ mà đem nhau ra ngã giá rẻ rúng chỉ bằng mấy lon Bia, mấy đồng bạc lẻ như vậy thì dân tộc chúng ta chẳng còn có gì đáng giá nữa.

Cái nền tảng của mọi quốc gia dân tộc là Văn hóa, còn hay mất, thành hay bại là ở đó, nếu chúng ta cứ đem “bán thanh lý” đạo đức của mình như vậy thì cuối cùng chúng ta mãi vẫn chỉ là dân tộc nhược tiểu bé mọn không ngẩng mặt lên được. Thử hỏi những người tham gia vào vụ “cướp Bia” (và hàng trăm chuyện khác) như thế, khi mang “Chiến lợi phẩm” về nhà, con mình hỏi “ở đây vậy Ba (Má)....?” họ sẽ trả lời ra sao? Nói “là Ba thấy người ta gặp nạn nên Ba cướp về” à? Hay là nói dối? Phải rồi “người lớn cứ nói dối”. Bằng cách nào đi chăng nữa thì khi đấng sinh thành không sống cho tử tế thì trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến con trẻ. Đã cả thế kỷ rồi mà lời than vãn của Tản Đà vẫn còn ở đó:

“Dân chín mốt[2] triệu, ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”

Cứ cái đà này, chẳng mấy chốc mà chúng ta sẽ có “một dân tộc có văn hóa” tồn tại song song với “một dân tộc vô văn hóa”. Chừng nào đạo đức còn dễ bị tha hóa và người ta không kiên cường giữ vững, chừng đó người ta sẽ bị “mua đứt” từ thân xác cho đến tâm hồn, lúc đấy – khi đã chẳng còn gì để bán, đồng nghĩa với nó là họ cũng vô giá trị.

Con người sống trong những xã hội đông đúc, hiện đại hơn, tiện nghi hơn, họ cướp bóc trắng trợn không gian sinh tồn của rừng già, cây cối, muông thú, cá tôm. Họ phá đi những khu rừng hùng vĩ rồi tạo ra những công viên “cây xanh” đầy “thơ ngây bé mọn”, họ chặt phá cây cối, nơi sông, đuổi chim muông đi rồi lại tỏ vẻ yêu quý chúng bằng cách “tóm và nhốt trong lồng”, họ cướp đất của của động vật hoang dã để xây lên các thành phố, khu công nghiệp rồi lại giả tạo “ban ơn” làm một môi trường cho chúng sống gọi là “Vườn bách thú”...có loài nào cần sự “bảo vệ” của con người nếu như trước đó không phải do con người làm hại?

Và rồi khi chẳng còn hoang dã được với thiên nhiên, người ta quay sang hoang dã, cướp bóc, giết hại đồng loại mình. Chúng ta vẫn chỉ là một loài ở giai đoạn mông muội (cao hơn những loài khác một chút) khi không có ý thức và sẵn sàng quay sang cắn xé lẫn nhau chỉ bởi một vài miếng ăn thức uống, khi bản năng của loài thú không bị nén xuống, không bị kiềm chế lại thì chúng ta cũng chỉ là một loài động vật sống trong một “Vườn thú người”, một vườn thú rất lớn mà hầu như chẳng bao giờ chúng ta để tâm nhận biết.

“Thứ gì có thể dùng tiền mà mua được thì cũng có thể vì tiền mà bán được”, đất nước đã nhỏ bé, đã khó khăn mà nếu mỗi người Việt Nam không biết cố gắng, một, hai, ba, bốn rồi.....đến n người “quên” đi mất cái tinh thần “tương thân tương ái” trong văn hóa dân tộc thì sớm muộn chúng ta cũng mất nước theo đầy đủ các nghĩa. Một câu chuyện nhỏ, nhưng ẩn đằng sau nó là những vấn đề rất lớn.

Và để kết thúc, tôi xin mượn đôi lời cùa Trịnh để nói:

“Chúng ta đã đấu tranh. Ðang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi nguồn từ khước tước hiệu đó.
           
Chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ tuổi và đã sống mệt mỏi như một kẻ già nua. Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường. Một con đường dẫn ta về ca tụng sự vinh quang của đời sống. Con đường còn lại dẫn về sự băng hoại.

Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Ðóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...”
....

Chú thích:

[1]: đồng tiền xu của nước Anh, hiện đã không còn lưu thông.
[2]: nguyên văn là “hai lăm triệu”.
Previous Post
Next Post