Trước kia, khi mới hoà bình, dân miền Bắc VN tuy nghèo nhưng không hèn, không tham lam, rất biết điều, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhà cửa không bao giờ phải khoá, thôn xóm thanh bình. Việc cúng bái đều bị chính quyền dẹp bỏ vì cho là "mê tín, dị đoan". Các lễ hội truyền thống cấp làng xã cũng bị dẹp bỏ, chỉ lưu lại một số những lễ hội có dính đến truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, nhưng không làm lớn và loè loẹt như bây giờ. Đình chùa miếu mạo phần lớn bị phá bỏ, còn một số ít dính tới di tích lịch sử hoặc truyền thuyết về tâm linh mới được giữ lại, nhưng cũng bị trưng dụng vào việc đời thường hay là đóng cửa, chỉ mở vào những ngày rằm, mùng một hay lễ tết.
Sau 40 năm đảng trị, mọi thái cực cuộc sống hoàn toàn thay đổi. Chính quyền cần tiền và nghĩ rằng càng nhiều lễ hội và càng "lạ", sẽ càng thu hút khách du lịch, nhưng trên thực tế hoàn toàn ngược lại. Những người đến từ thế giới văn minh có thể tò mò vì những cánh rừng hoang sơ Châu Phi, có thể lạ lẫm vì những lễ hội tâm linh loè loẹt (mê muội) Châu Á, hay cảm thương cuộc sống nghèo nàn lạc hậu của những bộ tộc còn sót lại trong các nước chưa phát triển....
Nhưng họ sẽ cực kỳ dị ứng với sự dã man, tàn bạo đối với súc vật. Không ai không biết rằng: Chính trò đấu tố trong CCRĐ xưa đã giết chết tình làng nghĩa xóm, tập cho người ta tính dối trá, tàn bạo, tráo trở. Những lễ hội như "Đâm trâu", "Chém lợn" kích thích tính hung đồ, khát máu và làm trơ lì cảm xúc của dân chúng trước nỗi đau (bước đầu là con vật, rồi sau sẽ là con người). Nếu không nghe khuyến cáo mà thay đổi ngay những "hủ tục", VN sẽ tự đánh mất mình vì sự ghê tởm cho những trò dã man, kích thích thú tính trong con người phát triển. Đã đến lúc, nhà cầm quyền nên biết cái gì cần phải làm, trừ phi họ không muốn xã hội bình an, đất nước phát triển và là điểm nên đến của những du khác bốn phương.
Lễ hội chém lợn, đâm trâu ‘trái luật’
Từ năm 2000, dân làng Ném Thượng (tên cũ là Niệm Thượng), tỉnh Bắc Ninh đã khôi phục một lễ hội gọi là “lễ hội chém lợn” được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Tại lễ hội này, những đao thủ được dân làng chọn ra chém những con lợn khỏe mạnh ra làm đôi trước đám đông, trong đó có cả trẻ em. Sau đó những người dự lễ lấy tiền nhúng vào máu lợn tung tóe trên mặt đất để cầu may. Theo dân làng, lễ hội là để tưởng niệm tướng quân Đoàn Thượng, thời Lý, đánh giặc ngoại xâm bị thua trận, chạy về vùng này và phải chém lợn rừng để nuôi quân.
Thế nhưng từ ba năm nay Tổ chức bảo vệ động vật châu Á (Animals Asia) đã phản đối quyết liệt lễ hội này khi gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thông báo theo đó “việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.” Quan điểm này ngay lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt không kém của những người đại diện cho dân làng Ném Thượng và một số quan chức và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Đại để lập luận của những người này như sau.
Thứ nhất, lễ hội tôn vinh một viên tướng chống ngoại xâm nên việc bỏ lễ hội sẽ tác động tiêu cực đến lòng yêu nước của người dân Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, lễ hội không dã man. Bà Đại biểu Quốc Hội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu: “việc giết mổ không gây đau đớn cho động vật thì rõ ràng đâm trâu một nhát vào tim, chặt phăng thủ cấp lợn sẽ dẫn tới cái chết nhanh chóng hơn hẳn so với đưa chúng vào phòng hơi ngạt như phương Tây”.
Thứ ba, phải tôn trọng tín ngưỡng. Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng: “Máu đỏ trong tín ngưỡng nguyên thuỷ là biểu trưng cho sự sống, sinh khí. Vì thế, người dân làng Ném Thượng thực hiện nghi thức chém lợn để máu đỏ chảy ra sân đình nơi thờ Lý thành hoàng, là nhằm gợi ý với bậc thánh thần hãy mang sinh khí, sự phát triển đến nơi đây. Phong tục này là để cầu may cho mọi người, nó vượt qua cả khái niệm dã man hãy không dã man. Văn hoá nếu chỉ nhìn hình thức có thể tưởng là dã man nhưng đằng sau lại là tính nhân đạo mênh mông”.
Thứ tư, bỏ lễ hội là ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa, làm nghèo văn hóa. Tiến sĩ dân tộc học, Đại biểu Quốc Hội Trần Hữu Sơn cho rằng: “Nếu cái nào cũng phải thay đổi theo cuộc sống mới thì còn đâu ra các phong tục và sẽ làm nghèo văn hoá.” Đại biểu Quốc Hội Trần Thị Quốc Khánh có cùng quan điểm: “Nếu cái gì ta cũng thay thế thì dần dà chúng ta sẽ giữ lại được điều gì? Đồng bào Tây Nguyên thay vì đâm trâu thì đua trâu và nhân dân Bắc Ninh thay vì chém lợn sẽ vật nhau với lợn chăng?”
Thứ năm, đó là lễ hội riêng, chuyện nội bộ của người dân làng Ném Thượng, người ngoài không có quyền can thiệp. Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, khẳng định: “Không thể yêu cầu ban hành một luật lệ nào để áp vào việc tổ chức lễ hội truyền thống, để ngăn cấm người dân tổ chức lễ hội, quyền tiến hành các văn hóa truyền thống tâm linh là phụ thuộc vào suy nghĩ của người dân trong xóm, phường, làng xã đó”.
‘Lý lẽ thuyết phục?’
Tác giả bất đồng với GS Trần Lâm Biền khi ông cho rằng ‘Văn hoá nếu chỉ nhìn hình thức có thể tưởng là dã man nhưng đằng sau lại là tính nhân đạo mênh mông’.
Vậy “cái lý” của những người bảo vệ “lễ hội chém lợn” có thuyết phục?
Theo Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư, nhân lúc lòng dân chán Nhà Lý, khoảng năm 1207 Đoàn Thượng nổi dậy và đã nhiều lần bị đánh bại. Năm 1228, Đoàn Thượng bị sứ quân Nguyễn Nộn giết chết.
Như vậy, việc Đoàn Thượng thua trận, dạt về khu vực Ném Thượng hiện nay và phải săn lợn rừng để nuôi quân là có cơ sở. Ngược lại, thuyết Đoàn Thượng chống ngoại xâm là hoàn toàn bịa đặt vì đã không có “giặc ngoại xâm” nào, cụ thể là không có giặc nào đến từ nước Tống (Trung Quốc ngày nay) trong suốt thời gian Đoàn Thượng dấy binh. Nói cách khác, các cuộc chiến mà Đoàn Thượng tham gia đều là nội chiến giữa những người Việt.
Quan điểm coi việc chém lợn cũng như đâm trâu là việc giết mổ gia súc để làm thực phẩm và do đó không dã man là đánh tráo khái niệm. Thực vậy, việc giết gia súc như vậy là để mua vui cho đám đông, đúng như cái tên “lễ hội”.
Trên thực tế, không có trường hợp nào là lợn bị “chặt phăng thủ cấp” tức bằng một nhát đao hay trâu bị “đâm một nhát vào tim” để chết nhanh chóng cả. Ngược lại là đằng khác, nhất là trong lễ đâm trâu, cái chết của con vật được kéo dài để người xem “thưởng thức”. Thực tình chỉ riêng những từ ngữ mà bà Đại biểu Quốc Hội Khánh dùng để mô tả cách giết chết các con vật đã đủ làm người nghe ghê rợn. Việc mua vui bằng cảnh giết chóc chỉ có thể là dã man, là tàn bạo.
Lấy tín ngưỡng để biện hộ cũng không thuyết phục. Bảo “lễ hội chém lợn” là để lấy máu cầu may vì máu đỏ là “biểu trưng cho sự sống, sinh khí” thì “sự sống, sinh khí” đâu chưa thấy mà đã thấy cái chết rình rập con người bởi chính tính hiếu sát mà lễ hội gieo mầm và kích động nơi người xem trong đó có trẻ nhỏ, vì suy cho cùng máu người cũng đỏ! Tóm lại, lễ hội chém lợn là man rợ, là thú tính, là ở cực kia của “tính nhân đạo mênh mông” như lời lẽ của Giáo sư Trần Lâm Biền.
Còn nói bỏ “lễ hội chém lợn” là làm nghèo văn hóa thì đó là tư duy số học chứ không phải tư duy văn hóa. Văn hóa là “gạn đục khơi trong”, những gì tôn vinh và phát huy nhân tính, quyền con người hay mỹ tục thì được giữ lại, ngược lại là hủ tục phải bỏ. Nói cách khác, văn hóa song hành với các giá trị nhân văn. Bởi “lễ hội chém lợn” đồng nhất với hiếu sát, tức phản nhân văn thì việc loại bỏ nó chỉ có thể là đúng quy trình đào thải của văn hóa, của văn minh nhân loại.
‘Không còn chỗ đứng’
Di sản văn hóa Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội”. “Lễ hội chém lợn” và “đâm trâu” reo rắc tính hiếu sát hay kích động bạo lực rõ ràng đi ngược lại lợi ích của toàn xã hội và vì vậy là hủ tục, theo tác giả.
Quan điểm “lễ hội chém lợn là lễ hội riêng, chuyện nội bộ của người dân làng Ném Thượng, người ngoài không có quyền can thiệp” cũng sai nốt. Cần khẳng định ngay rằng lễ hội nói riêng, văn hóa nói chung không phải là một phạm trù “kín cổng cao tường”, chủ thể lễ hội không chỉ là những người đã tạo ra nó mà còn là những người chia sẻ nó. Trên thực tế “lễ hội chém lợn” chưa bao giờ được giới hạn trong khuôn khổ làng Ném Thượng, nếu không muốn nói được tổ chức nhằm thu hút người ngoài làng bao gồm cả người nước ngoài đến xem.
Do đó ý kiến phản đối lễ hội, nếu có, là sản phẩm tự nhiên của lễ hội hay sản phẩm nội sinh, tuyệt nhiên không phải là một sự can thiệp. Còn chính quyền địa phương hay chính phủ có ý kiến về lễ hội thì đó là thực thi chức năng quản lý xã hội miễn là ý kiến này phải dựa trên luật pháp và phù hợp với lợi ích chính đáng của toàn thể xã hội. Tóm lại, lối nghĩ “Phép vua thua lệ làng” không có chỗ đứng trong một xã hội hiện đại cai trị bởi luật pháp.
Cuối cùng, về quan điểm “lễ hội chém lợn” không vi phạm pháp luật thì người viết bài này khẳng định lễ hội này vi phạm Luật Di sản văn hóa (LDSVH).
Trước hết, theo Khoản 1 Điều 4 LDSVH lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể, tức thuộc diện điều chỉnh của Luật này.
Tiếp đó, Khoản 1 Điều 12 LDSVH quy định: “Di sản văn hóa Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội”. Như vậy, “lễ hội chém lợn” và “đâm trâu” reo rắc tính hiếu sát hay kích động bạo lực rõ ràng đi ngược lại lợi ích của toàn xã hội và vì vậy là hủ tục.
Do đó, căn cứ Điều 25 LDSVH theo đó “Nhà nước bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội”, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cần khẩn trương ra quyết định cấm việc tổ chức “lễ hội chém lợn”. Tương tự như vậy, chính quyền địa phương những nơi “lễ hội đâm trâu” diễn ra cần thuyết phục người dân từ bỏ tổ chức lễ hội đẫm máu, kích động bạo lực này bởi trong mọi trường hợp biện pháp hành chính chỉ nên là giải pháp cuối cùng.
Mặc dù “lễ hội chém lợn” cần bị loại bỏ nhưng không vì thế mà ta quay lưng với lịch sử của dân làng Ném Thượng. Như trên đã nói, tên cũ của làng Ném Thượng là Niệm Thượng và theo tôi, “Niệm Thượng” hẳn là cái tên mà người dân đặt ra để tưởng niệm tướng quân Đoàn Thượng, người có công khai khẩn vùng đất này cho dù ông đến đây là để lánh quan quân nhà Lý. Trên cơ sở này tôi đề nghị dân làng Ném Thượng tổ chức “Lễ hội Niệm Thượng” vẫn vào mồng 6 Tết nhằm tôn vinh công lao của tiền nhân trong hình thành xứ sở.
Hà Nguyễn