Nhân việc bàn về “phi chính trị hóa quân đội”, cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại hàng loạt vấn đề của xã hội hôm nay như đạo đức suy đồi, quá tải bệnh viện, giáo dục xuống cấp, thanh niên không có tay nghề lẫn kỹ năng làm việc, không thể tuyển người giỏi vô làm công chức… Có thể khẳng định, đó là do chúng ta “chính trị hóa” mọi mặt của đời sống xã hội. Chính trị hóa len lỏi tới mọi ngành nghề, mọi giới và mọi nơi. Chính trị hóa đã làm xơ cứng xã hội, làm tê liệt xã hội, khiến không ai dám nói thật vì sợ “phản động”, không ai dám làm vì sợ “làm trái ý lãnh đạo”, không ai dám sáng tạo vì sợ “lãnh đạo biết mình giỏi hơn”…
Suy cho cùng, ai cũng phải căng thẳng, vắt óc suy nghĩ để nói gì và làm gì sao cho đẹp lòng lãnh đạo để mà sống vì miếng cơm manh áo. “Nói thật thì sợ mất lòng” nên đành phải… nói dối. Mà nói dối lâu ngày thành thói quen và trở thành bản chất của mình lúc nào không hay. Hậu quả là mọi người chỉ nói theo những gì lãnh đạo (cơ quan, tổ chức…) đã nói và muốn nghe. Những ai tồn tại và được thăng tiến được trong môi trường đó thì gần như chắc chắn cũng thuộc hàng “nịnh hót” và “miệng lưỡi đỡ tay chân” mà thôi. Mà người giỏi, người tài thì không ai thích làm chuyện đó cả, mà họ cần một lãnh đạo anh minh, biết tạo đất để họ dụng võ, phát huy hết khả năng của mình. Thế thì làm sao chúng ta có được người giỏi người tài, khi mà hiện nay tiêu chí xét thăng chức quản lý từ cấp thấp nhất là phó phòng, phó khoa của một bệnh viện bắt buộc phải là… đảng viên Đảng Cộng sản bất kể chuyên môn “có vấn đề”!
Chúng ta đã trải qua nhiều thời kỳ: chiến tranh, bao cấp, đổi mới. Dễ nhận ra rằng, khi “chính trị hóa” càng rộng ra nhiều mặt của xã hội thì không khí càng “nghẹt thở” và càng trở nên “bí hiểm”. Trước đây, thời bao cấp do chính trị hóa cả lĩnh vực kinh tế nên hậu quả là ai cũng trở thành “tội phạm” vì bán các mặt hàng cơ bản như thực phẩm, hàng gia dụng… mặc dù chỉ đơn thuần là “làm để kiếm ăn”. Lúc đó chúng ta gọi một cách khinh miệt những người buôn bán là “bọn con buôn” và đổ hết những lý do làm kinh tế xáo trộn lên đầu họ. Sau khi mở cửa và “đổi mới”, chúng ta “thôi chính trị hóa” lĩnh vực kinh tế bằng cách dẹp bỏ chế độ tem phiếu và cửa hàng bách hóa, trả lại việc buôn bán cho dân nên kinh tế phát triển, có của ăn của để, và những người buôn bán được gọi một cách trìu mến là “thương nhân”, “doanh nhân”. Nói vậy không phải để bình phẩm đúng sai của lịch sử, nhưng để cho thấy cũng cùng một vấn đề, nhưng nếu nhìn dưới một lăng kính “chính trị” thì sẽ thấy đâu cũng là “kẻ thù”, cũng là “phản động”, nhưng nếu nhìn với lăng kính “dân sự” thì ai cũng có công đóng góp phát triển đất nước.
Như vậy có bao nhiêu lĩnh vực nữa mà chúng ta đã gỡ bỏ thành công cái “vòng kim cô” “chính trị hóa” và trả nó về “dân sự”, và rồi nhận ra rằng “tại sao ta không gỡ nó sớm hơn, vì nó có hại gì đâu?”. Đơn cử một lĩnh vực nữa chúng ta đã làm được, đó là người dân được tự do đi nước ngoài, điều mà cách đây không lâu là “phạm pháp”, là “phản bội Tổ quốc”, thậm chí du kích được quyền bắn bỏ ngoài bãi biển bất kỳ ai “đi vượt biên” mà không cần xét xử. Thế rồi mở cửa… nhưng vẫn chưa mở hết với lĩnh vực này. Tôi nhớ cuối những năm 1990 đầu những năm 2000 muốn làm passport phải khai báo là “thất nghiệp” hoặc “lao động tự do”, chứ nếu khai là trí thức như bác sĩ, dược sĩ… thì không thể nào được cấp passport. Ngày nay thì mọi người đều có thể làm passport một cách tự do mà không cần có lý do, muốn đi nước nào thì đi, miễn nước đó nhận mình, kể cả “đế quốc Mỹ”. Vậy thực sự việc đi nước ngoài có quá nguy hiểm với chế độ, có “làm mất chế độ” như chúng ta từng lo sợ không? Ngược lại nữa là khác! Lượng kiều hối quay ngược lại để phát triển đất nước là một minh chứng thưc tế.
Thử nhìn vào Bắc Triều Tiên xem lãnh đạo họ hành xử có bất thường không? Nếu trả lời “có”, tức là chúng ta đã thoát ra rồi, đang đứng ngoài nhìn vào họ. Nếu chúng ta đứng chung với họ thì sẽ trả lời là “không có gì bất thường”. Quay ngược lại thời bao cấp, hình ảnh của chúng ta trong con mắt của thế giới giống y như vậy, giống đến từng chi tiết nhỏ nhất. Giờ đây, chúng ta đang cố giữ thể chế “toàn trị”, cái mà thế giới phương Tây văn minh họ lên án rất nhiều vì nó làm khổ dân, làm suy yếu đất nước và khuyên chúng ta nên thay đổi để có lợi cho chính chúng ta, giúp chúng ta phát triển hơn, văn minh hơn, đồng thời bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tốt hơn. Vậy hãy thử dũng cảm “nhảy ra” khỏi cái vòng luẩn quẩn đó thì mới thấy chúng ta “đang bất thường”. Đừng cố thanh minh và biện minh làm gì, chỉ tốn thời gian và càng chứng tỏ mình “tham quyền cố vị” mà thôi. Muốn xem một trận bóng hay thì phải ngồi ở khán đài, chứ đâu ai đứng trong sân mà xem. Hãy thử đứng ở khán đài một lần để có cảm giác như thế nào là bình thường và bất thường.
Quay sang Miến Điện, những cú xoay chuyển ngoạn mục của họ có làm họ suy yếu thêm không? Có làm họ “lệ thuộc Mỹ” không hay là thoát khỏi “gọng kìm Trung Quốc”? Có bị ai “giật dây” không? Dân họ sướng hơn hay khổ hơn sau cú chuyển xoay đó? Xã hội của họ có bị rối loạn không hay là dễ thở hơn nhiều? Với đà này, chỉ cần 10 năm nữa họ sẽ vượt qua mặt chúng ta ngay, chắc chắn là vậy. Phải nói ngay, Mỹ không có tham vọng lãnh thổ, không chiếm nước ta, trong khi Trung Quốc nhiều lần bành trướng xâm lược nước ta. Minh chứng cho điều này là chỉ khi Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt Nam thì Trung Quốc mới dám khởi binh chiếm Hoàng Sa. Như vậy ai dã tâm thì đã biết rõ rồi.
Các vấn nạn xã hội hôm nay mà chúng ta đang phải đối mặt đều có cùng một nguyên nhân là “chính trị hóa”. Do chính trị hóa nên nhiều lĩnh vực đáng lẽ thuộc dân sự, nhưng lại được tổ chức và vận hành mang màu sắc chính trị. Hậu quả là, các tiêu chí đánh giá tổ chức dân sự đó tốt hay xấu đáng lý ra phải dựa vào các tiêu chuẩn chuyên môn, nhưng lại dựa vào tiêu chí chính trị! Hãy thử phân tích từng quốc nạn sẽ rõ.
1. Quá tải bệnh viện
Tôi thấy trải qua bao đời Bộ trưởng Bộ Y tế, và với quyết tâm chính trị rất lớn là làm sao để giảm quá tải bệnh viện, nhưng đều thất bại. Kết quả là quá tải bệnh viện lớn, chuyên môn sâu ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn là vấn đề nhức nhối chưa có lời giải. Bộ trưởng nào lên cũng tìm một lý do để giải thích cho sự quá tải đó, nhưng tất cả đều là mệnh lệnh hành chánh và không thể thành công trong thực tiễn. Các giải pháp “ngăn sông cấm chợ” (khám bệnh theo tuyến, trái tuyến trả tiền cao hơn) đã từng làm và từng thất bại, nhưng nay lại tiếp tục đem ra làm, và chắc chắn sẽ thất bại tiếp. Sao không thử nghĩ, nếu con của Bộ trưởng bị bệnh nguy cấp trên đường đi công tác, Bộ trưởng có dám đưa con vô cấp cứu tại một bệnh viện tỉnh không, chưa nói đến bệnh viện huyện, hay là tức tốc về Sài Gòn hay Hà Nội để cứu chữa, hay thậm chí bay sang nước ngoài? Thế thì tại sao lại bắt người dân phải vô khám những nơi điều trị kém như vậy? Ngày càng có nhiều bệnh viện cấp tỉnh kém về chuyên môn, mặc dù có trang bị trang thiết bị hiện đại, thì người dân ngày càng kéo về thành phố lớn. Tại sao như vậy?
Tại vì, không gì thay thế được con người cả. Nếu thay được, người ta đã chế tạo ra máy khám bệnh rồi, và không cần đào tạo bác sĩ làm chi cho tốn công, tốn tiền… Mà muốn có con người tốt thì phải được tổ chức tốt, thì mới thu hút được người giỏi ở lại và cống hiến hết mình. Chỉ cần có người giỏi làm việc thì không cần đầu tư máy móc hiện đại, cũng giải quyết nhiều vấn đề rồi. Mà muốn những người này ở lại làm, cách duy nhất là phải có lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện giỏi, và…không cần là đảng viên!
Người giỏi chuyên môn thì sẽ lấy tiêu chí chuyên môn ra để phấn đấu và để đánh giá nhân viên dưới quyền, kết quả là chuyên môn ngày càng cao và tăng uy tín cho bệnh viện. Còn người thăng tiến nhờ chính trị mà chuyên môn kém thì chắc chắn sẽ tập hợp quanh mình những người kém cỏi và khiến nhiều người giỏi và tâm huyết nghề nghiệp phải ra đi. Đó là chưa kể họ sẽ tham nhũng thông qua việc mua sắm thiết bị chất lượng kém với giá cao, bất chấp có ảnh hưởng tới hoạt động chuyên môn. Hiếm có người nào thăng tiến nhờ chính trị mà lại vừa giỏi chuyên môn. Tôi có bạn bè làm trưởng phó khoa, thậm chí giám đốc bệnh viện, họ tâm sự “vô Đảng cho có thôi, chứ mình chỉ thích làm chuyên môn”.
Như vậy hăy trả tổ chức bệnh viện về “dân sự” và thay đổi tiêu chí đánh giá bệnh viện dựa trên uy tín của bệnh viện về chuyên môn với dân chúng. Chỉ cần 64 tỉnh thành có 64 bệnh viện tỉnh thực sự giỏi chuyên môn là đủ sức giảm tải cho bệnh viện ở hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Không ai muốn tốn tiền tốn bạc, ăn dầm nằm dề tại các bệnh viện thành phố, phải bỏ công ăn việc làm để nuôi bệnh cả.
Tình hình hiện nay, chúng ta có dũng cảm “bỏ tiêu chuẩn đảng viên” trong lựa chọn giám đốc bệnh viện cũng như trưởng và phó khoa phòng không? Song song đó là thi tuyển giám đốc để chọn ra 64 giám đốc bệnh viện tỉnh giỏi, biết làm việc, có tâm với ngành. Chỉ cần vậy, trong vòng 5 năm sẽ xóa ngay tình trạng quá tải bệnh viện thành phố.
2. Giáo dục xuống cấp và đạo đức suy đồi
Giáo dục cũng tương tự, từ cấp tổ phó bộ môn trở lên phần lớn là đảng viên. Đó là chưa kể chương trình giáo dục chúng ta quá nặng nề về chính trị. Ngay cả dạy lịch sử, chúng ta cũng không khách quan, mà nặng tính chính trị, lồng ghép bình luận lịch sử theo quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản. Chính vì cách dạy lịch sử như vậy, nên không thể có lịch sử hay, không thể trách tại sao học sinh không biết lịch sử nước ta qua 4000 năm lịch sử hay tới mức nào. Ba tôi là Giáo sư dạy sử tiểu học thời chế độ Việt Nam Cộng hòa, chỉ cần nghe ông kể chuyện sử trong mỗi bữa ăn tôi cũng đã thuộc rồi, và thấy rất hay. Tôi biết tại sao có Trịnh-Nguyễn phân tranh, tại sao có dải đất phía Nam trù phú, tại sao ngoài Bắc có “con cả” nhưng trong Nam không có, mà bắt đầu là “con thứ Hai”, tại sao có áo dài Việt Nam, từ thời nào bắt đầu mặc quần hai ống, Huyền Trân Công Chúa có công như thế nào… rất rất và rất nhiều điều để nói.
Đạo đức xuống cấp là do chúng ta không dạy học sinh cách ứng xử, cách xưng hô, thưa gởi như thế nào. Con tôi mới học lớp 1, nhưng nó đột nhiên hỏi tôi: “Ba, bộ Bác Hồ tốt lắm hả Ba?”. Tôi ngạc nhiên và thắc mắc, tại sao chuyện “đi thưa về trình” tôi lại phải nhắc mỗi ngày cả năm rồi mà nó vẫn quên hoài, có ông bà nội ngoại đến thăm thì phải nhắc nó liên tục để thưa, trong khi lại hỏi chuyện đó với một thái độ rất ngưỡng mộ! Tôi hỏi con “Vậy con biết Bác Hồ là ai không?”. Con trả lời “Dạ không. Nhưng Bác Hồ cho mình cơm ăn áo mặc, tốt lắm Ba”. Tới đó tôi cũng không biết nói gì hơn. Phải chi nhà trường dạy nó cách thưa Ba Mẹ đi học thì nói làm sao (“Thưa Ba Mẹ con đi học”) và cách trình khi về nhà như thế nào (“Thưa Ba Mẹ con đi học về”) và cách đứng nghiêm, khoanh tay, cúi đầu như thế nào và bắt các em thực tập tại lớp. Tôi đảm bảo chỉ cần có một lần như vậy, các em sẽ nhớ và làm theo ngay, vì các em rất nghe lời cô giáo, hơn cả ba mẹ. Những gì cô thầy dặn ở lớp, các em rất nghe theo, và về nhà đòi cho bằng được. Điển hình là đòi quà sinh nhật bạn trong lớp, tối 9-10 giờ phải đi mua cho bằng được, không thì không dám đi học nữa?!
Thiết nghĩ, mỗi lứa tuổi các em sẽ thường gặp những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Làm sao để các em biết ứng xử trong hoàn cảnh đó, biết phát hiện tình huống nguy hiểm và biết cách thoát ra bằng cách nào. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ để giảm đi rất nhiều tình huống bi thương như nạn hiếp dâm trẻ em, mà người phạm tội lại chính là những người thân hay lại chính là thầy giáo như đã thấy. Đừng dạy quá nhiều chính trị, triết học suốt cả 12 năm học, rồi lên Đại học cũng dạy tiếp tục, mặc dù cả người dạy và người học đều biết rõ nó vô bổ và phi thực tế, nhưng lại là cái “cần câu cơm” cho các giáo viên dạy các môn đó.
Người nước ngoài họ không khinh ta nghèo hay giàu, mà chỉ khinh ta không biết cách ứng xử nơi công cộng. Ngay cả chúng ta với nhau, cũng đôi lúc thốt ra câu này “giàu mà hành xử chẳng ra gì”. Vậy hãy dạy các em đừng hành xử “chẳng ra gì” như vậy, để các em “thành người”. Không có gì khó cả, chỉ cần dựa vào nhu cầu sống hàng ngày, các em lứa tuổi đó thì dạy gì để sống với cộng đồng.
– Tiểu học: dạy đi thưa về trình, yêu quý ông bà cha mẹ thể hiện như thế nào, cách chào khách khi có khách tới nhà, cách giữ vệ sinh bản thân.
– Trung học cơ sở: giáo dục giới tính, nhận diện những tình huống nguy hiểm cho giới tính và cách thoát ra, cách đi đường, cách ứng xử nơi công cộng (nói nhỏ, nhường người lớn tuổi và phụ nữ, xếp hàng, đón xe buýt…)
– Trung học phổ thông (cấp 3): cách thuyết trình, nói chuyện trước đám đông, cách giao tiếp ngoài xã hội, cách nói chuyện với người nước ngoài, cách ứng xử với bạn bè cùng phái và khác phái, hậu quả cho bé gái của việc quan hệ tính dục khi chưa đủ tuổi trưởng thành, tình yêu trong sáng…
Nhân cách con người hình thành qua các cách hành xử hàng ngày, lâu dần thành thói quen và trở thành bản chất của một con người, thông qua quá trình sống ở gia đình và học ở trường. Nhà trường có tác động rất lớn tới việc hoàn thiện nhân cách của trẻ. Do đó phải dạy trẻ, mà không chỉ dạy, mà phải uốn nắn từng chi tiết, để làm sao trẻ thực tập được, ứng xử như một người văn minh, có văn hóa, gọi là “có học thức”. Điều đó cần cả nội dung hay, giáo trình hấp dẫn, cách dạy có phương pháp, lẫn người thầy gương mẫu.
Khó để có người thầy như vậy trong xã hội ngày nay, nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ mai một dần, sẽ hết dần những người có tâm huyết với giáo dục, chỉ còn lại những người toan tính về chính trị thì sẽ mất đi cái “đậm đà bản sắc văn hóa” mà chúng ta treo nhan nhản ở mỗi trường học. Nhưng cái bản sắc đó là gì, thì chưa chắc ông Bộ trưởng biết mô tả cụ thể, nói chi đến đưa ra chiến lược rồi triển khai thực tế, là khoảng cách rất xa.
Hãy trả giáo dục về dân sự, sức sáng tạo mạnh mẽ của người Việt sẽ làm nên những điều kỳ diệu mà không cần phải tốn nhiều thời gian, không cần phải “nhập khẩu” chương trình giáo dục, cũng không cần mời chuyên gia nước ngoài nào cả. Chỉ cần “phi chính trị hóa” nền giáo dục, để từng người hiến kế mà không bị quy chụp, không bị cho là phản động.
3. Không thể tuyển người giỏi làm công chức
Các ngành như Hải quan, Thuế, cơ quan nhà nước… thì đâu cần phải chính trị hóa. Làm công chức đâu nhất thiết phải theo Đảng Cộng sản hay bất kỳ một đảng nào khác? Việc chính trị hóa làm cho các công chức “tưởng mình là ngon” nên cứ “vênh vênh” và la ó chửi bới người dân rất khó coi. Chưa kể ăn cắp giờ công để làm việc riêng, tạo nên sức ỳ cho nền hành chánh nước nhà.
Các cơ quan làm công việc hành chánh cần chuyển về dân sự, không cần tuyển dụng dựa vào “lý lịch tốt” mà bỏ qua các yếu tố chuyên môn giỏi. Việc thăng chức cũng dựa vào chuyên môn, chứ không dựa vào lý lịch và đảng viên, sẽ loại bỏ những thái độ hống hách đặc quyền hiện nay. Lúc đó chính quyền sẽ trở nên thân thiện hơn với dân, mọi người sẽ làm việc theo chuyên môn, theo luật chứ không theo bất kỳ một mệnh lệnh chính trị nào khác.
Khi “dân sự hóa” các cơ quan hành chánh, một người công chức sẽ thấy trách nhiệm mình lên cao, phải làm gì để xứng đáng với vị trí đó, nếu vi phạm thì vẫn bị đuổi việc nghiêm khắc bởi người trực tiếp quản lý thì thái độ sẽ tốt hơn nhiều, bởi lúc đó họ biết rằng không còn chỗ dựa nào khác ngoài sếp trực tiếp của mình. Khi người công chức thấy người quản lý của mình xử lý anh minh, có chuyên môn cao, xử lý tình huống tốt và đáng để học hỏi, tự động anh ta sẽ phải làm việc hết mình và không dám chểnh mảng.
4. Báo chí và truyền thông không dám nói thật
Khi thông tin bị kiểm soát bằng chính trị, chứ không phải bằng luật thì không ai dám nói thật. Báo chí không tự do, không thể tạo ra tranh luận để tránh sai lầm đáng tiếc. Một vấn đề càng được tranh luận nhiều chiều, nó sẽ càng đi tới đồng thuận và thiệt hại do sai lầm khi triển khai càng thấp. Đó là mặt tích cực của báo chí cần phải được nhìn nhận. Có thể xem các điển hình của sự tranh luận là hầm Thủ Thiêm, dự án bô-xít Tân Rai, dự án tàu cao tốc Bắc-Nam…
Khi mọi phát biểu đều phải “rào trước đón sau”, đều sợ “phạm thượng” thì sẽ không có góp ý chân thành, không có lời nói thật để nghe, và chắc chắn sẽ lạc lối.
Sự tranh luận tự do sẽ làm cho vấn đề trở nên khách quan và ngày càng sát thực tế. Nhu cầu đó chắc chắn một xã hội nào cũng cần. Nhưng nếu bị “chính trị hóa” như hiện nay, ai cũng sợ bị chụp mũ, bị ghép tội, thì chẳng ai dám nói thật, vì nói thật chỉ “rước họa vào thân” mà thôi.
5. Nghệ thuật không có tác phẩm hay
Chúng ta hay than vãn vì sao ngày càng không có tác phẩm nghệ thuật hay. Câu trả lời là, nó phụ thuộc với mức siết và kiểm duyệt vì mục đích chính trị. Người nhạc sĩ, thi hào, văn hào, nghệ sĩ… chỉ có thể cống hiến những tác phẩm hay nhất khi họ đạt được sự rung cảm cao nhất khi sáng tác, thể hiện… Lúc đó, họ sẽ cảm thấy “mình ở trong đó” và nói lên hết những gì từ đáy lòng. Việc kiểm duyệt làm họ nhụt chí và không còn sáng tạo nữa. Sáng tác nhiều lúc là ngẫu hứng chứ đâu phải “theo giờ giấc” được.
Sự tự do nói lên những suy nghĩ của họ sẽ tạo nên những tác phẩm bất hủ vượt thời gian.
6. Không dám bỏ tiền ra để làm ăn
Khi mà “kinh tế Nhà nước là chủ đạo” thì không ai dám bỏ tiền ra làm ăn cả, vì sợ một ngày nào đó “mất trắng”. Ngành nghề nào Nhà nước cũng “chủ đạo” cả, từ thu mua xuất khẩu nông sản cho tới dịch vụ hàng không, đóng tàu… đều có công ty Nhà nước. Khó có một lĩnh mực nào mà Nhà nước không nhảy vào. Nếu “muốn sống” thì phải “né” mấy ngành đó hoặc phải “có ai chống lưng” hoặc phải là doanh nghiệp nước ngoài (vì không dám “đụng”). Kết quả là ai cũng thấy, các ngành “mũi nhọn, xương sống” đều bị gãy, đều thua kém các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc thậm chí có doanh nghiệp nhà nước chỉ làm thuê cho công ty nước ngoài đội lốt để nhận lấy vài phần trăm ít ỏi. Trong khi, dân có thể tự làm và thậm chí có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.
Nếu chúng ta “dân sự hóa” nền kinh tế, trả về cho dân tự làm tất cả các ngành nghề và họ sẽ cạnh tranh nhau để tồn tại, thì sẽ rất tốt cho xã hội. Nhà nước chỉ giữ những ngành chiến lược hoặc chỉ làm những ngành mà dân không làm như công nghiệp quốc phòng, dịch vụ công ích… Thu nhập của Nhà nước không phải từ các công ty Nhà nước, mà từ việc thu thuế. Chính sách thuế thấp nhưng công bằng, quản lý tốt, sẽ làm tăng ngân sách chứ không giảm. Là một người dân, khi đóng thuế thấp và phải chăng, ai cũng ý thức để đóng, thu đủ 100%, còn hơn là đặt mức thu quá cao rồi thất thu nhiều do trốn thuế. Khi người dân thấy nghĩa vụ của mình phải nộp thuế để phát triển đất nước, thì khi đó họ cũng thấy yêu nước hơn.
Nhà nước chỉ nên tập trung xây dựng bộ luật hoàn chỉnh, công bằng cho tất cả mọi người, chứ không nên ưu ái cho bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp nước ngoài. Khi chính sách rõ ràng, ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chiến lược do Nhà nước đề ra, sẽ được ưu tiên thuế thấp. Không nên ôm đồm lập ra nhiều doanh nghiệp Nhà nước để rồi mất kiểm soát dòng tiền Nhà nước đầu tư, tạo ra hệ lụy rất lớn cho xã hội, mà khó có thể giải quyết ngày một ngày hai.
Chúng ta hay nói “vàng trữ trong dân rất lớn” nhưng chặn hết ngõ đầu tư: chứng khoán, đô la, vàng, bất động sản… nếu dân có tiền thì đầu tư vào cái gì? Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, chưa có lối thoát, lại bàn chuyện giải cứu. Sao không mạnh dạn bán hết các doanh nghiệp đó cho dân? Khi nhà nước cam kết “không quốc hữu hóa” và “tôn trọng và đảm bảo vĩnh viễn quyền sở hữu tư nhân” trong Hiến pháp (chứ không phải Sở hữu Nhà nước là chủ đạo như hiện nay) thì tôi dám chắc không phải nặng đầu để suy nghĩ “giải quyết” các bài toán doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ. Lúc đó đâu cần phải dùng mọi biện pháp như Ngân hàng Nhà nước làm hiện nay để “huy động vàng trong dân”? Nhưng rồi có huy động được không, cho tới thời điểm này?