Thiên tài không dễ xuất hiện, không phải có quá ít thiên tài, mà do thiên tài quá dễ bị thui chột tài năng.
Tôi tin chắc rằng cảnh tượng sau không xa lạ với chúng ta: Đứa trẻ cầm một hòn đá và nói với mẹ rằng hòn đá rất giống con cá, mẹ cậu thờ ơ liếc qua rồi cầm vứt đi luôn: “Có phải cá mú gì đâu, ai cho con nghịch đá bẩn thỉu như thế!”. Chắc chắn những vị phụ huynh như thế cũng đã từng kể cho con nghe câu chuyện về nhà khoa học, nhà phát minh, và cũng mong muốn con mình là Newton, Einstein hay Bill Gates, nhưng họ không biết rằng, hành động, lời nói của họ giống như một bàn chân đạp trên cây non, chẳng mất nhiều sức là có thể chà đạp lên tài năng bẩm sinh của con trẻ ngay từ khi mới manh nha, khiến một người có khả năng trở thành Newton phát triển theo hướng một kẻ ngốc. Ở đây “Newton” và “kẻ ngốc” không phải là con người hoặc nghề nghiệp cụ thể, không tồn tại ý ca tụng hay mỉa mai, mà chỉ là cách ví von có hình ảnh, liên quan đến mục tiêu kỳ vọng cao và kết quả đạt được thấp mà thôi.
Mặc dù hiện nay các bậc phụ huynh đã tiếp nhận tư duy giáo dục mới, những cách làm thô bạo dễ nhận thấy được đề cập ở trên càng ngày càng ít, nhưng những hành vi phá hoại tương tự lại không hề giảm, mà biến tướng đi, trở nên kín đáo hơn, khó nhận biết hơn và có sức phá hoại lớn hơn.
Có một cậu bé, vô cùng thích ô tô, thích đến mức si mê, ăn cơm, đi ngủ đều đặt ô tô đồ chơi ở gần mình, mới 3 tuổi đã biết rất nhiều thương hiệu xe hơi và quốc gia sản xuất. Ở trường mầm non, cậu bé cũng luôn say sưa với những trò chơi có ô tô, có thể tưởng tượng mọi thứ thành xe hơi và “lái” như thật. Trong giờ học, cô giáo dạy các bạn nhỏ nhìn tranh kể chuyện, chỉ cần có liên quan đến xe hơi là mắt cậu lại sáng lên và chăm chú lắng nghe. Khi cô giảng về những kiến thức khác là cậu lại đứng ngồi không yên, không tập trung nghe. Lần nào cô giáo hướng dẫn chơi trò chơi, cậu cũng đều không muốn tham gia mà cứ cầm chặt ô tô đồ chơi không chịu rời tay, một mình có thể trốn trong góc và chơi mấy tiếng đồng hồ.
Cô giáo phản ánh với cha mẹ cậu bé, nói là con không hòa đồng với tập thể mà chỉ thích chơi một mình, không biết có phải gặp vấn đề gì về tâm lý hay không, nhắc cha mẹ cần để ý. Cha mẹ cậu bé hết sức lo lắng, về đến nhà liền hạn chế không cho con chơi nhiều với ô tô và mua rất nhiều sách về, muốn ngày ngày kể cho cậu nghe, chơi nhiều với cậu để cậu có thể “hòa đồng” hơn. Khi chọn sách, mẹ cậu cố tình không chọn những cuốn sách có ô tô, cậu bé mở ra xem và chẳng thích cuốn nào, vẫn chỉ một mực thích chơi với ô tô. Không còn cách nào khác, mẹ cậu đành phải thu hết ô tô đồ chơi lại, nói dối là bán hết cho người mua đồng nát rồi. Cậu bé buồn bã khóc mất hai ngày nhưng mẹ cậu vẫn không lấy ô tô đồ chơi ra. Sau đó, cha mẹ cậu cố gắng đưa cậu đến những nơi đông người. Cậu bé không hẳn là không chơi với các bạn nhỏ khác, nhưng cậu tỏ ra không có hứng thú, chỉ khi nhìn thấy ô tô đồ chơi, cậu mới tỏ ra hào hứng và chơi vui thật sự. Mẹ cậu kiên trì tối nào cũng kể chuyện cho cậu nghe, dạy cậu nhận mặt chữ, cậu cũng chịu hợp tác, nhưng ánh mắt thường xuyên tỏ ra ngơ ngác, không tập trung. Thỉnh thoảng mẹ cậu đang say sưa kể thì bất ngờ cậu lại lẩm bẩm: “Cái ô tô đen đó đâu rồi hả mẹ?”.
Chắc chắn vị phụ huynh này rất yêu con mình, nhưng chị không biết hành vi của mình tàn nhẫn biết bao. Con trẻ chỉ có một sở thích đặc biệt, vì rất say sưa, không thích bị người ngoài phá rối nên tỏ ra hơi khác người một chút, nhưng đây lại trở thành vấn đề trong mắt giáo viên và phụ huynh. Về lý thuyết, chắc chắn giáo viên và phụ huynh đồng thuận với quan điểm “không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào” và “mỗi đứa trẻ đều cần được tôn trọng”; nhưng khi đứng trước một đứa trẻ cụ thể, “không giống” chính là có vấn đề, khiến người ta phải lo lắng, đặc biệt là khi sở thích của trẻ có mối xung đột với “học hành”, hoặc xung đột với một số quan niệm cố hữu, họ lại càng dễ dàng đưa ra kết luận đó là một khuyết điểm, là sở thích không lành mạnh, thậm chí có thể phát triển thành một chứng bệnh tâm lý, cần được cải tạo.
Cách gây tổn thương vô tình thường bắt đầu từ việc tước đoạt một món đồ chơi trong tay trẻ. Đây chính là lý do khiến tại sao kẻ ngốc có mặt ở khắp mọi nơi còn Newton thì hiếm có khó tìm.
Mỗi người đều mang theo một số mật mã đặc biệt mà tạo hóa phú cho để chào đời, tạo hóa ban tặng cho bạn một sinh mệnh đầy sức sống thì chắc chắn đồng thời sẽ phú cho bạn một năng khiếu bẩm sinh nào đó. “Ân huệ mà thượng đế ban tặng” này giống như hạt giống tiềm ẩn một tiềm năng mạnh mẽ, có nảy mầm, bén rễ, ra hoa, kết quả được hay không phụ thuộc vào môi trường bên ngoài có cung cấp được điều kiện thích hợp hay không. Thực ra, sự thành bại của giáo dục thường nằm ở các tình tiết nhỏ trong đời sống, chính một số “động tác nhỏ” của phụ huynh và giáo viên đã phân định tài năng và vận mệnh của con trẻ ra thành nhiều cấp độ khác nhau.
Có bậc phụ huynh, nghe giáo viên trong trường mầm non nói con chị rất thông minh, chỉ có điều trong lớp không tập trung, về đến nhà chị liền trao đổi với chồng chuyện này, không biết chồng chị nghe ai nói chuyện lấy tăm chọc vào hạt đỗ tương có thể rèn khả năng tập trung, và thế là chị liền đổ ít đỗ tương vào chậu ngâm, chiều nào con đi học về cũng bắt con lấy tăm chọc đỗ, chọc không hết thì không cho chơi hoặc ăn cơm, kết quả ngày nào đứa trẻ cũng khóc – thử nghĩ xem đứa trẻ này đã phải đối mặt với những gì: Ở trường mầm non phải ngồi học, có trời mới biết cô giáo giảng những nội dung gì, giảng như thế nào, nhưng lại yêu cầu trẻ phải lắng nghe cô giảng, không nghe là “không tập trung” – phương pháp giảng dạy sai lầm và những lời đánh giá tiêu cực của trường mầm non đã làm tổn hại nghiêm trọng đến trí tuệ, lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ. Cha mẹ lại không chịu xem xét kỹ vấn đề, đưa ra giải pháp vô bổ, càng làm tình thế xấu đi, dùng mấy chiêu trò không có căn cứ khoa học để huấn luyện con trẻ. Có thể khẳng định rằng, biện pháp chọc đỗ tương không thể đạt được mục tiêu giúp con rèn luyện khả năng tập trung, làm như thế rất có thể sẽ biến một đứa trẻ thông minh, lanh lợi thành kẻ ngốc có trí tuệ và tâm lý phát triển bất thường.
Rèn khả năng tập trung cho trẻ là một vấn đề ngụy biện. Khả năng tập trung không phải rèn luyện, càng rèn luyện càng mất tập trung, “không quấy rối” chính là cách bồi dưỡng tốt nhất. Có những đứa trẻ rất dễ bị đồ vật gì đó thu hút, phân tán sự chú ý. Có những đứa trẻ lại rất chăm chú vào một công việc, đây là sự khác biệt giữa các cá thể, chủ yếu được quyết định bởi vấn đề con trẻ có hứng thú với công việc đang làm hay không. Tâm lý học có thể giải thích hiện tượng tập trung, nhưng không ai nói có thể rèn luyện.
Đánh giá con trẻ một cách bừa bãi, cải tạo trẻ tùy ý, đây là những hành vi ngu xuẩn trong giáo dục. Mấy năm trở lại đây, phụ huynh và giáo viên thường bắt tay nhau, chật vật làm hại con trẻ, mặc dù họ không có ác ý chủ quan, mục đích là tốt, nhưng hậu quả gây ra lại mang tính phá hoại. Trong “môi trường giáo dục nhỏ” này, đứng trước sự làm hại này, gần như trẻ không có chỗ nào để tránh.
Trẻ em rất mong manh và yếu đuối, tài năng bẩm sinh của trẻ cần kích hoạt và cũng cần được bảo vệ, trong quá trình trưởng thành của trẻ, cha mẹ vừa là cỗ máy trợ lực giúp trẻ tiến bộ, đồng thời là chiếc ô chở che cho trẻ. Dường như đây là yêu cầu khá cao đối với phụ huynh, nhưng cũng không quá khó để làm được điều này. Lấy giáo dục “không dấu vết” để đạt được mục tiêu giáo dục “hiệu quả”. Điều này được quyết định bởi phụ huynh sẵn sàng học hỏi, chịu khó suy nghĩ và kiểm điểm bản thân ở mức độ như thế nào.