Quan chức và văn hóa làng xã

Trên 2.000 năm phát triển và mở mang bờ cõi, An-nam từ một vùng đất cỏn con của xứ Giao Chỉ đã tiến hành hai cuộc Nam tiến và Tây tiến vĩ đại, để đến cuối thế kỷ XVII hình thành nên diện mạo cong cong hình chữ S từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau như ngày nay.

Trong công cuộc mở mang đó, thượng tầng An-nam đã áp dụng mô hình quản trị địa phương theo văn hóa làng xã dựa trên chủ thuyết của Khổng Khâu. Có nghĩa, tính họ tộc, tính cộng đồng và phong tục tập quán được duy trì tối đa dựa trên những chuẩn mực về giá trị gia đình và lễ nghĩa.

An-nam thường có câu: “Phép vua thua lệ làng”. Thượng tầng thường dung túng cho cái “lệ” đấy để tiện quản lý, vì họ nắm đàng chuôi quyền bổ nhiệm người đứng đầu. Hoạt động chính trị - xã hội trong các làng xã là sự cạnh tranh gay gắt giữa các dòng họ để giữ các vị trí quyền lực.

Để tăng sức mạnh trong cuộc cạnh tranh và duy trì quyền lực này. Mối quan hệ họ hàng được sử dụng triệt để. Những kẻ có quyền lực sẽ xây dựng vây cánh của mình, đưa con em cháu chắt trong họ nắm những vị trí quan trọng và có tính kế thừa. An-nam có câu tục ngữ: “Một người làm quan, cả họ được nhờ” là vậy.

Người làm quan phải tuân theo luật lệ của dòng họ, phải kính trọng bề trên theo đúng lễ nghĩa của Khổng giáo. Đổi lại, họ được trọng vọng. Họ là niềm tự hào, là cái phao để những người trong dòng họ bám vào nhờ vả hay tự AQ với những “giấc mơ con” chưa bao giờ thành hiện thực. Câu tục ngữ: “Thấy người sang bắt quàng làm họ” cũng xuất phát từ mối quan hệ này.

Những dòng họ yếu hơn thì liên kết với nhau để âm mưu lật đổ dòng họ đang nắm giữ quyền lực. Cuộc chiến quyền lực giữa các dòng họ luôn âm ỉ, kéo dài đời này qua đời khác, từ triều đại này qua triều đại khác.

Ngay cả thượng tầng trung ương cũng bị ảnh hưởng sâu sắc tư duy quan lại theo văn hóa làng xã. Mỗi khi có binh biến hay thay đổi triều đại. Con vua cháu chúa, con cái quan lại,… đều chạy trốn hoặc bị lưu đày về các vùng sâu, vùng xa, vùng đất khai phá mới. Ở đó, họ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa làng xã, và sử dụng mối quan hệ dòng họ như một cách để duy trì và phát triển, thậm chí phục thù. Thế nên, đến khi họ vươn ra được thị thành, hoặc giành lại được quyền lực, thì tư duy quan lại theo văn hóa làng xã và mô hình nhà nước Khổng giáo đã hằn sâu trong đầu óc họ.

An-nam là một dân tộc không có tính kiên trì, hay bảo thủ, hay nghi ngờ và lá mặt lá trái. Vì vậy họ rất hay lừa người khác và rất sợ bị người khác lừa, sợ bị người khác hạ bệ,… thậm chí sợ cả việc bị nói xấu sau lưng. Một sự suy diễn dẫn đến sự sợ hãi một cách rất đàn bà của một dân tộc âm tính. Thế nên khi một người làm quan, họ sẽ xây dựng vây cánh để củng cố quyền lực nhằm giảm đi những nỗi sợ đó. Dĩ nhiên sự tin tưởng nhất sẽ là con em cháu chắt trong gia đình và dòng họ.

Quan lại An-nam luôn muốn quyền lực được cha truyền con nối. Họ luôn có tư duy dọn sẵn đường đời cho con cái, cháu chắt. Câu tục ngữ: “Nhất con nhì cháu” là thế. Họ bằng mọi cách xây dựng một tường thành vững chắc để con cháu có thể bước lên dễ dàng với sự hậu thuẫn tối đa của vây cánh họ đã tạo dựng.

Một đặc tính không thể không nói của cần-lao An-nam là tư tưởng kỳ hào quan lại. Khi có điều kiện, tính kỳ hào của họ trỗi dậy như một sự khát khao, một sự thỏa mãn. Mục tiêu trong đời của cần-lao An-nam là phải được làm quan. Đi học cũng để làm quan, kiếm tiền cũng để làm quan. Cung quan lộc như ám ảnh cả cuộc đời của họ.
*****

Khi mô hình nhà nước phong kiến bị sụp đổ. Qua một thời gian thăng trầm, An-nam đã và đang xây dựng mô hình nhà nước XHCN. Tuy nhiên, phần lớn những con người nằm trong hệ thống quản lý của nhà nước này vẫn mang nặng trong đầu tư duy làng xã và tư tưởng của một nhà nước Khổng giáo. Nhất là những thành phần được làm quan nhờ chủ nghĩa lý lịch.

Thế nên một bộ phận không nhỏ những người làm quan, cho dù nắm giữ vị trí cao, nhưng tư duy lại là quan làng, quan xã của chế độ phong kiến lạc hậu. Họ áp dụng triệt để cách làm quan một cách rất làng xã. Nghĩa là phải lấy họ hàng làm gốc, làm vây cánh. Phải gây dựng cho anh em, con cháu trong dòng họ.

Bên cạnh đó, khi đã đặt chân vào quan trường, trong đầu họ luôn luôn mặc định họ lúc nào cũng là quan. Họ bị ám ảnh quyền lực đến mức luôn nghĩ mưu tính kế để leo cao, leo sâu trong quan trường. Nếu không leo được thì cũng phải giữ chặt, giữ lâu dài ghế quan mà họ đang có. Và việc xây dựng vây cánh, đưa con cái người thân vào để củng cố quyền lực là cách thức được lựa chọn và tận dụng triệt để.

Xét một cách toàn diện về bản chất thì thấy, quan trường ngày nay chả khác gì ngày xưa, cũng chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi. Đấy chính là lý do tại sao hiện nay, khi phần lớn đại đồng thế giới tiến tới một xã hội văn minh hiện đại, thì An-nam vẫn loay hoay trong cái ao làng như cuối thế kỷ XIX.

Và đấy cũng là lý do tại sao cần-lao An-nam vẫn chưa thể ngẩng mặt lên theo đúng nghĩa với mỹ từ “công dân hiện đại” được. Cũng như chủ nghĩa "con ông cháu cha" vẫn là lá bài quan trọng trong chiến lược duy trì quyền lực của hệ thống chính trị An-nam hiện tại.

Previous Post
Next Post