Khi sự bất công là dư vị cuộc sống, thì tất yếu, chà đạp là thói quen, là hệ quả cho sự suy đồi về đạo đức và nhân cách sống của con người. Vậy, công lí ở đâu?
Trước khi bạn trỏ chuột xuống những gì tôi viết, tôi muốn đinh chính với bạn một điều rằng, những gì tôi sắp sửa viết ra đây chỉ là những quan điểm của cá nhân tôi, là góc nhìn, là nhận xét, là chính kiến, là chủ quan từ phía một mình tôi mà thôi, tôi không đả kích một ai, tôi không phán xét bất kì người nào hay bất kì tổ chức nào, tôi chỉ đơn giản là nhìn nhận những hiện thực xã hội từ cách nhìn của riêng tôi, từ khía cạnh của một mình tôi.
Nhưng, tôi luôn suy xét, luôn khách quan, luôn nhìn nhận một cách toàn diện nhất, không hề phiến diện hay đơn cạnh mà tôi nhìn dưới cặp mắt đa chiều, tôi lắng nghe, tích lũy nhiều ý kiến khác nhau mà những người xung quanh tôi. Nếu bạn đứng ở một khía cạnh khác tôi, tại một lăng kính có góc nhìn không giống tôi, thì có thể, cách nhìn của bạn sẽ không giống tôi chút nào, bạn có cái nhìn lạc quan hơn, bao dung hơn hay đơn giản hơn gì đó hoặc có thể cũng nặng nề hơn, tiêu cực hơn, hay bi quan nhiều hơn. Nên, nếu bạn thấy những gì tôi viết ra đây có phần nào giống với cách nhìn của bạn, tôi trân trọng điều đó. Còn nếu, những gì tôi viết ra không như những quan điểm mà từ trước tới nay bạn nhìn nhận về cuộc sống, bạn có thể đọc, rồi bỏ qua và quên, thế thôi.
Sự bất công - tiếng gào thét của máu và nước mắt!
Trong cuộc sống này trừ khi là bạn không có khả năng nhận thức, còn nếu khi bạn đã nhận thức rõ những thứ xung quanh, thì từ lúc bạn chỉ là một đứa con nít mới chập chững vào lớp một cho đến hết quãng đời còn lại hãy chấp cuộc sống này là một cái bập bênh,không bao giờ cân bằng, bởi cuộc sống là không công bằng, bất công như trở thành một xu hướng, một thói quen, một chuyện-thường-ngày-ở-huyện mà mở mắt ra sẽ đập ngay vào mắt bạn.
Nhưng, chấp nhận không có nghĩa là cam chịu! Có những lúc ta im lặng, một vài lần ta lãng tránh, đôi khi ta không muốn quan tâm. Dẫu vậy, khi thực sự cần đấu tranh, ta phải đấu tranh đến cùng! Bởi cuộc sống, dù bất công, thì những thứ ta quan trọng, những thứ vốn thuộc về ta hay những người ta yêu thương, ta cần phải đấu tranh, ta cần phải bảo vệ, dẫu cả thế giới này có quay lưng bỏ mặc ta, nếu ta thấy đúng, ta làm. Những lúc như thế, bạn phải thật dũng cảm, bạn phải chấp nhận đánh đổi, phải chấp nhận hi sinh, thậm chí là cả tính mạng của mình. Bạn có sợ không khi sự bất công như một luồng lốc xoáy, như một trận sóng thần hay là cơn đại chấn tấn công bạn từ khắp mọi phía, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu?
Bất công là quỷ dữ, bạn có diệt ngày diệt đêm, diệt từ tháng này qua năm nọ, tôi đảm bảo với bạn rằng, bạn đang làm một việc rất anh hùng nhưng lại là một anh hùng ngốc nghếch. Tôi có thể đề cao bạn, một số người ngưỡng mộ bạn, nhưng những người còn lại, một bộ phận rất đông trong xã hội này sẽ cười cợt bạn, sẽ thương hại cho sự ngu ngốc của bạn, một số khác cảm thông rồi ngoảnh mặt lướt nhanh qua bạn, một số khác khinh bỉ cho cái vẻ thích-làm-nổi của bạn, rồi cũng thật nhanh chóng, như việc phán xét con người bạn, họ bỏ đi như thể chẳng có gì xảy ra, như thể việc đó không có chút tí ti nào liên quan tới họ. Và khi đó, còn ai đủ can đam để đứng ra bảo vệ công lí, còn ai đủ tự tin để làm gương chống lại sự bất công? Câu trả lời là: Không ai cả. Con quỷ của bất công đã sinh ra một con quỷ khác nữa: con quỷ của sự thờ ơ, vô tâm - một xu hướng mới toanh của xã hội hiện nay.
Có đôi lần, thậm chí là nhiều lần ấy chứ, khi sự bất công đập thẳng vào mắt bạn, khi bạn phải chứng kiến sự ngược đãi, sự chà đạp đến độ cực kì phi lí nhưng bạn không làm gì được, bạn muốn chống lại, bạn muốn bảo vệ lẽ công bằng nhưng có rất nhiều thứ kìm hãm lại sự dũng cảm trong con người bạn, đè bẹp đi cái tinh thần công lí trong tận sâu trái tim bạn, sợ sẽ liên lụy đến bản thân bạn và cả gia đình bạn, để rồi bạn lại im lặng, làm ngơ như chẳng có chuyện gì xảy ra, bạn lướt đi cam chịu với cái vẻ mặt vô cùng là tội nghiệp cho người bị hại.
Vì sao cơ chứ? Vì rất rất nhiều cái "vì" đó bạn. Vì người đó có chức, có quyền, vì họ là kẻ lắm tiền nhiều của, vì là một tên tai to mặt lớn, xăm trổ đầy người, vì kẻ là chính là người...thân của bạn, hay vì nỗi sợ hãi đã lấn át tất cả. Tôi hiểu, tôi hiểu hết tất cả những cảm giác mà bạn đã trải qua, khi bạn là kẻ chứng kiến hay khi bạn là người đang gánh chịu sự bất công, bởi nhiều hơn một lần, tôi đã từng rơi vào những trường hợp như vậy.
Một khi chính bạn là người phải gánh chịu sự bất công và là nạn nhận của sự chà đạp, bạn sẽ hiểu những cảm giác của một con cá mắc cạn, một con chim bị nhốt trong lồng, cái cảm giác của sự nhục nhã, của nỗi bức bách, của một niềm khao khát tự do mạnh mẽ hơn bao giờ hết, của sức mạnh nội tâm muốn phá tan xiềng xích, muốn đứng dậy gào thét cho cả thế giới, cho toàn bộ nhân loại này biết hết những gì mà bạn phải cắn răng, đang phải im lặng chịu đựng. Sự đau đớn này, nỗi nhục nhã này đã đến hồi phải kết thúc, đã đến tận cùng giới hạn chịu đựng của một con người!
Đôi khi, bất công làm người ta quên nhiều thứ lắm, và họ quên rằng bạn cũng là một con người!
Bất công và chà đạp - ai oán khắp mọi nơi
Nếu bạn muốn tìm kiếm một nơi chỉ toàn lẽ công bằng tôi khuyên bạn nên tới thiên đường, một nơi mà sự bất công bị trừng trị và chà đạp phải trả cái giá thật đắt thì nơi đấy chính là địa ngục. Còn ở trần gian này, bạn phải chấp nhận sống chung với sự bất công và coi chà đạp lẫn nhau là một điều hiển nhiên, tất yếu. Nghe có vẻ duy tâm, nhưng thật tế là vậy!
Bất công, chà đạp trở thành một lối mòn, một kiểu suy nghĩ cổ súy từ xa xưa cho tới tận bây giờ. Trọng nam khinh nữ, phân biệt chủng tộc, phân chia giai cấp, phân hóa giàu nghèo,... tất cả những thứ ấy chẳng phải là bất công hay trở thành tiền đề cho sự chà đạp hay sao?
Ngay chính trong gia đình bạn, trong cái tổ ấm, cái nôi nuôi dưỡng đạo đức và hình thành nên nhân cách con người, cũng có sự bất công đấy bạn à. Người phụ nữ nói gì cũng là người chịu cực, chịu khổ nhiều hơn đàn ông, họ khán đán tất cả mọi thứ trong gia đình, từ chuyện ra ngoài kiếm tiền, chuyện chồng con, chuyện bếp núc, chuyện giặt giũ, chyện dọn nhà,... đều oằng nặng lên đôi vai người vợ, người mẹ. Đôi khi ta nghĩ, đấy đơn thuần là trách nhiệm, là sẻ chia, là việc của một người vợ, người mẹ nên làm vì chồng vì con, để vun ven, xây đắp hạnh phúc gia đình.
Nhưng nghĩ sâu hơn chút nữa mà xem, đấy không phải là tàn dư, là ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam kinh nữ, của cái triết lí tam tòng tứ đức "xuất gái tòng phu" thì còn là gì nữa. Rồi trong một gia đình đông anh chị em, cái tình thương của bố mẹ cũng chẳng bao giờ là sẻ chia đều cho các con, cũng chính vì như thế mà sau này để lại những hệ lụy đau lòng, cha mẹ con cái bất đồng, anh em cấu xé lẫn nhau, vì điều gì cơ chứ? Vì giành dựt yêu thương ư? Con người mà, ai chẳng muốn được yêu được thương từ cha mẹ của mình cơ chứ? Nhưng khi cái yêu thương ấy không được sẻ chia một cách công bằng, đứa trẻ sẽ thấy mình bị tổn thương sâu sắc, nó nghĩ rằng gia đình bỏ rơi nó thì cái xã hội kia ai lại yêu thương nó làm gì, vô tình, chính chúng ta đã hủy hoại một con người vì sự bất công tưởng chừng như vô hại. Là bất công, dù nhỏ nhất cũng để lại những hệ lụy vô cùng to lớn.
Rộng hơn nữa là trường học. Bạn nghĩ rằng, môi trường của giáo dục, của những điều hay lẽ phải , của cái nôi thứ hai hình thành nên nhân cách con người, nơi tu dưỡng đạo đức thì sẽ không có sự bất công ư. Không hề, bạn đã lầm rồi đấy, sự bất công không chừa một nơi nào cả, và chà đạp là người bạn song hành với nó. Học sinh, sinh viên kéo bè kết phái, ức hiếp những kẻ yếu thế hơn, chuyện quay cóp trong thi cử, chuyện chạy tiền qua điểm, chuyện đút lót cho thầy cô, chuyện bưng bít hối lộ của một số cá nhân trong hệ thống trường học, chuyện giáo viên đì bạn chẳng qua do bạn vô tình làm gì đó trên lớp khiến họ khó chịu hay khi bạn không đi học thêm lớp họ, chuyện đối xử không công bằng giữa các học sinh với nhau, chuyện chèn ép, chuyện tẩy chay, gây khó dễ... rất nhiều thứ xấu xa đang tồn ẩn, đang hiện diện trong những gì mà bạn tưởng chừng như hoàn hảo, đẹp đẽ nhất.
Và rộng hơn nũa, có lẽ là xã hội, mà xã hội thì cái gì thiếu chứ bất công là không bao giờ. Chuyện chạy tiền xin việc, chuyện đút lót cấp trên, chuyện bưng bít cấp dưới, hay khi bạn làm còng lưng ra mong được tăng một ít lương bổng thì lương chẳng thấy, bổng càng thêm không, còn những thằng con ông cháu cha thì lên chức vèo vèo. Người giàu dùng tiền chà đạp hiếp đáp người nghèo, kẻ mạnh ỷ ta đây to lớn vươn oai hùm đàn áp kẻ yếu, dùng tiền sỉ nhục nhân phẩm người khác, dùng quyền lấp liếm tội ác, nghĩ mình học cao hiểu rộng, một đầu kiến thức, một bụng văn chương rồi oai oai tự đắc cho mình cái quyền sinh sát hơn người, sỉ vả người ngu dốt, thất học, đấy không phải chà đạp thì là gì?
Những điều như vậy xảy ra như-một-thói-quen, như chuyện cơm bữa hay đúng là vì sở thích, vì cái lẻ sinh tồn nào đó mà họ biện mình, ngụy biện cho mình, giẫm đạp lên người khác mà sống ư? Ngay cả chuyện xấu đẹp cũng là đề tài cho sự bất công, đẹp lúc nào cũng được ưu tiên dù năng lực họ chẳng bằng ai, còn xấu thì dù bạn có cầm ba bốn bằng đại học, rồi bằng vi tính, bằng tiếng Anh, tiếng Nhật... thì chưa chắc nhà tuyển dụng sẽ mỉm cười với bạn. Đời là thế đấy, chịu thôi bạn à!
Từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội,... và nhiều lĩnh vực khác nữa thì bất công và chà đạp vẫn hiện diện khắp mọi nơi, như len lỏi vào sâu trong từng gốc rễ, để nghiễm nhiên trở thành một điều kiện sống, điều kiện sinh tồn, sinh lợi cho bất kì ai. Như trở thành một điều-gì-đó dù là xấu xa nhưng buộc ta phải chấp nhận.
Bạn không cam chịu sự bất công? Bạn muốn đứng lên đòi quyền công lí? Việc bạn đang làm không khác gì thay đổi toàn bộ lịch sử con người, bởi bất công như ngấm sâu vào máu thịt họ từ rất rất lâu đời, như trở thành một phần trong sự đấu tranh, chọn lọc và đào thải tự nhiên.
Dù thế nào, tôi cũng chỉ muốn nói với bạn một câu, ngày nào đó tất cả chúng ta đều cũng sẽ như nhau, hà tất gì, ta chà đạp nhau trong một kiếp nhân sinh ngắn ngủi này.