“Này các người còn trẻ, các người có bao giờ nghĩ đến lúc về già để biết, hiểu và thương cha mẹ, cũng như biết để kính trọng những người già cả!”
Suy nghĩ trước ngưỡng cửa 80
Năm 1982, sau khi đi tù về, tôi chỉ mới 45 tuổi, nhưng bọn trẻ mới lớn lên ở Saigon, cái thời mà Saigon đã đổi tên, vẫn xem tôi như những ông già, có lẽ vì dung nhan tiều tuỵ, ốm o. Ði xe đạp ra đường, nếu lỡ cọ quẹt, chúng đã kêu toáng lên: “Cha già này!” hay hỗn hào hơn là: “Cha già mắc dịch!” Với chúng, chỉ có trẻ và già, không có thời gian chuyển tiếp như ta thường gọi là tuổi trung niên, và già là một cái tội.
Ở ngoài tuổi 40, chết cũng chưa được dùng hai chữ “hưởng thọ,” cho nên nói về vai vế, nhiều lắm là mình chỉ tới vai chú, lúc vui thì còn có thể nói cái câu “đừng gọi Anh bằng Chú,” nhưng khi đến tuổi bây giờ, không lẽ nói câu “đừng gọi Chú bằng Bác,” hay “đừng gọi Bác bằng Cụ” hay sao?
Ngạn ngữ Tây phương có câu “tuổi trẻ để học hỏi, tuổi già để thấu hiểu!” Nếu thấu hiểu được lẽ đời, được thời gian, được lẽ vô thường của tạo hoá thì không buồn nữa.
Ông Khổng Tử có nói “ngũ thập tri thiên mệnh!”
Chuyện xưa kể, một ngày kia ông Khổng Khâu ghé chơi nhà bạn.
Hết tuần trà, ông Khâu mang đàn ra gảy. Cái đàn nho nhỏ này luôn luôn nằm trong cái bị cói của ngài, để được có mặt khắp nơi cùng chốn. Bạn hỏi:
– Cái khúc cụ Khâu đang chơi là khúc gì vậy?
– À, ta dạo chơi cái khúc “tri thiên mệnh.”
– Cụ Khâu cho hỏi, sao tuổi phải năm mươi thì mới tri thiên mệnh?
– À, vì từ cái tuổi đó, thì khỏi cần phải xem tử vi của mình nữa!
Bây giờ, quý vị trên 60 giở trang tử vi ra mà coi. Người ta không còn đếm xỉa tới các “Cụ” nữa, tuổi các Cụ may rủi, chết sống cũng chẳng ai quan tâm. Nếu có ông thầy tử vi nào đó còn nghĩ các Cụ là độc giả trung thành của tờ báo, sẽ thêm cho các Cụ mấy dòng: “cuối tuần gặp bạn” hay “đi xa cẩn thận về sức khoẻ” thì bao giờ cũng đúng cả. Ðến tuổi 80 tử vi, số mệnh nên để ngoài tai.
Ông Bạch Cư Dị, trong bài “Văn Khốc Giả” (Nghe người khóc) đã lấy làm vui khi thấy mình đã được ngoài tuổi 40, vì xa gần, có người thì khóc chồng chết mới 25 tuổi, có người khóc con chết chỉ mới 17, 18, mà thơ rằng: “Ta nay đã tuổi bốn mươi- Chuyện đời nghĩ lại cũng nguôi tấm lòng! (Dư kim quá tứ thập, Niệm bỉ, liêu tự duyệt!)
Bạch Cư Dị lúc ấy mới ngoài 40 đã lấy làm mừng, nay “ta” 80 tuổi, còn ưng nỗi gì?
Ông Ðỗ Phủ thì lại có thơ rằng: “Thất thập cổ lai hy!”(Tuổi 70 xưa nay hiếm có!) Thì ra mình cũng là một người hiếm hoi trên đời này, không những lúc mới tới tuổi 70 mà chuyện này đã xảy ra từ 10 năm về trước! 70 đã gọi là hiếm, 80 phải hiếm hơn nữa.
Thế gian thường cho rằng “một ông già bằng ba đứa trẻ!” Mới nghe qua như điều nghịch lý! Nhưng cứ nhìn cuộc đời mà suy gẫm, đứa trẻ lên ba phải mặc tã thì ông bà già cũng vậy. Trẻ người trong xe nôi, chọi chân mà tập đi, thì cao niên cũng gậy chống xe lăn có khác gì nhau. Trẻ ăn thức ăn nghiền lỏng có cha mẹ đút mớm, phải mang khăn che cổ cho khỏi vương vãi, thì cứ vào nhà dưỡng lão mà xem, các Cụ Ông, Cụ Bà của tôi cũng lâm vào hoàn cảnh ấy. Có điều khác, là trẻ con chỉ biết khóc, khi đói, khi lạnh, khi đau… còn cảnh già, còn biết buồn, biết tủi thân, biết hồi tưởng và biết khóc lặng lẽ mà không có nước mắt. Phần lớn đã không còn biết, còn nhớ gì nữa, nên bị ai ngược đãi, tắm lạnh hay cơ thể thiếu nước, cũng không còn có khả năng phản kháng hay kêu nài.
Thà chúng ta chấp nhận tuổi trẻ gian lao, nghèo khó, đau khổ, nhưng lúc về già, chịu những cảnh ấy mới đáng xót xa.
Chuyện đời, có người bớt công việc, chịu thu nhập thấp để ở nhà trông con, sợ con hư hỏng, chứ chưa nghe ai nói nghỉ việc để trông coi cha mẹ già, sợ cha mẹ già, đói lạnh. “Một ông già bằng ba đứa trẻ!” Có phải vậy mà tuổi già đôi lúc cũng khó khăn, cáu kỉnh, khó chiều như một đứa trẻ khó tính. Có đứa con nào lấy được tấm lòng người mẹ ngày xưa mà hiểu biết con, như bây giờ những đứa con hiểu được cha mẹ?
Cho nên ở với cha mẹ lúc về già mới khó, chu cấp cho mẹ già là điều dễ. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ già, bị đùn đẩy từ đứa con này sang đứa khác, và chặng cuối cùng là cái nhà dưỡng lão, cũng có chén cơm, viên thuốc, nhưng không có tình thương của quyến thuộc.
Tâm lý của người đời ai cũng muốn sống lâu, nhưng lại sợ già, sợ bệnh tật.
Người ta lấy câu “nước mắt chảy xuôi” để an ủi, để hiểu biết cuộc đời, thấu hiểu thì thông cảm, thương yêu và tha thứ để cho lòng thấy thanh thản.
Chúng ta cảm thương, xót xa cho người chết trẻ, nhưng cũng xót xa cho tuổi quá già mà chịu cảnh cô đơn, phiền muộn. Nhưng xin ai đừng mong chết sớm!
Người tiều phu già, trong truyện ngụ ngôn La Fontaine, mỏi mệt, đau khổ, thở than muốn kêu Thần Chết đem lưỡi hái gọi mình đi cho mau:
“Hỡi thần Chết
thương tình chăng tá,
Ðến lôi đi cho đã một đời.”
Nhưng khi Thần Chết hiện ra, quá sợ chết, lão tiều phu, lấy cớ gọi Thần Chết để đỡ giùm bó củi nặng lên vai! Mới hay bụng thế gian, khổ mà sống còn hơn chết!
Có người cho rằng thọ là nhục, nhưng cũng có người cho thọ là phúc!