Cái gì luân hồi hay tái sinh?

Hỏi: Cái gì luân hồi hay tái sinh?

Đáp: Trả lời ngắn gọn theo thuyết nhà Phật “NGHIỆP ĐI TÁI SANH LUÂN HỒI”, nhưng trả lời như vậy quý vị khó hiểu và sẽ hỏi nghiệp là cái gì? Có phải nghiệp là linh hồn, thần thức của người chết hay không?

Chúng tôi là những người tu theo Phật giáo thì phải trả lời đúng nghĩa của Phật giáo. Đức Phật dạy: “Con người là thừa tự của nghiệp ”. Vậy nghiệp là gì?

Nghiệp tiếng phạn là Karma có nghĩa là những việc làm hằng ngày của một con người do thân, miệng, ý tạo tác thiện hay ác. Từ hành động tạo tác thiện ác đó mà con người cảm thụ được hạnh phúc an vui hay phiền não đau khổ. Sự cảm thụ được hạnh phúc an vui hay phiền não đau khổ, đó gọi là Nghiệp nhân. Nghiệp nhân được huân tập hằng ngày nghĩa là mỗi ngày được tăng thêm sự phiền não đau khổ hay hạnh phúc an vui. Sự phiền não đau khổ hay hạnh phúc an vui được tăng lên thì gọi là Nghiệp lực. Nghiệp lực có một sức hút rất mạnh.

Ví dụ: Khi vừa nghe người khác mạt sát nói xấu mình tức thì nghiệp sân của mình phát khởi rất nhanh. Sự phát khởi rất nhanh của tâm sân gọi là nghiệp lực còn gọi là sức hút của nghiệp sân. Sức hút của nghiệp sân gọi là từ trường, nó cũng giống như từ trường của nam châm. Có sức hút của từ trường nam châm thì phải có cục nam châm và thanh sắt. Có sức hút của nghiệp thì phải có sáu dục và sáu trần.

Sáu dục gồm có:

- Nhãn thức dục
- Nhĩ thức dục
- Tỷ thức dục
- Thiệt thức dục
- Thân thức dục
- Ý thức dục

Sáu trần gồm có:

- Sắc trần
- Thinh trần
- Hương trần
- Vị trần
- Xúc trần
- Pháp trần

Sáu dục tiếp xúc sáu trần tăng trưởng tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Do tăng trưởng tâm tham, sân, si, mạn, nghi sinh mà ra nghiệp lực. Nghiệp lực còn gọi là sức hút của nghiệp hay gọi là sức từ trường của nghiệp.

Sức hút từ trường của nghiệp tương ưng với tâm tham, sân, si, mạn, nghi của người, của loài động vật khác mà sinh ra nên gọi tắt làNghiệp đi luân hồi.

Vì không rõ chỗ này nên kinh sách phát triển và kinh sách của các tôn giáo khác cùng mọi người còn trong trí hữu hạn nên dựng lên một linh hồn, một thần thức đi tái sinh luân hồi, chứ không ngờ rằng trong thân ngũ uẩn không có linh hồn, không có thần thức. Khi người chết là năm uẩn tan rã sạch không còn một uẩn nào cả, chỉ còn nghiệp lực thiện ác mà thôi.

Đây là câu trả lời đúng theo nghĩa của Phật giáo “NGHIỆP ĐI LUÂN HỒI ”. Nhưng mấy ai đã chịu hiểu nghĩa cho rõ ràng và ai là người giải thích cho mọi người hiểu?

Chúng tôi cố gắng dùng ngôn ngữ thông thường hiện có để giải thích cho mọi người hiểu. Mong sao sự giải thích của chúng tôi giúp quý vị tiếp thu được phần nào thì đó là phần danh dự và điều ước vọng của chúng tôi. Vì ngôn ngữ để giải thích chỗ này không đủ xin quý vị cảm thông cho.

Cũng trong câu hỏi này qua sự giải thích của một người nào đó khiến cho quý vị hiểu lầm nên lại có một câu hỏi kế tiếp. Vậy chúng tôi xin mạo muội trả lời để quý vị hiểu thêm về quy luật của nhân quả.

VẬY CÁI GÌ CHỊU HẬU QUẢ THIỆN ÁC, NẾU KHÔNG CÓ LINH HỒN?

Hỏi: Kính thưa Thầy, vậy từ trường nghiệp ác đi tái sinh chịu hậu quả, chứ người làm ác đâu có đi tái sinh mà chịu hậu quả. Ví dụ: Một người đi ăn trộm làm giàu sung sướng mà kẻ vô can mà bị ở tù. Vậy đâu là đạo đức nhân quả? Xin Thầy giải thích cho chúng con được hiểu. Thành thật biết ơn Thầy.

Đáp: Ở câu hỏi trên đã được giải đáp nghiệp đi tái sinh luận hồi, quý vị đã hiểu biết rõ nghiệp là cái gì rồi. Còn câu hỏi dưới đây có nghĩa là người làm ác mà kẻ khác thọ quả khổ, giống như kẻ ăn mắm người khác nước. Xin quý vị hãy lắng nghe cho kỹ câu trả lời về nhân quả mà từ xưa đến nay người ta hiểu nhân quả hời hợt quá nông cạn. Trước tiên chúng tôi xin nhắc lại nghĩa của nhân quả. Vậy nhân quả nghĩa là gì?

Nếu nói theo nghĩa của thảo mộc nhân là cái hạt, còn quả là cái trái; nói theo nghĩa của loài người thì nhân là việc làm; quả là kết quả, là hậu quả. Giải nghĩa như vậy có đúng không quý vị?

Một việc làm ác thì hậu quả sẽ chịu lấy quả khổ đau.

Ví dụ1:

- Một người ăn trộm lấy của cải tài sản của người khác thì kết quả sẽ bị người ta bắt đánh đập và tù tội. Tương lai người ấy cũng bị trộm cắp tài sản. Đó là nhân quả hiện tại và tương lai ông A làm ông A chịu.

- Một người ăn trộm lấy của cải tài sản của người khác khiến cho người mất của cải tài sản khổ đau. Từ trường nghiệp tham lấy của cải tài sản và từ trường nghiệp bị mất của cải tài sản hợp chung lại thành một từ trường tương ưng với người có tâm tham lam và sợ mất của cải hợp duyên sinh ra một người khác để chịu quả báo đau khổ bị người khác lấy của cải tài sản. Đó là nhân quả hiện tại ông A làm mà ông B chịu quả khổ đau.

Ví dụ 2:

- Một người bắt gà làm thịt, khi hành động cắt cổ gà, con gà đau đớn giãy giụa kêu la, nhưng không thoát khỏi bàn tay hung ác của con người, cuối cùng con gà chết để trở thành thực phẩm cho con người.

- Hành động cắt cổ con gà là nhân ác; còn con gà bị giết đau đớn giãy giụa kêu la là quả khổ

- Hành động cắt cổ con gà là nhân ác là nghiệp ác. Nghiệp ác ấy tương ưng sinh ra con gà để trả quả báo cắt cổ. Đó là nghiệp ông A làm mà ông B chịu.

- Còn con gà bị giết đau đớn giãy giụa kêu la là nghiệp quả khổ. Nghiệp quả khổ tương ưng vào bản thân người cắt cổ gà nên phải chịu quả bệnh tật nơi thân đau nhức nơi cổ họng. Đó là nghiệp ông A làm ông A chịu trong hiện kiếp. Nếu ông A cứ giết gà thì nghiệp quả ác tương ưng vào cận tử nghiệp, khi bỏ thân này ông A phải tái sinh nhiều gà vịt heo dê v.v... để trả quả giết hại. Trong khi đó ông A vẫn còn sống nhưng những hành động ác của ông vẫn tiếp tục đi tái sinh luân hồi làm thân gà vịt heo dê bò ngựa để trả nghiệp ác.

Quý vị có thấy nhân quả thảo mộc không? Mặc dù cây cam mẹ còn sống nhưng những cây cam con vẫn đâm cành ra bông trái.

Cho nên mọi vật trên thế gian này đều sinh ra từ nhân quả, có vật gì được sinh ra mà ở ngoài nhân quả không?

Mọi vật sinh ra đều do duyên hợp tạo thành, mà đã duyên hợp tạo thành thì không thể nào ra khỏi quy luật sinh diệt của nhân quả.

Vì thế nhân quả trùng trùng duyên khởi, trùng trùng duyên sanh, trùng trùng duyên diệt. Do đó mọi vật đều phải theo quy luật: thành, trụ, hoại, không của nhân quả. Không có một vật gì thường hằng vĩnh viễn trên hành tinh này.

Cho nên nhân quả thiện ác là một bi hài kịch đang diễn xuất theo qui luật vận hành sinh diệt của vũ trụ, vì không hiểu chúng ta lầm chấp cái ta nên bị luân hồi mãi mãi.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích sách: NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG BÊN THẦY CHÚNG CON HỌC ĐẠO
Previous Post
Next Post