Hỏi Kính thưa Thầy, thế nào là đặc tướng của thân, thọ, tâm, pháp? Và pháp tu chứng như thế nào đối với thân, thọ, tâm, pháp?
Đáp: Đặc tướng là tướng riêng biệt của thân, thọ, tâm, pháp của mỗi người. Người tu theo đạo Phật phải tùy theo đặc tướng của mình thì sự tu tập mới có kết quả nhanh chóng, không theo đặc tướng của mình tu tập thì kết quả khó thành tựu.
Đặc tướng còn gọi là khả năng riêng biệt của mọi người, không phải trời phú cho mà do họ khéo huân tập trong nhiều kiếp. Ví dụ: Một người nghe Đức Phật thuyết pháp xong thì chứng quả Tu Đà Hoàn có đầy đủ pháp nhãn, nhưng lại có người cũng nghe thuyết pháp xong mà tật nào vẫn còn tật nấy không bỏ được.
Cuộc đời hành đạo của Thầy, Thầy đã đem chánh pháp của Phật ra nói khan cả cổ, chỉ có một pháp duy nhất là nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân quả để tâm ly dục ly ác pháp là đem lại sự giải thoát cho mình cho người. Một cuộc sống hạnh phúc vô cùng vô tận, thế mà mọi người ai cũng nghe và cũng thấy biết rõ ràng như vậy, nhưng bỏ ác pháp và ly dục thì chẳng có ai bỏ được, cứ mãi ôm ấp trong lòng để mà khổ, mà đau, mà phiền não, mà tức giận v.v... Nhiều khi Thầy tự đặt câu hỏi: “Tại sao vậy? Tại sao vậy?”
Đấy cũng là đặc tướng của mỗi con người, chúng ta biết làm sao hơn! Khi tu hành Thầy chỉ nhận ra ý này của Phật mà buông xả xuống hết, chỉ trong vòng sáu tháng là thành tựu Tứ Thánh Định và Tam Minh một cách cụ thể và rõ ràng, thế mà chẳng ai tin. Nếu một người không thành tựu được như vậy thì đời sống giới luật không bao giờ nghiêm túc và không bao giờ bất động tâm trước các pháp.
Người ta đánh giá trị của một tu sĩ ở đức hạnh, chứ không phải đánh giá trị ở thần thông và thiền định. Đức hạnh sanh thiền định và thần thông, chứ thiền định và thần thông không sanh đức hạnh.
Nói cách khác cho đúng như lời đức Phật đã dạy: “Giới sanh Định, Định sanh Tuệ,” chứ đâu có Tuệ sanh Định, Định sanh Giới.
Đặc tướng tốt hay xấu đều do nhân quả huân tập nhiều đời nhiều kiếp mà thành, chứ không phải huân tập trong một sớm một chiều mà có được. Cho nên, người có tài ba lỗi lạc là do sự huân tập nhiều đời nhiều kiếp, cũng như người tu nhanh chậm.
Nếu chúng ta nói rằng mình tu chậm thì bỏ cuộc tu, tức là không huân tu nữa thì như vậy đặc tướng của chúng ta sẽ xấu và cuộc đời sẽ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ đau mãi mãi.
Người ta tu nhanh là nhờ người ta tu nhiều kiếp rồi, còn mình tu chậm là do mình mới tu trong kiếp này mà thôi. Chính đó là đặc tướng của mỗi người. Vì thế càng tu chậm lại càng tu tập nhiều hơn; càng tu chậm lại càng tu tập kỹ hơn.
*****
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thế nào là nhân tướng nội của tâm? Nhân tướng ngoại của tâm? Hành tướng của tâm?
Ðáp: Nhân tướng nội của tâm là những niệm vi tế. Nhân tướng ngoại của tâm là những niệm thô phù. Hành tướng của tâm là sự đối phó với các pháp trong hiện tại, câu hữu với tưởng về quá khứ và vị lai. Nếu trả lời đơn giản như vậy thì các con rất khó hiểu.
Nhân tướng nội của tâm là những niệm vi tế như thế nào?
Bây giờ, chúng ta giải thích từng chữ, nhân tướng nội của tâm là gì? Nhân tướng nội của tâm là những hình tướng của tâm khởi hiện bên trong thân.
Niệm vi tế là gì? Niệm vi tế là những niệm khởi lên trong đầu chúng ta, phản ảnh được tâm trạng của chúng ta trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thể hiện trong hai thời gian: quá khứ và vị lai. Mỗi niệm khởi lên mang theo tính chất thiện hoặc ác. Thiền Ðông Ðộ gọi là niệm thiện niệm ác, kinh sách Ðại Thừa gọi là vọng tưởng, kinh sách Nguyên Thủy gọi là nhân tướng nội của tâm, còn có một danh từ nữa gọi là Tầm. Nói cho dễ hiểu đó là những vọng tưởng sanh khởi liên tục trong tâm của chúng ta.
Nhân tướng ngoại của tâm là những tướng trạng khởi lên trong đầu chúng ta đang giải quyết một vấn đề gì trong hiện tại. Kinh sách Ðại Thừa gọi là vọng tưởng, Thiền Ðông Ðộ gọi là niệm thiện niệm ác, kinh sách Nguyên Thủy gọi là nhân tướng ngoại của tâm hay còn gọi là tác ý hoặc gọi là Tứ.
Hành tướng của tâm là hoạt động trong thân chúng ta. Hành tướng của tâm có hai hoạt động chính:
1- Là sự tự sanh khởi của tưởng thức, không do ý thức tác ý.
2- Là sự tác ý, do ý thức chủ động điều khiển quán xét, tư duy, không do tưởng thức xen vào.
Kinh sách Ðại Thừa và Thiền Ðông Ðộ, khi tu thiền thì không chấp nhận hai trường hợp trên đây, vì thế họ đi vào sự ức chế tâm để thực hiện các loại định tưởng. Ngược lại, thiền định của kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Ngăn và diệt niệm ác, sanh khởi và tăng trưởng niệm thiện và còn luyện tập pháp như lý tác ý để trở thành một đạo lực siêu việt làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi”.
Ðức Phật đã biết dùng pháp hướng tâm “Như lý tác ý” rất là tuyệt vời, nhờ pháp đó mà Ngài mới làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp con người. Trên thế gian này Ngài là người duy nhất làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết qua bốn câu kệ của Ngài đã xác minh cụ thể:
“Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sanh, lão, bệnh, tử”.
Tóm lại, đức Phật đã biết dùng vọng tưởng và tác ý để xả tâm ly dục ly ác pháp, để thành tựu đạo giải thoát, để ra khỏi nhà sanh tử luân hồi, để đầy đủ Tam Minh trở thành người siêu việt và nhất là đức Phật đã trở thành một nhà đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người, phi giai cấp.
*****
Kính thưa Thầy, thế nào là:
1- Nhân tướng nội của thọ?
2- Nhân tướng ngoại của thọ?
3- Nhân tướng hành của thọ?
Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ và cách thức áp dụng vào Tứ Niệm Xứ.
Đáp: Nhân tướng nội của thọ là cảm thọ hành bên trong, hay nói cách khác cho dễ hiểu là sự cảm nhận, cảm giác sự hoạt dụng hỷ lạc, khinh an và đau nhức bên trong của thân.
Nhân tướng ngoại của thọ là sự cảm thọ hành bên ngoài, hay nói một cách khác cho dễ hiểu là sự cảm nhận, cảm giác sự hoạt dụng hỷ lạc khinh an và đau nhức bên ngoài của thân.
Nhân tướng hành của thọ là sự tăng giảm hoạt dụng cảm nhận, cảm giác, khinh an, hỷ lạc, thanh thản, thoái mái, hoặc đau nhức, khó chịu và sự rung động trong nội ngoại của thân.
Muốn áp dụng sự tu tập nhân tướng nội, ngoại, hành của thọ vào Tứ Niệm Xứ bằng Định Vô Lậu như trong kinh Phật đã dạy:
“Tìm một nơi vắng vẻ, ngồi kiết già lưng thẳng, khởi niệm tư duy: Các hành cảm nhận và cảm giác hỷ lạc, khinh an và đau khổ là vô thường, cái gì vô thường là cái đó có khổ, nó không có thật và nó là vô ngã, nó không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã của ta.
Vì thế tất cả cảm nhận và cảm giác của hành thọ nội ngoại không phải là một pháp có thật, ta đừng sợ hãi và lo lắng, đừng để tâm dao động trước các hành thọ, ta phải xem nó như một chiếc áo rách bỏ, một vật không có giá trị, một món đồ vô dụng.”
Muốn áp dụng pháp hướng tâm trên nhân tướng nội, ngoại, hành của thọ vào Tứ Niệm Xứ trong ba loại định: Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở và Định Vô Lậu bằng câu pháp hướng tâm như:
“Các cảm thọ nội, ngoại, hành hỷ lạc, khinh an, đau khổ, nhức nhối, khó chịu hãy đi! Đi! Rời khỏi nơi đây,” hoặc: “Thọ là vô thường, khổ đau, vô ngã, không thật có, hãy đi đi! Rời khỏi nơi đây, không được ở đây, đi cho khỏi! Cút cho mất!” v.v…
*****
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thế nào là nhân tướng nội, nhân tướng ngoại và hành tướng của các pháp?Phải tu như thế nào để khắc phục và phá các pháp bất thiện?
Đáp: Nhân tướng nội của các pháp là hình trạng và tính chất bên trong của các pháp. Trả lời như vậy khiến cho quý vị khó hiểu. Vậy nhân tướng là gì? Nội là gì? Ngoại là gì? Và các Pháp là gì?
Nhân tướng là hình tướng của nó, ví dụ: Cây có hình tướng của cây, cỏ có hình tướng của cỏ. Hình tướng của cây không thể nào giống hình tướng cỏ; hình tướng của cái nhà không thể nào giống hình tướng của cái bàn được.
Nội là bên trong; ngoại là bên ngoài. Ví dụ: Bên trong của một thân cây là giác và lõi; bên ngoài của thân cây là vỏ.
Các pháp nghĩa là tất cả vạn hữu trên thế gian này có hình tướng hoặc không hình tướng, nói cho dễ hiểu là vạn vật trong thế gian. Ví dụ: thân ta là một pháp, cái nhà là một pháp, bàn, ghế, tủ, giường, cây, cỏ, rừng, núi, sông, rạch v.v.. mỗi thứ là một pháp.
Mỗi pháp đều có hình tướng và tính chất riêng của nó. Ví dụ: cây có hình trụ thẳng đứng, cao, tính chất của nó cứng. Cỏ có hình tướng thấp, ngả nghiêng, tính chất nó mềm yếu v.v…
Nhân tướng nội của bên trong thân là: tim, gan, phèo, phổi, mật, lá lách v.v..
Nhân tướng ngoại của thân là: da, lông, tóc, móng tay, móng chân v.v..
Hành tướng của các pháp là sự rung động của các pháp.
Muốn khắc phục và phá các pháp bất thiện thì phải tu tập tâm bất động trước các pháp như Thầy đã dạy ở trên.
Tuy nhiên, Thầy đã dạy quý Thầy rất nhiều về pháp môn ngăn ác và diệt ác rất đầy đủ, nếu quý Thầy chỉ cần hiểu rõ sự ích lợi của nó thì các ác pháp không xâm chiếm vào tâm của quý vị được, ngay đó quý vị có một đời sống giải thoát hoàn toàn, đầy đủ hạnh phúc, an vui mà không tìm nơi đâu có được.
Nếu quý Thầy biết rằng, thiền định mà có được là do tâm bất động, chứ không phải do có thiền định rồi tâm mới bất động sau. Tâm bất động là nhờ giới luật chứ không phải nhờ thiền định.
Bởi, nhìn sự tu hành của quý Thầy mà biết được sự tu sai hay tu đúng, có kết quả hay không có kết quả, có giải thoát hay không có giải thoát. Chỉ vì pháp môn tu hành của Phật dạy rất rõ, phải tu tập đạo đức trước tiên, nhờ có đạo đức, thiền định mới không lầm lạc vào tà thiền, tà định.
Người tu thiền định, sống không đúng giới luật, không có đạo đức là người tu tà thiền, tà định, chẳng bao giờ có kết quả giải thoát, họ chỉ là những vị Thầy lừa đảo tín đồ bằng miệng lưỡi.
Trưởng lão Thích Thông Lạc