Thời buổi toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều cơ hội để kiếm tiền. Do đó ngày càng nhiều thêm những người giàu trong xã hội. Những người giàu này được người đời gán cho cái mác "đại gia". Thực tế cho thấy có sự nhầm lẫn giữa đại gia và trọc phú.
Từ hai bàn tay trắng trở thành người giàu đã khó, từ người giàu trở thành đại gia còn khó hơn. Để xứng đáng và mãi mãi là đại gia còn khó hơn rất nhiều. Có rất nhiều tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng bằng sức lao động sáng tạo của bản thân. Họ không quên những năm tháng khó khăn của mình. Họ không bị đồng tiền làm cho lóa mắt nên họ hiểu nỗi đau của người nghèo.
Ngoài những hoạt động từ thiện cao đẹp, họ còn sống rất giản dị, gần gũi với người nghèo. Họ không bao giờ mang sự giàu có của bản thân ra để khủng bố người nghèo. Những người như vậy thật đáng kính trọng và xứng đáng là các đại gia.
Một số người quyết làm giàu bằng mọi giá, mọi thủ đoạn xảo quyệt. Thậm chí ăn cướp để trở nên giàu có, để được gọi là đại gia. Khi đã giàu, họ bắt đầu phô trương sự giàu có của mình với người nghèo xung quanh. Họ tưởng rằng người nghèo bị lóa mắt trước sự giàu có của họ mà không biết họ trở nên giàu có bằng cách nào. Họ mang những chiếc siêu xe, tổ chức những đám cưới siêu sang chi phí tới vài chục tỷ để khoe mẽ với người dân ngay nơi họ đã sinh ra.
Họ coi những cô gái con nhà nghèo chỉ là món đồ chơi, họ tự cho mình cái quyền được phán xét nhân phẩm người con gái đó. Những người này chỉ đáng gọi là "trọc phú thời hiện đại". Và với bản chất như vậy thì những người theo "trường phái" này có thể trở thành kẻ trắng tay bất cứ lúc nào. Đó là luật nhân quả không cần bàn cãi.
Giữa đại gia và trọc phú chỉ cách nhau gang tấc. Nếu một đại gia để mất lương tâm, thậm chí chỉ cần mội lời nói, một cử chỉ lạc hướng là lập tức trở thành trọc phú. Là một đại gia đích thực, ông ta có thể chi một món tiền rất lớn vào những việc có ích cho xã hội và mang lại lợi nhuận lâu dài cho ông ta. Còn một trọc phú thì có thể vung vãi một số tiền rất lớn vào những việc vô bổ nhằm gây thanh thế, tạo áp lực với đối tác hoặc để che đậy qua khứ nghèo khó trước đây. Và dĩ nhiên,những người này không thèm đếm xỉa đến người nghèo xung quanh.
Như vậy, không phải cứ thật giàu có là được người ta nể phục, kính trọng và gọi là đại gia. Mọi thứ trên đời đều có cái giá của nó. Một đại gia đích thực phải là một người giàu có cả về vật chất là tình người, tình đồng loại. Dù họ có khánh kiệt tài sản vì các hoạt động từ thiện thì họ vẫn là đại gia trong con mắt xã hội.
Nguyễn Văn Cường
Theo: nguoiduatin.vn
Xét về ngữ nghĩa căn bản, theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, chữ ĐẠI GIA (大家) có hai nghĩa:
1. Nhà thế tộc (世族), tức là nhà làm quan nhiều đời.
2. Nhà học giả trứ danh.
Ở nghĩa thứ nhất, ta có vô số ví dụ trong lịch sử.
Ở nghĩa thứ hai, ta có một ví dụ nổi tiếng là ĐƯỜNG TỐNG BÁT ĐẠI GIA (唐宋八大家), gồm tám đại văn nhân, đời Đường có Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên; đời Tống có Âu Dương Tu, Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Thức, và Tô Triệt.
Thời nay, ở Việt Nam, chữ “đại gia” (trong ngoặc kép) chỉ hạng trọc phú, vốn kém văn hoá, nhưng nhờ thế lực (chẳng hạn, họ là con cháu của các ông cao cấp trong Đảng và Nhà Nước), hoặc nhờ “tài” gian thương, hay khéo đút lót, giỏi chạy chọt, chia chát, cấu kết với giới cầm quyền tham nhũng, nên bỗng chốc giàu to. Chữ “đại gia” ở Việt Nam hiện nay gắn liền với những trò tiêu tiền như rác, những kiểu quan hệ nhố nhăng với đám “chân dài”, những cuộc tiệc tùng nhậu nhẹt hào nhoáng với đồng bọn trọc phú hay các quan to, vân vân...