Đầu tư khu công nghiệp và môi trường – cuộc đánh đổi lớn

Sau khi vào WTO đến nay, Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác, trở thành địa điểm ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài bởi những mảnh đất còn bỏ hoang và nguồn nhân công giá rẻ. Các nhà đầu tư ồ ạt xây những khu công nghiệp lớn tại các vùng ngoại thành và nông thôn, tạo ra một sự xáo trộn lớn trong môi trường sống của người dân. Theo Viện Kiến Trúc và Quy Hoạch, tính đến năm 2011, nước ta có 256 khu công nghiệp (tốc độ xây dựng khu công nghiệp từ đó tới nay đã giảm), tương đương với từng ấy khu vực bị xáo trộn môi trường sống.

Chất thải công nghiệp và những nguy cơ

Phàm đã là khu Công nghiệp, không thể tránh khỏi chất thải Công nghiệp. Vấn đề chất thải Công nghiệp đã trở thành điểm nóng trên các mặt báo tại Việt Nam nhiều năm gần đây, cùng với những lời than thở trong một tâm trạng bế tắc.

Một trong những sự việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải kể đến sự việc Tậpđoàn Vedan gây ô nhiễm tại sông Thị Vải bị điều tra và phát hiện vào năm 2008. Những sai phạm của Vedan bao gồm 10 điểm, trong đó có 4 điểm về xả thải không đúng quy định, 4 điểm về việc không báo cáo đầy đủ số liệu về mức độ nguy hại với môi trường. Điều này cho thấy Tập đoàn Vedan, một tập đoàn của nước ngoài, đã cố tình lờ đi các quy định của Việt Nam về môi trường. Mặc dù sau đó, các bên chịu trách nhiệm liên đới đã bị xử lý theo pháp luật, nhưng người dân vẫn là người phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Sông Thị Vải vẫn tiếp tục ô nhiễm và trở thành một dòng sông đen với mùi hôi thối. Những người dân sống quanh đó bị mắc chứng viêm xoang và nhiều căn bệnh do nhiễm độc khác.

Gần đây, sự việc Tập đoàn Formosa tại Khu Công nghiệp Vũng Áng bị tố cáo là thủ phạm gây ra tình trạng cá chết khu vực thềm lục địa tại biển miền Trung. Sau đó, Formosa đã phản cung. Tuy nhiên, tình trạng cá chết do ô nhiễm môi trường biển vẫn là một vấn đề nghiêm trọng và để lại tác hại lâu dài. Trong một thời gian chưa thể xác định, người dân Việt Nam sẽ tiếp tục nghi ngại khi tắm biển và ăn thủy hải sản miền Trung, gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Cũng tại khu Công nghiệp Vũng Áng, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng đã đi vào hoạt động, và sắp tới sẽ tiếp tục xây thêm ba nhà máy nhiệt điện khác tại khu vực này. Cục Điều Tiết Điện Lực của Bộ Công Thương cho biết: trong năm 2016 sẽ có 13 nhà máy nhiệt điện chào giá trên thị trường. Nhà máy nhiệt điện gây nguy hại cho môi trường đáng kể. Chỉ riêng năm 2015, các nhà máy nhiệt điện đã tiêu thụ từ 23-24 triệu tấn than (theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trực thuộc Bộ Công Thương). Khai thác than với số lượng lớn như vậy sẽ gây ra tình trạng nhanh chóng kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên. Qủa nhiên, ông Nguyễn Văn Biên, phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết từ năm 2016 trở đi sẽ phải nhập khẩu vài triệu tấn than và đến năm 2020 có thể phải nhập 20-30 tấn than. Một hậu quả khó lường đó là tình trạng ô nhiễm do chất đốt và các chất xả thải. Một tình trạng tương tự đã diễn ra ở Indonesia.

Trường đại học Havard đã có một cuộc khảo sát và các số liệu thu được về tình trạng ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện gây ra tại đất nước này thật đáng báo động. Mỗi năm, ngoài việc thải ra hàng trăm nghìn tấn khí ô nhiễm có thành phần thủy ngân, chì, asen, cadimi, các nhà máy nhiệt điện còn đẩy vào không khí các hạt nhỏ có tên PM2.5. Hiện tại, các nhà máy nhiệt điện ở Indonesia là nguyên nhân gây ra tình trạng chết sớm của khoảng 6500 người mỗi năm, tức là mỗi một nhà máy nhiệt điện có thể gây chết cho khoảng 600 người vì  bị nhiễm độc ở phổi và máu Những con số ấy đã nói lên tất cả.

Chúng ta phải nhìn nhận lại về chiến lược phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung, dù ở góc độ nhà đầu tư hay góc độ của nhà quản lý. Dường như có một sự mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế nhanh và sự hạnh phúc của người dân. Suy cho cùng, mọi phát triển mang tính chiến lược ngoài thu lợi nhuận cao còn là để cải thiện đời sống của người dân. Nếu chiến lược phát triển ấy gây nguy hại đến đời sống, thậm chí là đến mạng sống thì đó là một cuộc đánh đổi lớn mà ở trong đó cái mất nhiều hơn là cái được, thì chiến lược ấy cần phải xem xét lại về cách thức triển khai, thậm chí là cả chủ trương.

Mất đi những cảnh quan, có đáng không?

Chúng ta đã đọc quá nhiều thông tin và bài viết về tình trạng ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp ở Việt Nam. Chúng ta thường thờ ơ với những thông tin này trên báo chí trong khi lại rất bực bội vì ô nhiễm môi trường nếu chúng ta phải đi qua những khu công nghiệp với cột khói đen sì, đường bê tông lát phẳng không một bóng cây dưới trời hè oi bức, và bụi bặm thì mù mịt do những xe ô tô tải chở nguyên vật liệu rầm rập hành quân trên đường. Không còn những con đường rợp bóng cây xanh giữa hai bên đồng ruộng xanh mướt thẳng cánh cò bay nữa… Đó là một trong những đánh đổi dễ dàng nhận thấy khi lựa chọn đầu tư vào Khu Công nghiệp: Chúng ta sẽ mất những cảnh quan đẹp đẽ và thanh bình. Đây là điều có thể nhìn thấy trực tiếp mà không cần qua các con số.

Nếu bạn đã từng thích thú với các thắng cảnh ở Ninh Bình như hang Lịch Động, đầm Vân Long và những ngọn núi đá vôi sừng sững… các bạn sẽ thấy tiếc cho cảnh quan nơi đây. Những ngọn núi đá vôi này đã từng bị khai thác để làm hòn non bộ, nhưng vẫn chưa đáng kể gì khi chúng bị mài mòn dần dần để biến thành nguyên liệu làm xi măng cho rất nhiều nhà máy như tập đoàn xi măng Vissai, nhà máy xi măng Duyên Hà, nhà máy xi măng Tam Điệp,… Chất thải từ những nhà máy này thải xuống sông và khu vực đầm Vân Long, bụi bặm từ các nhà máy này khiến cảnh quan phủ một lớp bụi trắng mờ.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện có khoảng 70% đến 80% rác thải trên biển là do chất thải từ các khu Công nghiệp. Bên cạnh đó, nước ta có đến hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu, gây ra 5600 tấn rác thải, trong đó có 20 đến 30% là các chất độc không thể xử lý. Sinh thái biển sẽ bị ảnh hưởng bởi độ ô nhiễm ngày một gia tăng này, gây thiệt hại không chỉ ngành khai thác thủy hải sản mà còn ngành du lịch. Việt Nam, đáng lý phải được ưa chuộng bởi bờ biển dài và đẹp, đến nay đang dần bị khách nước ngoài xa lánh.

Tình trạng này xảy ra tại không ít nơi trên cả nước. Nhiều danh thắng đã bị hủy hoại, bất chấp tiềm năng lợi nhuận lớn từ ngành du lịch. Nếu chúng ta không coi phát triển Công Nghiệp như con đường duy nhất để tăng trưởng thì chúng ta đã tăng trưởng kinh tế không ít nhờ phát triển Du lịch. Việt Nam là một quốc gia đẹp với những triền núi hùng vĩ, những con sông uốn mình mềm mại, những ngôi làng hiền hòa, những bờ biển trải nắng, cùng với văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú, tất cả những yếu tố đó là cơ sở quan trọng để trở thành một điểm đến du lịch cho cả thế giới nếu biết gìn giữ môi trường xanh và sạch. Thế nhưng, chúng ta đã từ bỏ cơ hội ấy, cơ hội để có thể có được sự phát triển bền vững như Bhutan.

Bhutan không giống Việt Nam, họ không lựa chọn Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa, họ cũng không lựa chọn cuộc chạy đua GDP. Họ đề cao gìn giữ môi trường và bảo vệ cảnh quan, trở thành cơ sở vững chắc để phát triển du lịch. Tuy nhiên, điều này không hề dễ đối với Việt Nam và các các quốc gia đang phát triển khác. Sẽ nhanh chóng thu lợi nhuận hơn nếu lựa chọn đầu tư vào khu Công nghiệp thay vì đầu tư vào Du lịch văn hóa và bảo vệ môi trường xanh sạch. Nhưng nếu chúng ta nhìn xa hơn vào tương lai của con cháu sẽ nhận ra rằng nhận định của vua Bhutan là ông Jigme Singye Wangchuck thật đúng. Ông ta cho rằng, bốn điểm mấu chốt để làm nên hạnh phúc của một quốc gia là: phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và lãnh đạo tốt.

Previous Post
Next Post