
Nhìn vào thế giới, chúng ta đang thấy dường như lối hành xử ăn miếng trả miếng đầy "thú tính" này đang gia tăng, khi mà chúng ta đang bị tiêm nhiễm quá nhiều bởi các thể loại phim ảnh bạo lực, hiện đại lẫn cổ trang, mà ở trong đó, các nhân vật chính thường hay mang tâm lý báo thù sau khi bị hãm hại một cách oan ức, kể cả báo thù cho người đã khuất. Lối tư duy này chưa bao giờ là một tư duy đúng, vì nó sẽ tạo ra chiến tranh, leo thang trong bạo lực, và chiến tranh thì không có lợi gì cho cả hai bên.
Cuộc sống luôn còn đó những bất công mà mỗi người chúng ta đang phải hứng chịu cách này cách khác, có thể do chúng ta gây ra cho người khác và ngược lại. Thế nên, tự bản thân bất công thì không phải là chuyện oan uổng của riêng ai, mà mỗi người chúng ta đều góp phần tạo nên, chỉ khác là thời gian, hoàn cảnh, và đối tượng thôi. Chính vì thế, nếu cứ lấy oán báo oán, "răng đền răng", "mắt đền mắt" theo đẳng thức toán học, thì có lẽ cuộc sống của chúng ta sẽ chẳng có lấy một ngày yên ổn, bởi đó đây trong lòng chúng ta còn quá nhiều hận thù và chiến tranh.
Henri Nouwen đã từng viết "con đường dẫn đến hoà bình/bình an là ở trong tâm hồn". Nghĩa là, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu bình an là gì nếu lòng chúng ta nuôi dưỡng quá nhiều hận thù. Chúng ta đừng quên rằng, chính chúng ta đã tạo nên biết bao nhiêu bất công cho người khác như cách mà người khác tạo nên bất công cho chúng ta, không ai là nạn nhân cả. Nhận biết sự thật này, chúng ta sẽ thấy mình cần khiêm tốn để tha thứ và chúc lành cho người gây bất công cho chúng ta, để rồi chúng ta cũng được hưởng nhờ sự tha thứ ấy cho những bất công của chúng ta đối với người khác.
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù'. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: 'hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em'" (Mt 5:43-44).
Joseph C. Pham