
Con người là gì? Bản chất của thế giới như thế? Con người tồn tại để làm gì? Giáo dục là gì? Mục đích giáo dục của loài người là gì? Thế nào là một sự giáo dục đúng đắn? v.v. Nếu một nền giáo dục không đặt ra và đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi triết lý thế này thì giáo dục chỉ là truyền thống (trước làm sao, sau làm vậy) và con người – sản phẩm của nền giáo dục đó e rằng sẽ mang nhiều đau khổ, u mê và mâu thuẫn – với chính mình và thế giới quanh họ.
1. Trường học và Nhà tù
Vài hôm trước, đi ngang qua một ngôi trường đang được xây dựng, tự dưng tôi lại giật mình khi thấy người ta đang xây những bức tường rào kiên cố và cao vời vợi. Sao lại giật mình. Nói là tôi tiêu cực cũng được vì xuyên suốt bài này bạn cũng sẽ luôn bắt gặp trạng thái này của tôi. Vì rằng, tôi liên tưởng đến cái nhà tù, trường học với nhà tù cũng chẳng khác nhau là mấy, bạn nhỉ. Cũng có những bức tường cao, có người gác và tất nhiên, bạn sẽ không được phép bước qua những bức tường ấy – cả nghĩa đen và nghĩa bóng của bức tường. Thế giới ngoài kia dần trở nên xa lạ, bạn bị đóng khung trong một thế giới có thể gọi là an toàn, có thể nói là “vì bạn, và tốt cho bạn”, xung quanh bạn toàn là những thứ giống nhau, ai cũng như ai, bao phủ bởi những thứ màu hồng – một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi bạn, mặc dù trong bạn lúc nào cũng tồn tại một nỗi sợ và nỗi lo vô hình, bất định nào đó.
Ở đây, bạn cũng khuất phục trước quyền uy và sợ một điều gì đó – cái sổ đầu bài, con điểm cuối năm, những cách thưởng phạt khiến bạn phải răm rắp nghe theo, vì rằng bạn luôn muốn được khen và tránh né lời chê bai, dần dần bạn mất đi khả năng nổi loạn để thoát khỏi bức tường đó – nhiều khi còn hạnh phúc khi được sống mãi trong những bức tường mà cái gì cũng được làm sẵn và đóng khung, có lẽ đến nỗi chưa bao giờ dám vượt qua bức tường vô hình này mà đặt ra những câu hỏi ngược lại hay đi một con đường khác với những gì bạn đã được “vẽ sẵn” cho. “Thành người là thành gì?”, “Học cái này để làm gì?”, “Tại sao nó lại vậy ạ?”
Vâng, những câu hỏi thế này sẽ dần mai một đi đến một ngày nó biến mất hẳn trong bạn khi những quyền uy nào đó đáp trả “Chúng mày bao nhiêu tuổi rồi, học chừng này năm rồi mà hỏi những câu ngu xuẩn thế này à”, “Đừng suy nghĩ về nó nữa vì ai cũng làm vậy”, “Hỏi nữa là bị zero nhá”. Đó bạn thấy chưa, bạn bị giam cầm bởi những bức tường hữu hình lẫn vô hình, cái tự do của bạn dần biến mất đi đâu rồi, và khi mà bạn ngừng hỏi, ngừng thắc mắc thì quá trình nô dịch hóa đã bắt đầu. Bạn nói và làm theo những gì là mệnh lệnh, là quy chuẩn, là khuôn vàng thước ngọc từ bề trên, từ truyền thống. Thật ra người ta không trả lời bạn vì người ta cũng có biết câu trả lời đâu, nó là câu chuyện con gà và quả trứng đó bạn. Cách duy nhất cắt cái chuỗi tuần hoàn và mắt xích liên tiếp này là cắt ngay từ bây giờ, từ ngây cái mắt xích của bạn đấy.
Nguy hiểm nhất là bạn trở nên xa lạ với chính mình, với những thứ xung quanh. Dù gì đi nữa thì thẩm sâu trong bạn và tôi, chúng ta vẫn là con người, mà đã là con người thì luôn có bao giờ chịu ngời yên với những thôi thúc bên trong và với những câu hỏi đâu. Vì vậy khi mà những thứ bạn được dạy không góp phần nào vào việc xoa dịu nỗi đau hay cho biết bạn là ai, bạn làm được gì và sẽ là ai thì những dày xé và mâu thuẫn trong nội tâm sẽ diễn ra, bạn đau khổ hoặc chí ít là đau đấu với những “nhu cầu” và “câu hỏi” không được thỏa mãn của mình, thậm chí có khi nó còn khiến bạn rơi vào những trạng thái cảm xúc như là trầm cảm. Bạn không hiểu mình – người mà bạn sống chung 24/7, 365 ngày/năm thì làm sao chịu nỗi. Không được sống là chính mình là một đau khổ, bạn ạ! Xã hội và nhà trường lại đóng vai trò to bự trong việc bắt bạn phải “trình diễn” hoặc là “sống khác mình”. Nhìn lại những năm đi học của bạn, trong tất cả 13 môn học, đâu là sân chơi cho những đứa não phải, thích tưởng tượng, yêu âm nhạc, hội họa và sáng tạo đâu (đến nỗi văn học cũng là một cái khuôn mẫu mà ở đó sự sáng tạo bị hạn chế một cách tối đa).
Bạn học dở, à không, bạn điểm kém không phải vì bạn dở đâu, mà là vì họ dùng những cây thước, những quy chuẩn và hê quy chiếu lệch lạc để cân, đo, đong đến tài năng bạn đấy thôi. Tôi vẫn tin rằng, sinh ra làm con người đã là một điều vi diệu rồi thì chẳng thể nào vũ trụ lại không cho bạn có một ý nghĩa nào đó trong cuộc đời này đâu. Nhưng phải chịu thôi, vì khi mà xã hội thực dụng của vật chất, kim tiền lên ngôi, xã hội bị thống trị bởi những tên tài phiệt, thì nó phải đạp đi bớt những thứ không tạo ra lợi ích cho nó – lợi ích kinh tế và kĩ thuật. Bởi vì, suy cho cùng, với hệ thống này cả tôi và bạn rồi cũng sẽ trở thành công cụ cho những mục đích kinh tế, chính trị nhất định nào đó mà thôi. Guồng máy này không thích tự do, không cần tự do và không muốn cho phép sự tự do bởi vì tự do và con người tự do sẽ làm rối loạn nó và giết chết chính cái guồng máy này thôi. Có ai muốn từ bỏ lợi ích của mình đâu nào, bạn và tôi cũng vậy mà, đúng hông. Thông cảm đi!
Nhưng mà, trái ngang thay, đây lại là xã hội loài người và vì rằng con người không phải là loài thú vô tri, mông muội. Vì rằng, đã là con người thì hắn sẽ cần có những nhu cầu cao hơn và khác biệt so với muôn thú để phát triển. Nhu cầu đó là gì nếu như không phải là những thôi thúc bên trong, những giá trị văn hóa – nghệ thuật, là tình cảm và khát khao tìm kiếm những thứ vĩ đại hơn chính bản thân mình. Với cái hướng phát triển này thì đừng trách sao biển xanh lại mặn, xã hội rối ren, con người suy thoái, vô cảm lên ngôi, tình thương hạ bệ, dịch bệnh muôn nơi, “mua” không khí thở… Cái guồng máy xã hội này chắc là mắt mũi không kém đến mức không nhìn thấy những hiện trạng này. Thay đổi hoặc là chết!
Trở lại câu chuyện của trường học, đến đây chắc có lẽ chúng ta phải làm rõ khái niệm giữa trường học và giáo dục, chúng nó là hai thứ riêng biệt chứ không phải là một. Trường học không có nghĩa là mang trong nó sự giáo dục và giáo dục không có nghĩa là phải đến trường. Đôi khi đến trường chỉ là một điều kiện “cần” chứ chưa “đủ” cho một thứ mỹ mều mang tên “giáo dục”. Trong khi giáo dục phải là một thứ dạy dỗ, nuôi nấng được con người, khơi gợi được những phẩm chất tốt đẹp từ trong con người và biến con người thành một con người hoàn thiện (phần người nhiều hơn phần con) cả về thể chất lẫn tinh thần. Giáo dục phải là một quá trình khai minh và mang đến sự tự do, hạnh phúc, độc lập, an vui, yêu thương, chia sẻ, thấu hiểu… Còn trường học thì chưa chắc là giáo dục, tức là chưa chắc trường học làm được nhiệm vụ của giáo dục. Vậy thì trường học đã và đang làm những gì?
2. Đi học để làm gì? Hay đến trường để làm gì?
Hỏi thừa nhể, đi học hoặc là để làm quan hoặc là để kiếm tiền. Ngày xửa ngày xưa, thì bà con nhà mình tìm kiếm quan vị, vì một người làm quan cả họ thơm lây (hay hưởng nhờ) mà. Còn ngày nay thì mần ra tiền, thật nhiều tiền là nguyên nhân chủ yếu đẩy người ta đến trường. Trong Poor Economics của tác giả Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo có nhắc đến một thử nghiệm với phụ huynh – học sinh tại một trường học ở nông thôn Udaipur (Ấn Độ), người tham gia được yêu cầu cắt dán những hình ảnh từ những quyển tạp chí được cung cấp để thể hiện điều mà họ nghĩ là tượng trưng cho những gì giáo dục có thể mang lại. Kết quả là tất cả các bức tranh đều khá giống nhau, bức nào cũng đầy những hình trang sức vàng, bạc, kim cương và nhiều mẫu xe hơi đời mới. Còn những cảnh như nông thôn yên bình, thuyền đánh cá, cây dừa,…không được coi là mục tiêu giáo dục – theo như những tranh cắt dán này. Không thể lấy một bộ phận để đánh giá tổng thể nhưng câu chuyện này cũng giúp chúng ta hiểu phần nào về những gì đang diễn ra, đồng thời hãy trung thực hỏi bản thân hoặc dã làm một khảo sát nhỏ xung quanh mình để xem coi có bao nhiêu câu trả lời không thuộc một trong hai mục đích trên.
Bất kì hành động nào cũng xuất phát tự một động cơ, một mục đích nào đấy, có thể rõ ràng hoặc không nhưng động cơ vẫn là thứ luôn có. Cho nên, dù học để làm gì nữa thì động cơ thúc đẩy người ta vẫn chỉ là “lợi” và “danh” mà thôi. Nhưng tùy vào định nghĩa riêng của từng người (ý thức hệ, thế giới quan) mà chúng ta hiểu lợi và danh như thế nào, từ cái định nghĩa này sẽ thúc đẩy mọi người tư duy và hành động theo hướng “lợi”, “danh” mà họ định nghĩa. Có khi lợi, danh mình đứng trên lợi danh người khác, có khi lợi danh mình tồn tại song song với lợi danh người khác và lí tưởng hơn là khi lợi danh mình chính là lợi danh của người khác hoặc lợi danh của mình chính là sự thúc đẩy lợi danh của người khác, sự dung hòa này làm cho lợi danh bản thân càng có nhiều đi đôi với phúc lợi của người khác, của cộng đồng và xã hội sẽ tăng lên.
Do vậy mà trường học tự cổ chí kim đôi lần tỏa sáng như trung tâm tri thức – cải tiến của xã hội, là nơi lưu trữ và truyền bá các giá trị nhân văn, tốt đẹp. Nhưng trong đó không ít lần, trường học lại là công cụ tuyệt vời để nhiều nhà (nhà cầm quyền, nhà thờ, nhà buôn…) thực hiện các hành vi tẩy não (brainwashing) và nhồi sọ (indoctrination) một cách hợp pháp nhằm tạo ra các công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân giai cấp mình. Cái ngày mà xã hội còn học để làm quan thì trường học cung cấp cho họ kiến thức về lễ nghi như “Quân – Sư – Phụ” hay “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (câu này là của một Nho gia tên Đổng Trọng Thư đã tạo ra hầu “mượn danh Khổng Tử” để bảo vệ trung ương tập quyền-Wikiquote) cố chỉ để củng cố cái lợi ích của giai cấp thống trị (Quân). Nhìn sang phương Tây, thì ngày đó nhà trường cũng là nhà thờ, những giáo điều tôn giáo, sự kính phục, kính vâng là một chuẩn mực cần phải học và thấm nhuần để được sống (Galileo là một ví dụ cho việc đi trái với sự kính vâng này). Trường học bị kiểm soát bởi nhà nước và nhà thờ, sự tự do và chân lý cứ thế mà bị bóp méo hoặc bị bóp chết.
Thời kì khai sáng cùng với cuộc cách mạng khoa học, công nghiệp, sự ra đời và ảnh hưởng của giai cấp tư sản làm bộ mặt xã hội đông tây cũng có những chuyển biến. Cho đến ngày nay, sự sở hữu, nắm giữ, điều khiển trường học cũng ít nhiều có sự thay đổi, nhà trường đã vùng vẫy thành công để thoát khỏi nhà thờ nhưng vẫn bị nhà nước và nhà thương (thương gia – từ này cũng như nhiều quan điểm ở đây là mượn từ nhà giáo dục Giản Tư Trung đấy ạ) kiềm kẹp, quản lí. Tất nhiên, thằng nào nắm giữ thì muốn điều khiển nó làm sao để phục vụ được lợi ích của mình – mà không, hoặc ít khi quan tâm đến lợi ích của đối tượng thụ hưởng giáo dục nhà trường. Nhiều khi nói đùa với nhau rằng ai bảo nhà trường hôm nay thất bại đâu nào, nó đã thành công theo cách của riêng nó đó chứ, nó thất bại đối với con mắt và mong ước của quý vị, của chúng ta nhưng thành công với những người mong nó theo hướng như ngày nay, tạo ra sản phẩm như ngày nay. Nhiều khi rằng không phải người ta không chịu thay đổi hay không thấy cái sai để sửa đâu mà là người ta muốn nó vậy vì đây rõ ràng là một thành công nếu hiểu theo một nghĩa nào đó.