Báo Văn nghệ số 38 chuyên mục nhân đàm có đề cập đôi nét con người hãnh tiến. Từ sự quan sát các thành phố, thị xã, thị trấn đang hối hả trong xây dựng, tác giả đặc biệt lưu ý hiện tượng “ngôi nhà xây sau bao giờ cũng phải xây cao hơn các ngôi nhà bên cạnh dù chỉ là vài xang ti mét chứ nhất định không chịu xây bằng hoặc thấp hơn” cho dù là bạn bè thân thiết từ thời đi học, là quan hệ thầy trò sâu nặng, tình cũ nghĩa xưa. Nó “chứng tỏ ông xây nhà sau muốn thể hiện rằng ông không chấp nhận sự ngang bằng mà phải là hơn hẳn bạn bè…, nó như khẳng định dứt khoát rằng cậu ta (học sinh cũ, hiện là một công chức kha khá trong thành phố) không thể bình đẳng “với người thầy giáo cũ của mình mà đã ở với một giai tầng bề trên, hơn hẳn”.
Con người hãnh tiến? Thường được hiểu là con người gặp may, gặp thời mà bỗng chốc nổi lên, phất lên, là kẻ mới nổi, mới phất, kẻ hãnh tiến. Do mới nổi lên, phất lên quá nhanh nay trở thành giàu sang quyền thế, kẻ hãnh tiến thường bộc lộ ra nhiều thiếu hụt về mặt tinh thần, về văn hoá, “phong cách, về sự lịch lãm tương ứng. Trong ngôn ngữ dân gian, đã có từ “trọc phú” để gọi (bọn người giàu có, ít chữ, ít hiểu biết), trong lịch sử văn học đã có hình ảnh nhân vật “Trưởng giả học làm sang” hàm chứa ý nghĩa phê phán rất sâu sắc. Giàu có, quyền uy nhưng lố bịch, kệch cỡm, hợm của, hợm mình, rất đáng ghét trong con mắt người dân: hạng người hãnh tiến. Một kẻ có tiền bạc, quyền uy mà thiếu hụt nghiêm trọng về mặt tinh thần như thế thì có điều gì mà họ lại có thể không dám làm, một khi thói tự thị và lòng ham hố vô độ bốc lên như một thứ men say.
Hạng người này có thể xuất hiện bất kỳ nơi nào, trên chính trường, thương trường, trong hoạt động văn hoá nghệ thuật,… nhiều màu, nhiều vẻ. Cách đây không lâu, đã từng có ý kiến ca cẩm thoáng chút bi quan cái thời lụt lội, lũ ếch nhái nhảy ra,… Giờ thì người ta còn chưa hết sửng sốt về chuyện một phụ nữ làm một nghề hiền lành, nghiêm cẩn, bỗng phất lên trở thành sếp một cơ quan kinh tế hùng mạnh của một Bộ lớn, chỉ trong vòng 5 năm thôi, đã đủ “bản lĩnh” làm thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, tiền của Nhà nước, mà số tự tay thị tiêu xài, đã lên tới sáu, bảy chục tỉ.
Hiện tượng nhà xây sau cao hơn nhà xây trước (ở đây không nói tới tính thẩm mỹ của cảnh quan kiến trúc) được giải thích là do tư tưởng muốn trồi lên ăn trên ngồi trốc, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Đó cũng có thể chỉ là thể hiện ước mong vươn lên để tự khẳng định mình, ước mong con đường làm ăn của mình được hanh thông, chẳng có ý đè ai, hại ai. Dù ở trong khuôn viên nhà mình, người ta khi xây nhà mới, cũng luôn xây to hơn, cao hơn căn nhà cũ (ở đấy đối sánh là chính mình). Hai anh em cùng ở trong dãy nhà 7 gian của cha mẹ. Nay mỗi người được sở hữu phân nửa. Người anh có điều kiện đã xây nhà mới khang trang trên phần nền cũ. Đến lượt người em xây thì liên xây dịch lên 4, 5 mét rất khang trang không hẳn là với ý thức muốn đè lên người anh ruột của mình. Một nhà giáo đang sử dụng ba gian nhà, do nhu cầu mới, quyết định nối thêm gian buồng cao và rộng hơn, lợp tấm lợp xi măng. Ông giáo vốn không thạo việc nhà cửa, thêm một chút vô tâm; nên không có ý kiến cụ thể, nhưng thợ, theo thói quen nghề nghiệp vẫn làm rộng ra phía trước 50 xăng ti mét so với nhà cũ. “Để gia đình làm ăn tấn tới”, ông thợ nói thế và ông chủ lúc đó mới hay rằng thế.
Cái ý thức, cái sở nguyện muốn vượt lên bản thân mình, vượt lên bạn bè, thậm chí vượt lên thầy giáo, cả cha mẹ, vượt thế hệ trước, chắc chắn là một ý thức năng động, tích cực. “Con hơn cha là nhà có phước, trò hơn thầy thì nước mới vinh”, lời cổ nhân đã dạy. Rất nhiều người có ý thức nghĩ ông Nam Cao viết về nông dân và tiểu tư sản trí thức rất hay. Thế mà nay có ai đó mong muốn viết hay hơn ông Nam Cao, quyết tâm vượt và vượt động ông Nam Cao thì chao ôi! “Sáng danh Thiên chúa!”. Chính ông Nam Cao, sinh thời qua tác phẩm của mình, cũng đã mơ ước viết được một cuốn sách đoạt giải Nobel! Cái mơ ước tiến lên cao hơn, tiến lên phía trước, đồng hành với con người suốt trường kỳ tiến hoá, và mãi mãi?
Con người phức tạp xiết bao? Hạng người hãnh tiến là hiện tượng xã hội thời nào cũng có, nhất là vào những thời kỳ xã hội có nhiều biến động to lớn, nhanh chóng. Không dễ gì nhận ra ngay bộ mặt của họ trong một lúc, qua vài sự việc rời rạc, lẻ tẻ!
Hạng người này làm phương hại đến đâu tuỳ thuộc vào định hướng phát triển của xã hội, vào bản chất chế độ, sự trưởng thành của lực lượng lãnh đạo bộ máy công quyền, quyền làm chủ của nhân dân… Cái sự quan ngại hạng người này đang đe doạ mọc lên nhanh, nhiều, là rất đáng lưu ý.
Sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đòi hỏi sự tiến bước vững chắc, sáng tạo, bảo đảm cho con người có nhiều điều kiện và cơ may phát triển, sẽ luôn phát triển cả vật chất lẫn tinh thần, hài hoà cân đối, nguồn động lực dồi dào của cách mạng, nhắm tới mục tiêu cao đẹp: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
Sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đòi hỏi sự tiến bước vững chắc, sáng tạo, bảo đảm cho con người có nhiều điều kiện và cơ may phát triển, sẽ luôn phát triển cả vật chất lẫn tinh thần, hài hoà cân đối, nguồn động lực dồi dào của cách mạng, nhắm tới mục tiêu cao đẹp: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
Nguồn: Theo lethihanhkiem.blogtiengviet.net