Hiểu về sự chết: giải đáp những tò mò xung quanh bí ẩn của cái chết

"Hãy sống như thể bạn đang sống lần thứ hai và như thể trong lần thứ nhất bạn đã hành động lầm lỗi hệt như bạn định hành xử bây giờ!”

“Rên rỉ rằng sao mình không sống thêm được 100 năm nữa cũng ngu ngốc chẳng kém gì khi tiếc nuối sao ta không được sinh ra từ 100 năm trước” Montaigne đã viết như vậy trong phần suy ngẫm về cái chết và nghệ thuật sống. Thế nhưng sau nửa thiên niên kỷ kể từ thời của ông, con người vẫn chưa tiến bộ lắm trong việc bằng lòng chấp nhận sự thật của cái chết. Chúng ta chưa hề sẵn sàng khi người thân yêu đột nhiên qua đời và bị tê liệt khi mường tượng viễn cảnh cái chết của chính mình.

Sự bất mãn với “ý niệm về một sự vô thức vĩnh viễn mà trong đó không tri thức được gì kể cả chân không - ở đó mọi thứ không hề tồn tại” là điều mà Sherwin Nuland (1930–2014) - bác sĩ phẫu thuật, nhà đạo đức sinh học, cây viết và giáo sư đại học Yale - đã khám phá ra bằng trí tuệ đáng kinh ngạc và sự nhạy cảm của ông trong cuốn sách được viết năm 1993, Hiểu về sự chết - một khảo luận đa chiều về cái chết và nỗ lực để “Trần tục hóa quá trình chết” đã châm ngòi những suy ngẫm triết học về những khía cạnh phổ quát nhất với sự phức tạp chuyên biệt của sáu loại căn bệnh phổ biến nhất liên quan đến cái chết thời hiện đại.

Nhưng sự nghiệp đồ sộ mà Nuland khổ công gây dựng trong lĩnh vực y học và thấu hiểu điều kiện con người thì gần như là tác dụng phụ từ việc phải đối mặt với cái chết của ông – Nuland mất mẹ vì ung thư ruột kết một tuần sau sinh nhật thứ 11 của mình, một bi kịch hắt bóng lên cuộc đời ông. “Tất cả những gì định hình và không định hình con người tôi, tôi đều truy ngược trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự qua đời của bà,” ông thuật lại. Cuốn sách này được chắp bút khoảng gần một năm sau khi Nuland phải từ biệt anh trai cũng bởi chính căn bệnh đã định đoạt số mệnh mẹ ông.

Nuland viết:

“Mọi người đều muốn biết chân tơ kẽ tóc của cái chết, dù chẳng mấy ai thừa nhận. Dù có dự liệu được những căn bệnh cuối cùng của chúng ta hoặc thêm hiểu về nỗi kinh hoàng đang đổ ập lên người ta yêu thương hay không…chúng ta bị mê hoặc bởi suy nghĩ về hồi kết của cuộc đời... Với nhiều người, chết còn là một bí mật giấu kín, hấp dẫn chính ở cảm giác sợ hãi nó mang lại. Những nỗi lo lắng ghê rợn nhất lại có sức hút không cưỡng nổi: chúng ta bị lôi cuốn bởi niềm hân hoan chất phác khởi phát từ trò vờn với hiểm nguy. Bướm đêm và ánh lửa, loài người và cái chết – tuy hai mà một. Với mỗi nỗi kinh hoàng và cám dỗ hiện hữu, chúng ta tìm cách để phủ nhận sức mạnh của cái chết và tư tưởng lãnh đạm đang gặm nhấm tâm trí con người.”

Trải qua chiều dài lịch sử, ông quan sát sự biến thiên trong phương pháp chúng ta cải thiện ý thức lãnh đạm, từ thần thoại học tới trào phúng tới tôn giáo, nhưng mấy thập kỷ vừa rồi đã chứng kiến một hiện tượng hoàn toàn mới lạ, thứ được ông gán mác “chết kiểu mới” – một loại trải nghiệm trọn gói diễn ra ở bệnh viện, nơi chúng ta tái hiện lại lý tưởng cổ xưa về ars moriendi, hay nghệ thuật giã từ trần thế. Ngẫm nghĩ về công việc tiếp xúc với phổ rộng các bệnh nhân hấp hối, Nuland nhìn nhận sự bất khả thi của lý tưởng đó trong bối cảnh thời hiện đại như sau:

“Cái chết vinh quang đang ngày được nâng lên thành thần thoại. Thực tình, phần lớn trong đó luôn có yếu tố hư ảo, nhưng chưa bao giờ chạm đến ngưỡng như ngày nay. Nguyên liệu chính của thần thoại chính là lý tưởng hằng mơ ước về “chết vinh”

Chúng ta và xã hội này luôn ấp ủ niềm tin vào khả năng “ra đi với phẩm giá sáng ngời”, trong khi cố gắng đối mặt với thực tế quá thường nhật - một chuỗi sự kiện tàn khốc dựng nên để phá hủy nhân cách của người quá cố. Tôi chưa mấy khi nhìn thấu nhiều phẩm giá như vậy ngời sáng lên trong quãng thời gian chúng ta lân cận cái chết… Chỉ khi có một cuộc trao đổi thẳng thắn, tường tận về cái chết thì chúng ta mới có thể đương đầu tốt nhất với những vấn đề làm mình sợ hãi. Chỉ khi biết sự thật và trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng thì chúng ta mới giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ về cái chết không để lại dấu vết, thứ dễ dẫn đến sự tự dối và vỡ mộng.”

Thế nhưng mặc dù than phiền về thần thoại hão huyền của cái chết sáng ngời phẩm giá, quan điểm của Nuland rốt cục cũng có màu sắc lạc quan, định hình lại các nguồn phẩm giá trong cái chết thay vì phủ nhận sạch trơn tất cả chúng, và thể hiện bằng ngôn từ nên thơ đến vi diệu:

“Phẩm giá vĩ đại nhất của cái chết là phẩm giá được hun đúc từ phần cuộc sống diễn ra trước đó. Đây là kiểu hy vọng mà chúng ta đều có thể nuôi dưỡng, và cũng tồn tại bất diệt nhất trong số đó. Hy vọng nội tại ngay trong ý nghĩa cuộc sống chúng ta thuộc về."

Nuland cho rằng hy vọng lớn nhất về vào cái chết là sự vỡ mộng của ảo tưởng về chia lìa. Ông viết:

“Thực tế thứ chấm hết cuộc đời ta chính là cái chết, chứ không phải là động lực ngăn cản nó. Chúng ta đã phần nào bị đánh lừa bởi những kỳ quan của khoa học hiện đại cho rằng xã hội này đã đặt tầm quan trọng vào nhầm chỗ. Chính việc chết mới là thứ thiết yếu nhất – nhân vật trung tâm trong vở kịch là người chết.”

Suy ngẫm về một sự thật y học được dẫn chứng thường xuyên là người mới chết thường có thể tồn tại vài tuần sau khi được dự đoán, được duy trì gần như bởi hy vọng sống sót cho tới khoảnh khắc hệ trọng nào đó – đám cưới của con gái, lễ tốt nghiệp của đứa cháu – Nuland gợi nhắc lại những dòng thơ xuất sắc nhất của Rilke (“Oh Lord, give each of us his own death / The dying, that issues forth out of the life / In which he had love, meaning and despair”) (tạm dịch: “Ôi Chúa, hãy trao mỗi người số phận của họ/ Người chết, người bay lên khỏi cuộc sống này/ Cuộc sống anh từng yêu, với cả ý nghĩa và tuyệt vọng”) và ngẫm ngợi về những nguồn hy vọng chân chính:

“Với những bệnh nhân hấp hối, hy vọng qua khỏi sẽ mãi được chứng minh là sai lầm, và ngay cả hy vọng hồi phục cũng thường hóa tro bụi. Khi thời khắc đến, tôi sẽ tìm kiếm hy vọng trong nhận thức rằng cho tới hết sức có thể tôi sẽ không được phép suy sụp hay bị nao núng bởi những nỗ lực vô ích nhằm tiếp tục cuộc sống; tôi sẽ tìm nó trong việc đinh ninh rằng tôi sẽ không bị bỏ lại cô đơn trong lúc chết; tôi đang kiếm tìm nó lúc này, trong cách tôi cố gắng tận hưởng cuộc sống, để những ai coi trọng con người tôi sẽ được hưởng lợi từ quãng thời gian tôi tồn tại trên trái đất này và nhận lại những ký ức dịu êm về ý nghĩa ta dành cho nhau… Dù thể hiện ở bất kỳ thể dạng nào, mỗi chúng ta hãy săn lùng hy vọng theo cách riêng của mình”.

Nuland chuyển hướng sang gánh nặng to lớn nhất của cái chết, cảm giác tiếc nuối về “những xích mích chưa được giải quyết, những quan hệ va vấp chưa được chữa lành, tiềm năng chưa được khai phá, lời hứa còn bỏ ngỏ, và cả năm tháng sẽ mãi không còn tiếp tục được sống.” Nhưng kể cả trong tình thế bế tắc này, ông tìm thấy tia hy vọng khó tin mà đẹp vô ngần. Phá vỡ công thức nổi tiếng của Viktor Frankl về quan điểm huyền thoại rằng chúng ta nên sống như thể mỗi ngày là ngày cuối cùng của cuộc đời – “Sống như thể bạn đang sống lần thứ hai và như thể trong lần thứ nhất bạn đã hành động lầm lỗi hệt như bạn định hành xử bây giờ!” Frankl viết như vậy trong tự truyện hùng tráng về việc kiếm tìm ý nghĩa – Nuland phát hiện niềm an ủi ẩn dấu trong một hình ảnh phản chiếu tâm hồn:

Hẳn sự tồn tại của những thứ còn dang dở phải là một dạng thỏa mãn ở nội tại chính nó, dù quan điểm này nghe chừng có vẻ nghịch lý. Chỉ người ở lâu trong cõi chết mà dường như vẫn hồi sinh mới không có “nhiều lời hứa phải giữ, và hàng dặm phải đi trước khi tôi chợp mắt,” tình trạng “lầy” không còn tồn tại. Với lời khuyên khôn khéo rằng chúng ta sống như thể mỗi ngày là ngày cuối đời, chúng ta thản nhiên gồng gánh thêm lời khiển trách và sống mỗi ngày như thể chúng ta trường tồn trên trái đất này.

Ông trở ngược lại với lý tưởng son sắc về ars moriendi, giờ đây được bao bọc trong vẻ mềm mại mới thấy:

“Từ khi loài người bắt điều biết viết, họ ghi lại ước nguyện của mình về cái kết lý tưởng mà thường được gọi là “cái chết có hậu”, như thể đó là thứ bất kỳ ai trong chúng ta có thể ăn chắc hoặc chí ít là có cơ sở để trông đợi. Việc ra quyết định cũng tiềm tàng nhiều cạm bẫy chệch bước và muôn hình vạn trạng các hy vọng để theo đuổi, nhưng vượt lên trên tất cả, chúng ta hãy rộng lượng với chính mình khi không thể phác họa hình ảnh chân thực về cái chết.”

Nhưng có lẽ luận điểm đáng chú ý nhất của Nuland chính là vai trò của cái chết như là động lực thúc đẩy của tự nhiên – một quan điểm tiếp thu từ cả thuyết tiến hóa và khái niệm về wabi-sabi của người Nhật, phảng phất bút danh Alan Watts. Ông viết:

“Chúng ta chết để thế giới này tiếp tục tồn tại. Chúng ta được ban tặng điều kỳ diệu của cuộc sống vì vô vàn các vật thể sống ngoài kia đang dọn sẵn đường cho chúng ta và rồi cũng diệt vong, ở một khía cạnh nào đó, vì chúng ta. Đến lượt chúng ta chết để người khác duy trì cuộc sống. Bi kịch của một cá nhân đơn côi, trong sự cân bằng của tự nhiên, chuyển hóa thành niềm hân hoan của cuộc sống thường nhật tiếp diễn.”

Theo cách đó, phẩm giá của cái chết thực chất là phẩm giá của cuộc sống, và trách nhiệm duy nhất của chúng ta khi “chết cho thơm” là phải “sống cho tốt”:

“Phẩm giá mà chúng ta kiếm tìm trong việc chết được tìm thấy trong phẩm giá chúng ta chọn sống cùng. Ars moriendi tức ars Vivendi: Nghệ thuật chết là nghệ thuật sống. Sự thành thật và khoan dung trong những năm cuộc sống gần tới hồi kết chính là thước đo chân thực về sự ra đi của chúng ta. Chúng ta không soạn nên thông điệp để lại dấu ấn vào những tuần cuối hay ngày cuối đời, mà vào suốt những thập kỷ trước đó. Ai sống có phẩm giá, sẽ chết có phẩm giá.”

Trạm Đọc - Read Station
Theo Brain Pickings
*****

Lâu nay chủ đề về cái chết, mỗi khi đọc hay bàn luận thường sẽ bị áp đặt quy ra ngay: “Ảm đạm. Chắc nó đang bế tắc. Đừng tiêu cực thế chứ”. Sáng sủa hơn thì hiểu về sự chết nên là chuyện của sau 70 năm cuộc đời. Im lặng lắng xuống đáy tầng nhận thức, không biết, không quan tâm thì tốt hơn. Hay cũng bởi con người là những tạo vật có lý trí "Một con chó không thể nhận ra nó sẽ chết. Một con cá hay con gián cũng vậy. Tuy nhiên con người lại có thể" (Sự phủ nhận cái chết - Ernest Becker). Ý thức được một ngày nào đó trong tương lai chúng ta sẽ phải chết nên rất sợ không muốn nhắc đến, suy nghĩ lại càng không. Trốn tránh, muốn che đạy khỏi tầm mắt, hời hợt muốn được an toàn trong đó, mà không hay bất kì khi nào lớp màng ấy cũng sẽ bị chọc thủng, bởi: "Sự tồn tại của con người không chỉ có hạn mà còn luôn luôn có thể kết thúc bất ngờ"

"Hiểu về sự chết" của Sherwin B. Nuland, một bác sĩ phẫu thuật với gần 40 năm luôn hết mình cho công việc. Cùng trí tuệ và sự nhạy cảm một cuộc sống từng phải chứng kiến nhiều cái chết tìm đến ngay trước mắt với những người ông yêu thương nhất. Cuốn sách ngay sau khi được xuất bản giành giải thưởng Sách Quốc Gia của Mỹ năm 1994. Một công nhận vinh dự đầy tự hào cho sự nghiệp lao động nghiêm túc của tác giả với nghành y nói chung, và sự tự nhận thức lý tính về cái chết trên cơ sở khoa học nói riêng.

Ở Mỹ trong 34 tuần liên tiếp "How We Die" nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của The New York Times. Cho thấy người phương tây họ có cái nhìn rất phóng khoáng về chủ đề này. Và ở khía cạnh khác, cuốn sách ngay sau đó đã tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa về đạo đức nghành y. Cho rằng các bác sĩ có nên góp một phần giúp đỡ các bệnh nhân thoát khỏi đau đớn bệnh tật bằng một cái chết thanh thản. Hay kiên quyết, bất chấp, không để cái chết dễ dàng đến hoàn thành sứ mệnh của nó. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng trong những cuộc tranh luận đối lập về đạo đức thì có thể cả hai bên đều đúng. Nên ở bài viết này mục đích tôi chỉ muốn xác nhận lại những suy nghiệm tích cực rút ra sau lần đầu tiên, gần kề nhất, chạm vào chủ đề cái chết.

Tôi may mắn có được cuốn sách trong dịp lễ giáng sinh từ một người bạn phương xa gửi tặng. Và may mắn hơn nhờ nó mà quá trình phân huỷ từ từ sự nhàm chán mấy ngày tết ngoài ăn với chơi tôi có thêm khoảng thời gian ý nghĩa cho cuộc săn tìm giá trị sống quý báu ẩn sau hiểu về cái chết, bấy lâu vẫn bị mọi người xa lánh, quy chụp cho là chủ đề xấu.

Một cuốn sách phi hư cấu (Non-fiction) đậm đặc ngôn ngữ chuyên môn y khoa, nhưng không vì thế mà cảm thấy nhàm chán, nản chí muốn đặt sách xuống. Ngược lại rất thoả mãn cả về lý trí lẫn cảm xúc. Mới lạ với kho đồ sộ kiến thức cơ thể sinh học con người được trình bày chi tiết, rõ ràng trên từng mô cấu trúc, thành mạch máu, các tế bào gen... Cuốn hút với những phân tích chuyên sâu, nguyên nhân dẫn nhập các căn bệnh phổ biến, cách chúng lớn mạnh rồi hợp pháp hoá toàn quyền kiểm soát, thao túng để mặc cái chết đoạt ngôi. Xuất sắc bởi sự khéo léo đan cài vào trong những câu chữ khô khan là tình yêu, tình cảm gia đình đã được chứng mình lâm sàn qua lời kể chân thực của người nhà bệnh nhân, những cảm nhận sâu sắc của chính tác giả trước cái chết của Bà và anh trai.

Một cuốn sách khó cưỡng khi nó đã nắm giữ được hoàn toàn sự tập trung của tôi vào trong những chuyến du hành cuối đời người, khác nhau, nhưng cùng một đích đến là cái chết. Và, một sự thành công rất lớn của tác giả là đã chuyển tải được rõ nét nỗi đau đớn quá trình cái chết tìm đến, đồng thời vạch trần tội ác hung hiểm của những căn bệnh đã gây ra không chỉ cho chủ thể của nó mà cả tinh thần tình cảm những người thân yêu của họ, vô can nhưng cũng bị chúng cuốn vào vòng xoáy của chết chóc, chia lìa khổ đau.
Xuyên suốt cuốn sách có một luận điểm dù không đi sâu nhưng được tác giả nhắc đến nhiều lần mà tôi rất thích đó là việc coi cái chết như là động lực thúc đẩy của tự nhiên.

Homer tác giả của Illiad và Odyssey cho rằng chúng ta được sinh ra và sau đó chết đi cũng giống như lá cây, "Một thế hệ đâm trồi nảy lộc, một thế hệ khác suy tàn”. Hay xa hơn trong tiểu luận của Michel de Montaigne “Cái chết của bạn là 1 phần trong trật tự của vạn vật, nó là một phần sự sống của thế giới….”. Sự gắn kết mật thiết giữa sống và chết, cái này tồn tại không thể thiếu cái kia cho thấy tự nhiên không thiên vị ai cả. Hay chăng cũng chỉ là thời gian tồn tại dài, ngắn khác nhau. Và cái chết chính là lẽ công bằng tối hậu mà người Mẹ tự nhiên đã đặt ra.

Dưới bất kì hình thức tồn tại nào cái cũ rồi cũng sẽ bị đào thải thay thế dọn đường cho cái mới. Tennyson, một trong những nhà thơ nổi tiếng nước Anh nói rằng: “Người già phải chết, nếu không thế giới sẽ ngày một cũ mòn, sẽ chỉ nuôi dưỡng lại quá khứ mà thôi”. Nguyên tắc chung nhất khi và chỉ khi có một cơ thể phải chết mới đem đến cơ hội cho một cơ thể khác sống. Vì vậy, “Hãy nhường chỗ cho những người khác, như những người khác đã nhường chỗ cho bạn". Sống và chết luôn hồi, cũng giống như chuyển động tự quay không ngừng của trái đất. Và "nguyên lý bảo toàn" để trục quay ấy không dừng lại chính là cái chết, đóng vai trò quan trọng trong thiết lập và thúc đẩy quá trình phát triển tự nhiên sao cho không bị chệch khỏi quỹ đạo.

Trong những ngày gần cuối đời, Jefferson (tổng thống thứ ba của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) có viết một bức thư cho John Adam (Phó tổng thống đầu tiên và là Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ), đoạn rằng: "Có một thời điểm chín muồi cho cái chết, đối với những người khác cũng như đối với chính chúng ta, khi thích hợp, chúng ta nên rút lui và nhường chỗ cho lớp khác. Khi đã sống hết thời mình, chúng ta chẳng nên ao ước lấn phần thế hệ khác”. Tôi cho rằng đó là luận bàn ngắn rất khúc chiết về tuổi già và sự buông bỏ. Ngộ ra rằng quá trình sinh và diệt như một hiện tượng khách quan, bình thản, sẵn sàng đón nhận nó bằng lòng vị tha chúng ta sẽ thấy thanh thản hơn.

Hiểu được điều này con người cũng có thể dễ dàng hoà mình vào dòng chảy sự sống, cõi "vô thường", trong Đạo phật là một trong ba luận điểm Đức Phật tạo thành nên thế giới quan nhị nguyên luận của Ngài. Hướng chúng ta đến hiểu bản chất cuộc sống (nơi trần gian), vạn vật luôn biến đổi: Sinh, lão, bệnh, tử (sinh - trụ - diệt - dị). Chúng ta sống cũng chính là tìm cách để hoà hợp đón nhận tất cả những gì thuộc về cuộc sống trong đó có cả sự chuẩn bị cho cái chết khi nó tới. Đây hoàn toàn không phải điều gì xấu xa hay tiêu cực gì."Luôn luôn nghe thấy / cỗ xe thời gian hối hả gần kề", một sự đề cao thế giới này và khiến cho thời gian thành vô giá, hiển nhiên cho thấy rằng chúng ta cũng chỉ có 1 thời gian hữu hạn để sống, vậy thì từng ngày được sống sẽ trở lên ý nghĩa hơn.

Trong khi tìm tư liệu cho bài viết tôi trùng xuống khi thấy một bài báo, họ đặt cho Sherwin Nuland cái biệt danh "Người chống lại cái chết". Có vẻ như họ đã không đọc How We Die trước khi đặt dòng típ đó bên cạnh tên ông.

Nếu đã từng đọc cuốn sách hẳn ai cũng thấy những phản bác kịch liệt của tác giả trong việc sử dụng tiến bộ y khoa vào để cản trở quá trình cái chết tự nhiên tìm đến. 3 chương cuối của cuốn sách cũng như một lời tự thú của Sherwin Nuland với anh trai mình, Harvey, mắc căn bệnh ung thư ruột di căn. Chỉ vì ông đã quá cảm tính trong việc đưa ra các quyết định điều trị, cố kháng cự lại sức mạnh của cái chết bằng đợt hoá trị cực kì đau đớn, quá trình đó như một tấm thảm đỏ nhuộm chính máu của Harvey mà Nuland đã trải ra để đưa tiễn anh trai mình về với cõi vĩnh hằng. Ông viết: “Nên để cái chết hoàn tất xứ mệnh của nó trong yên ổn. Mặc dù nó có thể bị bôi nhọ bởi sự tàn phá bất ngờ của căn bệnh, nhưng, nó không được phép bị phá vỡ thêm nữa bởi những thao tác với ý định tốt đẹp nhưng vô ích"

Đến đây, tôi chợt nghĩ câu nói của một người bạn từng sẻ chia rằng: "Đối với mình ai cũng phải chết cả, vấn đề là khi nào? Mình cũng đã chuẩn bị tâm lý cho bất cứ điều gì có thể xảy ra, cho mình, cho người khác. Kể cả nếu tự nhiên nếu mình ra đi, mọi thứ vẫn cần được sắp xếp thật gọn gàng". Tôi lơ ngơ không hiểu ý bạn, thoáng hoảng loạn che giấu bằng cười khẩy "sao lo xa, cụ non thế".

Và cũng như tôi khi ấy, bây giờ, không ít người vẫn lo sợ, lảng tránh tìm hiểu, nhắc đến cái chết như đứa trẻ sợ bóng đêm. Rụt rè chỉ dám đứng ngoài nhìn vào rồi sợ sệt tưởng tượng ra cơ man những con quái thú ẩn nấp trong đó. Tiêu cực hay chủ đề xấu có nên xem xét đặt chúng ở vị trí nào cho đúng. Trong sự hiểu biết về cái chết để từng ngày sống trọn vẹn, ý nghĩa. Hay ở nói khuất mắt trông coi, mộng mị cho nỗi sợ mơ hồ về cái chết vây quanh, mặc định để bản thân trôi nổi giữa cuộc đời bất toàn, nó dẫn đi đâu tuỳ hứng.

Previous Post
Next Post