Con người ai cũng đều có hai nhiệm vụ vô cùng quan trọng đó là sinh ra và chết đi. Một nhiệm vụ bạn đã hoàn thành rồi, còn một nhiệm vụ bạn có nên lưu ý tới không? Nếu nghĩ chết là hết thì cuộc đời này của bạn hoàn toàn vô nghĩa, mọi thứ bạn làm, mọi giá trị bạn có được cũng hoàn toàn vô nghĩa, do đó bạn sinh ra vốn đã là vô nghĩa. Tất cả rồi sẽ kết thúc trong cái khoảnh khắc ấy, bất chợt những tham đắm, những tiếc nuối và những day dứt thổi bùng lên rồi vụt tắt. Thân thể này rồi cũng hòa vào với cát bụi, hình ảnh này cũng sẽ dần tan biến, tên tuổi này rồi cũng sẽ bị lãng quên. Nhưng không, hãy tin tôi đi, cuộc sống của chúng ta hoàn toàn có ý nghĩa, chúng ta không sinh ra và chết đi một cách vô nghĩa, cái khoảng cách giữa sinh và tử đó vốn chỉ là thử thách mà thôi.
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một đứa trẻ khi sinh ra lại khóc chứ không cười? Tôi nghĩ rằng cũng có nhiều lý do, có thể là vì nó cảm nhận được đời là bể khổ nhưng nó không có sự lựa chọn nào khác, nó vẫn phải đón nhận cuộc đời này thể thực hiện nốt những điều nó chưa hoàn thành. Hoặc giả nó vui mừng vì vừa được thoát ra từ một địa ngục nhỏ để đến với cái địa ngục rộng lớn hơn. Cũng có thể là nó vì thương cảm nhân gian mà đến cứu giúp. Bất kể là vì lý do gì, ngay từ khi sinh ra một đứa trẻ đã được định sẵn cái nhiệm vụ là chết đi rồi. Chúng ta sinh ra có lẽ là đã không được lựa chọn hoàn cảnh cho mình, vậy thì khi chết đi bạn có được lựa chọn hoàn cảnh cho mình không?
Phàm nhân trước khi chết thường đau khổ. Họ đau khổ về cả thể xác lẫn tâm hồn. Thân xác họ già yếu bệnh tật như chiếc xe mục ruỗng chỉ chực đổ sập, hơi thở vào ra khó khăn gấp rút; tâm trạng họ lo lắng bồn chồn vẫn cảm giác say đắm cái hơi thở yếu ớt, vẫn tiếc nuối nhà cửa tiền tài, vẫn lo cho con cháu ngày sau và còn hối tiếc nhiều điều chưa làm được. Lúc này thể xác tưởng như là của họ nhưng họ không thể điều khiển được, cơ bắp nội tạng co thắt, phân và nước tiểu bị đẩy ra ngoài, mắt trợn trừng mà ra đi. Cảm giác đau khổ lên tới tột cùng trong sự ô uế còn gì có thể đáng tiếc hơn thế. Họ vốn dĩ là không có sự lựa chọn, cái chết đã tìm đến với họ mà không hẹn trước.
Thánh nhân thì ngược lại, họ chủ động đón nhận cái chết. Trước lúc chết họ vốn dĩ đã chuẩn bị hết tất cả hành trang cho một cuộc hành trình mới, tâm họ hoàn toàn an vui, miệng thì mỉm cười như đóa hoa sen mới nở. Vì là chủ động nên thân họ không mang bệnh, tâm cũng không đau đớn. Họ không tham luyến tiền tài bởi họ biết những thứ đó chỉ là thứ ảo họ không thể mang theo được. Họ cũng không hối tiếc vì chưa thực hiện được điều gì, đơn giản là vì những gì cần làm họ đã làm hết rồi. Họ nhẹ nhàng nhắm mắt, bắt đầu cuộc hành trình tới một cảnh giới mới, cảnh giới an vui tương ứng với tâm an vui của chính họ, hành trang đi theo họ đến thế giới mới chính là những giá trị thực sự thuộc về chính họ. Những giá trị thực đó là gì? Đó chính là những công đức, những hành vi tốt mà họ tạo ra trong suốt cuộc đời.
Thánh nhân và phàm nhân khác nhau ở chỗ nào? Họ đều là những con người nhưng khác nhau ở đạo đức và trí tuệ. Thánh nhân là người hiểu đạo lý, biết hành thiện tích phúc đức, họ biết nhìn xa trông rộng và hiểu được giá trị chân chính của cuộc đời. Phàm nhân tầm nhìn hạn hẹp, bản chất ích kỉ chỉ thích vơ vét lợi lộc về mình, không biết nhường nhịn người cũng không biết cảm thông người. Phàm nhân chỉ biết say mê ảo vọng, vì say mê ảo vọng dẫn tới lòng tham, vì lòng tham mà dễ dẫn tới tức giận khi không đạt được, khi tức giận thì dễ làm tổn thương đồng loại, nói gọn lại đó chính là “tham, sân, si”.
Kết luận, ai cũng có thể lựa chọn cái chết tốt cho mình, nhưng phải lựa chọn từ rất sớm. Thế nào là một cái chết tốt? Đó là khi chết biết trước ngày giờ, thân không mang bệnh, trí tuệ minh mẫn, tâm không hoảng loạn, lòng thường vui vẻ, phát khởi thiện tâm. Muốn lựa chọn cái chết tốt ta phải làm gì? Ngay từ khi còn rất sớm hãy là con người trung với nước, hiếu với cha mẹ; đối với đồng loại phải dùng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, bao dung, đồng cảm, yêu thương; đối với loài vật phải có tình thương, thường phóng sinh, tránh nghiệp sát. Đối với bản thân, phải biết đúng mực, biết thế nào là đủ; không ảo vọng, không tham lam và không mê muội.
Tác giả: PhanTiến