Sự kết hợp Đông-Tây: Hiện thực hay Ảo tưởng?

Dù là ở Đông hay Tây, thì với mỗi cá nhân, hãy nuôi dưỡng một mối quan hệ chân thành và ý nghĩa với “cái Tôi” tốt đẹp ở sâu bên trong ta.

Vài chục năm gần đây, các cuộc thảo luận về ảnh hưởng của những giá trị và lối sống Tây phương vào xã hội Á châu đã diễn ra. Một sự thật hiển nhiên là sức cám dỗ đầy mê hoặc của Tây phương đã chiếm hữu phần không nhỏ trong đầu óc của nhiều người Á châu, với giấc mơ từ tự do cá nhân, dân chủ, cuộc sống thoải mái … và rồi xa hơn nữa, là những hình ảnh, câu chuyện bạo lực đã trở nên quá quen thuộc trên tivi; nạn nghiện ngập internet; phim khiêu dâm lan tràn.

Phương Tây, hay lối sống Mỹ, đang lan tỏa theo cách riêng của nó tới mọi nền văn hóa chấp nhận mở cửa cho toàn cầu hóa. Câu hỏi không phải là “tốt” hay “xấu” – thế giới hiện đại là thế giới chúng ta phải sống với nó. Vì vậy, câu hỏi là chúng ta làm gì với hiện thực này.

Phía bên kia tấm huân chương

Tôi đã sống và làm việc trên bốn lục địa, từ châu Phi tới Pháp, Anh, Mỹ và sau này dành nhiều thời gian sống ở Ấn độ và Việt Nam. Đúng vậy, Tây phương (bao gồm Mỹ và Âu châu), thanh lịch, quyến rũ, sạch sẽ và được tổ chức tuyệt hảo. Nhưng tôi không thấy tất cả những điều đó làm con người ở đó hạnh phúc hơn, và thậm chí cảm thấy an toàn hơn là ở Đông Nam Á hay Ấn Độ. Sự thoải mái ở cấp độ sống vật lý là rõ ràng, nhưng về tinh thần và cảm xúc thì không hẳn.

Các xã hội “phát triển” đã và đang phải chịu đựng sự đổ vỡ của những mối quan hệ giữa người với người vì mục đích “hiệu suất công việc”; vì niềm tin rằng công nghệ, sự giàu có của cải vật chất và chủ nghĩa tiêu thụ sẽ mang lại hạnh phúc dài lâu.

Có thật vậy không?Châu Âu và Bắc Mỹ vẫn đang là những xã hội đầy sức mạnh ở nhiều mặt, nhưng điều hiển nhiên là ngày càng nhiều người nhận ra rằng giấc mơ Âu Mỹ về của cải vật chất, đời sống thoải mái và sự thành công cá nhân chỉ là ảo tưởng. Nó không bền vững và gây ra nhiều hậu quả không mong muốn. Đây là một vài con số mà Viện nghiên cứu Gallup đã đưa ra từ mười năm trước.

– Chúng ta đã tiêu thụ nhiều nguồn tài nguyên của Trái đất, tiêu diệt vô số chủng loài sinh vật và tiến hành nhiều cuộc chiến tranh trong 100 năm qua hơn trong toàn thể lịch sử nhân loại.

– Ở Liên hiệp Anh, giữa năm 1960 đến năm 2000, thu nhập gia tăng 8 lần, tỉ lệ người trầm cảm tăng 4 lần, các vấn đề gia đình tăng 20 lần, tội phạm đường phố tăng 30 lần và số thiếu niên nghiện ngập tăng 200 lần.

– Ở Mỹ, trung bình các ông bố hiện đại dành 3 phút mỗi ngày cho con cái họ.

– Giữa năm 1960 và năm 2000, tỉ lệ tự tử tăng 60% tới khoảng 1 triệu người tự sát mỗi năm. Mà theo nghiên cứu, cứ mỗi người tự tử “thành công”, thì có 25 người tự tử “không xong”.

Mẫu mực của phương Tây cũ dựa trên triết lý của thế kỷ 18 về “sự sống sót của kẻ mạnh nhất”. Triết lý này khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, tự nhận thức, sức mạnh bản thân và sự sáng tạo. Điều này đã mang cho xã hội Tây phương cơ hội để thử thách truyền thống, khám phá, thịnh vượng và tạm thời chinh phục thế giới.

Thế nhưng, lối tư duy này sẽ dẫn tới kết cục là chỉ một kẻ chiến thắng và còn lại là 99 kẻ thất bại. Để làm cân bằng, tư duy Tây phương sinh sản ra chủ nghĩa nhân quyền, chủ nghĩa xã hội, quyền con người, dân chủ, phúc lợi xã hội …

Tôi hay Chúng ta?

Nhưng cuộc sống không phải chỉ là “sự sống sót của kẻ mạnh nhất”; nó không phải là sự cạnh tranh hay đấu tranh. Nó là sự cân bằng, hợp tác và tình bạn. Nền văn hóa Á châu chưa bao giờ quên rằng thế giới không phải là “Tôi” mà là “Chúng ta”. Ngày nay, ở mọi nơi trên thế giới, một hình mẫu mới đang nổi lên như một điểm gặp gỡ giữa hai nền văn hóa lớn. Không phải chỉ là Tôi, hay Chúng ta.

Tôi nhớ lần đầu tôi “nhận ra” điều này, điều mà tôi gọi là “tính nhân loại mới”. Lúc đó tôi sống và làm việc trong một cộng đồng tại vùng nông thôn tuyệt đẹp bên ngoài Oxford – đó là một trung tâm tâm linh năng động, là nơi tổ chức các hội nghị tập trung vào cá nhân, phát triển tâm linh và thay đổi thế giới. Nhóm chúng tôi bao gồm những anh chàng “đặc Anh”, các bạn hippy người Úc, nhà quản lý, các “yogis” … Có cả các bạn người Ấn trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên tại Anh.

Tôi vẫn nhớ ấn tượng về tất cả mọi người: họ đều tỏa sáng, nhanh nhẹn, kiên định, vững vàng, mạnh mẽ, đáng yêu, sáng tạo, dám đối mặt, vui vẻ, kỷ luật – hoàn toàn rất mang tính cá nhân và tự tin – nhưng cũng hoàn toàn mang tinh thần tập thể, gắn bó, chăm chỉ, quan tâm, trách nhiệm, trung thành … Họ mang trong mình sự tự tin sâu sắc hơn sự tự tin thường thấy trong các mẫu anh hùng kiểu Mỹ – sự tự tin ấy vững vàng, kiên định, hiện thực. Nó cắm rễ vững vàng trong cảm xúc của sự bình an và an tâm.

Có phải vì họ “thuộc về” một cộng đồng rộng mở? Hay là họ đã khám phá chiều sâu ý nghĩa của việc “làm người”, đồng thời cũng hiểu được động lực của các mối quan hệ, cảm xúc và tình cảm cộng đồng?Có thể là cả hai.Đó là những con người thuộc về tương lai của nhân loại. Những con người mang giá trị của cả hai nền văn hóa vĩ đại.

Một trong những ví dụ nổi bật về sự giao thoa giữa Đông Tây là Avaaz, một cộng đồng gồm hơn 42 triệu thành viên đóng một vai trò then chốt trong việc bảo toàn hiệp ước về khí hậu ở Paris. Avaaz là một cộng đồng xã hội dành cho mọi người được sáng lập bởi Ricken Patel, ông là một người Canada gốc Ấn, đã dành 5 năm để biến ý tưởng của mình thành một trong những cộng đồng thực sự, có ảnh hưởng đến thế giới với những thay đổi tích cực bằng việc kết hợp sức mạnh ý chí cá nhân, cộng đồng, công nghệ và lý tưởng.

Cái “Tôi”: Đáng yêu hay đáng ghét?

Thế giới ngày nay tin rằng chủ nghĩa cá nhân khiến mọi người trở nên ích kỷ và vô tâm hơn. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng chủ nghĩa tập thể khiến cho con người trở nên thụ động, dễ dàng thoả hiệp, vô trách nhiệm và thiếu sáng tạo hơn.

Vấn đề nảy sinh với cái mà chúng ta gọi là “cái Tôi”.

Nếu chúng ta định nghĩa “cái Tôi” là nhân cách của mình, một tập hợp của niềm tin, cái thích và không thích, tham vọng và sự sợ hãi hay những mưu cầu cá nhân tạo nên cái tôi của mình – phần “tôi” bên trong mỗi con người: Đó là khi tính cá nhân và tập thể đang chống lại nhau. Nhưng nếu đi sâu hơn vào bên trong, bạn sẽ nhận ra rằng bên dưới bề mặt của sự tự phụ, kiêu ngạo mà ta thường khoác cho cái “Tôi” – là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Qua nhiều năm giảng dạy, tôi hiếm khi gặp một ai không có mong muốn được cống hiến, được giúp đỡ, trao gửi. Nghiên cứu mới đây của về thần kinh học cho thấy não bộ của chúng ta được dẫn truyền tới những trải nghiệm thú vị và hạnh phúc khi chúng ta bày tỏ sự cảm thông, rộng lượng và khiến cho ai đó hạnh phúc.

Tất cả mọi người đều muốn được cống hiến. Và tất cả chúng ta đều có khả năng đó: với sự thông tuệ, tình yêu, sự sáng tạo, lòng tốt và thiên hướng trải nghiệm niềm vui trong việc làm điều gì đó tốt cho mọi người, cộng đồng và cho thế giới. Đó là phần “cái Tôi” vô cùng đáng yêu và tốt đẹp của chúng ta.

Vấn đề không nằm ở sự va chạm trong giá trị giữa phương Đông và phương Tây hay giữa cá nhân và tập thể: vấn đề nằm ở chỗ chúng ta lựa chọn đúng phần “Tôi” của mình, để cùng với nhau phát triển “Chúng ta”. Và đây chính là cơ hội mà thế giới mới đang mang lại cho ta, để kết hợp, từ bên trong trái tim mình, những điều tốt đẹp nhất của phương Đông và phương Tây và bộc lộ chính mình, sự tốt bụng, trí thông tuệ và khả năng sáng tạo cá nhân – trên tinh thần tập thể, cùng phục vụ và phát triển.

Vì vậy dù là ở Đông hay Tây, thì với mỗi cá nhân, hãy nuôi dưỡng một mối quan hệ chân thành và ý nghĩa với “cái Tôi” ở sâu bên trong, bởi vì ở trung tâm của mỗi chúng ta, sâu thẳm bên trong trái tim, tiềm ẩn sức mạnh của tình yêu thương và mong muốn những đổi thay tích cực cho thể giới mà chúng ta đang sống.

Và điều đó tuyệt vời hơn là cạnh tranh và chiến đấu với nhau để sống còn (kiểu Tây phương) hay hy sinh cuộc đời mình để khiến ai đó “hạnh phúc” (theo kiểu Đông phương)!

Previous Post
Next Post