Tết giàu, tết nghèo

Cây ngũ quả
Cái thú sắm cây nọ cây kia với giá khủng để cho nhà hàng xóm lác mắt không bao giờ là thứ để thể hiện đẳng cấp thật sự của người giàu có, cả về vật chất lẫn tâm hồn.

1. Vài năm gần đây, mỗi tết đến là người ta phát minh ra một loại cây, quả kiểu độc, lạ để bán cho những kẻ thích chưng. Mấy năm trước là dưa hấu hình xế hộp có giá 10 triệu đồng/cặp, hay hình thỏi vàng có giá khoảng 3 triệu đồng/cặp, rồi bưởi hồ lô có khắc chữ Tài, chữ Lộc có giá ngoài 1 triệu đồng/cặp... Năm nay thì có phật thủ với giá thấp nhất cũng gần 100 nghìn đồng/quả. Về cây chưng tết thì nếu như những năm trước chỉ có mai, đào, quất... thì năm nay có thêm nhiều loại cây quái lạ khác với giá hàng chục triệu đồng.

Mới đây, nhiều báo chí ào ạt đưa tin về một loại cây khủng khác, cây ngũ quả. Đương nhiên giá của cây này cũng thuộc hàng khủng, khoảng 10 triệu đồng/cây. Hay cây táo cảnh, trái có in chữ Hán cũng thu hút nhiều sự quan tâm của người giàu trong dịp tết vừa qua, giá ít nhất 3-4 triệu đồng/cây...

Nắm bắt được tâm lý ngày tết thường thì người ta “chịu chơi” vì “tết mà”, nên nhiều “nhà khoa học chân đất” đã sáng tạo ra những thứ cây trái “độc”, những cây trái mà chỉ có con người mới có thể tạo ra. Tất nhiên sự sáng tạo nào cũng đáng vỗ tay hoan nghênh, khâm phục. Song cũng có một thực tế là không phải sự sáng tạo nào cũng đều tạo ra những sản phẩm hay và ý nghĩa. Nhất là khi sự sáng tạo ấy chỉ để sinh ra thứ nhằm thỏa mãn tính khoe của hay sự mê tín của con người. Hẳn nhiên những trái quái lạ trên không thể ăn và cây ngũ quả cũng không phải để trên bàn thờ tổ! Nó chỉ để chưng bày, để thể hiện đẳng cấp của các “đại gia”!

Mấy hôm trước, tôi có đến chúc tết ở Bình Dương, bạn tôi nói về nhà một “đại gia” hàng xóm là chủ một doanh nghiệp gỗ, có chưng hai cây đào mới tậu ngoài Bắc vào với giá 50 triệu/cây. Điều thú vị là thiếu gia nọ không chưng nó bên trong nhà để trang trí nhà cửa thêm trang hoàng mà chưng nó ngoài hai bên cổng. Và tất nhiên anh ta có cái lý của mình, đó là: cho oách với nhà hàng xóm!

Rồi cũng ngay hôm đó, một người bạn làm công nhân trong một xí nghiệp gọi điện than rằng năm nay thưởng tết được... 200 nghìn đồng. Số tiền thưởng tết của người bạn này so với cặp đào cho oách với hàng xóm ấy của “đại gia” kia như một khoảng cách vô cùng tận. Tất nhiên không ai vô lý hay kém duyên đến độ soi mói chuyện xài tiền của người khác. Người giàu, họ có lý về sự giàu có của mình và tiền của ai thì người đó xài, người giàu họ có quyền tiêu xài kiểu cho oách với món hàng mà giá của nó là cả gia tài mơ ước của rất nhiều người. Nhưng miễn sao tiền ấy kiếm được từ lao động chân chính chứ không phải phi nhân tính kiểu như ăn chặn người nghèo, bóc lột sức lao động người khác, tham nhũng của công, tài nguyên của đất nước…

2. Người giàu, kẻ nghèo trong câu chuyện nói trên là điều bình thường trong một xã hội hiện đại. Và khoảng cách giàu nghèo là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển. Nó vừa là động lực, vừa là kết quả của sự phát triển.

Hẳn nhiều người sẽ không quên về ký ức xã hội Việt Nam đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà sự bình quân chủ nghĩa khiến tất cả mọi người đều nghèo khó như nhau. Sau hơn 20 năm, theo thống kê thì sự chênh lệch giàu - nghèo tại Việt Nam lên tới 9,2 lần. Sự chênh lệch về thu nhập của người làm công ăn lương giàu nhất và người nghèo nhất là khoảng 94 lần! Sự chênh lệch này chưa phải ở mức cao nhất thế giới song nó diễn ra trong khoảng 20 năm kể từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường thì đó là điều đáng nói.

3. Trở lại chuyện cặp đào trăm triệu chưng trước cổng của một “đại gia” mới thấy rằng, nhiều đại gia xứ ta chỉ ở đẳng cấp của một trọc phú hay đúng hơn là những người giàu mới nổi. Thời gian qua, quá nhiều đại gia gây nên tai tiếng về chuyện khoe của, chơi trội, gây sốc như mướn dàn siêu xe chạy vòng vòng thành phố trong đám cưới con cho lác mắc thiên hạ trong khi nợ nần thì ngập đầu. Hay có đại gia được biết đến qua những việc làm thương luân bại lý kiểu đùn đẩy trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già hoặc công khai vợ nọ con kia.

Cũng vậy, cái thú sắm cây nọ cây kia với giá khủng để cho nhà hàng xóm lác mắt không bao giờ là thứ để thể hiện đẳng cấp thật sự của người giàu có, cả về vật chất lẫn tâm hồn.

Previous Post
Next Post