Vô thường

Tất cả vạn vật trong thế gian đều bị định luật vô thường chi phối. Ở nơi con người gọi là sanh, già, bệnh, chết, ở nơi vũ trụ vạn vật gọi là thành, trụ, hoại, không, hay là sanh, trụ, dị, diệt. Không những mọi hình tượng có thể chất đều sanh diệt thay đổi không ngừng, mà tâm niệm của mọi chúng sanh cũng biến thiên thay đổi. Vì nó sanh diệt vô thường ngắn ngủi nên người ta đã ví cuộc đời như là giấc mộng:

“Thế gian như giấc mộng dài
Sanh không thác lại tay không có gì
Tuy nói đời người trăm tuổi
Nhưng mấy ai sống đủ trăm năm”.

Những thứ ngũ dục bên ngoài mà con người tạo tác, say đắm lại càng mong manh giả tạm:

“Công danh sự nghiệp áng mây tan
Phú quý vinh hoa cơn gió thoảng”.

Con người khổ vì lầm tưởng cuộc đời là thật, là vững chắc nên đã tận tụy khổ sở vì nó:

“Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật suốt cuộc đời”.

Đối với xác thân con người nó sanh diệt mau lẹ một cách âm thầm, đến nỗi con người không thể cảm nhận được sự thay đổi của chính bản thân mình:

“Thời gian – nước chảy qua cầu
Vô thường lặng lẽ bạc đầu không hay !”

Điều mà con người cần phải tỉnh ngộ: “Ta đau khổ không phải vì vạn vật biến đổi vô thường, mà đau khổ chính vì chủ quan, tham đắm món mình ham thích không ở với mình”. “Dù tiếc thương hoa kia vẫn rụng…” Và đây là những câu nói, những vần thơ của những nhân vật đã nói lên sự vô thường:

“Bạn nhìn những người vĩ đại của thế gian, họ mang theo gì từ giường chết.” (Augustin)

Bạn nên nhớ: “Không một ai trong chúng ta có hộ khẩu thường trú trên trái đất này, tất cả đều là tạm trú”. (Vô danh)

… “Đường đời như khúc nhạc
Nghĩa trang nốt cuối cùng
Đời người khi thôi hát
Về nằm dưới gốc thông.

Vũ trụ thì mênh mông
Tiếc đời người hữu hạn
Mới “có” rồi bỗng “không”
Đời người sao quá ngắn!…”
(Nhạc sĩ kiêm Thi sĩ Diệp Minh Tuyền)

Đã hiểu đời là vô thường, con người phải làm sao đây?

“Chớ hẹn tuổi già mới học Đạo
Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh”.

Tác giả: Thích Minh Chiếu
Previous Post
Next Post