Người xưa có câu: “Ngoảnh đầu lại thế thái nhân tình, Được mất thành bại bỗng hư không...” Một câu nói thật hay! Sự đời có nhiều vấn đề để ta ngẫm ngợi. Thế thái nhân tình luôn là một vấn đề được nhiều người nhắc đến và dĩ nhiên là với hàm ý không mấy tốt đẹp.
Và thế nào là Ngoảnh đầu lại? và khi nào thì chúng ta có thể “ngoảnh đầu lại”? Phải chăng chỉ khi nào mất tất cả hoặc khi sắp hấp hối, con người mới “ngoảnh đầu lại” được? Hay như lý thuyết nhà Phật: "Niết bàn chính là lúc con người tự giác ngộ. Địa ngục làm cho con người hối tiếc?"
Vậy một chút lạm bàn về Thế Thái Nhân Tình âu cũng không phải là thừa. Theo Từ điển tiếng Việt, Thế thái tức là từ hoa mỹ chỉ Thói đời. Vậy thói đời là gì? Và sao lại có hai chữ mang ngụ ý mỉa mai đến thế? Con người với hai ý nghĩa sống là Danh và Lợi. Cái danh trong đời đối với một số người thật là quan trọng. PhamThuc2
Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa đã từng nói: “Đã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông.” Chữ Danh đơn thuần theo từ điển tiếng Việt chính là Tiếng tăm. Cũng theo từ điển tiếng Việt chữ danh có nhiều dạng thức: danh dự, danh hiệu, danh nghĩa, danh chính, danh xưng và danh vọng... nhưng chung quy cũng chính là tiếng tăm hay là tên tuổi của một con người.
Cái tên tuổi ở đây người viết không đề cập đến cái tên thường ngày, tên cúng cơm mà cha mẹ đã đặt cho chúng ta từ khi lọt lòng, cái tên ở đây chính là cái danh xưng, cái chức danh mà con người đó được xã hội đặt để cho, và phải qua một quá trình sống mới hình thành. Vài ví dụ như ta gọi "Ông quan thanh liêm", thanh liêm ở đây không còn là một tính từ, mà nó đã trở thành một danh-tính từ bổ nghĩa cho cái danh từ "ông quan". Chữ "Thanh liêm" chính là cái danh trong đời này mà Ông quan nọ đã được xã hội đặt để chỉ quá trình sống và làm việc của bản thân ông. Đây là danh xưng tốt đẹp. Nó đối nghịch với quan tham.
Nhưng trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều người sống vì Danh và chữ danh đối với họ thật là quan trọng, có khi nó còn quan trọng hơn chính bản thân họ. Lịch sử cũng đã có nhiều người vì danh vọng đã dẫm đạp lên tất cả, chẳng kể chi đến tình phụ tử, nghĩa huynh đệ, chà đạp lên tình bằng hữu để tiến thân vì danh. Cái Lợi đối với những người khác cũng quan trọng không kém. Chữ Lợi bao hàm cả lợi lộc, lợi ích, lợi nhuận, lợi tức.... chính là cái vật chất đã đem lại cho mỗi con người, làm cho đời sống thêm phong phú. Lợi hay là quyền lợi là cái mà chúng ta ai cũng rõ nó là cái thứ mà có thể làm chia rẻ tình huynh đệ, làm sứt mẻ tình bằng hữu, làm suy tàn nghĩa cha con...
Lục trong ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có nhiều câu nói về những vấn đề này như: “Thuận buồm xuôi gió, chén chú chén anh, Nước chảy vòng quanh, thì ‘buồi’ anh ‘dái’chú” Hay: “Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc, Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh” (Trước cùng bạn vàng chung hưởng lạc, Sau lâm nguy chẳng thấy đệ huynh) Hai câu ca dao trên cho thấy không ít thói đời của con người là khi vui vẻ, đầm ấm thì còn tình huynh đệ, còn anh còn em… nhưng một khi gặp cơn nguy biến, hay gặp chuyện phải đụng chạm đến cái quyền lợi cá nhân thì không còn gì tình bằng hữu, nghĩa huynh đệ nữa.
Nhiều bậc phụ huynh thường dạy các con cháu câu nói của cụ Nguyễn Công Trứ: "Ra trường danh lợi vinh liền nhục, Vào cuộc trần ai khóc trước cười". Tức là vinh và nhục nó đi liền với nhau như ngày và đêm. Cho nên khi vinh chớ đắc ý mà phải nghĩ đến cái nhục tiếp theo. Ngược lại khi nhục đừng bi quan mà sẽ có ngày thái lai. Khi lăn lộn trong cuộc đời trần ai bao giờ cũng nếm trải đắng cay trước mới có thành công mãn nguyện sau.
Tóm lại, quan hệ xã hội gồm những vấn đề xoay quanh hai chữ DANH và LỢI. Không có danh, ý nghĩa sống mất đi một nửa: một đời người sẽ mau chóng trôi qua. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy chốc... Và một khi con người chết đi sẽ để lại những gì? Phải chăng cái còn lại chính là cái danh? Cái danh tốt thì: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm, chiếu hãn thanh” (Văn Thiên Trường và Nguyễn Công Trứ). Nghĩa là: "Xưa nay hỏi có ai không chết? Xin để lòng son chiếu sử xanh". Còn cái danh xấu thì: "Trăm năm bia đá thì mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".
Không có lợi, con người khó có thể tồn tại. Miếng ăn miếng mặc, cái đói cái no đều nhờ vào chữ lợi mà ra. Thật vậy, nếu không vì miếng cơm manh áo, con người ta ai ai cũng có thể chẳng màng đến cái lợi.
Quyền lợi là một trong những cái cơ bản của con người, dù ở bất kỳ chế độ nào, dù ở nơi đâu thì quyền lợi cũng vẫn là một trong những thiết yếu quan trọng trong cuộc sống của con người. Cái danh và cái lợi quả thật là những vấn đề cơ bản, then chốt cấu thành cuộc sống. Cái chính danh đã giúp ích rất nhiều cho con người chúng ta trong quá trình tự rèn luyện mình. Cái danh dự làm cho con người phấn đấu vươn đến sự hoàn thiện. Ngược lại cái lợi cũng góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất cho con người, và nhờ vào đó sẽ thúc đẩy những tài năng sớm phát triển. Tiềm năng của con người sẽ được phát huy triệt để nhờ vào đời sống vật chất được sung túc...
Nhưng nếu nhắc đến vấn đề danh và lợi mà bỏ qua hay không nhắc đến chữ Tham thì đó quả là một thiếu sót. Nếu như con người chúng ta biết dừng lại, hay nói khác hơn biết tìm kiếm cái danh vừa phải hay cái lợi cơ bản thì xã hội không còn là xã hội. Lòng tham của con người là vô đáy, và vì thế cái tham Danh và tham Lợi cũng không có điểm dừng. Cuối cùng, Danh và Lợi là hai yếu tố cơ bản để làm phương tiện hoàn thiện mục đích sống thì lại trở thành là chính mục đích sống của con người. Cũng cần phải nói rõ thêm kẻ hám danh hay người tham lợi cũng đều xuất phát từ lòng tham mà ra cả. Mà điều cần biết chính là kẻ hám danh thì sẽ chết vì danh, người tham lợi thì sẽ bị lợi lộc làm mờ mắt. Đích đến của con người là "được mất thành bại…"
Hành trình sống của con người được rất nhiều sách vở đề cập đến. Mục đích sống của con người cũng đã được trình bày qua nhiều quan điểm khác nhau: có người cho rằng sống là để lưu lại chút ít danh phận, cũng có người cho rằng sống là để có chút gì lợi lộc, tiền tài để lại cho con cháu đời sau… Người theo tôn giáo thì cho rằng sống là cõi tạm, còn cõi vĩnh hằng ở bên kia cái sống, tức đằng sau cái chết. Và vì là cõi tạm, nên họ cố vươn tới cái cõi vĩnh hằng đó bằng những lối sống theo kiểu mẫu của đạo giáo. Nhưng cũng chính nhờ đó mà họ dường như đã vượt ra khỏi cái vòng danh lợi của đời thường. Sở dĩ dùng hai chữ “dường như” vì thật ra đã chắc gì họ vượt qua (?).
Chữ "tham" (tham danh tham lợi) mà nhiều tôn giáo đã đề cập đến như cốt lõi của mọi tội lỗi, và mong mỏi vượt qua được nó, mong khống chế hay chế ngự được nó thì thật ra lại chính là cái không thể chế ngự được. Đã mấy ai đặt câu hỏi rằng “chúng ta tu để làm gì?” Nếu thực sự tu hành để đắc đạo, thành Tiên thành Phật, chính là chúng ta đã vướng vào chính cái không tu hành, chính cái đời thường nhất là chữ lợi, tu vì lợi ích của bản thân. Tu để đạt thành chánh quả và… tiếp theo chính là cái mưu cầu danh lợi phía sau sự thành đạt đó. Vậy thực ra chữ Tu nghĩa là gì? Tu vì chúng sinh? Hay tu vì để đạt chính quả? Cái tu nào không có danh lợi? Và làm thế nào để chế ngự được chữ Tham? Vẫn còn là câu hỏi gây nhiều tranh luận.
Có một điều cụ thể mà ai cũng hiểu đó là Danh Lợi không thể bền chặt với Con người được. Cuộc sống con người là hữu hạn bởi vậy cái danh và lợi đi đôi với con người làm sao vô hạn được?
Tần Thủy Hòang, Thành Cát Tư Hãn trong tay đã có cả thiên hạ, danh động đến trời đất mà vẫn phải cố công tìm thuốc trường sinh để mong kéo dài đời sống chẳng qua cũng chỉ mong kéo dài cái Danh và Lợi trong đời mà thôi, nhưng nào có được? Nguyễn Công Trứ mong mỏi lưu danh thiên cổ. Nguyên Du cũng muốn đời sau nhớ tới minh: "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" Nghĩa là: "Không biết hơn ba trăm năm sau, Thiên hạ ai người khóc Tố Như?". Cái danh thơm của các Ngài vẫn lưu truyền mãi mãi. Còn như cái danh ô nhục của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, cả như Lý Thông nữa thì ngàn đời bị nguyền rửa. Miệng lưỡi thế gian rất hay mà cũng đáng sợ!
Đời sống con người là hữu hạn, bởi vậy vấn đề được đặt ra là làm sao trong những năm tháng còn tồn tại trên dương thế này, chúng ta sống sao cho khỏi uổng phí kiếp làm người (!). Điều này đã đem lại nhiều bất cập trong tranh luận cũng bởi lẽ cái trách nhiệm làm người thì quá lớn so với một đời người. Trách nhiệm làm người, trách nhiệm đối với những bậc tiền nhân, lại còn thêm trách nhiệm đối với những hậu bối – những người chúng ta đã sinh ra. So với những cái đó thì cái Danh và Lợi có còn là mục đích sống của chúng ta hay không? Phải chăng cái còn lại của cuối cuộc đời không phải là cái mả to, mà chính là những người từng đã sống với chúng ta nghĩ gì về cuộc đời đã sống của chúng ta. Cổ học Phương Đông cũng từng dạy rằng “Danh vọng, tiền tài không mang được xuống mồ, cái còn lại của một đời người là ta đã sống như thế nào để khi chết không cảm thấy thẹn với tổ tông dưới suối vàng, lại càng không thẹn với hậu nhân còn lại trên dương thế.” Tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù (của Ngọc Thứ Lang – Ngọc Tú dịch) có đọan viết:
“Tôi muốn nói là đừng có cắm cúi chạy theo tiền tài danh vọng. Bao nhiêu tâm sức trong mấy chục năm trời chỉ cần một đêm là mất sạch. Sao không vượt ra đứng hẳn trên cuộc đời này, để họa không sợ phúc chẳng màng? Xét cho cùng thì họa hay phúc cũng như nhau. Chẳng họa mãi bao giờ cũng như phúc chẳng đến tràn trề. Cuộc đời nếu lạnh không biết cóng, bụng không biết đến đói khát là đủ. Chân tay còn nguyên vẹn, cử động và đi đứng được, lưng chưa gẫy gập và mắt còn sáng tai còn tỏng là đủ. Không ao ước, không them thuồng để tự hành hạ mình. Hãy dụi mắt và làm mới con tim: Trên đời này còn gì quý bằng những người có tình cảm với mình, chỉ mong cho mình khá? Với những người ấy đừng giận dữ, trách móc, làm buồn họ, cũng là tự làm buồn mình. Biết đâu chừng vừa sinh sự với nhau là mình hay họ gặp vận hạn và cử chỉ cuối cùng của mình sẽ vương vấn họ hoặc mình suốt đời?"
Những điều trên cho thấy Danh và Lợi thực chất là phù du. Tích lũy nó thì lâu, nhưng đánh mất nó chỉ là chuyện một sớm một chiều. Chẳng phải "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng" đó sao!
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều từng cảnh tỉnh: "Bả vinh hoa lừa gã công khanh... Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!...". Thực tế cho thấy, không đâu xa lạ, chỉ một ngày 30/4/1975 đã có bao nhiêu kẻ giàu có, nứt đố đổ vách, quyền cao chức trọng bổng biến thành thằng tù tứ cố vô thân? Và hàng ngày chúng ta cũng từng chứng kiến cảnh bao nhiêu kẻ đang giàu có bỗng biến thành kẻ ăn mày?. Hay đang nắm quyền uy, hét ra lửa bổng biến thành kẻ hèn hạ, luồn cúi?. Tất cả những cái đó mà người đời gọi là “có ngày lên voi sẽ có ngày xuống chó” !
Vậy cuối đời, được những gì? mất những gì? hẳn đã rõ! Thay cho lời kết của câu nói “ngoảnh đầu lại thế thái nhân tình” phải chăng mỗi chúng ta phải biết “vượt lên, đứng hẳn trên cuộc đời này”. Thế thái nhân tình chính là thói đời, mà thói đời là Danh và Lợi. Thói đời chính là “Còn tiền còn bạc, còn đệ tử. Hết xôi hết rượu hết ông, tôi.” (Nguyễn Đình Chiểu). Cái ngoảnh đầu chính là để nhận định lại Thói đời, để thoát ra ngòai vòng kiềm tỏa của Danh và Lợi, để thấy rằng “được mất thành bại... bổng chốc hóa hư không” và nhờ vào đó chúng ta xác định một lối sống đúng đắn hơn, một lối sống không hám danh, không vụ lợi mà quên đi tình nghĩa, quên đi cái mục đích chính của cuộc sống là tự hoàn thiện bản thân, sống vì những người xung quanh.
Và để nhắc nhở chúng ta rằng Danh và Lợi thực chất chỉ là hai yếu tố, hai phương tiện (dẫu có là quan trọng) hổ trợ cho mục đích sống và nó quyết không bao giờ là Mục đích sống ! Thế mới biết:
"Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời" - (Thơ TNHK)