Trả thù, một chủ đề kinh điển của văn chương và phim ảnh, cũng thể hiện cái khao khát chống lại bất công.
Kết thúc phim bằng một cái chết của gã đại gian ác, hả hê quá chừng mà sao lại có cảm giác chưa xong. Làng cổ tích, chỉ có cái chết bị sét đánh của mẹ con Lý Thông là tôi nhẹ lòng nhất. Trời ra tay coi phải hơn người với người.
Hồi chị em song sinh bên xóm còn nhỏ, tôi ngắm nghía tụi nó và nghĩ tới công bằng. Trời cho dung mạo giống hệt nhau, bà mẹ làm cho cái sự giống ấy càng thêm hoàn hảo. Hai đứa diện cùng kiểu từ tóc cho đến dép giày. Cái bánh bẻ đôi, hai cây kem cùng màu, ấm đầu sổ mũi một lượt cả hai. Không có cuộc đi chơi công viên nào mà nhà bên đó không chất lên xe đủ cặp.
Năm mười lăm tuổi, một trong hai con bé có bồ. Và cậu con trai thập thò đón đưa ngoài cỗng chấm dứt cái gọi là công bằng mà tôi huyễn tưởng. Cô em lấy chồng sớm, nhanh chóng nhàu nhừ làm mẹ của hai thằng con quậy như quỷ sứ. Chị gái thì du học ở Anh, lần về gần nhất dắt theo anh da trắng bụng nước lèo. Giờ chúng có ăn mặc giống nhau thì ý nghĩ, bầu trời cũng khác.
Tôi xếp “công bằng” vào nhóm những thứ dùng để hứa hẹn thề thốt, vì nhỏ lớn chưa từng thấy mặt mũi nó đâu. Bên ngoài biên giới thì tôi không chắc. Cướp của giàu chia cho nghèo, người ta nói công bằng đó, nhưng tôi hình dung tánh nết công bằng không hung hăng ngang ngược vậy. Không phải ai giàu cũng chỉ ngồi rung đùi mà giàu, người ta cũng lao động. Công bằng cũng không hời hợt kiểu gộp đất lại cùng làm rồi chia đều từng phần ăn. Thấy sách ghi công bằng là theo đúng lẽ phải, không thiên vị, tôi thắc mắc lẽ phải đó của ai?
Chuyện mấy rày trộm chó bị đánh chết, nhiều người nói công bằng quá. Trời cho sinh linh nào cũng có sự sống, con chó nó cũng có cái mạng, lấy mạng trả mạng thì đúng quá còn gì. Người thì đi phá xóm hại làng, chó giữ nhà kính chủ, giá trị sống chưa biết ai hơn. Cách nghĩ này cũng chặt chẽ và đầy đủ lý tình cho cái gọi là lẽ phải. Riêng má tôi đọc báo xếp cái kiếng thở dài, nói bên nào cũng ác. Hành động hái đi một hơi thở để trả đũa cho một hơi thở bị hái, hình như không phải. Hồi còn con nít, qua vườn hàng xóm bẻ bông, thằng bên đó trả đũa bằng cách chạy qua bẻ ổi, sau thành đánh nhau. Tôi chọn đứng về phía con người, bởi nghĩ sau cái chết của anh ta, là một bà mẹ già (cũng có thể ham mê cờ bạc), một đứa con nhỏ dại, một cô gái vừa mới biết yêu.
Trả thù, một chủ đề kinh điển của văn chương và phim ảnh, cũng thể hiện cái khao khát chống lại bất công. Kết thúc phim bằng một cái chết của gã đại gian ác, hả hê quá chừng mà sao lại có cảm giác chưa xong. Làng cổ tích, chỉ có cái chết bị sét đánh của mẹ con Lý Thông là tôi nhẹ lòng nhất. Trời ra tay coi phải hơn người với người.
Nghe nói Chúa kêu người ta hãy chìa má trái ra nếu bị tát vào má phải. Không phải Chúa nên chúng mình tát lại, gọi là đấu tranh tìm kiếm công bằng. Tôi cứ tưởng cái anh chàng tên đó phải rất dịu dàng, ấm áp và không gây tổn thương cho bất cứ gì. Kiểu như truyện Nhật có cô kia được cả hai anh yêu, không biết chọn ai bỏ ai và không muốn ai bị tổn thương, cổ tự tử. “Đàn bà gì thấy thương quá”, ông bạn già tôi tấm tắc. Nhưng rốt cuộc thì cô gái cũng làm tổn thương chính mình.
Coi In Time, một cái phim giả tưởng tương lai thế giới chỉ thời gian là thứ giá trị nhất, giao dịch mua bán gì thì lấy thời gian ra xài. Mua cái tăm xỉa răng tiêu tốn chút ít tuổi đời. Muốn sống lâu hơn thì phải làm việc. Giai tầng xã hội lấy thời gian nhiều ít để chia cao thấp. Mấy anh ăn cướp, dĩ nhiên cũng cướp thời gian chớ tiền bạc chẳng còn ý nghĩa gì ngoài việc đốt lên làm món cá nướng trui. Bỏ qua anh vai chính đẹp trai, tôi và chị bạn bàn tán xôn xao cái ý tưởng phim táo bạo thu chi bằng quỹ thời gian. Công bằng đó chớ đâu, làm nhiều sống nhiều làm ít sống ít, không làm thì ngủm củ từ cho sạch đất. Chị em tôi hân hoan cho tới khi chợt nhớ ra ai là kẻ chi trả điều hành quỹ thời gian kia? Lấy gì bảo đảm thằng cha đó (thí dụ vậy) không tuồn thời gian ra bán chợ đen lấy chênh lệch, không vi vu thêm chục tuổi cho bà con bên vợ?
Ngay cả ông trời, mà những bà cụ già tin chắc rằng tồn tại đâu đó, số mạng những người được ông tạo ra cùng một ngày giờ sinh cũng kẻ trên cao kẻ vực sâu. Ngụ ngôn kể chuyện hai con khỉ bẻ bánh không đều, nhờ cáo đứng ra làm trọng tài, cáo ma lanh ăn sạch, dân gian nhấn mạnh vào tinh thần đoàn kết, nhường nhịn yêu thương. Nhưng có bà mẹ Việt nói với con, cái bánh bẻ đôi, miếng lớn miếng nhỏ là chuyện thường, cố gắng cho gần bằng nhau (nhìn bằng mắt thường) thì ăn. Biết đâu trong lúc đánh bột không đều, bên nhiều trứng bên không.