Dạo này có rất nhiều người hỏi tôi, mục đích cuộc sống của tôi là gì? Và họ không biết họ được sinh ra ở trên đời này để làm gì nữa. Có lẽ những giá trị của xã hội đang bị biến đổi đến cuồng loạn, và những người bạn của tôi biết rằng họ cần tiền, nhưng họ không muốn suốt đời chạy theo tiền, họ cần công việc, nhưng không có công việc nào làm họ thỏa mãn cả, và họ cần tình yêu, nhưng không có ai đáng để họ yêu! Họ bỗng loay hoay, hoang mang giữa những giá trị mình đang tạo dựng, cũng như những gì họ đang có trong tay, đều trở nên không có gì.
Họ bảo họ yêu thích cuộc sống của tôi, của anh A chị B lắm (ừ thì ai cũng yêu thích thứ gì đó của-người-khác), và họ không dứt được một sợi dây vô hình hàng ngày để làm những điều khác đi. Tôi không biết nói gì cả, vì cuộc đời là của riêng mỗi người, lại gặp những câu chuyện khác nhau, và có những giá trị sống khác nhau, nên tôi chỉ biết trình bày ở đây những gì tôi nghĩ rằng, dù là câu chuyện nào, thì những điều này đều không đổi.
Chia sẻ cùng bạn những gì tôi nghĩ, mong bạn thư thả mà sống. Cuộc đời này, chỉ có tình yêu, tự do, và hạnh phúc là đáng để hy sinh. Và tin tôi đi, cuối đời thì, cũng chỉ có thế ở lại…
Làm gì có thứ gì là của riêng ai?
Nếu ai đã từng có cảm giác bị liệt một ngón tay, một bàn chân, hay cả thân thể, dù chỉ trong chốc lát, sẽ là người hiểu ý nghĩa của câu hỏi này nhất. Khi những điều mà ta đang điều khiển bằng trí, bằng suy nghĩ, không còn dễ dàng nữa, bỗng chốc ta thấy ta đứng phía ngoài ta. Thân chỉ ở tạm trong ta, ta mượn thân này để du ngoạn trần gian, và một ngày nào đó phải gửi trả lại. Thân ta còn không phải là của ta, khi rời bỏ thì hồn lìa khỏi xác, xác tan thành khói bụi, năng lượng ta có thể đứng nhìn thấy ta mà không thể nào níu kéo, thế thì thân này, thứ cùng ta từ phút đầu tiên tạo hình trong bụng mẹ, đến phút cuối cùng trút hơi thở trần gian, cũng đâu phải của ta. Ôi, huống chi là “nhà của ta”, “tiền của ta”, “chồng của ta”, “vợ của ta”, “bạn của ta”… làm gì có những khái niệm đó!
Cha mẹ sanh đẻ ra ta, nhưng ta là một cá thể riêng biệt. Phải chính ta đi tìm và thực hiện mục đích của cuộc đời mình. Cha mẹ chính là người giữ gìn ký ức lúc ta chưa thể nhớ, và là nguồn tham khảo, truyền cảm hứng cho con đường phía trước. Về bản chất, chính hai đấng sáng tạo ra ta, cha mẹ ta, cũng không phải của ta, và ta cũng không phải của họ. Chữ “của” tồn tại như một sự lừa mị cho lòng vị kỷ con người. Điều này giải thích cho việc khi một người thân yêu bỏ ta đi, ta thường đau buồn thương nhớ những cảm giác cùng nhau, kỷ niệm cùng nhau, họ đã giúp đỡ ta, họ đã chở che ta, họ đã thương yêu ta, giờ ta sợ một mình, sợ cô đơn, sợ không còn ai quan tâm lo lắng, sợ sự biến mất của những thói quen… Nhưng nếu biết được họ không bao giờ là của ta, ta sẽ bớt đi buồn khổ khi họ ra đi, để họ có thể nhẹ nhàng rời khỏi cuộc đời này… Cũng như việc một người nào đó dù rất tốt, nhưng ta không quen biết, thì không có cảm giác mất mát đau khổ đến như vậy. Bỏ đi cái ích kỷ của bản thân, chữ “của”, là bỏ đi được phần nhiều nỗi sợ hãi, sự lo lắng, và hoang mang cho cuộc đời mình rồi.
Bài học và sứ mệnh!
Mỗi người có một giá trị bản thân riêng. Mỗi một người đến trong đời này có những sứ mệnh riêng. Có khi đó không phải là sứ mệnh gì lớn lao (như giải phóng dân tộc, làm người nổi tiếng, hay phát minh ra thứ gì đó ghê gớm!), mà chỉ là việc phải hoàn thành những bài học còn dang dở từ những cuộc đời trước nữa. Tôi vẫn luôn tin rằng phải có đủ duyên thì ta mới có được thân xác này, có đủ duyên mới sinh ra là con của cha mẹ mình, có đủ duyên để làm người của dân tộc này chứ không phải dân tộc khác, mỗi người sống trên đời là có nhiệm vụ, ít nhất là nhiệm vụ hoàn thành bài học cho bản thân mình. Đến cuối đời, người ta sẽ ngộ ra nhiệm vụ của mình là gì, và bằng một cách nào đó, cuộc đời đẩy ta đến những chiến trường khốc liệt, cùng những bài học đau lòng, và cách họ hoàn thành nó. Dù gì thì người ta cũng phải học. Vì vậy, hãy học bằng một tấm lòng tiếp nhận cởi mở, và thương yêu những bài học đó, dù nó có đau đớn thế nào…
Tôi vẫn tin là không có điều gì xảy ra là chuyện vô-nghĩa, không có người nào mình gặp là vô-duyên cả. Cuộc đời này là một cuộc hành trình khai phá, là một cái hộp bí mật về những bài học cho bản thân mà chỉ có chính mình mới có thể mở được, bằng việc tiếp nhận chính những gì nó mang lại, dẫu khổ đau hay hạnh phúc tuyệt vời. Cách dễ dàng nhất để thấy làm cho mình bớt lung lạc những phút chơi vơi, là bạn hãy giúp người! Tình yêu là thứ duy nhất đáng để hy sinh và học hỏi, chỉ có một cách để học nó, và cách này đi ngược bản ngã tham cầu đem về của con người, đó là cho-đi. Thành ra tất cả những bài học về tình yêu đều khó, và rất ít người đi qua lại không đau khổ. Người ta khổ vì đã quá mong đợi, quá sở hữu… Học bài học này thiệt lắm đắng cay! Nhưng khi biết học phần tinh túy nhất, là cho-đi không vị kỷ, sự thanh thản và lòng mình sẽ yên ắng rất nhiều…
Người ta cần những chuyến đi trong đời mình để làm gì?
Ngày xưa tôi nghĩ, đi để mở mang tầm mắt, để nhìn thấy thế giới, để được hiểu biết hơn. Thời của mạng xã hội, người ta đi còn để khoe, để chứng tỏ, để được xài tiền có vẻ có ích! Nhưng sau những chuyến đi đó người ta thực sự được gì? Bạn vài ba đứa (mà chúng sẽ bay biến đâu đó khi ta cần), tình vài ba vắt (mà họ sẽ rời bỏ ta sau khi xài hết kỷ niệm), hay ảnh vài ba mớ (up lên đó rồi thôi)!
Giờ đây, sau rất nhiều cuộc ra đi, về cả địa lý và tinh thần, tôi biết được rằng người ta đi là để cố hiểu chính mình. Bằng cách nào? Đi cũng là cách vượt ra khỏi vòng tròn an toàn, những chuyện phải đối mặt trong chuyến đi, những người sẽ gặp trong chuyến đi, và những điều phải trả giá sau chuyến đi, mới là quan trọng!
Chúng ta đi tìm giá trị lộng lẫy, rồi sẽ có ngày nó trở nên vô lý phù phiếm. Chúng ta đi tìm bè bạn nghìn trùng, rồi sẽ có ngày nhận ra chỉ có ta nâng đỡ ta. Nỗi cô đơn sẽ dìm chết bạn sau những chuyến đi sai mục đích, và luôn cảm thấy chao đảo khi trở về, thiếu vắng khi ngừng bước! Chỉ đến một lúc tìm ra những gì con tim đang nghĩ, người ta mới thực đi với tâm trí khác, bình thản, từ tốn, và chiêm nghiệm. Đó có khi là giữa chuyến đi lên non xuống núi, có khi đó là sau chuyến đi dài trong tâm tưởng mà thôi.
Thì ra người ta cần những chuyến đi để biết lòng mình muốn gì, để biết chân mình muốn dừng lại chỗ nào. Cho nên có những vị cao nhân chỉ ngồi một chỗ thiền tịnh mà ngẫm sự đời, âu cũng là một chuyến đi dài trong tâm thức. Sự trưởng thành sau mỗi bước đi, và hãy luôn giữ cho mình bước tới, dù nhanh dù chậm, dù vui dù buồn, để sống và tận hưởng giây phút này, đó mới là điều quan trọng!
Thì ra người ta cần những chuyến đi để biết lòng mình muốn gì, để biết chân mình muốn dừng lại chỗ nào. Cho nên có những vị cao nhân chỉ ngồi một chỗ thiền tịnh mà ngẫm sự đời, âu cũng là một chuyến đi dài trong tâm thức. Sự trưởng thành sau mỗi bước đi, và hãy luôn giữ cho mình bước tới, dù nhanh dù chậm, dù vui dù buồn, để sống và tận hưởng giây phút này, đó mới là điều quan trọng!
Hiện tại là điều duy nhất tồn tại!
Ai cũng có những mưu cầu riêng, nhưng sáu mươi năm cuộc đời trôi qua chớp mắt, ai biết ngộ đời sớm, biết tiếp nhận những bài học sớm, thì càng biết cách tận hưởng những khoảnh khắc của hiện tại. Tôi biết nhiều người hay giả bộ quên, họ cứ tưởng là họ sống hoài hay sao, nên dư thời gian để buồn lo lắm. Năm nào người ta cũng đón hai ngày đặc biệt, nhưng một trong hai lại chẳng bao giờ được biết, đó là sinh nhật và ngày giỗ của chính mình. Tôi nhắc lại cho bạn nhớ nhé, bạn thức dậy mỗi sáng là gần cái chết hơn một ngày rồi. Rồi, nhắc thế thôi, chỉ nên nhớ rằng quá khứ thì không sửa được nữa, và tương lai thì không đoán được đâu, thành ra Hiện tại là thứ đáng trân trọng nhất, là thứ đáng tận hưởng nhất, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bạn đang đau khổ ư? Bạn đang yêu thương ư? Bạn đang tuyệt vọng ư? Hãy nắm lấy cảm giác này, vì rồi nó cũng qua, nhanh như một chiếc lá bay xuống vậy. Thế giới này không được tạo ra để dành cho đau khổ, đau khổ là ở trong chính mình! Vì vậy, nếu muốn biết sự tương quan giữa ta và thế giới, hãy đọc những thứ xung quanh để hiểu tiếng nói riêng của từng đồ vật, từng câu chuyện, từng điều đang diễn biến trước mắt. Tôi tin là mọi thứ đang cố gắng nói cho chúng ta những ý nghĩa gì đó.
Hãy tham gia vào thế giới, để sống không chỉ là tồn tại, tham gia vào xã hội, để làm nó tốt đẹp hơn dù một chút xíu thôi, chứ đừng đem bực dọc mà đổ vào nó. Vì vậy tôi tin vào cái phước chúng ta đang tạo cho nhau, ai cũng chửi dễ, xâu xé, vun vén ích kỷ, xét nét chính quyền, thì tạo ra nguồn năng lượng xấu, cái xấu nhân lên, chúng ta càng thấy mỏi mệt, chán nản cuộc sống.
Thay vì vậy, hãy tìm niềm vui mỗi khoảnh khắc, hãy biết cảm thông, tôn trọng người khác, và hành động thay vì gõ phím nói năng. Xác thân này chỉ mượn tạm được mấy mươi năm để được hữu hình, hãy tận dụng sự tồn tại của mình để tìm hiểu, đóng góp và ghi dấu vào đời sống và dạo chơi ở chốn trần gian đó, trước khi trả lại nguồn và thành năng lượng vô hình! Vậy sao không vui, không sống trọn, mà cứ trách móc cắn đắng nhau hoài…
Thay vì vậy, hãy tìm niềm vui mỗi khoảnh khắc, hãy biết cảm thông, tôn trọng người khác, và hành động thay vì gõ phím nói năng. Xác thân này chỉ mượn tạm được mấy mươi năm để được hữu hình, hãy tận dụng sự tồn tại của mình để tìm hiểu, đóng góp và ghi dấu vào đời sống và dạo chơi ở chốn trần gian đó, trước khi trả lại nguồn và thành năng lượng vô hình! Vậy sao không vui, không sống trọn, mà cứ trách móc cắn đắng nhau hoài…
Tình yêu – Tự do và Hạnh phúc.
Bạn có yêu mùi trà sáng nay không (hay bạn cáu bẳn vì hết sữa nên không uống được cà phê)? Bạn có thích con đường mùa thu đang về (hay bạn chán ghét cái lạnh lẽo tê cứng khó chịu)? Bạn có thấy có một người đang yêu bạn nồng nàn là hạnh phúc (hay bạn chỉ bực bội vì sao người ta không giống ý mình)?
Nếu người ta có thể nhìn và yêu từ những điều đơn giản thôi, cuộc sống sẽ giản đơn hơn nhiều. Tình yêu là cảm giác được cho đi, được che chở, được tôn trọng và tin cậy. Tự do là khi những suy nghĩ của mình không còn bị buộc ràng bởi những lề thói được dạy, và mình cảm thấy một vùng sống thoải mái xung quanh. Hạnh phúc là khi bạn biết tận hưởng từng bước chân đi, từng người mình gặp, từng nỗi đau đang thấm đẫm trong tim… Tất cả đều là những thứ nên được hy sinh vì. Ôi cuộc đời ngắn ngủi này, nếu bạn thực sự biết thương yêu bản thân mình, và suy nghĩ nghiêm túc để sống, thì bạn sẽ không đánh mất kim chỉ nam mà thấy lạc loài…
Đừng quá đòi hỏi và trách móc cuộc đời không công bằng, đừng trách móc con người tệ bạc, đừng đắm mình trong cảm xúc cuồng loạn, đừng than thở công việc buồn chán, đừng tức giận người yêu ích kỷ… mà làm gì. Hãy tin rằng đó là những bài học cuộc đời muốn bạn hoàn tất trong kiếp này, cho nên hãy vui vẻ mà hoàn thành nó, học hỏi từ nó. Bên cạnh những niềm đau bị đời đá, có những thứ tuyệt vời khôn tả, nếu bạn không chịu trải nghiệm thì bạn không có gì cả. Quan trọng là thái độ chúng ta với những gì đời đẩy đến, nó sẽ là thứ làm thay đổi kết quả cuối cùng. Đến lúc “tốt nghiệp” là khi cái sự hết duyên xảy ra, thì cũng là lúc chúng tự bay biến đi. Việc tự dưng mà bỏ, người tự dưng mà đi, tình tự dưng mà thả… Thanh thản vô cùng!
* * * * *
Bạn hãy đọc sách để làm phong phú cuộc sống (bỏ đi những quyển diễm tình não nuột kéo dài quá khứ càng tốt), hãy đặt ra mục tiêu (ít nhất giống cái bản 20 điều cần làm trong đời của tôi), hãy đòi hỏi bản thân (chứ không phải người khác), hãy thực hiện (thay vì chỉ suy nghĩ), hãy yêu thương, đừng chỉ trốn tránh; hãy thông cảm, đừng chỉ trách móc; không có niềm tin nào có thể cứu rỗi chúng ta bằng chính niềm tin vào bản thân mình!
Cuộc dạo chơi này coi dài chứ chốc lát mà thôi…
Chúc bạn sống vui, sống đủ, sống vì! Nếu có chuyện gì đang làm bạn đau khổ quá, thì đó cũng chỉ là một bài kiểm tra của cuộc đời mà thôi!
Hãy tận hưởng, nhé!
Nguồn: Blog Phiên Nghiên