Nhân dưỡng vật, vật dưỡng nhân!

Sống không có đức hiếu sinh thì không còn là con người nữa, đó là chỗ đặc thù để người khác vật. (Ảnh: Steve Cutts)
Không biết từ khi nào và từ đâu lại có câu: “Nhân dưỡng vật, vật dưỡng nhân”.

Nhân dưỡng vật thì tốt rồi. Nhưng sao lại vật dưỡng nhân? Vậy là tất cả các loài sinh ra là phải để cho người ăn thịt hay sao? Bởi con người khôn ngoan và mạnh hơn chứ gì? Nếu đó là cái lý tất nhiên, vậy thì hổ ăn thịt người là đúng sao người không im lặng vui vẻ để cho nó ăn thịt mà lại chạy?

Không thể có cái lý vật dưỡng nhân được, đâu dưỡng bằng sinh mạng kẻ khác bồi đắp cho thân mình thì đến lúc máu thịt mình sẽ phải rút ra trả nợ lại những gì mình đã nợ. Luật nhân quả công bằng tuyệt đối không bao giờ quên sót dù việc nhỏ tí xíu trên đời.

Dưỡng bằng máu thịt của kẻ khác đúng là có tăng cân nhanh thật, nhưng từ 50 ký lô gam đến 60 kg thì 10 kg ấy là cái gì là thịt của ta ư? Bậy! Của ta ở đâu lại tự có! Đó là thịt của chó, của gà bò lợn, dê cá, lươn ếch đấy chứ. Những thứ ấy vào mới thành 10 kg kia. Thân xác lúc này đâu còn là sự thuần túy thanh tịnh ta, nửa dòng máu trong ta đã bị pha, ta đã là chính những thứ ấy.

Cái cơ thể mà mẹ cha cho ta không còn là sản phẩm của mẹ cha như xưa nữa. Nó đã thành độc ác hôi hám uế tạp. Thân ta đã thành nghĩa địa nơi chôn xác của đủ loài. Nghĩa địa thế gian chỉ có xác người. Nghĩa địa thân ta chôn đủ loài từ con chuột con chim cho đến đặc sản rắn, rùa, cua, nhái… Ta khinh loài vật ăn bẩn, nhưng chính trên trái đất này chưa có loài nào ăn tạp đủ loại như người.

Ăn thịt các loài sẽ ngon miệng hơn ăn rau ư? Có thể đúng, nhưng xin thưa các bạn do thói quen mà nên cả. Đẻ ra đã cho dùng cà phê thì lớn lên đến lúc cuộc sống không thể thiếu cà phê, khi đã thiếu nó thì mọi thứ khác đều thành tầm thường không cái gì ngon bằng cà phê!…

Mọi sinh hoạt cá nhân và cộng đồng được lập đi lập lại nhiều lần sẽ thành thói quen, thành tập quán. Mà tập quán thì khó bỏ, hạt nhân của tập quán thì thói quen. Thì các bạn nhìn người nghiện xem ma lực của nó thế nào?

Thật ra ngon là cái gì ?

Phải đâu sơn hào hải vị phải đâu thứ đắt tiền mới là ngon. Ngon là cái lạ miệng là cái ta thích nhất thời. Ăn thịt mãi, ngấy lên về thịt thì đĩa dưa ngọn rau lang luột lại là tuyệt. Những năm gần đây người ta gọi con ốc, con cua, con ếch là đặc sản, vì người ta đã quá ê chề no say trong thịt những thứ ấy, ngày xưa chỉ được các cụ xem là đồ cua ốc tức thứ tầm xoàng.

Thấm đượm quan điểm vật dưỡng nhân, đời sống vật chất ngày càng khấm khá nên hôm nay quán ăn chỗ nào cũng mọc như nấm, mới sinh ra những quán ăn thật sang trọng dành cho những khách đặc biệt đến đấy uống rượu Tây và ăn tiết canh chim sẻ, nghĩa là cắt cổ cả từ con chim vừa bằng ngón tay cái nặn từng giọt máu để dưỡng ông nhân vòng đai bụng như cái thùng phi nặng bảy tám mươi cân!

Thật đau lòng thay khi nghe người ta say sưa khen những tay chế biến tài ba, xào xáo thịt cầy bảy món, lấy tia máu hồng, máu đen, kỹ thuật thui vàng... những con vật hằng ngày lúc nào cũng gắn bó tận tụy bên ta. Chúng sẵn sàng liều mình cứu chủ, trung thành nhẫn nại đến chết vì người những con vật trong đời sống không thể thiếu nó. Ai cũng cần con vật trong nhà, đem hôm mưa rét ta trên chăn dưới đệm, nó thâu đêm nằm đầu nhà canh cổng; người mâm cao cổ đầy, nó chầu chực gậm miếng quăng ra. Ta đi vắng năm mươi ngày chúng biết chứ, khi về chúng mừng quýnh chạy ra tận ngoài đường đón. Xoắn xuýt vòng quanh. Có những trường hợp chủ chết nó còn bỏ cả ăn nhiều ngày thương nhớ nằm lặng một chỗ, buồn bả khác thường. Vậy mà chỉ vì một bữa ăn, con người liền lôi ra cắt cổ phanh thây khen ngon, khen béo!(Xem phim Chú chó Hachiko; Chú chó Akita)

Chao ôi nghĩ mà ghê sợ loài vật còn biết nghĩa tình như thế sao ta chỉ vì miếng ăn nhất thời mà quên nghĩa quên tình.

Một thành phố bốn triệu dân, mỗi người mỗi ngày chỉ cần ăn nữa lạng thịt cá thì một ngày đã hết 200 tấn thịt. Nếu trừ số ở diện còn đói nghèo không có tiền mua thịt thì số còn lại khoảng 75 triệu người một ngày sẽ tiêu thụ bao nhiêu thịt. Một ngày sự chết chóc trên hành tinh này sẽ là bao nhiêu đúng là xương như núi máu chảy thành sông, sự luân hồi sáu ngã hàng ngày sẽ vần vũ mịt mùng. Từ trường ác thải ra đen ngòm nồng nặc máu, ngùn ngụt sát khí, bầm tím căm ức, hận thù trùm khắp vũ trụ.

Xin mọi người hãy dừng lại phút giây mà suy ngẫm. Hãy nương tay để từng giây phút máu bớt đổ. Hãy lắng nghe quan sát sự sống của các loài. Hãy khép nhẹ mí mắt gắng mà nghe những tiếng kêu thét, tiếng rên thảm thiết của loài vật lúc bốn giờ sáng trước những mũi dao nhọn sáng loáng và những dòng máu nóng vọt ta đỏ tươi ngầu bọt.

Các bạn hãy cố gắng nghe đi để trái tim ta tỉnh táo dần, nó ngày một trong sáng cao đẹp ngời đức hiếu sinh, ta sẽ biết cần phải làm gì khi ta sống. Chúng ta không thể thiếu các loài vật ở bên, đổi thứ đời hoàn toàn không có nó chúng ta rồi sẽ ra sao! Nhưng xin nhớ rằng có nó và nó sinh ra không phải là để “vật dưỡng nhân”...

Con người thời hiện đại đã không còn quan tâm đến sức khỏe của họ như trước mà chỉ mải nghĩ đến chuyện ăn ngon, ăn sang và ăn cho thỏa "thú tính" của cái miệng. (Ảnh: Igor Morski)

Người ta nuôi gia súc gia cầm để mổ thịt cung cấp thực phẩm cho con người. Có những loài vật sinh ra để người ăn thịt như gà vịt lợn bò tôm cá. .. nhưng cũng có những loài sinh ra không phải để ăn thịt mà để giúp con người những việc khác như trâu để cày, ngựa để cưởi, chó giữ nhà. .. Còn các thú hoang, côn trùng tạo ra sự cân bằng sinh thái. Nhưng có khi con người lại ăn cả mọi loài vì cho rằng 'vật dưỡng nhơn'!?

Nói 'vật dưỡng nhơn' có vẻ chuẩn xác chứ không chân xác. Bởi vì nói 'vật dưỡng nhân' là đã dùng khái niệm tách con người ra khỏi sự vật. Quan niêm 'vật dưỡng nhơn' sai lầm bắt đầu từ nhận thức bằng khái niệm nầy.

Dưới cái nhìn chân xác con người vẫn là con (con vật) nhưng có tính người. Cho nên con người mà không có tính nguời chẳng khác nào con vật. (có khi còn tệ hơn). Loài vật giết hại nhau vì bản năng sinh tồn (săn mồi để sống). Nhưng con người thì có kẻ giết người hàng loạt có khi chỉ vì một hư danh. Do tham vọng chính trị, mưu bá đồ vương mà có kẻ đã xua hàng triệu con người đi vào chổ chết. Những con người loại này đã là những con thú, thậm chí là quái thú. Ấy thế mà sau khi đăng quang có khi họ lại được phong thần phong thánh.

Quan niệm vật dưỡng nhơn đã sai lầm ngay từ căn để. Bởi lẽ vật hay là người đều không hiện hữu một cách độc lập. Làm sao con người có thể hiện hữu được nếu nó không được cấu thành bởi những yếu tố không phải nó như đất, nước, lửa, không khí. .. Con người cũng như vũ trụ vạn vật hiện hữu trên phổ quát, tương hệ trên đại thể và hiện khởi trong giao hổ. Con người cũng như vũ trụ vạn vật có sự tương tức, tương nhập cùng nhau. Tương tức (inter être) nghĩa là cái nầy có vì cái kia có; còn tương nhập (interpénétration) nghĩa là cái này có trong cái kia và ngược lại. Như vậy việc tách con người ra khỏi sự vật và xem con người như một chủ thể độc lập để 'vật dưỡng nhơn' há không phải sai lầm ư? Từ sai lầm nầy dẫn đến sai lầm khác khi tách con gnười ra khỏi môi trường sinh thái đang khi giữa môi sinh và con người hiện khởi trong giao hổ. Môi sinh bị ô nhiểm thì con người không còn lý do tồn tại. Chính vì vậy mà bảo vệ môi sinh tức là bảo vệ chính mình. Tàn hại môi sinh cũng đồng nghĩa với tự sát.

Cũng vì cho rằng 'vật dưỡng nhơn' nên con người khai thác thiên nhên một cách cạn kiệt: chặt phá cây rừng, giết hại các động vật quý hiếm, lật tung đất đá lên tìm quặng mỏ. .. Thiên nhiên rất hào phóng đối với con người nhưng cũng sẽ rất phủ phàng khi con người quay lưng lại với nó. Ví như khai thác rừng làm thủy điện rồi xả lũ bừa bải, tùy tiện làm thiệt hại bao tánh mạng, nhà cửa, gia súc của dân lành. ..

Do quan niệm 'vật dưỡng nhơn' mà con người thích thú với những món 'đặc sản' từ thú rừng quý hiếm; tàn hại môi trường thiên nhiên thay vì gìn giữ và bảo vệ nó. Càng ngày con nguời càng trở nên vô cảm, lạnh lùng, khắc bạc trong quan hệ ứng xử vì chỉ quan tâm đến sự hiện hữu của mình mà quay lưng lại với mọi hiện hữu chung quanh. Con người vốn là giống hữu tình nhưng vì tham lam quá độ đã trở thành giống vô tình. Người xưa đã từng thống trách thói vô tình vô cảm:

Giang hà nhật hạ nhân ô trọc
Thiên địa lô trung thục hữu tình
 (Nước sông mỗi ngày mỗi cạn, người người ô trọc
 Trong cái lò của trời đất biết ai là giống hữu tình đây)

Nguồn: Blog Phạm Hạnh
Previous Post
Next Post