Nỗi khổ của kiếp nhân sinh

Đọc các bộ kinh căn bản của Nam Truyền như Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm v.v… Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có những lời dạy thật chí thiết về con người và sự vật, cảnh giới ở cõi nầy hay những cõi khác. Đôi khi Ngài lấy thí dụ về một con gà hay con chó, con bò hay con trâu. Nhiều lúc Ngài lấy cây cỏ hay đất đai để nêu lên những điều mà Ngài muốn gửi đến những đệ tử xuất gia và tại gia của mình.

Trên từ các bậc quân vương, dưới cho đến những giai cấp bần khổ, hạ tiện nhất của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Với con người thì Ngài đã độ được không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Ví dụ như Vua Ba Tư Nặc, Vua Tần Bà Sa La, Vua A Xà Thế; Hoàng Hậu thì có Bà Vy Đề Hy, Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề; cho đến vô số các bậc Thái Tử, Công chúa, Đại Thần như: Nan Đà, A Nan, La Hầu La, Gia Du Đà La hay Kỳ Bà v.v… Đối với ngoại đạo được hàng phục như Ngài Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất hay những người đương đầu với Ngài như Đề Bà Đạt Đa, Vô Não hoặc những ngoại đạo Phạm Chí, Ni Kiền Tử v.v… Với bất cứ ai, Ngài cũng đều đem giáo lý thậm thâm vi diệu của Tứ Diệu Đế và 37 phẩm trợ đạo ra để khuyên nhủ họ.

Một hôm vua Ba Tư Nặc đánh thắng Vua A Xà Thế (theo kinh Tạp A Hàm) và được đưa đến trước Đức Phật. Ngài từ tốn khuyên Vua Ba Tư Nặc hãy dùng lòng từ của một đấng quân vương mà tha cho những lỗi lầm của A Xà Thế đã gây nên. Ngài không thiên vị bên nào cả, mà Ngài đã đứng trên quan điểm của một con người hiểu biết về sự thật của cuộc đời bằng con mắt trí tuệ và từ bi, nên Ngài đã thể hiện những lời khuyên như vậy và cuối cùng Vua Ba Tư Nặc đã tha cho A Xà Thế. Một câu chuyện khác cũng thể hiện được cái thấy xa, nhìn rộng của Đức Phật như sau:

Một hôm Ngài A Nan bạch Phật rằng: “Kính Bạch Đức Thế Tôn, có những cây có cả hoa thơm, cành lá cũng thơm và ngay cả rễ của nó cũng thơm nữa, nhưng chắc chắn là không thể bay được ngược gió. Vậy thưa Ngài, có loài hoa nào bay ngược gió được chăng?”. Ngài từ tốn bảo A Nan rằng: “Có chứ. Đó là những nam, nữ Cư sĩ giữ gìn giới cấm trong sạch như Ngũ giới, Thập thiện giới, Bát quan trai giới v.v… chính họ là những người tượng trưng cho đức hạnh. Hương ấy có thể bay được ngược gió.”

Có hôm Ngài ngồi ngoài vườn xoài của một tín chủ nào đó, sau khi thọ trai xong thì Ngài giảng pháp và để dễ hiểu, Ngài lấy móng tay của mình xúc vào đó một ít đất, rồi đưa lên cao truyền hỏi đại chúng rằng: “Các ngươi thấy đất trong móng tay ta nhiều hay đất trong đại địa nhiều?”. Dĩ nhiên là ai cũng trả lời rằng: “Bạch Ngài, đất trong móng tay của Ngài so với đất trong đại địa rất ít”. Từ đó Đức Phật đưa ra hằng tá thí dụ cho việc nầy và Ngài bảo: “Cũng như thế ấy, những gì mà các ông hiểu, nó chỉ giống như đất trong móng tay của ta mà thôi, còn bản thể của sự vật nó nhiều như đất trong đại địa vậy” (Tạp A Hàm).

Rồi một hôm, có nhiều vị đệ tử xuất gia của Ngài tranh luận về có, không, còn, mất v.v… khiến đi đến chỗ bí lối và chính Ngài là bậc Thầy hướng đạo đã chỉ ra những việc căn bản như vô thường, khổ, không và vô ngã để chư đệ tử nhận ra chân giá trị của cuộc sống nầy vốn nó không có thật tướng. Ngài thường hay hỏi rằng:

“Những điều các ngươi nói hay thấy nghe đều là những vật có hình tướng, được cấu tạo bởi những sắc uẩn. Vậy những loại ấy là thường hay là vô thường?”

- Bạch Thế Tôn! Tất cả đều vô thường.

“Vậy căn bản của sự vô thường là gì?”

- Chính đó là khổ.

“Khổ do đâu mà có?”

- Do các duyên sinh hòa hợp và biến đổi mà có.

“Có phải do chấp thủ, chấp hữu nên thấy cái nầy là như thế, cái kia là như vậy phải không?”

- Kính bạch Ngài, đúng như vậy.

“Như vậy cái khổ ấy cũng không có thật tướng. Vì do chấp thủ mà thành tựu và do vô minh nên mới có nhận thức như vậy, chứ trên thực tế thì cái khổ ấy do cái không nó biến đổi mà thành. Đã là không, nhưng con người do chấp ngã và ngã sở nên nó mới bị lôi kéo vào cái vòng luẩn quẩn nầy, mà ngã nầy vốn nó cũng không có thật tướng nữa. Nó ví như tiếng vỗ của hai bàn tay hay lửa cháy vậy thôi. Trước khi có tiếng vỗ thì âm thanh đó chẳng từ đâu đến và sau khi tiếng vỗ tan rồi thì nó cũng chẳng biết đi về đâu. Giống hệt như thế, lửa hiện hữu, ta thấy lửa cháy to, cháy lớn, nhưng khi củi hết rồi thì lửa không còn nữa. Như vậy âm thanh hay lửa kia do duyên hợp mà thành tựu và duyên hết thì tan rã, đâu có cái gì là chủ thể mà chấp vào đó là cái nầy là của tôi hay cái nầy thuộc về tôi v.v… Thật ra thì chẳng có cái gì là miên viễn không bị chi phối, biến đổi theo Tứ Pháp Ấn nầy cả ”.

Từ đó chư đệ tử của Ngài đã NGỘ được chân lý nầy (Tạp A Hàm).

Thật ra những lời dạy của Ngài nó không khó lắm để chúng ta ngày nay nhận biết ra, nhưng nó rất khó thực hiện. Khi cái có và cái không ấy, chúng ta không tự làm chủ được chính mình. Vì lẽ, biết thân ta vẫn biết, nhưng tiếc thân ta vẫn tiếc. Chỉ có những bậc chân nhân A La Hán khi lậu tận đã hết mới dám tuyên bố rằng: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, những việc cần làm ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta không còn tái sanh nữa”. Trong chúng ta chắc chắn chưa có ai dám tuyên bố được như vậy, khi chúng ta vẫn còn là chúng sanh mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi sanh tử nầy.

Ngày ấy, Ngài chia giáo pháp của Ngài về cuộc đời nầy theo 4 giai đoạn. Đó là: sanh, già, bịnh và chết. Mới nghe ai cũng nghĩ là chuyện bình thường, nhưng nó không thường đâu, khi mà người ta rõ biết được chân lý khổ nầy rồi, từ đó mới tìm đường vượt khỏi sanh tử khổ đau. Nếu không, cái khổ ấy nó vẫn còn đeo đuổi ta mãi, cho đến khi nào chúng ta được giác ngộ, giải thoát thì cái khổ ấy nó mới thật sự buông ta ra.

Nếu cuộc đời nầy trung bình sống được 80 năm trong một kiếp nhân sinh ngắn ngủi nầy, thì ta có thể chia ra việc sanh có 20 năm, việc già có 20 năm, việc bịnh có 20 năm và việc chết cũng sẽ có 20 năm như thế. Tại sao vậy? Vì lẽ khi được Mẹ sanh ra, không phải chỉ có giây phút đó, mà sự sống thật sự có ý nghĩa trong 80 năm ấy chỉ có 20 năm mà thôi. Nghĩa là sống không bịnh, không già, ít phiền não và chưa chết. Nhưng trong 20 năm của sự sanh ấy chúng ta đã làm được những gì? Không ít người bị tật nguyền khi mới sanh ra và ngay cả nhiều động vật cũng như thế. Rõ ràng cái khổ nó đã nối đuôi nhau để chi phối con người và sự vật từ muôn thuở, nhưng chúng ta nào có quan tâm biết đến cái khổ ấy bao giờ. Có nhiều em bé sinh ra thiếu tay chân, không tư tưởng, giống như một cái xác không hồn. Cha mẹ nào vui khi biết con mình như thế và hạnh phúc đâu rồi? Sao khổ đau lại tràn ngập trong gia đình như thế nầy? Có nhiều em bé sinh ra đến 5 hay 10 tuổi vẫn chưa biết nói hai chữ Mẹ Cha đầu đời. Còn nỗi khổ nào hơn như thế nữa chăng? Cũng có lắm đứa bé không tự làm chủ được mình trong những việc như ăn, uống, tiểu, giải v.v…

Cái già không ai chờ đợi cả, nhưng cái già nó sẽ đến nhanh với mình khi mà tóc trên đầu đã hoa râm sợi trắng, sợi đen. Lúc mà lưng bị đau, xương bị nhức, gối bị mỏi, mắt bị kém. Lúc ấy chúng ta mới tiếc cho tuổi xuân và hối hận tại sao khi còn trẻ mình đã không thực hiện được những điều muốn làm, mà để cho thời gian trôi qua nhanh như vậy. Bây giờ hối hận kể ra cũng đã quá muộn rồi. Khi còn trẻ, khỏe, ta sống gần trời và xa đất; đến khi già rồi chúng ta phải sống gần đất xa trời. Lúc ấy mới nhận chân ra cuộc đời nầy chẳng có gì là thật cả. Nên Ấn Độ Giáo họ thoát ly đời sống gia đình ở tuổi về chiều, vì đã rõ biết cuộc đời nầy là không thật. Nhưng Đức Phật của chúng ta, Ngài đã xuất gia khi tuổi còn xuân xanh, chứ không phải chờ cho cái già, cái bịnh đến Ngài mới ý thức được điều đó. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại mà Đức Thích Ca đã thực hiện cách đây hơn 2558 năm, và đây cũng là một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu, chưa có ai thực hiện được việc nầy thuở bấy giờ. Khi già ai cũng có thể nhớ trước, quên sau. Thế mà nhiều người cứ ngỡ là mình nhớ đúng, chẳng sai chút nào cả. Đây có thể là do sự chấp thủ của cái nhận thức đã quá hạn lâu rồi, nhưng con người vẫn còn bám víu vào đó. Ví dụ như người già lái xe, phản ứng rất chậm, chắc chắn một điều là không còn giống như thời thanh niên nữa; nhưng người lớn tuổi vẫn cố chứng minh cho rằng mình không có lỗi khi cầm tay lái, vì mình đã có kinh nghiệm lái xe đã mấy chục năm rồi. Chính cái chấp thủ nầy mà nó làm cho người ta rất khổ tâm và không chịu chấp nhận nó.

Bịnh tật cũng thế. Suốt cả một cuộc đời, có nhiều người bịnh liên miên, nhưng cũng có nhiều người ít bịnh. Tất cả đều có liên quan đến nghiệp sát sanh của mình ở kiếp nầy hay kiếp trước. Bịnh hay tật chỉ là kết quả của nghiệp đã từng gây ra từ trong vô lượng kiếp, bây giờ cái quả ấy đã chín muồi, nên trong hiện tại thể hiện nơi thân thể của chính ta mà thôi. Khi ta cắt cổ, nhổ lông loài súc sanh, chúng ta đâu có rõ biết được cái đau của chúng. Con người chỉ cần biết làm sao cung phụng cho cái dạ dày nầy hay cho khẩu vị nầy đầy đủ, ngon ngọt là được rồi; nhưng cái quả, chúng đang chờ ta trước mắt đó. Hiện tại có nhiều người bị ngồi trên xe lăn, bị run rẩy liên hồi hay bị những chứng thần kinh mất ăn, mất ngủ… chỉ chừng ấy việc thôi, chúng ta cũng đủ khiếp vía. Nhưng đa phần con người ít nhớ và hay mau quên, nên những điều như thế nếu có xảy ra, chúng ta cũng thường hay nghĩ là của ai đó, chứ không phải của mình và thuộc về mình.

Cái chết trước sau rồi nó cũng sẽ đến, nhưng chúng ta luôn nghĩ rằng nó sẽ đến với người khác chứ không phải mình, nên ít có người chuẩn bị cho sự chết, chỉ lo cho sự sống mà thôi. Thế nhưng đâu có ai ngờ rằng chúng ta đã có hằng ngàn lần sinh và hằng ngàn lần chết như thế. Có lúc làm người, có khi làm Tiên, có khi làm súc sanh, có khi làm quỷ đói v.v… cứ như thế bị trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Do vậy Phật và chư vị Bồ Tát mới ra đời nhằm chỉ rõ cho chúng sanh đường đi, lối về. Nếu ai biết dừng và biết rõ được giá trị của sự sống, thì người đó sẽ sớm tìm ra ngõ rẽ cho chính mình. Nếu không, chúng ta vẫn mãi là con thuyền không định hướng trong bể khổ trầm luân nầy. Phật đã chỉ rõ về tướng thay đổi của tâm và Ngài đã dùng trí tuệ của mình để hướng dẫn chúng ta ra khỏi sự sanh tử ấy. Vấn đề ở đây là chúng ta có muốn bước ra khỏi chốn ấy không, hay chúng ta vẫn muốn quẩn quanh đây đó, để rồi vẫn mãi mãi bị sanh tử dài lâu chi phối cả cuộc hành trình tiếp theo sau đó nữa.

Nhìn cuộc đời quá khổ của kiếp nhân sinh qua lời Phật dạy, căn cứ vào các Kinh Điển Nguyên Thủy và chứng thực những cuộc sống khổ đau mà con người đang gánh chịu hằng ngày. Mong rằng mọi người được ít khổ nhiều vui, đó chính là sự quan tâm của nhiều người đối với chúng ta khi còn phải sống trong cảnh đối đãi nhị nguyên như thế nầy.

Previous Post
Next Post