Vong thân là bị mất mình, tức là sự tha hóa đã đạt đến mức độ hoàn chỉnh hoặc sự tha hóa đã được hoàn tất. Cũng có thể nói theo một cách khác: sự vong thân làm điểm tận cùng cho sự tha hóa. Về tinh thần, sự vong thân biểu hiện rõ rệt nhất qua ý thức mê hoặc làm cho người ta không biết mình đang sống như thế nào, ở đâu. Về thể xác, sự vong thân biểu hiện trần trụi nhất qua sự xung đột khốc liệt giữa người với người.
Sự tha hóa có nguyên nhân sâu xa nhất từ các hệ tư tưởng vong thân về nhân loại (các hệ tư tưởng này đặt để nhân loại vào vị thế lệ thuộc với thế giới xung quanh làm cho người ta bị mất mình hoặc làm cho người ta có số phận được quyết định bởi cái tất yếu ngoại tại để rồi bị lâm vào tình trạng nô lệ, tức là tư tưởng vong thân = tư tưởng nô lệ), các hệ tư tưởng này làm nền tảng tinh thần cho chính thể chuyên chế, tức là thể chế chính trị tập trung cả ba thứ quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, vào một cá nhân duy nhất hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ, chính thể này trực tiếp làm cho người ta bị tha hóa về mọi mặt.
Về văn hóa, nếu tạo tác được bất cứ cái gì thuộc về Chân – Thiện – Mỹ thì thế nào cũng bị hãm hại bởi nhà cầm quyền chuyên chế hoặc ít nhất cũng bị hãm hại bởi cả sự đố kỵ lẫn sự ngộ nhận ở những người xung quanh; ngược lại, nếu tạo tác được bất cứ cái gì chống lại Chân – Thiện – Mỹ thì dù có được tâng bốc lên tận mây xanh cũng phải bị coi như đã tự sát toàn diện rồi mà không cần phải bị hãm hại bởi bất cứ ai cả.
Về chính trị, nếu thống trị thì sẽ có kẻ thù nhiều như tóc mọc trên đầu, leo càng cao sẽ gặp càng nhiều gió bão, quyền lực càng lớn sẽ gặp càng nhiều nguy hiểm, đến một mức độ nào đó sẽ khó mà giữ được tính mạng còn nói gì đến quyền lực, của cải, danh dự, v. v.; ngược lại, nếu bị thống trị thì phải coi như đã bị mất hết rồi, chẳng còn gì để nói nữa, càng tin tưởng vào nhà cầm quyền chuyên chế tuyên truyền sẽ càng ngây thơ lố bịch.
Về kinh tế, nếu nghèo khó thì sẽ tiến triển càng nhanh đến cái chết mà hầu như chẳng mấy ai có ý niệm gì về nhân tính hay vật tính; ngược lại, nếu giàu có hoặc có nhiều của cải thì chỉ được sống đời sống vật tính mà thôi, chẳng hơn gì các loài vật khác, giàu có nhờ cướp bóc sẽ nguy hiểm, giàu có nhờ may mắn sẽ bấp bênh, giàu có nhờ lao động sẽ ngắn ngủi; vì đã bị tước đoạt hết về cả văn hóa lẫn chính trị rồi nên dù giàu có hay nghèo khó cũng chỉ được sống đời sống vật tính mà tuyệt đối không hề được sống đời sống nhân tính: nếu bóc lột thì sẽ có nhiều kẻ thù nguy hiểm rồi đến một lúc nào đó sẽ bị mất hết, nếu bị bóc lột thì càng làm việc nhiều sẽ càng nghèo khó hoặc càng làm việc nhiều sẽ càng bị bóc lột nhiều hơn nữa.
Vân vân, tất cả đều chỉ biểu hiện sự tha hóa. Chính thể chuyên chế làm cho mọi cá nhân tham dự, dù tham dự tự phát hay tham dự tự giác, đều bị tha hoá nhưng mỗi cá nhân đó sẽ bị tha hoá theo một cách thức riêng biệt tuỳ theo khuynh hướng tâm lý. Sự tha hóa đạt đến đỉnh điểm sẽ làm cho người ta bị vong thân, tức là bị mất mình, thể hiện thành chiến tranh giữa người với người.
Muốn khắc phục được sự tha hóa, cần phải đấu tranh tư tưởng kết hợp song song với đấu tranh chính trị bằng giải pháp hòa bình nhằm xây dựng bằng được chính thể dân chủ (thể chế chính trị phân chia cả ba thứ quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, cho mọi cá nhân) đồng thời bảo vệ bằng được chính thể đó, tức là cần phải phê phán các hệ tư tưởng vong thân về nhân loại hoặc thay thế các hệ tư tưởng vong thân về nhân loại bằng các hệ tư tưởng tự tồn về nhân loại với đầy đủ các giá trị thuộc về Chân – Thiện – Mỹ (các hệ tư tưởng này đặt để nhân loại vào vị thế tự chủ với thế giới xung quanh làm cho người ta làm chủ được mình hoặc làm cho người ta có số phận được quyết định bởi cái tất yếu nội tại để rồi được ở vào tình trạng tự do, cũng tức là làm cho người ta được tự do hoặc làm cho người ta có số phận được quyết định bởi chính mình, tư tưởng tự tồn = tư tưởng tự do), rồi thay thế chính thể chuyên chế bằng chính thể dân chủ thông qua đấu tranh ôn hòa dựa vào Đối thoại – Tương kính – Khoan dung nhằm bảo đảm Tự do – Bình đẳng – Bác ái cho nhân loại hoặc bảo đảm cho người ta làm chủ bản thân, mới có thể khắc phục được sự tha hóa.
Ai có thể đi tiên phong trong việc đó? Đó là các anh hùng! Thế nào là anh hùng? Anh hùng là người có những phẩm chất đặc biệt: có trí tuệ lành mạnh, có lương tâm trong sáng, ước muốn hạnh phúc cho mọi người, sống kiên định với lý tưởng tự do, sẵn sàng dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hóa, v. v., chính những phẩm chất đó làm cho anh hùng không bị tha hóa ngay cả khi phải sống trong chính thể chuyên chế!
Trước tôi đã từng có nhiều tác giả lừng danh viết về sự tha hóa mà nổi bật nhất có lẽ phải thuộc về các triết gia Đức, như George Wilhelm Friedrich Hegel (1770 – 1831), Ludwig Andreas von Feuerbach (1804 – 1872) và Karl Heinrich Marx (1818 – 1883). Thế nhưng họ đã không định nghĩa chính xác về sự tha hóa mà lại còn giải thích sai lạc về nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa.
George Wilhelm Friedrich Hegel (1770 - 1831) lấy sự tự mâu thuẫn trong ý niệm tuyệt đối làm nguyên nhân cho sự tha hóa mà hình như không có ý hướng gì muốn tìm cách để khắc phục sự tha hóa.
Ludwig Andreas Feuerbach (1804 - 1872) lấy tôn giáo làm nguyên nhân cho sự tha hóa rồi chủ trương cải cách tôn giáo: thay thế tôn giáo cũ bằng tôn giáo mới, nhằm khắc phục sự tha hóa; tác giả này không thấy được rằng Chúa giáo đã bị lạm dụng vào việc bảo tồn nền chuyên chế thần quyền ở Tây phương vào thời đại trung cổ từ Julius Cesar đến các cuộc Cách mạng Dân chủ ở Anh (1688), Mỹ (1776), Pháp (1789), v. v., nhưng vì Chúa giáo không có tính chất vong thân mà chỉ có tính chất tự tồn hoặc không thuộc về hệ tư tưởng vong thân về nhân loại mà chỉ thuộc về hệ tư tưởng tự tồn về nhân loại nên việc lạm dụng Chúa giáo đã bị chấm dứt nhanh chóng bởi chính các cuộc Cách mạng Dân chủ vừa được kể đến.
Karl H. Marx (1818 - 1883) lấy tư hữu làm nguyên nhân cho sự tha hóa rồi chủ trương tiêu diệt tư hữu bằng bạo lực cách mạng nhằm khắc phục sự tha hóa, nhân vật này đã viết cả một cáo trạng hàm hồ nhất về tư hữu nhằm tiêu diệt tư hữu với một niềm tin chắc chắn rằng làm việc đó bằng bạo lực cách mạng sẽ khắc phục được sự tha hóa!? Thế nhưng thực tế hiển nhiên đã cho thấy K. H. Marx không những không khắc phục được sự tha hóa mà còn làm trầm trọng thêm sự tha hóa hoặc chỉ làm cho sự tha hóa lan tỏa sâu rộng hơn. Phật giáo khuyên răn rằng: lấy oán báo oán, oán oán trập trùng, tức là lấy cái ác để chống lại cái ác sẽ không thể tiêu diệt được cái ác mà chỉ làm cho cái ác sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Quả thật, dùng bạo lực dù bạo lực được biện minh như thế nào thành bất cứ bạo lực gì để chống lại bạo lực sẽ không thể ngăn chặn được bạo lực mà chỉ làm cho bạo lực lan tràn thêm thôi.
Tôi không muốn làm rối rắm thêm sự tha hóa bằng những lập luận tư biện mà chỉ viết ngắn gọn nhất về sự tha hóa bằng những lập luận chính xác như khoa học tự nhiên làm cho quý độc giả dễ hiểu – dễ dùng – dễ giữ để có thể khắc phục sự tha hóa.
Hà văn huy Toàn