Hiện tượng sùng bái thần tượng (Idolatry) là hiện tượng có thật trong một bộ phận giới trẻ ở nhiều nước và đương nhiên không loại trừ Việt Nam, cho dù có người vẫn chống chế "chúng tôi không điên".
Vậy đâu là những biểu hiện của hội chứng sùng bái thần tượng? Hâm mộ hay sùng bái?
Việc các bạn trẻ hâm mộ một thần tượng nào đó là chuyện bình thường, nhưng đến mức gào thét, khóc lóc, than van khi nhìn thấy thần tượng là biểu hiện cực đỉnh của tình trạng sùng bái thần tượng.
Tuy nhiên sùng bái thần tượng không chỉ có gào thét, khóc lóc mà còn những hành vi khác tuy ít cực đoan nhưng lại thường xuyên hơn như sưu tầm hình ảnh thần tượng treo dán trong phòng riêng, phòng làm việc, sưu tầm tất cả những vật có liên quan đến thần tượng hay tên tuổi của thần tượng, ăn mặc, đầu tóc giống như thần tượng, tham gia tích cực vào các câu lạc bộ của những người hâm mộ thần tượng và tất nhiên là luôn luôn suy nghĩ và cập nhật mọi thông tin liên quan đến thần tượng.
Như vậy việc có ai đó là thần tượng và chuyện sùng bái thần tượng là khác nhau. Có ai đó là thần tượng để học hỏi những điều hay lẽ phải của thần tượng là điều nên được khuyến khích, nhưng sùng bái thần tượng là một hiện tượng lệch lạc rõ ràng trong nhân cách của cá nhân.
Ai sùng bái thần tượng?
Mặc dù chưa có những cuộc khảo sát chính thức nhưng qua những hình ảnh tổng thể từ Soundfest cho thấy phần lớn những người cuồng si thần tượng đều nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đây là độ tuổi đang bắt đầu định hình nhân cách và có nhu cầu bắt chước hình mẫu rất lớn, bởi lúc này các em không còn là thiếu nhi để chỉ lúc nào cũng "ba tớ là khỏe nhất, mẹ tớ là đẹp nhất" nữa, mà các em đã bắt đầu muốn thoát khỏi ảnh hưởng của bố mẹ và khẳng định cái "riêng" của mình. Và những nhân vật trẻ tuổi, xinh đẹp, hào nhoáng, nổi tiếng thường được các em chọn làm thần tượng, tôn thờ và bắt chước.
Bên cạnh độ tuổi, xét về mặt giới tính đa số người đam mê thần tượng là nữ. Do đó đa số thần tượng được si mê đều là nam (Big Bang, Super Junoir, Bi Rain…), và trong cuộc khảo sát tại Trung Quốc năm 2011 thì trong số 10 thần tượng của thanh thiếu niên Trung Quốc chỉ có một người là nữ mà thôi.
Tại sao lại là nữ?
Có thể tạm lý giải là vì nữ có ít các hoạt động giải trí khác hơn nam và trong độ tuổi thanh thiếu niên thì nữ cũng thường bắt đầu có những cảm xúc, cảm giác về tình yêu sớm hơn và nhiều hơn nam. Như nhiều người đã nói, nam thì duy lý hơn nên có vẻ ít cuồng si thần tượng hơn.
Hành hạ mình và giết luôn thần tượng
Mạt sát, đánh nhau với những người hâm mộ thần tượng "đối thủ" là hiện tượng thường diễn ra nhất.
Ở những cấp độ cao hơn đó là hành hạ bản thân vì thần tượng và có trường hợp là giết chết cả thần tượng để "người đó mãi mãi thuộc về mình". Đồng thời những người si mê thần tượng còn có thể biến bố mẹ, người thân thành những nạn nhân cho sự si mê của mình, chẳng hạn "tống tiền" bố mẹ theo kiểu nếu không cho tiền để mua vé xem thần tượng thì sẽ bỏ học, bỏ nhà đi bụi chẳng hạn.
Tại sao lại cuồng si thần tượng?
Trước hết phải khẳng định việc gào thét, khóc lóc khi thấy thần tượng không phải là hành vi "tự có" của thanh thiếu niên Việt Nam mà là sự bắt chước, theo đuôi giới thanh thiếu niên Nhật Bản, Hàn Quốc.
Phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là Internet chính là công cụ truyền bá mạnh mẽ nhất, hữu hiệu nhất nền "văn hóa" cuồng si thần tượng trong giới thanh thiếu niên hiện nay. Nếu không có Internet thì làm sao họ có thể theo dõi được nhất cử nhất động của thần tượng để mà si mê, sùng bái? Mặt trái của toàn cầu hóa chính là đây.
Hiện đại hóa cũng kèm theo quá trình cá nhân hóa ngày càng phát triển khiến người ta sẵn sàng bộc lộ hết những điều mà trong bối cảnh trước đây không ai dám bộc lộ. Chỉ trong thời đại này chúng ta mới thấy có việc bộc lộ giới tính khác, xu hướng kết hôn đồng giới hoặc không cần kết hôn để có con… Điều đó cho thấy những chuẩn mực đạo đức, các giá trị được xã hội đề cao đang dần dần mất đi hiệu lực như là công cụ kiểm soát xã hội mà chúng vốn có trước đây.
Cuối cùng, sự sùng bái thần tượng mà chủ yếu là những người thuộc lĩnh vực văn hóa giải trí với nhiều vỏ bọc hào nhoáng cho thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu thụ đối với giới thanh thiếu niên hiện nay là rất lớn. Chủ nghĩa tiêu thụ vốn đề cao những gì hào nhoáng và đưa đến việc khiến cá nhân chỉ xây dựng căn tính của mình dựa trên những "vật" hào nhoáng ấy mà thôi.