Người ta thường nghĩ một kiếp của con người là từ sanh cho đến già, bệnh chết là hết, tức sanh ra để rồi kết thúc bằng cái chết; nếu một kiếp của con người đơn giản như vậy thì thiệt ra không đáng sống. Vì vậy, Đức Phật có suy nghĩ xa hơn là thấy được phía bên trong có cái gì khác nữa mà kinh Hoa Nghiêm diễn tả là Pháp giới duyên sanh.
Khi Đức Phật dạy rằng con người sanh, già, bệnh, chết là khổ thì gần như ai cũng nhàm chán sống, tức sống để chịu khổ rồi chết. Từ đó, người theo Phật tu hành, xuất gia, bỏ nhà cửa, sự nghiệp và quyến thuộc để sống phạm hạnh. Như vậy, người xuất gia hầu như đã cắt bỏ hết cuộc sống bình thường, nhưng còn thân này thì họ còn phải ăn uống ngủ nghỉ. Tuy nhiên, người tu cắt bớt việc ăn uống ngủ nghỉ để không bị lệ thuộc bốn thứ này thì được giải thoát. Đó là pháp đầu tiên mà Phật dạy cho con người. Thật vậy, trong kinh Pháp hoa, Đức Phật nói rằng Ta vì những người nhàm chán sanh, già, bệnh, chết mới nói pháp Niết-bàn và chỉ dạy con đường đưa đến Niết-bàn là pháp đầu tiên gọi là Tứ Thánh đế, tức bốn chân lý không thay đổi.
Từ bốn chân lý này mở ra cho chúng ta cuộc sống có ý nghĩa là Đức Phật vẽ ra hai con đường sống là cuộc sống khổ đau và cuộc sống an lạc, hay kiếp người khổ đau và kiếp người an lạc. Nếu chọn con đường đi lên là thiên đường hay Niết-bàn, chọn con đường đi xuống là địa ngục. Và Đức Phật dạy rằng kiếp sống khổ hay vui cũng do ta tạo nên, đó là tư tưởng mới nảy sanh trái ngược với tư tưởng cổ của Ấn Độ thời bấy giờ chủ trương con người khổ hay vui đều do Thượng đế quyết định, Thượng đế ban vui, hay hành hạ con người khổ là toàn quyền của ngài. Nhưng Đức Phật dạy rằng con người quyết định vận mạng của mình, Ngài phủ nhận quyền sinh sát của Thượng đế và dạy rằng chúng ta không nên giao vận mạng của mình cho người mà mình không biết gọi là Thượng đế.
Đức Phật hỏi người Bà-la-môn rằng ông có biết hay thấy Thượng đế hay không. Ông ta trả lời không thấy cũng không biết Thượng đế. Phật hỏi như vậy tại sao ông tin Thượng đế. Ông nói tại vì cha của con, ông của con, tổ tiên của con nói có Thượng đế. Bấy giờ Phật dạy rằng đừng tin những gì được nhiều người trước ta tin. Muốn tin phải kiểm chứng, coi điều ta tin có hợp lý hay không, nếu không hợp lý, ta không tin. Nếu thấy hợp lý rồi còn phải kiểm chứng trong cuộc sống và thấy kết quả không đúng cũng gạt bỏ. Không phải nghe rồi tin, không phải người xưa dạy rồi ta theo.
Trên bước đường giáo hóa độ sanh, có lần Phật gặp người theo ngoại đạo nói rằng cha của ông dạy mỗi sáng phải lạy sáu phương, nên ông theo truyền thống này mà lạy. Phật mới bảo rằng không nên tin theo truyền thống, nhưng làm phải suy nghĩ truyền thống này có từ bao giờ và có lợi ích nào. Vì vậy, khi lễ bái sáu phương, lạy phương Đông phải nghĩ gì, lạy phương Tây nghĩ thế nào. Phật nói rằng những gì người xưa để lại, chúng ta phải kiểm chứng và ngay như lời Phật dạy, cũng phải kiểm chứng trong cuộc sống của chúng ta để ứng dụng cho đúng.
Phật dạy rằng tất cả mọi người sống trên cuộc đời chỉ có một chữ là “Khổ”, không ai thoát được khổ, người giàu hay nghèo, già hay trẻ đều khổ, nói chung, suốt cuộc đời người là khổ. Nếu kiếp con người là khổ thì thử hỏi ai làm chúng ta khổ và ai giải quyết được nỗi khổ này. Nếu Thượng đế làm chúng ta khổ thì hãy tìm Thượng đế để ngài giải quyết. Nhưng theo Phật dạy chính ta làm khổ ta, như vậy ta phải tự tháo gỡ cái khổ cho mình.
Phật nói tất cả mọi người đều sợ khổ, nhưng họ luôn tạo nhân khổ; trong kiếp người, ai cũng muốn an lạc nhưng không bao giờ tạo nhân an lạc. Vì vậy, theo Phật, nếu tạo nhân an lạc, dù không muốn an lạc, ta cũng được an lạc; nhưng tạo nhân khổ thì chắc chắn khổ cũng đến với ta, không thể thoát. Trên bước đường tu hành, ý thức như vậy là nhận diện được cái lý của khổ để cắt bỏ lần lần cho đến đoạn tuyệt nỗi khổ. Đầu tiên, nhận ra cái khổ và nguyên nhân của khổ, nhưng đó chỉ mới là giới hạn nỗi khổ niềm đau từ sanh đến chết trong kiếp người hiện tại. Còn nguyên nhân xa là trước khi sanh, chúng ta đã tạo nhân gì ở kiếp quá khứ và do nguyên nhân nào mà tái sanh làm người trên cuộc đời này. Ở đây, chúng ta mới tìm cái nhân hiện tại và đoạn cái nhân hiện tại này là Tập đế và tu Đạo đế.
Con người không khổ, nhưng tự mình làm mình khổ. Nói như vậy đôi khi Phật tử thấy lạ, nhưng suy nghĩ kỹ sẽ nhận ra lời Phật dạy là đúng. Đức Phật dạy rằng nỗi khổ của con người phát xuất từ sự ham muốn, vì ham muốn không được nên khổ gọi là cầu bất đắc khổ. Vì vậy, Phật bảo chỉ cắt bỏ ham muốn, chúng ta sẽ hết khổ liền. Ham muốn cái gì?
Tất cả mọi người trên cuộc đời này thường ham muốn tiền tài, địa vị, danh vọng là ba điều ham muốn căn bản nhất. Người có ham muốn như vậy thì dù địa vị cao tới đâu, hay tiền bạc có nhiều bao nhiêu cũng khổ. Cứ như vậy mà nỗi khổ tăng lên, không giảm được. Nếu cắt được ham muốn phần nào sẽ hết khổ phần đó. Và nếu cắt bỏ lòng tham và điều chỉnh cho đến hoàn thiện suy nghĩ, lời nói, việc làm của ta theo Phật, Bồ-tát, chắc chắn chúng ta sẽ có Niết-bàn, Cực lạc ngay trong cuộc sống này.
Nguồn: giacngo.vn