Thảm họa môi trường - có còn khuyến khích, bảo hộ đầu tư?

Cho đến nay nguyên nhân thực sự khiến thủy hải sản ven biển bốn tỉnh miền Trung chết hàng loạt trong tháng qua vẫn còn chờ kết quả phân tích từ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những thông tin từ thảm họa môi trường này đã khiến công luận đặt câu hỏi về việc cấp phép cho các dự án FDI công nghiệp nặng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, tại các tỉnh ven biển.

Liệu bài toán hiệu quả kinh tế của các dự án này đã được tính đúng, tính đủ chi phí ô nhiễm môi trường mà nó gây ra? Phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất cái giá phải trả do môi trường ô nhiễm? Nếu thực sự phải đánh đổi giữa hai mục tiêu, thì chúng ta ưu tiên chọn điều gì?

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở duyên hải miền Trung như một thảm họa môi trường, đặt ra hàng loạt vấn đề cần được phân tích và đánh giá. Tuy nhiên, đi kèm với thách thức đó là cơ hội được tạo ra cho những sự thức tỉnh quan trọng. Trong sự thức tỉnh ấy, có một vấn đề dường như đã bị bỏ qua hay xem nhẹ bấy lâu, đó là các mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường với ổn định chính trị và phát triển.

FDI được đề cao và chiều chuộng thái quá

Trong giai đoạn đầu của quá trình mở cửa, tăng trưởng và cất cánh của nhiều quốc gia, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế luôn luôn được đặt lên hàng đầu, thậm chí nó lấn át mọi mục tiêu khác. Chính vì thế, nhiều năm trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã ví von rằng xã hội Trung Quốc như một cái xe đạp đang chạy mà tốc độ của nó là tăng trưởng kinh tế, nếu đi quá chậm thì chiếc xe sẽ đổ. Ở Việt Nam, logic này cũng được nhận thức bằng việc nhấn mạnh quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị, cho rằng đó vừa là hai mục tiêu cần thực hiện đồng thời, vừa là hai mặt của một vấn đề, cái này là điều kiện và phương tiện để thực hiện cái kia.

Hệ quả là, để giữ ổn định chính trị nhằm tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, chúng ta đã thực hiện kiểm soát xã hội nói chung và đời sống dân sự nói riêng một cách chặt chẽ. Điều này được thể hiện đặc trưng bằng việc đề cao trật tự và an ninh quốc gia đi kèm hệ quả tất yếu là sự hạn chế một số quyền tự do của người dân. Bên cạnh đó, để duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, nhằm giữ vững ổn định chính trị, chúng ta đã liên tục cố gắng huy động các nguồn lực đầu tư bằng mọi giá, trong đó có nguồn lực quan trọng hàng đầu là đầu tư nước ngoài (FDI).

Sự nhân nhượng các tiêu chuẩn pháp luật về an toàn môi trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến chúng ta lãnh hậu quả lớn: không chỉ môi trường tự nhiên nhiều vùng miền liên quan bị tàn phá mà cả sự không ổn định về môi trường chính trị – xã hội.

Trên thực tế, các nguồn lực FDI luôn luôn có giới hạn, do đó giữa các nước chậm phát triển và đang phát triển, một cuộc cạnh tranh và chạy đua thu hút vốn và các dự án FDI đã và đang diễn ra một cách khốc liệt. Như một biện pháp về chính sách, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều tranh thủ ký các hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (BITs) với các điều khoản ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Tổng kết thực tiễn chung về các BITs trên thế giới, sự ưu đãi đó bao hàm khá nhiều sự nhân nhượng, đặc biệt thường đi kèm với việc từ bỏ thực thi một cách khắt khe các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Nói một cách trần trụi, các nước tiếp nhận đầu tư phải chấp nhận các dự án công nghiệp bẩn, gây ô nhiễm mà bản thân nó không được phép triển khai ở chính quốc.

Phải chăng dự án sản xuất thép tại Vũng Áng, Hà Tĩnh của Formosa, một công ty đã có khá nhiều “tiền sự” trên thế giới về gây ô nhiễm môi trường, cùng với nhiều dự án FDI tương tự khác, đã được cấp phép theo cơ chế ưu đãi trên nền tảng của các BITs mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có BITs với Đài Loan ký năm 1993?

Đặc biệt lưu ý là các BITs yêu cầu quốc gia tiếp nhận FDI phải “đối xử công bằng, thỏa đáng” và “an ninh và an toàn” với các nhà đầu tư và các dự án FDI. Trong các trường hợp cụ thể, chẳng hạn nếu chính quyền của anh đã cấp phép cho tôi và tôi làm đúng giấy phép, không phụ thuộc vào việc giấy phép đó có được cấp đúng pháp luật hay không, hoặc nếu anh không bảo đảm an toàn bằng cách để cho người dân biểu tình, gây rối, làm thiệt hại về vật chất và kinh tế cho tôi, trong khi pháp luật của anh không cho phép các cuộc biểu tình như vậy, thì tôi sẽ có quyền khởi kiện đòi anh bồi thường, không chỉ trước tòa án địa phương mà còn trước hội đồng trọng tài quốc tế…

Có nên chấm dứt BITs?

Câu hỏi đặt ra, ít nhất là từ thời điểm này, khi sự cố cá chết và thảm họa môi trường biển miền Trung đã xảy ra, là: tất cả điều đó có đáng không và chúng ta có buộc phải đánh đổi các dự án đầu tư với cái giá như vậy hay không?

Phải chăng điều đó xuất phát từ sự nhân nhượng các tiêu chuẩn pháp luật về an toàn môi trường, nhằm đạt được tăng trưởng đầu tư và giảm nghèo nhất thời cho một địa phương, mà sau đó cả đất nước sẽ phải gánh hậu quả lớn: không chỉ môi sinh nhiều vùng miền liên quan sẽ bị tàn phá mà cả sự ổn định về môi trường sống và môi trường đầu tư nước ngoài như mong muốn cũng không còn giữ được?

Thực ra và thật đáng tiếc, logic của toàn bộ vấn đề nói trên không phải là điều mới và bất ngờ đối với chúng ta.

Từ năm 2012, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) mà Việt Nam là một thành viên, đã đề xuất một khung chính sách đầu tư vì phát triển bền vững trên nền tảng của 17 mục tiêu của Chương trình phát triển bền vững đến 2030 của tổ chức này, trong đó có mục tiêu thứ 14 là “bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và các tài nguyên biển”. Trên cơ sở khuyến nghị đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2030 với nhiều nội dung tương tự, bao gồm các mục tiêu về bảo vệ môi trường như là một nguyên tắc khi xem xét, cấp phép các dự án đầu tư. Ngoài ra, vào năm 2011, Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc cũng đã đưa ra bản hướng dẫn về các nguyên tắc kinh doanh và nhân quyền, yêu cầu không chỉ các nhà nước mà còn cả các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo đảm quyền con người khi tiến hành các họat động đầu tư.

Vậy tại sao các định hướng và chủ trương đúng đắn về chính sách này đã không được các cấp chính quyền quan tâm, tôn trọng và thực thi khi triển khai các chương trình vận động đầu tư nói chung và cấp phép các dự án đầu tư nói riêng?

Nhìn sang các nước có cùng cấp độ phát triển như Việt Nam, một xu hướng cải cách nhằm vào các hoạt động đầu tư quốc tế và FDI đã bắt đầu diễn ra theo các tiêu chuẩn mới của phát triển bền vững. Cụ thể, Indonesia đang lên kế hoạch chấm dứt 60 BIT đã ký bằng cách không gia hạn thêm để loại bớt các ưu đãi và bảo hộ thái quá cho FDI, đặc biệt là ngăn ngừa khả năng các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài bỏ qua thẩm quyền của tòa án trong nước để tiếp cận trực tiếp các cơ chế tài phán quốc tế trong tình huống có tranh chấp. Lưu ý rằng điều đó không đồng nghĩa với tính hấp dẫn của môi trường đầu tư của Indonesia bị giảm đi mà ngược lại, bởi các cải cách của hệ thống pháp luật đang diễn ra tại nước này dần dần tiệm cận với các tiêu chuẩn chung toàn cầu, khiến cho các chính sách và cơ chế ưu đãi chuyên biệt cho nhà đầu tư nước ngoài không còn ý nghĩa.

Còn có một ví dụ khác về tầm nhìn và sự sáng suốt của một nhà lãnh đạo chính trị. Đó là trong phát biểu trước Nghị viện Anh từ năm 2012 khi còn chưa nắm quyền, bà San Suu Kyi đã kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Myanmar nhưng khẳng định một quan điểm rõ ràng:

“Tôi hy vọng các doanh nghiệp Anh đóng một vai trò hỗ trợ quá trình cải cách dân chủ, thông qua các hoạt động mà tôi định nghĩa là đầu tư có lợi cho nền dân chủ. Ý của tôi là các dự án đầu tư đặt ưu tiên vào sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, quyền của người lao động và môi trường bền vững. Chỉ khi được tiến hành một cách có trách nhiệm với các động cơ tích cực, đầu tư trong khu vực thâm dụng lao động mới mang lại ích lợi thật sự cho người dân chúng tôi”.

Đối với Việt Nam, từ thảm họa môi trường biển miền Trung, sự thức tỉnh cần có phải chăng là không đổ lỗi cho bất cứ yếu tố bên ngoài nào, cho dù đó là các thế lực ở tầm quốc gia hay đa quốc gia, mà thay vào đó là sự nhìn nhận chính bản thân chúng ta. Đối với một quốc gia có chủ quyền, mọi khả năng và sự lựa chọn đều có thể. Học theo cách ứng xử của Indonesia đối với các BITs đã ký là một lựa chọn, nhưng mọi lựa chọn ứng xử không bao giờ có thể thay thế được con đường cải cách thực sự của chính môi trường thể chế và pháp luật trong nước.

Previous Post
Next Post