Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có bà ngoại năm nay ngoài 70 tuổi đang bị bệnh ung thư, sự sống không còn bao lâu nữa, tuy ở xa nhưng con có cảm tưởng hiện giờ ngoại đang chịu nỗi đau về thể xác (sự hoành hành của bệnh), nỗi đau về tinh thần (lo sợ cái chết). Con là trong những đứa cháu được ngoại yêu quí. Trong tình cảm này con rất muốn làm một việc gì đó thiết thực giúp cho ngoại. Thầy có thể chỉ dạy cho con không?
(Thiện Đức vấn đạo)
Đáp: Trước tiên con nên về gặp ngoại con và an ủi người, để cho người đừng dao động tâm khi cơn bệnh hoành hành và khuyên ngoại con: “Đây là nhân quả của ngoại do tiền kiếp ngoại có biết không?” .
“Nhân là hạt, quả là trái. Khi vô tình hay hữu ý mình đã gieo hạt giống xấu (hành động ác) thì ngay trong hiện tại mình phải gặt lấy tai họa hay bệnh tật khổ đau. Ngoại bệnh đau cũng vậy, đời trước hay trong kiếp này vì thương chồng, thương con vô tình ngoại đã gieo một hạt giống xấu bây giờ ngoại phải chịu bệnh một mình như vậy. Ngoại đừng buồn khổ nghe ngoại? Ngoại không buồn khổ là ngoại sẽ hết bệnh mau” .
Ví dụ 1: Ngay trong đời sống hiện tại mình lái xe không cẩn thận, lạng lách, vượt qua mặt, chạy ẩu sang lề khác, phạm vào luật lệ giao thông, đó là nhân. Nên tai nạn xảy ra làm cụt tay gãy chân, có khi mất mạng, đó là quả.
Ví dụ 2: Ngay trong đời sống hiện tại mình không giữ vệ sinh chung, quăng rác bẩn thừa thải khắp nơi; hoặc ăn uống không vệ sinh, đụng đâu ăn đó, không biết dơ sạch, đó là nhân. Khi bị bệnh đau phải tốn tiền đi bác sĩ, đến bệnh viện có khi bị chết, đó là quả.
Ví dụ 3: Ăn thịt chúng sanh, đụng con gì ăn con vật nấy, không biết trong thịt chúng sanh có nhiều chất độc tố, đó là nhân. Đến khi bị bệnh đau, gặp những bệnh nan y khó trị, phải chịu khổ sở đau nhức lăn lộn trên giường bệnh, đó là quả.
Ví dụ 4: Ỷ quyền thế, la lối chửi mắng người, xem mọi người dưới quyền như tôi tớ người làm công không ra gì, đó là nhân. Khi bị bệnh đau hoặc tai nạn xảy ra cho mình hay những người thân trong gia đình, đó là quả.
Cho nên nhân quả thường đi song song với nhau, hễ có nhân là có quả. Vừa mở miệng nói xấu người khác, đó là nhân, thì ngay đó bị người khác xem thường mình, cho mình là người xấu ác, đó là quả.
Nhưng muốn chuyển nhân quả ấy thì phải làm sao?
Nhân quả muốn chuyển được thì phải vui vẻ chấp nhận để trả nợ nhân quả. Khi đứng trước hoàn cảnh tai nạn bệnh tật thì không nên buồn rầu, lo sợ, không nên than thân, trách phận, không nên đổ thừa cho ai cả mà hãy vui vẻ nhận chịu một cách tự nhiên đầy can đảm và dũng cảm.
Khi nhân quả đến muốn chuyển hóa nhân quả thì phải sống đúng tám giới luật của Phật tức là Thọ Bát Quan Trai. Tám giới luật của Phật là chín đức hạnh làm người. Chín đức hạnh làm người là chín pháp thiện. Nhờ sống đúng chánh pháp thiện mà chuyển tất cả quả khổ. Vậy con hãy lắng nghe Đức Phật dạy mà hướng dẫn cho ngoại con: “Này các Tỳ kheo muốn ước nguyện một điều gì, điều đó được viên mãn thì giới luật phải nghiêm chỉnh” .
Tám giới luật Phật tức là chín đức hạnh. Chín đức hạnh gồm có:
1/ Đức hiếu sinh (Lòng thương yêu sự sống của muôn loài).
2/ Đức buông xả (Không gian tham trộm cắp cướp giật, móc túi, lấy của không cho).
3/ Đức chung thủy (Không tà dâm lấy vợ người, chồng người khác).
4/ Đức thành thật (Không nói dối).
5/ Đức sáng suốt (Không uống rượu).
6/ Đức tự nhiên (Không trang điểm, đeo vòng vàng chuỗi ngọc và thoa dầu thơm).
7/ Đức trầm lặng độc cư (Không ca hát, không nghe ca hát, không gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, niệm chú).
8/ Đức thanh bần (Không nằm giường cao rộng lớn).
9/ Đức ly dục (Không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt, chỉ ăn ngày một bữa).
Sau khi sống đúng 9 giới luật (Bát Quan Trai) tức là những đức hạnh làm người thì con hướng dẫn ngoại con dùng hai cánh tay đưa ra, đưa vào và tác ý.
Trước khi đưa tay ra thì bảo: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra” . Khi đưa tay ra xong thì tác ý tiếp: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô” . Khi đưa tay ra thì dùng tưởng nghĩ như bệnh theo tay mà đi ra. Cứ nhiếp tâm an trú vào cánh tay đẩy lui bệnh tật như vậy thì bệnh sẽ hết, nhưng khi đưa tay vô thì dùng tưởng thân không bệnh đi vô.
Đây không phải là phương pháp trị bệnh mà đây là phương pháp chuyển nghiệp. Do chuyển nghiệp nên phải sống đúng giới luật.
Phương pháp chuyển bệnh này mà trong kinh Tứ Niệm Xứ gọi là “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” .
Nếu ngoại con tin tưởng nơi Phật pháp là pháp mầu nhiệm cứu ngoại con thoát bệnh khổ thì ngoại con nên yên tâm ôm pháp chuyển bệnh thì không bao lâu ngoại con sẽ hết bệnh khổ.
Không biết con có nhận được một bức thư của Thầy gởi cho ngoại con không? Nếu được bức thư ấy mà ngoại con nương vào đó giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự cho đến khi bỏ thân tứ đại thì chấm dứt tái sanh luân hồi.
* * * * *
Kính gửi: Huệ Ân, Chơn Thành, Chơn Tâm, Chơn Đức, Chơn Nghĩa, Thanh Quang, Thanh Đức, Thanh Tâm, Thanh Nhẫn, Từ Quang, Từ Đức, Từ Hạnh, Tâm Nhẫn, Tâm Đức, Tâm Như, Tâm Ngộ, Tâm Liên, Đức Thông, Đức Minh, Đức Tâm, Liễu Huệ, Liễu Châu, Liễu Tâm, Liễu Thanh, Liễu Hương, Liễu Hoa, Liễu Pháp, Liên Hương, Liên Châu, Liên Ngọc, Liên Hạnh v.v... và các cụ, các bác từ Nam chí Bắc, từ trong nước đến ngoại quốc
Kính thưa các cụ, các bác! Trong những ngày gặp gỡ phật tử ở mọi miền đất nước, Thầy lo lắng và thương xót thân tứ đại của các cụ, các bác đã báo động thời gian còn lại không bao lâu nữa. Rồi đây kẻ ở người đi và đi mãi mãi, nhưng đi về đâu các bác các cụ có biết không?
Sự ra đi không hẹn ngày, và không bao giờ trở lại, gặp nhau hiện giờ rồi đây sẽ không còn gặp nhau nữa. Phải không các cụ, các bác? Vĩnh biệt các cụ, các bác! Nhưng các cụ, các bác còn nhớ những lời Thầy dạy chăng?
Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là nơi các cụ, các bác về khi bỏ thân tứ đại này. Nơi đó mãi mãi không còn tái sinh luân hồi nữa; nơi đó không còn khổ đau nữa các cụ, các bác ạ! Nơi đó là nơi chư Phật ba đời đều an trú.
Trước kia trong những ngày từ Nam ra Bắc Thầy gặp các cụ, các bác trong chiếc thân tứ đại rồi ngày mai sẽ gặp các bác các cụ trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự. Các cụ, các bác có biết không? Nếu các cụ, các bác giữ gìn được trạng thái ấy, bằng không thì Thầy trò khó gặp nhau nữa các cụ, các bác ạ!
Muốn giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự là một việc làm đâu phải dễ. Nếu không ngay từ bây giờ, lúc thân tứ đại còn khoẻ mạnh, còn sức lực, còn sáng suốt mà không lo tu tập, đợi đến khi thân tứ đại già nua, mỏi mòn, yếu đuối thì tu tập và rèn luyện làm sao kịp nữa. Lúc bấy giờ có muốn giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì giữ gìn làm sao được nữa, quá muộn rồi.
Nghiệp lực quá mạnh khi nó đến thăm viếng các cụ, các bác, lúc bấy giờ các cụ, các bác không còn sức chịu đựng được nữa, tinh thần không còn minh mẫn sáng suốt, nhiều khi nó làm cho các cụ, các bác hôn mê không còn biết gì cả, sống mà như chết. Giờ phút ấy còn gì nữa hỡi các bác các cụ? “Nghiệp tương ưng luân hồi”. Hết một kiếp người rồi mãi mãi...Ôi! Một sự luân hồi đầy khổ đau, nào ai biết phải không các cụ, các bác?
Các cụ, các bác cứ hình dung tưởng tượng từ khi chết đến khi tái sinh nằm trong bụng mẹ là một chuỗi dài khổ đau vô cùng, vô tận của kiếp người. Chết thì trăn trở rã rời cơ thể, đau nhức, mệt nhọc... Sinh thì nằm co trong bụng mẹ, ngâm mình trong chất nhơ bẩn, uế trược, chật chội, cựa quậy khó khăn vô cùng. Đó là một cuộc tái sinh luân hồi khổ đau như vậy. Thế mà mọi người không ai biết sự khổ đau này các bác, các cụ ạ!
Muốn chấm dứt tái sinh luân hồi thì ngay từ bây giờ các cụ, các bác phải siêng năng tận lực tu tập, rèn luyện trước “Các chướng ngại pháp thiện hay ác, vui hay buồn đều phải buông xuống, buông xuống cho thật sạch”. Nhưng phải buông xuống như thế nào đây?
Buông xuống bằng phương pháp hướng tâm, bằng phương pháp như lý tác ý, bằng phương pháp quán tư duy, bằng phương pháp nhân quả, bằng phương pháp Định Niệm Hơi Thở; bằng phương pháp tác ý tâm thanh thản an lạc và vô sự; bằng tri kiến giải thoát.
Các cụ, các bác tuổi cao thì nên dùng một câu tác ý này thì sẽ buông xuống sạch: “Tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự, các pháp thế gian là pháp vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta cả. Tất cả đều là pháp khổ đau, phải buông xuống và chấm dứt ngay liền.” Khi tác ý như vậy xong các cụ, các bác nên tác ý tiếp để dẫn thân tâm vào chỗ không đau khổ.
Nếu tâm đang bị khổ đau thì các cụ, các bác nên tác ý câu này: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh tâm hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Tác ý xong liền đưa tay ra, vô, đếm đúng năm lần rồi lại tác ý như câu trên. Nếu thân bị bệnh đau nhức bất cứ chỗ nào, bất cứ bệnh gì thì các cụ, các bác nên tác ý câu này: “Thọ là vô thường, cái bệnh nhức đầu này (hoặc bệnh gì nói rõ tên ra) phải ra khỏi thân ta. An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Khi tác ý rồi im lặng đưa tay ra vô cho đúng năm lần rồi lại tác ý như trước. Cứ thế mà tiếp tu tập cho đến 10 phút hoặc 20 phút thì cảm thọ đau trong thân sẽ chấm dứt.
Còn khi thân không bệnh đau nhức và tâm không có chướng ngại pháp thì nên tác ý giữ tâm bất động: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tất cả các pháp không phải là Ta, không phải của Ta, phải đi ra khỏi thân tâm Ta. Ở đây chỉ có tâm bất động mà thôi”. Khi tác ý xong ngồi im lặng lắng nghe thân tâm bất động, chỉ khi nào có niệm, có cảm thọ thì mới tác ý trở lại.
Kính thưa các cụ, các bác! Các cụ, các bác hãy nhớ: Hiện giờ khi thân còn mạnh khỏe thì hãy cố gắng siêng năng tu tập đừng bỏ qua một thời gian nào cả, dù một phút, một giây hay một sát na ngắn ngủi, vì thời gian tuổi đời của các cụ, các bác còn lại rất quý:
“Tấc bóng thời gian một tấc vàng
Tấc vàng tìm được không gì khó
Tất bóng thời gian khó hỏi han”.
Hãy giao mọi việc lại cho các con cháu, chúng nó đều trưởng thành, trở thành những người gánh vác mọi việc tốt đẹp. Còn phần các cụ, các bác hãy tự lo cứu mình thoát ra biển khổ sinh tử đang nổi phong ba bão táp; hãy tự thắp đuốc lên mà đi, không ai đi thay con đường đó cho các cụ, các bác, mà hãy tự lo cho mình, vì thời gian còn lại quá ít.
Những thời gian còn lại chỉ đủ để các cụ, các bác luyện tập chuẩn bị cho mình có đầy đủ nội lực, sức tỉnh thức cao tột để khi giặc sinh tử đến thăm là sẵn sáng chiến đấu tận cùng.
Khi chuyên cần tập luyện và giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì nó có một nội lực rất mạnh, một sức đề kháng kinh khủng, nó sẽ giúp cho các cụ, các bác đẩy lùi mọi chướng ngại pháp như: bệnh tật, phiền não, tai nạn, sợ hãi, lo rầu, thương ghét, giận hờn v.v... Chính vì thế nó giúp cho các cụ, các bác giữ gìn tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ.
Khi nghiệp đến với các cụ, các bác thì chỉ cần tác ý: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tất cả các pháp đều vô thường hãy đi đi! Không được ở trong thân tâm Ta nữa. An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Tác ý như vậy xong cứ đưa tay ra vô với lòng kiên gan, bền chí; với ý chí dũng mãnh, đầy đủ nghị lực thì không có chướng ngại nào mà còn tồn tại trong được.
Chỉ cần tác ý ba bốn lần thì chướng ngại pháp sẽ không còn tác động vào thân tâm của các cụ, các bác nữa, nhưng các cụ, các bác phải nhớ kỹ, khi muốn đẩy lùi các chướng ngại pháp thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, vì giới luật là thiện pháp, chúng sẽ chuyển tất cả nghiệp báo khổ đau nhiều đời nhiều kiếp của các cụ, các bác. Trong khi đó để giúp giới luật chuyển biến nhân quả mau lẹ thì dùng pháp như lý tác ý như trên đã dạy. Nhờ có hai pháp:
1- Giới luật.
2- Pháp như lý tác ý.
Hai pháp này sẽ giúp các cụ, các bác đẩy lùi các chướng ngại pháp và không còn một ác pháp nào tác động vào thân tâm các cụ, các bác được.
Trước khi từ giã cõi đời này chỉ có pháp môn trên thân quán thân để nhiếp phục mọi tham ưu mới có đủ năng lực giúp các cụ, các bác thoát khổ và chấm dứt luân hồi sinh tử.
Trên thân quán thân đó là pháp trụ để nhiếp phục do sức tỉnh thức cao, còn sức tỉnh thức chưa cao như các cụ, các bác thì nên dùng pháp Như lý tác ý mà đức Phật thương xót để lại cho chúng ta ngày nay, đó là pháp diệt trừ các lậu hoặc đệ nhất.
Thưa các bác, các cụ! Các cụ, các bác hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ Kheo, có như lý tác ý, lậu hoặc chưa sinh thì không sinh, lậu hoặc đã sinh thì đoạn diệt”. Một pháp bảo quý báu vô giá không có vàng bạc châu báu ngọc ngà kim cương đem so sánh được, xin các cụ, các bác nhớ kỹ cho.
Các cụ, các bác hãy nhớ ôm chặt pháp Như Lý Tác Ý như cầm thanh gươm thư hùng kiếm trước giặc sinh tử; như Triệu Tử Long Đương Dương Trường Bản trước quân Tào trùng trùng lớp lớp mà không hề nao núng. Có như vậy mới làm chủ giặc sinh tử; có như vậy mới có ngày ca khúc khải hoàng làm chủ sanh, già, bệnh, chết.
Như trên đã nói, chỉ có pháp môn Như Lý Tác Ý này giúp các cụ, các bác thoát khổ đau và chấm dứt luân hồi. Xưa kia vì thương xót chúng sanh nên Ngài dạy cho chúng ta pháp môn mầu nhiệm này như cây chổi thần để hằng ngày quét sạch tất cả các ác pháp khiến tâm chúng ta không còn lậu hoặc.
Đây là pháp ngăn ác diệt ác pháp tuyệt vời; đây là thanh gươm thư hùng kiếm ngăn giặc sanh tử giữ vững thâm tâm như tường đồng vách sắt; đây là chiếc phao các cụ, các bác hãy ôm cho thật chặt, dù cho sóng to gió dữ của nghiệp thân như thế nào cũng không được bỏ phao, phải giữ gìn không được rời tay để đến bờ bên kia. Nếu không giữ gìn chặt buông pháp tức là buông phao, các cụ, các bác sẽ chìm xuống đáy biển sanh tử luân hồi mãi mãi muôn đời muôn kiếp. Từ đây Thầy trò không còn gặp lại nhau nữa. Phải không các cụ, các bác?
Được sinh làm người là khó, được gặp chánh pháp lại còn khó hơn!
Hôm nay các cụ, các bác đã hội đủ nhân duyên, nên mới gặp được cả hai? Các cụ, các bác đừng dễ duôi, phải siêng lo tu tập rèn luyện thân tâm để thoát khỏi vòng tay sinh tử luân hồi.
Các cụ, các bác có biết chăng? Thế giới này là thế giới của nhân quả, vì thế, nhân quả luôn luôn làm chủ, nhân quả luôn luôn sai khiến con người và vạn vật, chúng thường giam cầm và biến mọi người mọi vật thành những nô lệ. Vậy các cụ, các bác làm sao thoát ra khỏi ngục tù và thoát kiếp nô lệ này?
Các cụ, các bác có thấy chăng? Chúng bảo các cụ, các bác giận hờn là các cụ, các bác liền giận hờn; bảo các cụ, các bác tham muốn là các cụ, các bác liền tham muốn; bảo các cụ, các bác lo rầu, phiền não là các cụ, các bác liền lo rầu phiền não; bảo các cụ, các bác đau bệnh là các cụ, các bác liền đau bệnh; bảo các cụ, các bác chết là các cụ, các bác liền chết...
Những điều này còn ai là không biết. Phải không các cụ, các bác?
Người đời vô minh, có mắt như mù, có tai như điếc, tâm hồn điên đảo, cứ mãi khư khư cho rằng thân tâm này là Ta là của Ta; cha mẹ vợ con anh chị em là của Ta; nhà cửa, của cải, tài sản, danh vọng v.v… là của Ta.
Mọi người điên đảo đã hiểu sai lầm, vì thế, muôn đời ngàn kiếp phải chịu khổ đau. Các cụ, các bác có biết không?
Thân tâm này vô thường, luôn thay đổi liên tục; mới trẻ đó lại già rồi; mới hôm qua mạnh khỏe, nay đã đau ốm bệnh tật; mới hôm qua còn sống, nay đã chết rồi. Vì thân tâm này vô thường, nó là nơi tập trung muôn sự khổ đau; là ổ bệnh tật. Do đó thân tâm này không phải là của các cụ, các bác; không phải của các cụ, các bác thì dính mắc chấp đắm nó làm gì?. Nó cũng không phải là của các cụ, các bác thì bảo vệ, nuôi dưỡng, giữ gìn nó làm gì?
Các cụ, các bác nên hiểu: trước giờ phút lâm chung thân tâm này tan rã, các cụ, các bác đừng sợ hãi, gan dạ, kiên cường, dù cơn đau như ai cắt ruột, như ai banh da, xẻ thịt cũng chẳng hề dao động, phải bình tĩnh sáng suốt trước giờ ra đi; trước lúc chia tay với mọi người để đi vào lòng đất; phải nhớ dùng pháp Như Lý Tác Ý để giữ gìn thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Thầy trao cho các cụ, các bác thanh gươm thư hùng kiếm chém đá như chém bùn. Các cụ, các bác còn nhớ không?
Hãy nắm chặt trong tay, đừng bao giờ lìa xa nó các cụ, các bác ạ! Lúc cận tử nghiệp kề bên thì các cụ, các bác luôn luôn nhớ câu tác ý: “Tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự, không được dao động, không được sợ hãi, phải bình tĩnh. Tất cả các pháp trên thế gian này đều vô thường không có pháp nào là Ta, là của Ta cả. Hãy buông xuống đi! Buông xuống đi! Buông xuống cho thật sạch”.
Trên giường bệnh hoặc trong cơn hoạn nạn nào các cụ, các bác nên nhớ tác ý câu trên, nó sẽ giúp các cụ, các bác vượt qua biển cả sóng to, gió lớn, bão tố ầm ầm v.v...Trong lúc này chỉ duy nhất còn có một tâm thanh thản, an lạc và vô sự mà thôi. Đó là chiếc phao cuối cùng các cụ, các bác không được bỏ, nếu bỏ nó thì muôn đời ngàn kiếp không bao giờ còn gặp Phật, gặp Thầy nữa, thì sáu nẻo luân hồi khổ đau sẽ đón rước các cụ, các bác.
Thăm và chúc các cụ, các bác đầy đủ gan dạ vững mạnh, lúc nào tâm cũng thanh thản an lac và vô sự.
Thầy của các cụ, các bác.
Trưởng lão Thích Thông Lạc