Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, đông bậc nhất thế giới nhưng là nước nghèo nàn đội sổ bậc nhất thế giới, và cũng có đông người làm thơ nhất cỡ ít ra cả triệu nhà thơ nhưng không thấy tác phẩm lớn mà chỉ thấy các mẩu vụn vẫn được gọi là “thơ hắt hơi”, những thứ bé hơn cả chuồng gà chuồng vịt. Tại sao? Bởi vì người Việt chỉ háo danh hão huyền nhắm vào vụ lợi “tham bát bỏ mâm” gắp cho mình, nên đất nước mới nghèo nàn lạc hậu và thi ca chỉ là chiếu rách à ơi mua vui bên chén rượu nhạt hay chén trà trong chốc lát. Hôm nay tôi xin bàn vào việc này.
Số lượng hơn 24.000 tiến sĩ Việt, kết quả thế nào? Nếu mỗi tiến sĩ chỉ cần viết một bài tiểu luận, thì chúng ta sẽ có ngần ấy bài, và in được khoảng 240 cuốn sách dầy dặn với mỗi cuốn có 100 bài. Nhưng than ôi, làm gì có ai thấy hơn hai trăm cuốn sách đó, mà 24 cuốn cũng không?
Chúng ta nghĩ gì khi một tiến sĩ không viết nổi 1 bài tiểu luận? Vậy thì 1 luận án bảo vệ tiến sĩ của người ta dầy hơn một trăm trang A4 lại không hơn một tiểu luận chỉ nghìn chữ thôi sao? Có một vụ án đã vỡ lở tại Việt Nam, một kẻ vừa tốt nghiệp đại học ra trường đã dịch vụ làm luận án cho hơn trăm tiến sĩ bằng cách vào các thư viện sao chép các đoạn tài liệu. Điều đó nói lên cái gì? Đó là những tài liệu vô hồn, chỉ có số liệu mà không có phán đoán, nhưng như vậy cũng đủ cho một bằng tiến sĩ. Ở Việt Nam, tôi được biết trong nhiều khoa người ta chấm lẫn cho nhau để có 100% thạc sĩ, người nào cũng nhận điểm suýt soát tối đa “nắm phải chim” tức là “chín phẩy năm”.
Chính vì tiến sĩ của ta đa số là chép tài liệu, đẩy đít như không cần có ngoại ngữ, hoặc ú ớ mấy từ, không cần biết phán đoán cá nhân, mà như nhân gian nói, chúng ta chỉ là “tiến sĩ giấy”, có thể ăn được, nói được, chém gió rất tài, nhưng lại không làm được. Việc viết được luận án tiến sĩ ư? Đó chỉ là trong khoa, trong trường chấm “nội bộ” lẫn nhau, nhưng việc viết một bài tiểu luận hay một cuốn sách chuyên luận là rất khó, bởi lẽ việc đó phải hiện diện trước công luận, chứ không phải thứ úm ba la chém gió trong nhà. Ngành văn học là dễ thấy nhất, có cả triệu người đã học trình độ đại học, nhưng cả nước không có đủ chục người có khả năng viết phê bình văn học. Còn các ngành khác? So với Nhật Bản hay Hàn Quốc, các chuyên gia tính, số đăng ký bản quyền phát minh ở Việt Nam kém hơn cả nghìn lần. Than ôi, lượng tiến sĩ của mình thì đông gấp năm lần người ta, nhưng bằng phát minh thì chưa được một phần nghìn. Nghĩa là chúng ta chỉ có bằng giấy không thể nào ra quả được.
Ở đời ai cũng khát danh vọng, bởi vì cái đó là biểu hiện của vinh quang cũng như sự tôn trọng. Đó là điều chính đáng! Một viên sỏi ném xuống nước còn sủi bọt lên, làm người mà vô tăm tích như bèo trôi trên sông không để lại dấu vết gì thì cũng thật buồn. Nhưng như người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”. Còn người phương Tây có phương ngôn “Người ta được quí trọng ngang với những gì cống hiến cho mọi người”. Nếu ta không cống hiến hay hy sinh cái gì cho người khác, thì làm sao muốn người ta trọng thị mình? Anh vĩ đại ư? Nhưng anh đã làm gì để thành vĩ đại? Thi hào Goethe nói cụ thể: “Mọi vinh quang phải đi kèm với công lao”. Nằm ngủ gãi háng để rồi vinh quang sẽ rơi xuống như nhện rơi từ trần nhà xuống người mình ư? Trong tự nhiên, cũng có cả qui luật huyền bí, đó là nhện sẽ không bao giờ rơi xuống kẻ vô tích sự, bởi vì “nhện sa sà đón xin đừng vội lo”.
Người phương Tây họ cũng háo danh, nhưng háo danh bằng cách nhảy thác Niagara, nghĩa là đem cả mạng sống mình để đổi lấy sự nổi tiếng còn hơn phải chết buồn trong cuộc đời buồn tẻ không phát xạ bất cứ đốm sáng nào khác thường. Rồi người ta đăng ký các kỷ lục Guinness từ tâng bóng, đến đá cầu hay ăn ớt… Đó chí ít là vinh quang cụ thể mà người ta làm được. Nhưng còn các tiến sĩ ở ta? Họ tung mọi tiền bạc ra chạy cán đích có phải để ẵm chiếc bằng là vinh quang chữ nghĩa? Không, cái bằng đó là thứ để đổi lấy một cấp bậc cụ thể hay mức lương nào đó. Có cả các vị quan đã cho cả người đi học hộ mình mong lĩnh bằng cho việc thăng chức.
Còn việc làm thơ? Có phải người Việt rất yêu thơ không? Không hề! Vì một người yêu âm nhạc hay ca khúc, nghe tiếng nhạc họ liền nhún nhảy hát theo, không cần để ý bài hát đó là của ai sáng tác. Ngược lại người làm thơ xứ ta, yêu thơ đến độ chỉ thích đọc thơ mình, thơ của ai dù hay mấy cũng bị bỏ ngoài tai. Thực ra đó chỉ là người bán hàng, muốn giật loa khỏi tay người khác để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Nhưng đây là bi kịch lớn nhất của thơ Việt, sau khi giật được loa, chiếm được sàn diễn trên báo, ngồi ì cả mấy chục năm nhưng không biết quảng cáo sản phẩm của mình có gì.
Làm thơ ở Việt Nam chỉ là cách để người ta háo danh nhanh nhất và lười biếng nhất. Cụ thể, một câu lạc bộ thơ bên phía bắc sông Hồng, sau thời gian đua nhau ra các tập thơ mỏng như tờ rơi, họ liền tiến vào báo văn nghệ của thủ đô, làm vài trang ra mắt chào mừng, liên hoan với nhau mấy can bia to tướng cùng lạc luộc. Điều ấy có vui không? Có! Nhưng nếu chỉ có vậy thì không sao? Đừng này sau khi đăng báo, mấy vị thơ nhà quê lại trách móc, tại sao thơ của chúng tôi không được các nhà phê bình khen như thể thơ đã leo lên báo. Chao ơi, thơ từ bùn đất quê nhà được leo lên báo thủ đô quả là quãng đường của phi công Phạm Tuân bay lên vũ trụ, mà không được bình phẩm sáng láng lại chìm xuồng như bia lạc chui vào dạ dầy rồi lại chui ra ư?
Đấy chúng ta thử nhìn cách sống, cách nghĩ, cách sáng tạo của người Việt. Ở Việt Nam không có một chiếc thuyền thúng nào được đặt tên cả. Còn khi đã đóng một con tầu, thì nó phải được đặt tên rồi mang số hiệu. Muốn làm một con tầu thì sao? Nó phải có ý tưởng lớn đầu tiên như đi dường dài hay vượt biển. Rồi phải được lắp đặt bằng các chi tiết nhỏ nhất bằng kỹ thuật. Một người mới loanh quanh trong sân, nghê nga mấy câu thơ sau lũy tre làng, lại là lúc nông nhàn, sao lại khao khát mình nổi danh là nhà thơ thiên hạ. Làm thơ ít ra phải như Nguyễn Du sôi kinh nấu sử, mang “Thanh Tâm Tài Nhân” của Tầu xa vạn dặm về nhà sao chế mới mong “tầu vượt biển” có danh chứ, đằng này chữ nghĩa chưa hết cấp ba, nông binh còn đượm mùi bùn, sao lại đòi ẵm vương miện vinh quang của chữ nghĩa? Như vậy chẳng là ảo mộng hão là gì?
Tất cả mọi người đều khao khát vinh quang! Tôi cũng không nằm ngoài số đó. Chỉ có điều chúng ta nên nhớ “vinh quang phải ngang bằng công lao”, mấy vần thơ cảm xúc trong ao nhà không cách gì đóng hộ chúng ta một chiến hạm khổng lồ để vượt đại dương đâu?! Nếu chúng ta không sửa soạn đóng tầu với những khung giàn thép khổng lồ, thì đừng có mơ, con thuyền lá tre bé tẹo dù có xinh xắn mấy của ta bỗng chốc trở thành tầu chạy năng lượng hạt nhân lướt sóng đại dương vù vù. Người đời khuyên “biết mình biết ta”, để tránh ảo tưởng về mình, mỗi chúng ta nên biết phản tỉnh để nhận ra khả năng của mình. Một người nông dân làm thơ để vui chơi, không sao cả, nhưng người đó muốn nằm mơ thành thi hào xuất chúng thì không tốt. Càng dở hơn nếu người đó có người chống lưng mong ước hộ mình, câu lạc bộ thơ làng ta sẽ lên báo hết, và sau bữa bia lạc chúng ta sẽ trở thành các nhà thơ được giới phê bình tung hô. Những chiếc thuyền thúng đừng nên nghĩ có một phép lạ nào để nhập nhèm đứng cạnh khoe vóc dáng với tầu sân bay.
Muốn nước nhà hùng mạnh, chúng ta nên có tư duy làm tầu lớn từ khung thép đến sàn tầu. Còn nhanh và tiện như làm thuyền thúng ư, một triệu cái thuyền thúng vẫn chỉ là thứ bé bỏng vô danh mà thôi.