“…Tất cả những vùng nông thôn xa kinh đô thì việc áp dụng luật pháp là điều hiếm khi xảy ra vì chẳng có ai kiểm soát và đảm bảo người dân tuân theo đúng luật pháp…”
Trước hết, xin được nói cho rõ rằng tôi viết bài viết này không phải là để hạ thấp nghề nông hoặc thể hiện sự coi thường người nông dân vì nghề nông không phải là một nghề xấu xa và người nông dân lại càng không phải là những người xấu. Mục đích của bài viết này là để nói về tư duy tiểu nông, một thứ tư duy đã lỗi thời và lạc hậu vẫn còn tồn tại trong cách suy nghĩ và hành động của đại đa số người Việt Nam trong đó có những người đã rời nông thôn lên thành phố sống mấy đời rồi. Tư duy tiểu nông là một trong những bước cản lớn nhất đối với sự phát triển của một đất nước về mọi mặt. Nếu không xóa bỏ được tư duy tiểu nông thì mọi cuộc cách mạng thay đổi thể chế đều chỉ là hình thức và cơ bản là không thay đổi được gì.
Tại sao đại đa số người Việt vẫn còn mang nặng tư duy tiểu nông?
Các nước phương Tây không phải ngẫu nhiên mà họ có thể phát triển vượt bậc về khoa học kĩ thuật và luôn dẫn đầu trong mọi sự phát triển theo hướng tiến bộ. Những thành tựu của phương Tây ngày hôm nay là kết quả của lối sống thành thị mà hai cái nôi Hi Lạp và La Mã đã tạo ra ít nhất 3000 năm trước. Người Hi Lạp cổ đại đã xây dựng nên chế độ thành bang với quy hoạch thành phố khá nghiêm chỉnh. Chế độ cộng hòa nguyên thủy cũng được Plato, một triết gia Hi Lạp cổ đại lỗi lạc, đề xuất.
Người La Mã tiếp thu văn minh thành thị của Hi Lạp và phát triển nó một cách triệt để. Những tàn tích còn sót lại của Rome cổ cho thấy nơi đây đã từng là một thành phố được quy hoạch rất quy củ và bài bản: các con đường được lát bằng đá, trung tâm thành phố có quảng trường xây bằng cẩm thạch, có đấu trường Colloseum chứa được trên 50,000 khán giả. Đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước của thành Rome với những đường ống dẫn nước từ các suối khoáng ngầm về cung cấp quanh năm cho những nhà tắm công cộng trong thành phố và hệ thống cống rãnh hoạt động rất hiệu quả.
Người La Mã mở rộng đế chế của mình khắp châu Âu và mang theo cả những quy hoạch thành thị đó đến thuộc địa và buộc các bộ lạc châu Âu còn mông muội theo lối sống thành thị. Về mặt chính trị, người La Mã đã thành lập chế độ cộng hòa đại nghị (senatus populusque) với hai viện đầu tiên để đáp ứng với nhu cầu chính trị của thành thị. Và xin nhắc lại họ đã làm được điều đó gần 3000 năm trước chứ không phải mới đây.
Việt Nam mặc dù được xem là có một lịch sử hơn 4000 năm nhưng đó là 4000 năm dài của chế độ quân chủ tập quyền với hơn 1000 năm hoàn toàn Bắc thuộc. Cũng như nhiều nước châu Á khác, nền kinh tế của Việt Nam là một nền nông nghiệp lạc hậu phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong suốt 1000 năm bị Trung Quốc đô hộ, chúng ta đã bị tư tưởng Khổng Nho đồng hóa hoàn toàn. Tư tưởng Nho giáo sở dĩ bám rễ sâu như vậy vào trong tâm thức người Việt bởi vì nó hoàn toàn phù hợp với lối kinh tế nông nghiệp lạc hậu và chế độ chính trị tập quyền.
Cuộc xâm lược của thực dân Pháp vào thế kỷ 19 tuy gây ra nhiều đau thương cho dân tộc nhưng không thể phủ nhận giá trị tích cực của nó khi chính người Pháp đã mang đến những khái niệm về đô thị và cuộc sống thành thị tiến bộ hơn rất nhiều. Các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng đều là do người Pháp xây dựng với quy hoạch hết sức chỉn chu. Nếu không có người Pháp, chúng ta đã không có được những cây cầu lớn như cầu Long Biên hay tuyến đường sắt Bắc Nam mà bây giờ vẫn còn sử dụng tốt.
Người Mỹ đến Việt Nam không lâu như người Pháp và chỉ ảnh hưởng đến miền nam nhưng trong hai mươi năm (1954-1975), họ đã đủ khiến cho miền nam trở nên hiện đại về mặt vật chất và tiến bộ về mặt tư tưởng hơn miền bắc rất nhiều. Tuy nhiên, sự xuất hiện của người Pháp và người Mỹ là quá ngắn ngủi so với chiều dài 4000 năm phong kiến và nông nghiệp lạc hậu nên với những cuộc cách mạng bạo lực dưới danh nghĩa “đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc” dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nông mà nông dân là chủ đạo, chúng ta cuối cùng cũng quay trở lại tư duy tiểu nông lạc hậu trong khi các nước châu Á khác đã tiến lên rất xa.
Hậu quả lớn nhất mà ai cũng thấy là Việt Nam ta ngày càng tụt hậu, tài nguyên khoán sản bị khai thác đến mức kiệt quệ, các thành phố lớn ngày càng xuống cấp và tràn ngập lối sống xô bồ vô tổ chức của những kẻ “lái siêu xe theo phương pháp đánh xe bò”. Không phải ai sống ở thành thị đều có nếp sống của người thành thị nếu đầu óc của họ vẫn mang nặng tư duy tiểu nông lạc hậu cho dù họ đã sống mấy đời ở thành phố đi nữa.
Mười đặc điểm của một kẻ có tư duy tiểu nông:
Tôi đã từng sống ở một thị trấn nhỏ ở Mỹ gần 6 năm trời. Đây là một thị trấn nông nghiệp của bang Louisiana, một bang có nền kinh tế nông nghiệp miền nam nước Mỹ. Nhưng ở đây cuộc sống rất yên bình, thành phố nhỏ nhưng rất sạch sẽ, không khí trong lành, nhà cửa xây cất theo đúng quy hoạch đều nhau con người thân thiện và văn minh. Tất cả mọi thứ từ con người đến đường phố mọi thứ đều rất hiện đại và ngăn nắp, chỉ không đông đúc náo nhiệt như các thành phố lớn mà thôi. Vùng nông thôn của nước Mỹ không hề có dấu hiệu của sự lạc hậu. Bạn bè và học trò của tôi, những người đã từng đặt chân đến các nước trong khối liên minh châu Âu đều có những trải nghiệm tương tự khi đến những vùng nông thôn ở Hà Lan hay Pháp.
Trong khi ở các đô thị lớn và hiện đại nhất Việt Nam như Sài Gòn hay Hà Nội, sự xô bồ và lạc hậu hiện diện ở khắp nơi, từ việc nhà cửa xây cao thấp chen chúc vô tội vạ cho tới chạy xe chen lấn leo lề vượt đèn đỏ, tới việc xả rác phóng uế bừa bãi, cho tới cách làm việc lề mề lười biếng vô trách nhiệm của người dân. Điều này chứng tỏ cứ không phải sống ở nông thôn thì sẽ lạc hậu mà sống ở thành thị thì chắc chắn sẽ tiến bộ. Những vùng nông thôn ở các nước phát triển đã được hiện đại hóa từ lâu và người nông dân ở đó đã đoạn tuyệt với lối canh tác lạc hậu gần cả thế kỉ. Tư duy của họ không còn là tư duy tiểu nông nữa. Trong khi ở Việt Nam, tư duy tiểu nông lạc hậu vẫn là tư duy chủ đạo từ trong cách quản lý của chính quyền cho tới lối sống của người dân. Sau đây là mười đặc điểm của tư duy tiểu nông.
1. Sống và làm việc tùy tiện không theo nguyên tắc: Nghề làm nông vốn không cần phải tuân theo những nguyên tắc khắt khe như công nghiệp hay khoa học. Ví dụ người nông dân cứ theo tiếng gà gáy mà thức dậy để chuẩn bị ra đồng hoặc nhìn trời áng chừng khi nào mặt trời đứng bóng thì nghỉ tay cày cuốc. Nếu hôm nào khỏe họ sẽ làm nhiều hơn một tí, hôm nào mệt trong người thì về sớm thậm chí nghỉ một buổi cũng chẳng sao.Trên những con đường làng ở nông thôn, người ta sẽ đi vào chỗ nào có bóng râm hoặc đường bằng phẳng chứ không quan tâm nó là bên phải hay bên trái. Đi ngoài đường nếu có nhu cầu vệ sinh thì cứ tấp vào bụi rậm nào đó giải quyết rồi đi tiếp.
Nếp sống ở nông thôn và công việc nông nghiệp tạo nên thói quen tùy tiện: hễ cái gì tiện lợi cho mình thì mình làm, không quan tâm đến nguyên tắc luật lệ hay việc làm của mình ảnh hưởng tới người chung quanh thế nào. Hệ lụy của lối sống không nguyên tắc này là lối sống bát nháo của người Việt ở các thành phố lớn: phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ leo lề, vừa chạy xe vừa nhắn tin hay nói chuyện điện thoại, đến chỗ công cộng thì chen lấn không chịu xếp hàng...
2. Coi lệ trọng hơn luật: Ở các nền văn minh thành thị như Hy Lạp và La Mã cổ đại, pháp luật rất được coi trọng và được áp dụng triệt để trong việc quản lý đô thị. Những từ “politics” (chính trị), “policy” (chính sách), “police” (cảnh sát) đều bắt nguồn từ chữ “polis” trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là “thành thị” mà ra. Đế quốc La Mã cổ đại đã mang pháp luật của đế chế mình khắc lên 12 tấm bảng bằng đồng hoặc bằng đá đặt ở những nơi công cộng như quảng trường hay chợ búa để nhắc nhở người dân tuân thủ luật pháp. Những người phạm tội sẽ chiếu theo điều luật khắc trên đó mà xử trước công chúng để đảm bảo tính công minh. Điều này tạo nên thói quen tôn trọng pháp luật ở các nước phương Tây từ rất lâu đời.
Trong khi đó, Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cho đến trước thời Pháp thuộc không có khái niệm đô thị ngoài kinh đô ra. Tất cả những vùng nông thôn xa kinh đô thì việc áp dụng luật pháp là điều hiếm khi xảy ra vì chẳng có ai kiểm soát và đảm bảo người dân tuân theo đúng luật pháp. Ngược lại, những tục lệ mang tính vùng miền, những thứ truyền thống từ xưa để lại và tình cảm cá nhân là những hệ quy chiếu thường được áp dụng để giải quyết vấn đề mỗi khi xảy ra việc. Không phải ngẫu nhiên mà tục ngữ Việt Nam có câu: “Phép vua thua lệ làng” khi nói đến việc tuân thủ pháp luật của người dân.
3. Giải quyết vấn đề theo cảm tính và thiếu tính logic: Chính sự tùy tiện và không tuân thủ nguyên tắc của cuộc sống nông thôn dẫn đến việc giải quyết vấn đề theo cảm tính chứ không mang tính logic. Chúng ta thích quan tâm đến “yêu” và “ghét”, “thắng” hoặc “thua” nhiều hơn là “đúng” hay “sai”. Người Việt ta ngay cả những bạn trẻ có bằng đại học thường gặp khó khăn trong việc giải thích một vấn đề theo trình tự logic hoặc đưa ra giải pháp có tình có lý khiến việc giao tiếp trong công việc kém hiệu quả. Điều gì không giải thích được thì đổ cho quỷ thần trời đất hoặc số phận rồi né tránh.
Người phương Tây tiếp xúc với khoa học kỹ thuật từ thời kỉ nguyên khai sáng và cách mạng công nghiệp nên họ quen với giải quyết mọi vấn đề dựa trên sự biện chứng khoa học chính xác. Họ biết cách nhìn nhận vấn đề một cách bao quát và chi tiết và tìm cách diễn giải cho người nghe dễ hiểu để đạt được mục đích truyền đạt. Trong tranh luận của người phương Tây, những luận điệu kiểu: “Tôi thích/không thích như thế đấy, rồi sao?” hoặc “Cái số mình nó vậy đành phải chịu” không bao giờ được chấp nhận.
4. Không có tinh thần trách nhiệm trong công việc: Nền kinh tế dựa trên trồng trọt và chăn nuôi mang tính chất khép kín và tự cung tự cấp, hiếm khi ảnh hưởng đến người nào khác ngoài gia đình mình. Nếu bạn làm siêng một tí thì bạn có nhiều của cải một tí, gia đình bạn sung túc hơn một chút. Nếu bạn lười biếng thì thiệt hại cũng chỉ mình bạn và gia đình bạn gánh. Chính vì vậy, người có lối sống nông thôn phần lớn ít có tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Còn nếu bạn sống ở thành thị với lối sống công nghiệp hiện đại, bạn bắt buộc phải có tinh thần trách nhiệm cao vì tất cả mọi thứ đều liên đới với nhau như những mắc xích trong một dây chuyền, chỉ cần một mắc xích ngưng hoạt động thì cả dây chuyền bị ảnh hưởng ngay lập tức. Bạn chạy xe vô trách nhiệm, tai nạn chết người có thể xảy ra tức thì. Bạn tính toán sai một con số, có thể cả công ty của bạn đều bị thiệt hại nặng nề. Lúc đó bạn không muốn có trách nhiệm cũng không được.
5. Mê tín dị đoan: Nghề nông là nghề phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Người làm nông “trông trời trông đất trông mây/ trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Cuộc sống của họ có ấm no đầy đủ hay không đều do ông trời sắp đặt. Chính vì vậy họ rất mê tín và gần như phó mặc số phận của mình cho đất trời, thần thánh và ma quỷ. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam là một tính ngưỡng đa thần thờ tất cả mọi thứ từ hòn đá ngọn cây cho tới những linh hồn chết oan ức với tâm niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Không ít người tiếng là theo đạo Phật nhưng miếu phủ đền thờ của đạo nào cũng xì xụp khấn vái miễn sao là đạt được nguyện vọng của mình.
Các nước phương Tây theo Công giáo/Tin Lành đã từ lâu đã dẹp được các tín ngưỡng đa thần để bài trừ mê tín dị đoan trong dân, một điều vô cùng có hại cho sự phát triển về nhận thức và phát triển dân tộc. Đối với họ, tôn giáo là niềm tin về mặt tâm linh giúp con người sống tốt hơn, lương thiện hơn chứ không phải là những thứ để phụ thuộc vào mà cầu lợi lộc.
6. Tầm nhìn hạn hẹp: Người làm nông ít khi nào rời xa chốn làng quê của mình. Tầm nhìn về không gian của họ ít khi vượt quá lũy tre làng và mảnh ruộng họ cày cấy. Một năm ra được chợ tỉnh vài lần thì coi như là xa lắm rồi. Mỗi năm trên những tờ báo xuân lại ngập tràn những bài viết kiểu đi xa nhớ quê nhà, nhớ mùi khói bếp, nhớ dòng sông, nhớ cây đa mái đình...cứ lặp đi lặp lại một motif ấy đến phát chán.
Trong khi người Việt Nam cứ thích quanh quẩn ở chốn quê nghèo của mình, các thương nhân và người hành hương Ả Rập cách đây hàng nghìn năm đã viết về những chuyến hải hành vượt qua nhiều vùng đất lạ, Marco Polo của Ý đã đi hết con đường tơ lụa đến tận Trung Quốc để lại cho đời một quyển hồi ký quý giá về các phong tục tập quán những nơi ông từng đi qua. Tầm nhìn về thời gian của người nông dân cũng bó hẹp trong từng vụ mùa hoặc theo từng năm chứ không nhìn được những gì xa hơn thế.
7. Không thích học hỏi và không có chí tiến thủ: Sự hạn hẹp về tầm nhìn không gian lẫn thời gian khiến cho người làm nông dễ thỏa mãn với những lợi lộc trước mắt. Không đi nhiều, không thấy nhiều khiến họ không cần phải suy nghĩ nhiều hay học hỏi nhiều vì không cần phải cạnh tranh như trong thương nghiệp.
Thời gian rảnh rỗi sau vụ mùa là dành cho rượu chè cờ bạc hội hè chứ không phải là để cho việc học hỏi hay tìm hiểu. Cấy lúa gieo mạ hay trồng rau quả cũng không cần đến sự chuẩn xác từng milimet như làm khoa học kỹ thuật, cứ áng chừng là được. Kết quả là mọi sản phẩm đều sơ sài và thô mộc. Cái tính xuề xòa dễ dãi có thể được người ta mến trong giao tiếp thông thường nhưng nó lại là kẻ thù của khoa học, mỹ thuật và cả trong kinh doanh.
8. Tham lợi nhỏ và khôn vặt: Công việc nông nghiệp vốn là công việc cực nhọc về thể xác và không mang lại lợi nhuận cao. Những người xuất thân nông dân một khi đã có cơ hội tiếp xúc với văn minh đô thị chắc chắn sẽ có sự so sánh về những ngành nghề khác ít cực nhọc nhưng kiếm tiền được nhiều hơn. Nhưng với tầm nhìn hạn hẹp và kiến thức có nông cạn, họ khó có thể làm được những chuyện lớn lao đòi hỏi bài bản nghiêm túc.
Chính vì thế những kẻ nửa nông thôn nửa đô thị này sẽ nảy ra những mánh khỏe khôn lỏi để tồn tại được trên thành phố. Vì thiếu tầm nhìn, họ rất dễ bị mờ mắt bởi những lời phỉnh nịnh hoặc những chiêu trò tinh vi đánh vào lòng tham nhỏ nhặt. Việc nông dân Việt Nam bị bọn thương lái Trung Quốc lừa sấp mặt hết lần này đến lần khác mà vẫn không rút được tí ti kinh nghiệm nào cũng là vì lý do trên.
9. Sợ nhưng tôn sùng bạo lực: Với tính cách tùy tiện và không coi trọng pháp luật, có hai điều khiến cho những người nông dân tuân theo khuôn phép là dùng tình cảm hay lời lẽ ngọt ngào để thuyết phục hoặc dùng bạo lực để trấn áp. Tiếc thay, phương pháp đầu tiên vừa tốn công vừa không hiệu quả với số đông bằng cách dùng bạo lực nên bạo lực được thực hiện triệt để hơn. Chính vì vậy, đa số những người có tư tưởng tiểu nông hay có khuynh hướng sợ hãi nhưng sùng bái bạo lực. Họ bắt buộc phải làm theo một điều gì đó vì họ sợ hình phạt nhiều hơn là vì họ cảm thấy điều đó là điều đúng đắn.
Khi bị áp chế thường xuyên bằng bạo lực, bên trong họ sẽ nung nấu một tính cách bạo lực tiềm tàng mà khi có điều kiện thích hợp sẽ bộc phát rất mãnh liệt. Những kẻ làm cách mạng bạo lực nắm rõ đặt trưng này để kích động nông dân làm loạn. Những nông dân hiền lành chất phác khi bị kích động sẽ trở nên cực kỳ hung hãn và dã man. Họ dựa vào sức mạnh số đông để tiêu diệt hết những thứ mà họ cho là sai trái mà không cần biết lý lẽ.
10. Trọng nam khinh nữ: Nghề nông cần nhiều sức lao động tay chân hơn đầu óc. Chính vì thế mà người nông dân luôn muốn có nhiều con trai hơn con gái. Hơn nữa, con trai lớn lên sau này có vợ đẻ con có nghĩa là gia đình thêm sức lao động còn con gái lớn lên gả đi lấy chồng trở thành lao động nhà người ta, bao nhiêu công sức nuôi dưỡng của mình mười mấy hai mươi năm trời trở thành công cốc.
Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước kinh tế dựa trên nông nghiệp lạc hậu đều có quan niệm trọng nam khinh nữ này. Cái tư tưởng này ngấm sâu vào máu đến mức nhiều gia đình ở thành phố vẫn giữ tư tưởng phải đẻ con trai cho bằng được hoặc con gái thì cần gì phải học hành nhiều, sau này miễn là kiếm được tấm chồng tốt để nhờ vả là được rồi.
Để Việt Nam có thể phát triển chúng ta cần một cuộc cách mạng, nhưng không phải là một cuộc cách mạng bạo lực mà là một cuộc cách mạng về mặt tư duy nhằm thay đổi cách suy nghĩ và thói quen sống cũ của người dân. Những người làm điều này phải là những người trí thức trẻ tiến bộ và có tâm huyết với vận mệnh dân tộc. Hãy nhìn thây sự thất bại của đất nước, sự tụt hậu của dân tộc và nhận thức được những sai lầm để quyết tâm thay đổi thì những thế hệ sau này của chúng ta mới có cơ hội ngẩng mặt với đời được.
Viên Huynh