Hỏi: Kính thưa Thầy! Ở kế nhà con có bà lão tuổi cao, sức yếu thế mà ngày nào cũng phải đi bán vé số lo cho hai cháu đi học. Thằng con trai cầu tự của bà cũng chính là cha của hai đứa bé, suốt ngày ăn chơi, rượu chè, cờ bạc về nhà kiếm chuyện đập phá đồ đạc. Đòi tiền bà như là món nợ tiền kiếp. Lúc ở nhà con thường qua lại nói chuyện với bà. Bà mến con lắm. Nhìn tình cảnh của bà mà con động lòng thương. Con muốn nói lời nào đó an ủi bà, giúp bà vui vẻ trả nghiệp, vượt qua đau khổ mà suy nghĩ mãi không ra. Thầy có thể giúp con không?
Đáp: Bà lão này nợ đứa con trai và hai đứa cháu trong đời trước, đời này chúng sinh ra để đòi nợ, cho nên bà không bỏ được mà phải vất vả bán vé số nuôi hai cháu, nhưng còn phải đưa tiền cho cậu con trai đi nhậu, nếu không có tiền đưa nó thì đập nhà phá cửa. Thật là tội nghiệp cho bà, nhưng luật nhân quả ai gieo thì phải gánh chịu, dù chúng ta có thương giúp đỡ nhưng nghiệp nhân quả bà đâu trốn khỏi.
Con thương bà nên khuyên bà đừng buồn rầu, đừng than thân trách phận mà hãy vui lòng trả món nợ tiền kiếp. Vui vẻ chấp nhận khi con trai về xin tiền bà hãy vui lòng mà vét sạch tiền cho nói với tâm không buồn rầu, không trách mắng. Đối với luật nhân quả muốn chuyển hóa thì phải vui vẻ và giữ gìn tâm bất động, xem như không có việc gì xảy ra. Khi nhân quả đến, đến với sự khắc nghiệt cay đắng đến mức độ nào, dù cho có chết ta cũng giữ gìn tâm bất động, chẳng sợ hãi, chẳng khiếp đảm thì ngay lúc ấy ta đã chuyển hóa nhân quả. Nếu chỉ có một chút xíu sự buồn phiền, than trách trong lòng, là ta bị nhân quả chuyển hóa tức khắc; là ta đang tạo thêm nhân quả.
Con muốn giúp bà thì nên khuyên bà vui vẻ sẵn sàng tha thứ cậu con trai, thì mới chuyển đổi cậu con trai sẽ trở thành người tốt, lo làm ăn nuôi dưỡng hai cháu và phụng dưỡng bà. Nhân quả chỉ có sống thiện, làm thiện thì mới chuyển đổi được, còn sống ác làm ác thì không bao giờ chuyển đổi được nhân quả mà còn gia tăng thêm.
CHẾT LÀ SỰ NỐI TIẾP CỦA LUẬT NHÂN QUẢ
Hỏi: Kính thưa Thầy, bên kia cõi chết, tử thần đã cướp đi người bạn đời của con, hiện nay đời sống bỗng trở thành vô vị, cuộc đời đầy tẻ nhạt, chán chường, hạnh phúc đã mất đi không bao giờ trở lại. Người ấy đã đi xa, đi mất, số phận duyên nợ chỉ có thế thôi.
Nhưng có lúc con cầu mong cho họ được bình an, nhưng con lại thấy có cái gì không ổn đối với họ. Thân tứ đại này có phải là đất, nước, gió, lửa hợp lại rồi tan đi, đó là số phận phải không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ cho con biết!
Ðáp: Không có sự sống sau khi chết, mà chỉ có sự nối tiếp của luật nhân quả. Với trí hữu hạn của con người không thể hiểu thấu được sự tiếp nối của định luật nhân quả luân hồi, nên thấy có sanh và có tử. Sự thực sanh tử là một diễn biến của luật nhân quả, xác định sự vô thường của các pháp trong thế gian này.
Các pháp trong thế gian này đều chịu luật vô thường, sanh diệt của nhân quả. Vì thế không có pháp nào trong thế gian này ra khỏi sự chi phối của luật nhân quả, nên các pháp thường sanh diệt theo chu kỳ tuần tự của định luật và mỗi pháp phải chịu sự biến dịch.
Người bạn đời của con gặp nhau trong duyên nhân quả để trả vay, vay trả. Khi vay trả xong thì phải theo định luật nhân quả tiếp tục trả vay sự việc khác. Con không thấu hiểu điều đó, nên tạo thêm nhân quả thương nhớ ràng rịt và trói buộc, không phải trói buộc với người đã mất, mà trói buộc với nhân quả tương ưng.
Lòng thương nhớ của con sẽ gặp nhân quả tương ứng với lòng thương nhớ đó để mà trả vay, vay trả. Còn nhân quả kia (người bạn đời của con), đã trả vay xong thì không còn tương ưng với con nữa.
Cho nên, con quá vô minh và điên đảo, đã thương nhớ một nhân quả để rồi phải gặt lấy một nhân quả khác đang trói buộc (kiết sử), để kiếp sống đời đời chẳng bao giờ thoát ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi. Con muốn tu hành giải thoát thì hãy đoạn dứt sợi dây kiết sử này. Sợi dây kiết sử này là con đường tiếp tục sanh tử luân hồi đầy đau khổ mãi mãi.
Tình cảm của con người là một sợi dây rất khó bứt, nếu không thấu suốt được luật nhân quả thì không bao giờ đoạn sạch được “ái kiết sử”. Người tu theo đạo Phật thấy ái kiết sử như là một con rắn độc, nó từng đem đến nọc độc khổ đau cho loài người. Con là một con người đang bị nọc độc của ái kiết sử.
Một người vợ khóc chồng, một người chồng thương vợ là ái kiết sử; một người mẹ thương con, một người con thương mẹ là ái kiết sử. Nói chung, tất cả các tình cảm thương yêu nhau là ái kiết sử.
Người nào đã bi lụy vì tình cảm yêu thương ấy, trong đạo Phật gọi là đã bị nọc độc rắn nhân quả cắn. Kẻ nào đoạn dứt được nọc độc này là kẻ đó làm chủ rắn độc nhân quả. Nếu không làm chủ được nhân quả thì đời đời kiếp kiếp ta sẽ bị nọc độc rắn nhân quả làm cho ta sống trong cảnh khổ đau triền miên, bất tận.
Con cần phải thấu suốt luật nhân quả để không còn buồn khổ vô ích. Trong luật nhân quả, khi một người mất đi thì chỉ còn nghiệp lực của nhân quả tiếp tục tái sanh luân hồi, và người bạn đời của con đâu còn cái gì gọi là người bạn của con. Thế nên, sự thương nhớ của con chỉ là nhớ lại một hình bóng ảo tưởng của con mà thôi.
Cũng như hiện giờ, trong kiếp sống này con có bao giờ nghĩ đến thương người bạn đời trong kiếp quá khứ của mình chăng? Chắc điều đó không bao giờ có phải không con, cũng như người bạn đời của con đã chết, thì trong kiếp khác họ đâu có còn nhân quả để mà nhớ đến con nữa. Trong họ chỉ biết kiếp hiện tại của họ mà thôi. Cũng như con bây giờ cũng vậy, chỉ có vô minh điên dại đi khóc nhân quả.
Nhân quả có nghĩa lý gì đâu, nó là những hành động của con rắn độc ái kiết sử, nó đã làm khổ loài người trên hành tinh này, khiến cho nước mắt của con người còn nhiều hơn nước biển.
Trên hành tinh này, duy nhất chỉ có đạo Phật mới dạy con người về lý nhân quả, không có một giáo phái nào mà dạy chúng ta làm chủ như vậy được. Con đủ phước duyên tu tập, hãy dứt sạch ái kiết sử đó đi, đừng thương vay khóc mướn nhân quả, chẳng có ích gì mà tự con đã làm khổ lấy mình.
Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NPTCB, tập 1, TG. 2011, tr. 190-193
Nguồn: NPTCB, tập 1