Bờ bên này, bờ bên kia

Hỏi: Kính thưa Thầy, nếu thuận tiện xin Thầy cho con được biết: Thầy Thiện Thuận và một số quí Thầy, quí Cô đã tu tập lâu nay tại tu viện như vậy đã chứng đạt quả A La Hán hay chưa? (Câu hỏi của Cư Sĩ Chiêm Tuân)

Đáp: Có lẽ, Chiêm Tuân chưa đọc bài kinh: “Bờ bên này và bờ bên kia” trong tập II Những Lời Phật Dạy nên chưa rõ quả vị A La Hán như thế nào mới có câu hỏi như trên. Nếu đã đọc được bài kinh này rồi thì biết rằng đệ tử của tu viện Chơn Như đã đạt được quả giải thoát không phải là ít, chỉ có những người vô minh ngu si mới ở bờ bên này mà chịu khổ đau.

Người có trí tuệ một chút, sống đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người là quả vị A La Hán ngay tại chỗ đó, chứ còn chờ quả A La Hán nào nữa các bạn. Đúng như vậy đó!

Mục đích của Đạo Phật là thoát khổ đau của kiếp làm người, tức là tâm không còn bị ác pháp tham, sân, si chi phối. Đó là bờ bên kia, là quả vị A La Hán.

Cho nên đệ tử của tu viện Chơn Như, những người trí đều ở bờ bên kia, chỉ có những người không trí mới chịu ở bờ bên này. Có đúng như vậy không quý Phật tử?

Quả A La Hán tu tập đâu phải khó đối với Phật Giáo, chỉ có những người sống phạm giới, phá giới, sống thiếu đạo đức làm người, tu tập những pháp môn viễn vông đầy ảo tưởng, ham thích thần thông, ngồi thiền nhập định “cóc” thì quả A La Hán chứng quá khó.

Câu trả lời của Thầy chính là Đức Phật đã xác định rất rõ ràng trong những tập sách Những Lời Phật dạy xin các bạn đọc kỹ lại từng lời Đức Phật dạy thì không còn nghi ngờ.

Sau cùng Thầy xin thành tâm chúc các bạn luôn ở bờ bên kia và chúc cư sĩ Chiêm Tuân xả tâm tốt.
........................

QUẢ A LA HÁN

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có người cho chúng con biết ý kiến khi đọc xong bức thư Thầy trả lời cho cư sĩ Chiêm Tuân ở trên. Người ấy bảo rằng: “Phật và Thầy nói chứng quả A La Hán thì dễ dàng, nhưng chúng con tu tập sức cùng, lực kiệt mà vẫn chưa nhiếp phục được tâm, nhiều khi tâm thối chuyển muốn bỏ cuộc.

Đáp: Thật đáng thương cho quý Phật tử! Từ lâu quý vị bị ảnh hưởng Đại Thừa đã tưởng nghĩ Phật Giáo là một tôn giáo quá cao siêu vi diệu, ngoài sức lực của con người, không ngờ Phật Giáo chỉ là một nền đạo đức của loài người. Đạo đức không làm khổ mình khổ người. Người có đạo đức là có sự giải thoát. Cho nên sự giải thoát ấy trong tầm tay của quý vị.

Để chứng minh cho lời chúng tôi nói, xin các bạn vui lòng đọc lại những lời Đức Phật dạy thì rõ:

“Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm, đã làm, sau đời hiện tại không có đời nào khác nữa”. Như vậy, này các Gia chủ, được gọi là hạng người không tự làm khổ mình, không chuyên tự làm khổ mình, không làm khổ người, không chuyên làm khổ người; ngay trong hiện tại, không có tham dục, không có khao khát, cảm thấy mát lạnh, cảm thấy lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể”.

Qua lời dạy này, chúng ta suy ra mới thấy rõ: Chính Phật Giáo dạy tu tập giải thoát trong tầm tay của mọi người mà mọi người không hiểu, vì thế biến Phật Giáo thành một tôn giáo ảo tưởng, trong khi giáo lý của Phật chỉ là bốn chân lý của loài người. Bốn chân lý của loài người chỉ là nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Người nào sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình không làm khổ người là người chứng quả A La Hán. Phải không hỡi các bạn?

Chỉ vì các bạn cho quả A La Hán quá cao siêu, ngoài sức lực của bạn, nên mới thấy nó khó, và như ý kiến của các bạn vừa dao động vừa thối lui đã nói ra “chúng con tu tập sức cùng, lực kiệt mà vẫn chưa nhiếp phục được tâm, nhiều khi tâm thối chuyển muốn bỏ cuộc”. Lời nói này chứng tỏ các bạn đã bi quan, tiêu cực trước mặt trận sinh tử, khiến cho các bạn không còn tinh thần tích cực chiến đấu với mặt trận nội tâm.

Chúng tôi xin hỏi và các bạn vui lòng thẳng thắn trả lời, đừng vì vừa lòng chúng tôi:

Các bạn có biết trạng thái Niết Bàn và trạng thái tâm của một bậc chứng quả A La Hán như thế nào chưa? Nếu biết thì các bạn cứ trả lời đi! Còn nếu chưa biết thì xin các bạn hãy lắng nghe chúng tôi trả lời:

Khi các bạn bị một người khác chửi mắng, mạ lị, mạt sát, các bạn tức giận mặt đỏ, tía tai, v.v…Lúc bây giờ trạng thái tâm của các bạn như thế nào? Các bạn có biết không? Đó là địa ngục, là bờ bên này, đấy các bạn ạ! Cũng trường hợp như trên nhưng tâm các bạn bất động không tức giận, luôn luôn thấy thanh thản, an lạc và vô sự. Đó là Niết Bàn, là bờ bên kia, là chứng quả A La Hán các bạn ạ! Như vậy quả A La Hán có khó không các bạn?

Thưa các bạn, khi bạn đến tu viện Chơn Như với mục đích tu tập ly dục ly ác pháp. Vậy hằng ngày tu tập cái gì các bạn có biết không? Nếu các bạn quyết tâm tu tập để tìm cầu sự giải thoát thì ở đó việc làm của các bạn hằng ngày là không làm theo lòng ham muốn (dục) của các bạn. Và các bạn cũng không chấp nhận những ác pháp bên ngoài, thì làm sao chúng tác động vào thân tâm của các bạn được. Rõ ràng khi đến Chơn Như là các bạn chỉ có một việc làm là ngăn, diệt dục và ác pháp. Ngăn, diệt dục và các pháp thì ngay đó là Niết Bàn, là chứng quả A La Hán. Như vậy các bạn đến tu viện Chơn Như là đã đến bờ bên kia. Có phải vậy không các bạn?

Thưa các bạn! Bắt đầu khởi sự tu chứng quả A La Hán là phải tu chứng quả A La Hán trong một giây. Phật dạy: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy…” Như vậy thấy cái gì các bạn? Thấy sự giải thoát, thấy quả A La Hán trong một giây đấy các bạn ạ!

Có chứng quả A La Hán từ một giây, rồi mới đến hai giây, 3, 4, 5 giây… Rồi một ngày, bảy ngày; rồi một tháng, bảy tháng; rồi một năm, bảy năm; rồi mãi mãi chứng quả A La Hán. Có đúng như vậy không các bạn?

Tu viện Chơn Như ngay từ phút giây đầu tiên đã trao tặng cho các bạn quả A La Hán, còn giữ được hay không là do các bạn, chứ tu viện Chơn Như không có giữ gìn giúp các bạn được. Tu Viện Chơn Như đã đưa dắt các bạn qua bờ bên kia, còn ở bờ bên kia hay về lại bờ bên này là do các bạn. Như vậy tu sĩ và cư sĩ tại tu viện Chơn Như tu chứng quả A La Hán không phải ít. Cho nên các bạn hỏi tu sĩ và cư sĩ tại tu viện Chơn Như có ai tu chứng quả A La Hán hay không? Thì xin các bạn hãy hỏi lại các bạn!!!

Và như vậy quả A La Hán không phải khó. Chỉ khó là do các bạn chưa buông bỏ dục và ác pháp, … còn hơi tiếc đời !...

(Trích ở sách: NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN BIẾT tập3 trang172... Trưởng lão Thích Thông Lạc)
---------

BỜ BÊN NÀY, BỜ BÊN KIA (NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY 2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC)

LỜI PHẬT DẠY

“1- Tà kiến, này Bà La Môn, là bờ bên này, Chánh kiến là bờ bên kia.

2- Tà tư duy là bờ bên này, Chánh tư duy là bờ bên kia.

3- Tà ngữ là bờ bên này, Chánh ngữ là bờ bên kia.

4- Tà nghiệp là bờ bên này, Chánh nghiệp là bờ bên kia.

5- Tà mạng là bờ bên này, Chánh mạng là bờ bên kia.

6- Tà tinh tấn là bờ bên này, Chánh tinh tấn là bờ bên kia.

7- Tà niệm là bờ bên này, Chánh niệm là bờ bên kia.

8- Tà định là bờ bên này, Chánh định là bờ bên kia.

9- Tà trí là bờ bên này, Chánh trí là bờ bên kia.

10- Này Bà La Môn, Tà giải thoát là bờ bên này, Chánh giải thoát là bờ bên kia.

Này Bà La Môn, đây là bờ bên này, đây là bờ bên kia”.

“Ít người giữa nhân loại,
Đến được bờ bên kia
Còn số người còn lại
Xuôi ngược chạy bờ này

Những ai hành trì pháp
Theo Chánh pháp khéo dạy
Sẽ đến bờ bên kia…”.
(Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 557)

CHÚ GIẢI:

Theo Phật giáo xác định cho chúng ta thấy hai lộ trình:

1- Lộ trình đau khổ.
2- Lộ trình hết đau khổ.

Lộ trình đau khổ là bờ bên này, lộ trình hết đau khổ là bờ bên kia. Tà là đau khổ, chánh là hết khổ đau; ác là đau khổ, thiện là hết khổ đau.

Đọc đoạn kinh trên đây, chúng ta xét thấy sự giải thoát của Phật giáo rất rõ ràng và dễ dàng không có khó khăn. Bởi vì cần có chánh tri kiến hiểu biết thiện và ác là giải thoát ở ngay đó, như bờ bên này và bờ bên kia.

Đức Phật dạy: “Tà kiến, này Bà La Môn, là bờ bên này, Chánh kiến là bờ bên kia”. Vậy, Tà kiến và Chánh kiến là gì?

Tà kiến là thấy đúng, thấy sai, thấy phải, thấy trái, thấy trắng, thấy đen, thấy tốt, thấy xấu, v.v.. do đó, thường ở bờ bên này chịu nhiều khổ đau.

Chánh kiến là thấy nhân, thấy quả do thấy nhân quả như thật nên ở bờ bên kia không còn khổ đau. Chúng tôi thường khuyên mọi người: “Chớ nhìn mọi việc đúng sai phải trái mà hãy nhìn nó là thiện ác thì cuộc đời các bạn sẽ được an vui và hạnh phúc ngay liền”.

- Đức Phật dạy: “Tà tư duy là bờ bên này, Chánh tư duy là bờ bên kia”. Vậy, Tà tư duy và Chánh tư duy nghĩa là gì?

Muốn hiểu rõ lời dạy này thì phải hiểu nghĩa tư duy. Tư duy là sự suy nghĩ.

Tà tư duy là suy nghĩ một điều gì, điều đó làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Nói cho rõ ràng hơn là sự suy nghĩ làm cho chúng ta buồn khổ, phiền não, tức giận căm ghét, thương nhớ, lo sợ, âu sầu, v.v.. Sự suy nghĩ như vậy là không giải thoát mà đức Phật dạy: “Tà tư duy là bờ bên này”. Bờ bên này là bờ đau khổ, địa ngục. Vì thế, Đạo Phật không chấp nhận những sự tư duy như vậy, đó là những tư duy của người không có trí còn sống trong mê mờ ngu si.

Chánh tư duy là sự suy nghĩ một điều gì mà điều đó không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Chánh tư duy là một sự suy nghĩ làm cho chúng ta không buồn phiền, không làm cho ta tức giận, không làm cho ta lo lắng sợ hãi, không làm cho ta bất toại nguyện, v.v.. Sự suy nghĩ như vậy, mang đến cho chúng ta một tâm hồn an vui và hạnh phúc biến cảnh thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Cho nên, đức Phật dạy: “Chánh tư duy là bờ bên kia”. Bờ bên kia tức là bờ giải thoát.

Nếu cuộc sống mà chúng ta khéo Chánh tư duy như vậy, thì lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc và vô sự, không còn một ác pháp nào tác động được thân tâm thì chúng ta đã chứng quả A La Hán, đâu còn gì mà tu tập nữa. Phải không các bạn? Cho nên, bờ bên kia là bờ của những bậc A La Hán ở.

- Đức Phật dạy: “Tà ngữ là bờ bên này, Chánh ngữ là bờ bên kia”. Vậy, Tà ngữ và Chánh ngữ nghĩa là gì?

Tà ngữ là lời nói ác. Lời nói ác có bốn:

1- Nói lời hung dữ
2- Nói lời đâm thọc
3- Nói lời lật lọng
4- Nói lời không thật

Người nào còn nói những lời ác ngữ là còn ở bờ bên này, bờ bên này là bờ đau khổ. Chính lời ác khẩu là sự đau khổ của người có lời nói ấy, khi ta nói lời tà ngữ ấy là địa ngục mở cửa đón ta.

Chánh ngữ là những lời nói thiện. Lời nói thiện có bốn:

1- Không nói lời hung dữ
2- Không nói lời đâm thọc
3- Không nói lời lật lọng
4- Không nói lời không thật

Lời nói không làm khổ mình, khổ người là lời nói thiện, lời nói ấy là chánh ngữ, nếu ai đã từng nói những lời nói này là người ở bờ bên kia, bờ giải thoát, như vậy chứng quả A La Hán đâu phải khó. Phải không các bạn?

- Đức Phật dạy: “Tà nghiệp là bờ bên này, Chánh nghiệp là bờ bên kia”. Vậy, Tà nghiệp và Chánh nghiệp là gì?

Tà nghiệp là những hành động làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Nếu ai có những hành động như vậy là người ấy đang mở cửa địa ngục, đang ở bờ bên này, bờ khổ đau.

Chánh nghiệp là những hành động không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Chánh nghiệp là những hành động mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta bước vào. Ai từng có những hành động này là ở bờ bên kia. Bờ bên kia là bờ giải thoát, bờ giải thoát là bờ vô lậu. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu phải khó khăn. Phải không các bạn?

- Đức Phật dạy: “Tà mạng là bờ bên này, Chánh mạng là bờ bên kia”. Vậy, Tà mạng và Chánh mạng nghĩa là gì?

Tà mạng là nuôi mạng sống không chân chánh có nghĩa là ăn uống và ngủ nghỉ phi thời, ăn uống không tiết độ, ăn uống những thức ăn độc vào thân, ăn uống thích món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị. Người ăn uống phi thời như vậy là mở cửa địa ngục, là ở bờ bên này. Ở bờ bên này là bờ đau khổ.

Chánh mạng là ăn uống không phi thời, ăn uống có tiết độ, ăn để sống chứ không phải ăn cho ngon, ăn cho bổ mập, ăn những cao lương mỹ vị. Chánh mạng không bao giờ ăn thịt chúng sanh. Chánh mạng là nuôi mạng sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chánh mạng là ở bờ bên kia, bờ giải thoát, bờ vô lậu. Như vậy chứng quả A La Hán đâu phải khó. Phải không các bạn?

- Đức Phật dạy: “Tà tinh tấn là bờ bên này, Chánh tinh tấn là bờ bên kia”.Vậy, Tà tinh tấn và Chánh tinh tấn nghĩa là gì?

Tinh tấn có nghĩa là siêng năng. Tà tinh tấn là siêng làm điều ác, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh. Người siêng năng làm điều ác là người mở cửa địa ngục cho mình là người ở bờ bên này, bờ đau khổ.

Chánh tinh tấn là hằng ngày siêng ngăn ác diệt ác pháp, luôn luôn sinh thiện tăng trưởng thiện pháp. Người nào luôn luôn sống Chánh tinh tấn như vậy là người mở cửa Thiên Đàng, là người ở bờ bên kia, bờ giải thoát, bờ không còn khổ đau. Như vậy, chứng quả A la Hán không có khó khăn, không có mệt nhọc. Phải không các bạn?

- Đức Phật dạy: “Tà niệm là bờ bên này, Chánh niệm là bờ bên kia”.Vậy, Tà niệm và Chánh niệm nghĩa là gì?

Tà niệm là pháp môn của ngoại đạo, người tu tập theo pháp của ngoại đạo như: tụng kinh, niệm chú, niệm Phật bắt ấn, ngồi thiền ức chế tâm, tụng kinh cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, trừ tà yểm quỷ, v.v.. Người nào chuyên tu hành những pháp môn ấy là mở cửa địa ngục, sẽ lọt vào thế giới tưởng, sẽ bị bệnh thần kinh điên khùng, là người ở bờ bên này, bờ bên này là bờ đau khổ, bờ không giải thoát.

Chánh niệm là pháp môn Tứ Niệm Xứ, người nào tu pháp môn này sẽ có giải thoát ngay liền, họ đang ở bờ bên kia, bờ không còn đau khổ, bờ không còn lậu hoặc, chỉ trong vòng 7 ngày, 7 tháng, 7 năm là viên mãn. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu có gì khó khăn. Phải không các bạn?

- Đức Phật dạy: “Tà định là bờ bên này, Chánh định là bờ bên kia”. Vậy, Tà định và Chánh định nghĩa là gì?

Tà định là những thiền định của ngoại đạo, như Bốn Thiền Vô Sắc: Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ Tưởng, Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng, Thiền Tri Vọng, Thiền Công Án, Thiền Minh Sát Tuệ, v.v.. những loại thiền định này không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, không chấm dứt tái sanh luân hồi. Nó là những Tà định là ở bờ bên này, bờ đau khổ, bờ địa ngục không giải thoát.

Chánh định là Tứ Thánh Định, pháp môn thiền định của Phật giáo. Người nào tu tập Tứ Thánh Định là đang ở bờ bên kia, bờ giải thoát. Tứ Thánh Định là pháp môn làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nhưng muốn nhập được Tứ Thánh Định là phải có Tứ Như Ý Túc. Người có Tứ Như Ý Túc là người ở bờ bên kia. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu phải khó khăn. Phải không các bạn?

- Đức Phật dạy: “Tà trí là bờ bên này, Chánh trí là bờ bên kia”. Vậy, Tà trí và Chánh trí nghĩa là gì?

Tà trí là tri kiến không có giới luật, tri kiến không có giới luật là tri kiến ác, ác với mình, với người và ác cả hai, tri kiến không giới luật là tri kiến làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Người có tri kiến này là người khổ đau, người ở bờ bên này, người ở trong địa ngục.

Chánh trí là tri kiến có giới luật như đức Phật đã dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Nếu một người sống có tri kiến và giới luật như vậy, là ở bờ bên kia, bờ giải thoát. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu phải khó khăn như mọi người nghĩ. Phải không các bạn?

- Đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, Tà giải thoát là bờ bên này, Chánh giải thoát là bờ bên kia”. Vậy, Tà giải thoát và Chánh giải thoát là gì?

Tà giải thoát là tu tập cầu mong gặp Tổ, gặp Phật, có thần thông biến hóa tàng hình, biết chuyện quá khứ vị lai, ngồi thiền sinh hỷ lạc, ngồi thiền thấy xuất hồn, ngồi thiền thấy hào quang ánh sáng, nghe âm thinh trong tai, nghe mùi hương thơm ngào ngạt, nghe vị ngọt trong cổ, v.v.. Đó là Tà giải thoát, nên tâm còn tham sân si ngút ngàn, vì thế luôn luôn lúc nào cũng ở bên bờ bên này, bờ đau khổ.

Chánh giải thoát là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tâm không phóng dật đó là ở bờ bên kia, bờ giải thoát, tâm vô lậu. Như vậy, tu chứng quả A La hán đâu phải khó khăn. Phải không các bạn?

Đoạn kinh này xác định có 10 pháp ở bờ bên kia hay nói cách khác là đoạn kinh này dạy chúng ta nên chọn lấy một pháp trong 10 pháp này để sống đúng lời dạy thì luôn luôn ở bờ bên kia tức là chứng quả A La Hán. Cho nên, tóm lược bài pháp này bằng những câu kệ xác định bờ bên này và bờ bên kia. Đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, đây là bờ bên này, đây là bờ bên kia”.

“Ít người giữa nhân loại
Đến được bờ bên kia
Còn số người còn lại
Xuôi ngược chạy bờ này

Những ai hành trì pháp
Theo Chánh pháp khéo dạy
Sẽ đến bờ bên kia…”

Người ở đời vì vô minh lầm chấp cho các pháp thế gian là thật có, nên không dám buông bỏ, vì thế mà chạy xuôi, chạy ngược, chịu khổ đau vô cùng vô tận, chứ không phải chứng quả A La Hán của Phật là khó. Khó là do không buông xả dục và các pháp.

Nguồn: FB PhạmThị Ngọc
Previous Post
Next Post